Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 2 tháng 7, 2020

Khu tưởng niệm Hoàng Sa, nỗi đau và chiếc “bánh vẽ” lòng yêu nước…

Khu tưởng niệm Hoàng Sa, nỗi đau và chiếc “bánh vẽ” lòng yêu nước…

Trần Kỳ Khôi
1-7-2020
Khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa” khởi công từ tháng 1/2016, hơn bốn năm qua, vẫn chưa động đậy. Các nhân vật liên quan đến công trình này phải kể đến ông Đặng Ngọc Tùng, Bùi Văn Cường, Nguyễn Đình Khang, đều là cựu và đương kim Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Nhưng liệu có phải chỉ có trách nhiệm của ba người này thôi?
***
Ông Đặng Ngọc Tùng, sinh ngày 28/8/1952, tại Nghĩa Hà, Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi. Ông Tùng học đại học dưới chế độ VNCH, rồi làm việc ở Tổng cục Phát triển gia cư Sài Gòn.
Sau 1975, ông Tùng đi lên từ phong trào công nhân, công đoàn. Nhờ lý lịch “đỏ”, có bố đi kháng chiến, ông Tùng lên làm lãnh đạo Liên đoàn lao động (LĐLĐ) thành Hồ, rồi Chủ tịch Tổng LĐLĐVN các khóa IX, X và XI; Đại biểu Quốc hội 4 khoá, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng hai khoá XI, XII.

Chủ tịch Tổng LĐLĐ VN Đặng Ngọc Tùng tại đại hội XII. Ảnh trên mạng
Ông Đặng Ngọc Tùng tại lễ đặt đá Khu tưởng niệm Hoàng Sa. Nguồn: Internet

Người ta nhớ đến cái tên Đặng Ngọc Tùng vì ông là một trong số những ít những người Cộng sản có nhân cách. Ông Tùng hiểu được máu của những người con đất Việt, dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam đều phải được vinh danh. Ông xem việc chia sẻ nỗi đau của những người mẹ, người vợ, người con có người thân hy sinh bảo vệ Hoàng Sa năm 1974 và Trường Sa năm 1988 là việc làm rất cần thiết cho cộng đồng và cho quê hương.
Tháng 3/2014, ông Tùng cùng Tổng LĐLĐ phát động chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” để tri ân. Đến tháng 3/2015, Tổng LĐLĐ đã tiến hành giai đoạn 1, xây dựng Khu tưởng niệm 64 chiến sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma – Trường Sa năm 1988, tại bán đảo Cam Ranh, tỉnh Khánh Hoà. Họ, 64 binh sĩ đã chết oan ức dưới đạn pháo của Trung Cộng, bởi lệnh “không được nổ súng” của ông Lê Đức Anh trước đó.
Sinh ra ở vùng biển Quảng Ngãi, ông Tùng muốn làm tiếp Khu tưởng niệm Nghĩa sĩ Hoàng Sa rộng 2 hecta trên núi Thới Lới, phía Đông bắc đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi. Kinh phí dự trù khoảng 70 tỷ đồng, số tiền đến từ lời kêu gọi công nhân và dân chúng đóng góp.
Từ khi phát thảo tượng đài, những tranh cãi đã nổ ra dữ dội, cả trong nội bộ Đảng và trên mặt báo, về việc “có khắc tên các binh sĩ VNCH trên bia tưởng niệm”. Cuối cùng, mọi người thống nhất không khắc tên.

Mô hình Khu tưởng niệm Hoàng Sa

Sáng 17/01/2016, trên đỉnh núi Thới Lới, đảo Lý Sơn, Tổng LĐLĐ phối hợp với tỉnh Quảng Ngãi tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng khu tưởng niệm “Nghĩa sĩ Hoàng Sa”. Đồ án tượng đài mang tên “Người mẹ thắp lửa” do kiến trúc sư Trần Văn Dũng thiết kế. Dự lễ có mặt các ông Trương Hòa Bình, Nguyễn Hòa Bình, Nguyễn Hoài Nam, Đặng Ngọc Tùng, Lê Viết Chữ, cùng nhiều lãnh đạo bộ, ngành và nhân dân Lý Sơn.
Những tưởng “tiền hô hậu ủng” như thế, chắc Khu tưởng niệm sớm được xây dựng và khánh thành. Nhưng không, tất cả đều nếm “bánh vẽ” của lòng yêu nước. Chỉ vài ngày sau ngày đặt đá Hoàng Sa, ngày 21/01/2016 Đại hội XII của Đảng khai mạc.
Sáng 23/1/2016 tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, đại hội thảo luận các văn kiện và nghe báo cáo của BCH Trung ương khoá XI báo cáo công tác nhân sự. Trong bài tham luận của mình, Đặng Ngọc Tùng cho rằng Việt Nam đang đứng trước thử thách to lớn là phải bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, chủ quyền biển đảo quốc gia trong điều kiện Trung Quốc không từ bỏ âm mưu độc chiếm Biển Đông.
Sau khi gay gắt chỉ trích Trung Quốc, ông Tùng đã “thay mặt 9 triệu đoàn viên công đoàn” bày tỏ sự kính trọng đến Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, vì hai ông này “đã thể hiện dũng khí và bản lĩnh của người lãnh đạo”, “kịp thời lên tiếng khẳng định Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam”.
Bài phát biểu làm “lạnh ngắt” cả hội trường có mặt hơn 1.300 đảng viên trong cả nước. Lần đầu tiên, kể từ sau 1990, một Ủy viên Trung ương đã lên án Trung Quốc trong kỳ đại hội Đảng. Nhưng “uống mật gấu” hơn, là làm bẽ mặt Tổng bí thư, khi chỉ cảm kích và ngợi ca Chủ tịch nước và Thủ tướng về vấn đề vận mệnh quốc gia. Nhìn lên Đoàn chủ tịch, người ta thấy mặt ông Nguyễn Phú Trọng đỏ nhừ, như vừa ăn một cái tát.
Ông Tùng rời chính trường vì hết tuổi, bàn giao chức Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam cho Ủy viên Trung ương Bùi Văn Cường, sinh 1965, quê Hải Dương, vào tháng 4/2016. Ngồi ba năm ở Tổng LĐLĐ VN thay ông Tùng, ông Cường không hề đả động gì đến Khu tưởng niệm Hoàng Sa.
Tháng 7/2019, Bùi Văn Cường nhậm chức bí thư Đắk Lắk, bàn giao chức  Chủ tịch Tổng LĐLĐ cho Nguyễn Đình Khang. Ông Khang sinh 1967, quê Nghệ An, từng là phó bí thư Đảng ủy, tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam. Tập đoàn làm thua lỗ, thất thoát hàng chục ngàn tỷ, nhưng Khang chẳng những không hề hấn gì, lại còn được vào Trung ương khoá XII.
Cũng như ông Cường, ông Khang cũng lờ luôn Khu tưởng niệm Hoàng Sa. Trong khi kinh phí dự trù xây Khu tưởng niệm Hoàng Sa chỉ 70 tỷ đồng, nhưng ông Tùng khi ấy đã quyên được số tiền ủng hộ lên đến 270 tỷ đồng. Lấy cớ thay đổi địa điểm xây dựng, khảo sát và nghiên cứu … Khang và “bộ sậu” ở LĐLĐ “lặn” luôn.

Nguyễn Đình Khang (trái) Bùi Văn Cường (phải). Ảnh trên mạng

Đến đây, dư luận xã hội không khỏi hoài nghi, có hay không chuyện chỉ đạo dừng xây dựng Khu tưởng niệm Hoàng Sa từ lãnh đạo cấp cao? Để trả lời câu hỏi này, cần quay ngược thời gian.
Năm 2014, UBND huyện đảo Hoàng Sa, TP Đà Nẵng tổ chức lễ kỷ niệm và trưng bày những chứng cứ pháp lý và tư liệu khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa vào mốc thời gian 40 năm, sau ngày quần đảo Hoàng Sa bị Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng (19/1/1974-19/1/2014).
Ban tổ chức gồm Trưởng ban Tổ chức thành uỷ Bùi Văn Tiếng, giám đốc Sở Nội vụ Đặng Văn Ngữ, cùng ban ngành đoàn thể cho dựng sân khấu tại công viên Biển Đông, gần bán đảo Sơn Trà, chuẩn bị cho tối 18/1/2014, diễn ra đêm ca nhạc và Lễ thắp nến tri ân những người đã ngã xuống bảo vệ Hoàng Sa, trong đó có 74 binh sĩ quân đội Việt Nam Cộng Hoà.
Mọi việc đã hoàn tất, thì chiều 18/1 Bí thư thành uỷ Đà Nẵng nhận được điện thoại của Trưởng ban Tuyên giáo Đinh Thế Huynh và Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh, yêu cầu huỷ bỏ đêm nhạc và Lễ thắp nến tri ân Hoàng Sa.

Những giọt nước mắt tức giận của ông Bùi Văn Tiếng tại Bảo tàng Đà Nẵng sáng 19/1/2014. Ảnh: Nguyễn Tú/ báo TN

Sáng hôm sau, 19/1/2014, gần 100 nhân sĩ trí thức thủ đô Hà Nội đến Vườn hoa Lý Thái Tổ để tưởng niệm 40 năm ngày Trung Quốc chiếm quần đảo Hoàng Sa. Họ cũng đã bị chính quyền và lực lượng an ninh ngăn chặn, xua đuổi, giải tán bằng roi điện và cho côn đồ giả công nhân bê đá ra giữa sân cắt để tạo tiếng ồn và khói bụi mịt mù khu vực tượng đài.
Quy chụp “thế lực thù địch”, “tuyên truyền phản động”, rất nhiều cuộc bắt bớ, tra tấn dã man, bỏ tù những công dân xuống đường phản đối Trung Cộng, bày tỏ lòng yêu nước. Đảng CSVN sợ băng rôn có dòng chữ “Hoàng sa, Trường sa của Việt Nam”, sợ cả ca khúc hát về Hoàng sa, sợ đội bóng “No-U”…
Như vậy đã rõ, lãnh đạo Đảng và nhà nước không muốn “mếch lòng” Trung Cộng. Nỗi lo bể “đại cục” ý thức hệ Cộng sản, tổn thương “tình hữu nghị côn đồ” với Trung Cộng, đã khiến họ ban hành những cấm kỵ với người dân. Gieo rắc sợ hãi và hèn yếu như thế là nỗi nhục với lịch sử. Vô trách nhiệm với quá khứ, đã là tội ác. Vô ơn, bội bạc với tiền nhân, phỉ báng công lao mở cõi của tổ tiên, là tận cùng của tội ác.
Ngày 6/10/2019, Thiếu tướng, Anh hùng LLVT, cựu giám đốc Bảo tàng quân đội Lê Mã Lương có bài phát biểu hùng hồn tại cuộc tọa đàm với tên gọi “Vùng biển Bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế” diễn ra tại Hà Nội. Ngay sau đó, hàng chục tờ báo quốc doanh, có cả báo Nhân dân, Quân đội Nhân dân, VTV, VOV… đã “nã đạn” về phía ông. Họ mạt sát tướng Lê Mã Lương, quy chụp ông “bệnh công thần”, làm cả phóng sự, phỏng vấn các tướng vốn hiềm khích “ganh ăn tức ở” để công kích Lê Mã Lương.

“Đấu tố” Lê Mã Lương trên chương trình Thời sự VTV

Tại hội nghị tiếp xúc cử tri Hà Nội trước kỳ họp 8, Quốc hội khoá XIV ngày 15/10, Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng khi nói về vấn đề Biển Đông cũng “quăng bom” vào ông Lê Mã Lương: “Có một số phần tử cố tình kích động, to tiếng, lên gân, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước. Vậy, Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng Bí thư không yêu nước à? Vô trách nhiệm à?
Nhớ lại gương yêu nước của các vị anh hùng trong lịch sử như bà Triệu Thị Trinh, đã từng nói: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp luồn sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, lấy lại giang sơn, dựng nền độc lập, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp cho người!” Cùng câu nói của Trần Bình Trọng, rằng “Ta thà làm ma nước Nam, chứ không thèm làm vương đất Bắc!” Hay Trần Quốc Toản với lá cờ “Phá cường địch, báo hoàng ân“…
Thiết nghĩ, nếu cả ba vị anh hùng Triệu Thị Trinh, Trần Bình Trọng, Trần Quốc Toản đều sống dưới chế độ Cộng sản hôm nay, có ông Nguyễn Phú Trọng đứng đầu đảng và nhà nước, có lẽ họ đã bị quy chụp là “thế lực thù địch”, “tuyên truyền phản động” và đã bị mọt gông trong tù!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét