Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

Thư ngỏ gửi các nhà báo bị thôi chức ở báo “Thanh niên” vì không phải đảng viên

Thư ngỏ gửi các nhà báo bị thôi chức ở báo “Thanh niên” vì không phải đảng viên

Nguyễn Đình Ấm
Nhà báo kỳ cựu Nguyễn Đình Ấm nói chí lý quá, làm báo là làm nghề hẳn hoi, như các cụ đã dạy: ‘sinh ư nghệ, tử ư nghệ’. Làm nghề thì phải sống chết với nghề kia mà! Huống chi việc mất ba cái chức cỏn con đâu đã chết chóc gì đâu. Ai có tay nghề cao thì dù chẳng có tý chức tước nào vẫn sống khỏe. Bây giờ trong xã hội có đến gần ngàn tờ báo đủ các thể loại; tuy phần lớn vẫn là báo của ‘lề quốc doanh’, tức là dưới cánh tay điều khiển của anh Thưởng cả đấy, nhưng anh ấy đâu phải ‘Phật bà nghìn tay nghìn mắt’ mà kiểm duyệt cho khắp, mà bắt lỗi được tất cả nhà báo để phạt vạ, để kỉ luật, và buộc tất cả bài viết đều phải một giọng nói theo ‘ý Đảng’ mà trái ‘lòng dân’khi nhà báo còn lương tâm trí tuệ? Hơn nữa, trong cơ chế kinh tế thị trường nửa vời này, nhiều tờ báo cũng không còn được bao cấp (trừ mấy tờ báo ‘ruột’ của Đảng) nên không thể không quan tâm đến lượng độc giả, là những người nuôi sống tờ báo. Muốn ‘câu view’ thì bắt buộc đề tài, chủ đề, tin tức phải đáp ứng nhu cầu độc giả, mà những người đã quan tâm đọc báo đến giờ này, đâu chỉ là những kẻ thích ăn chơi nhảy múa hay tò mò toàn những ‘cướp, giết, hiếp’... Những đề tài về số phận nhân dân, số phận đất nước, về phải trái đúng sai trong chủ trương chính sách quản trị Quốc gia cũng thu hút nhiều người đọc. Vậy nhà báo tử tế, nhạy bén, biết diễn đạt hấp dẫn... đâu thiếu đất để làm ăn.
Tóm lại, mất chức vì không phải đảng viên chỉ là chuyện ‘nhỏ như con thỏ’ đối với những nhà báo có tâm, có tài, có tay nghề làm báo! Nhưng nếu đó là “lệnh từ trên” – từ một “chủ trương nhất quán” nào đó – thì, như chúng tôi đã nói trong một bài trước, rằng nó chỉ làm phơi lộ ra cái quy trình sinh trưởng trái tự nhiên của Đảng, không còn thu hút được tài năng, tinh hoa dân tộc để mà phát triển, vì chỉ dám dùng người của đảng trong những công việc gọi là “nhạy cảm” cho ăn chắc, cuối cùng sẽ trở thành “vòng tròn khép kín” của con sán xơ mít mà thôi. Hệ quả của nó thế nào hẳn ai cũng đoán được rồi.
Bauxite Việt Nam

https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2018/11/H6-117.jpg
Tác giả trong một chuyến công tác miền núi
Đừng “lăn tăn” với cái chức quèn trong tòa báo quốc doanh!
Thân mến gửi các bạn đồng nghiệp trẻ báo Thanh niên mới bị thôi chức do chưa phải là đảng viên,
Tôi tên là Nguyễn Đình Ấm, trú tại quân Long Biên Hà Nội có hơn 30 năm làm báo quốc doanh hiện đã nghỉ hưu, làm báo tự do. Nay xin có mấy lời tâm sự với các bạn đồng nghiệp trẻ mới bị thôi chức do không phải là đảng viên.
Các bạn đồng nghiệp quý mến!
Nghề báo cũng là một nghề với mục tiêu “cơm, áo, gạo tiền” nhưng có khác là các bạn kiếm tiền bằng cầm bút mà đạo đức cao cả nhất của người cầm bút là sự trung thực, hết lòng với chân lý, đồng loại. Người cầm bút có thể nghèo nhưng nếu làm giàu bằng sự gian dối, thủ đoạn, luồn lọt, vụ lợi, làm ngơ trước những oan trái, đau khổ của nhân dân thì chỉ là kẻ lưu manh hèn hạ sẽ bị phỉ nhổ gấp nghìn lần những người làm nghề khác.
Đối chiếu với những “tiêu chí” trên với việc các bạn bị mất chức do không phải là đảng viên thì như thế nào?
– Thứ nhất: Nếu ở trong hàng ngũ đảng CS thì bạn phải tuân thủ mọi quan điểm đường lối của đảng. Từ đây phẩm chất của bạn như trung thực, trọng chân lý, vì lợi ích của đồng loại, đất nước… phải hoàn toàn phụ thuộc vào ý đồ, việc làm của đảng mà hiện thân thường là những cá nhân cán bộ, đảng viên. Nếu đảng đúng, tốt thì bạn được trung thực, làm được việc có lợi cho dân, cho nước, ngược lại nếu đảng, cán bộ sai, tham nhũng, thối nát thì bạn cũng là tội đồ. Ví dụ vụ Thủ Thiêm diễn ra ngay giữa TPHCM, hàng nghìn, vạn người oan sai lang thang kiện cáo suốt 20 năm trời ở Sài Gòn, Hà Nội các báo đều biết nhưng không báo nào dám đăng đến nơi, đến chốn do các lãnh đạo báo chí phải tuân thủ ý chí của cán bộ, lãnh đạo đảng ở TPHCM,ở  trung ương. Rất nhiều bài báo đăng nội dung chính xác, đúng sự thật nhưng chỉ ít giờ phải gỡ bỏ vì trái ý cán bộ, cấp trên… Có vô vàn ví dụ về điều này. Chắc các bạn còn thuộc chuyên đề nghiệp vụ quan trọng học ở học viện báo chí: “Tính chân thật của báo chí cách mạng” mà nội dung chính là: Sự kiện, sự việc có thật nhưng không phù hợp (trái) đường lối của đảng thì cũng không phải là sự thật”.
Từ đây suy ra: Các bạn làm cán bộ thì có hai được, một mất:
– Được: Có quyền hơn trong việc phán xét, sử dụng bài vở công việc trong tòa soạn đồng thời lương cao, lộc nhiều hơn phóng viên.
– Mất: Phải tuyệt đối làm theo ý của cán bộ đảng, chi bộ, đảng bộ, lãnh đạo tờ báo (đại diện cho Đảng ở đây).
Nếu bạn “phấn đấu” vào đảng, rồi luồn lọt lên càng cao dần đến Tổng biên tập (TBT) thì cái được và mất của các bạn cũng tăng cao. Với các TBT thì Đảng càng nghiêm khắc, nếu báo đăng nội dung không sai, dù có lợi ích chung, nhưng lại ngoài chủ trương của lãnh đạo, thì TBT sẽ bị sa thải ngay. Hoặc tế nhị hơn bằng cách “ được Đảng phân công làm việc khác”; dù uất ức lắm, nhưng không thể cãi. Ngay ở tờ Thanh niên, đã bao lần TBT được Đảng điều động theo kiểu ấy rồi.
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2018/11/H8.jpg
Làm báo quốc doanh là như con chó ấy (Lời nhà báo Nguyễn Như Phong)
Tóm lại, làm nghề báo quốc doanh hiện nay bạn phải chọn giữa hai thứ:
– Là đảng viên làm cán bộ để công việc nhàn hạ hơn, có quyền hơn, lương cao, lộc hậu hơn, nhưng phải làm, viết đăng tin, bài đúng ý muốn của cán bộ Đảng dù đúng, sai, lợi, hại, phải làm ngơ trước những sự thật mà cán bộ đảng không muốn công khai. Như thế hoạt động của bạn chỉ đơn thuần vì miếng cơm, manh áo mà ít có lợi gì cho xã hội, Nhân dân, Tổ quốc. Đó không phải là lý tưởng của người cầm bút chân chính.
– Không phải đảng viên, chỉ là phóng viên làm việc vất vả hơn, thu nhập kém hơn nhưng độc lập hơn trong công việc, viết đúng theo sự thật những gì lương tâm kêu gọi, thấy mang lại lợi ích cho Tổ quốc, Nhân dân, làm cho cuộc đời mình có giá trị hơn.
Nếu bạn xác định cuộc đời mình phải có cái riêng, phải lấy lợi ích của đất nước, dân tộc, nhân dân và gia đình lên trên hết để phụng sự, làm cho cuộc đời mình có giá trị nhất định thì bạn không phải “lăn tăn” gì khi không được làm cán bộ khi không phải là đảng viên.
Tôi làm báo quốc doanh từ năm 1975 đến năm 2010 (không kể làm nghiệp dư trong quân đội). Trong cả quá trình đó tôi thường xuyên là phóng viên giỏi, bài vở thường chiếm những vị trí quan trọng của tờ báo. Tôi nâng niu quý trọng từng việc làm tốt nhưng kiên quyết đấu tranh với những sai trái, tham nhũng, hại nước, hại dân kể cả với lãnh đạo chóp bu nắm cơm áo, sự nghiệp của tôi. Năm 1994-1998 do đưa vụ ngành hàng không VN lập quỹ đen tham nhũng 14 tỷ đồng, mua hai máy bay Forkker 70 mờ ám, khai thác liều máy bay ATR 72 (bị hỏng động cơ nghiêm trọng chưa rõ nguyên nhân nhưng cứ bay và chỉ thị “nếu có chuyên cơ-tức cán bộ to đi- thì chọn chiếc ổn định”..)… tôi bị lãnh đạo ngành HKVN loại khỏi vị trí phóng viên, cắt gần hết tiền lương (chỉ cho 300 ngàn/tháng) bắt đi bán báo dạo... rồi họ còn  kết hợp với công an triệu tập, thẩm vấn, điều tra, khởi tố, khám nhà cửa, định cho tôi vào nhà đá. Nhưng tôi vẫn quyết chiến đấu đến cùng giữ gìn phẩm giá của mình.
Từ khi trong quân đội cũng như làm báo, nhiều lần cấp trên gợi ý tôi bảo, vào đảng để lên cán bộ “không thì thiệt quá”, nhưng tôi không vào. Không phải là đảng viên, thì không phải nói, làm theo những điều mình thấy không thật và lương tâm mình không muốnlàm. Dù nghèo, vất vả hơn nhưng tôi vẫn chọn con đường ấy. Đến nay tôi vẫn không có gì ân hận vì gần 9 năm đi bộ đội trong đó 6 năm ở chiến trường 559 được thưởng huân chương, hơn 30 năm làm báo loại xuất sắc nhưng tôi không vào đảng để đổi lấy một sự độc lập, tự do (dù hạn hẹp).
Hiện nay các bạn làm báo vô cùng thuận lợi là có mạng Internet, blog, có mạng xã hội... rất nhiều diễn đàn kể cả báo chí nước ngoài có thể đăng bài. Nếu các bạn có tài, yêu nghề, chịu khó sẽ vẫn có thể sống bằng nghề viết mà không phải đảng viên, cán bộ. Theo tôi, làm một phóng viên giỏi không là đảng viên, cán bộ cũng là một hạnh phúc. Nếu bạn làm việc với tinh thần tận tụy, ngay thẳng, đàng hoàng, đóng góp nhiều cho tờ báo bằng các tác phẩm báo chí chất lượng cao, được đông đảo bạn đọc, cộng tác viên, đồng nghiệp tin tưởng, ủng hộ chắc chắn bạn có vị trí quan trọng, quyền năng nhất định trong tòa soạn. Hồi làm báo quốc doanh tôi được nhiều độc giả, cộng tác viên tôn trọng, tin tưởng gặp riêng phản ánh thông tin, cung cấp tài liệu mà lãnh đạo không muốn lộ ra ngoài. Phần lớn tài liệu đặc biệt là tiêu cực, tham nhũng ở nhiều đơn vị, cơ quan do cộng tác viên, bạn đọc gửi riêng cho tôi chứ không phải cho tòa soạn. Một nhà báo nắm được nhiều thông tin là “giàu có” nhất…
Thời gian qua, tôi rất tiếc cho tờ Thanh niên của các bạn, cũng như báo quốc doanh nói chung. Sự vận động của báo chí quốc doanh đang ngược với xu thế của thời đại. Đáng lẽ phải đi theo thời đại khoa học, công nghệ, xã hội loài người vận động như vũ bão đến văn minh, tự do, dân chủ… thì tiếc thay, báo chí của đảng CS lại càng “bảo hoàng” hơn.
Các bạn chắc còn nhớ báo Tuổi trẻ thời tổng biên tập Vũ Kim Hạnh, Lê Văn Nuôi, Lê Hoàng;  báo Thanh niên thời Huỳnh Tấn Mẫm, Lương Ngọc Bộ, Đặng Thanh Tịnh;  báo Quân đội thời Nguyễn Đình Ước, Trần Công Mân; báo Đại đoàn kết thời Lý Tiến Dũng; báo Lao động thời Tống Văn Công… có những khoảng tự do đăng những ý tưởng, sự kiện mới, chống những vụ tham nhũng lớn được độc giả ngưỡng mộ như thế nào.
Báo Đại đoàn kết đưa vụ án oan ông Kim Ngọc, bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngăn dự án bauxite tây nguyên ra công khai, báo Quân đội đăng nhiều vụ tham nhũng, lộng hành ở ngành Hàng không VN, của cán bộ trung ương gần như “không có vùng cấm” được độc giả yêu mến, nhân dân tin tưởng. Báo Tuổi trẻ, Thanh niên, Lao động có những thời kỳ phát hành hành hơn nửa triệu bản…
Ngày nay trong khi bị Internet, mạng xã hội cạnh tranh quyết liệt thì những tờ báo trên lại “bảo hoàng” đến mức thảm hại. Những vấn đề cả nước nhìn thấy nhưng không báo nào đăng. Những đoàn hàng trăm dân oan lang thang khắp các phố hết năm này sang năm khác từ 20 năm qua rất thương tâm, những vụ hàng nghìn cảnh sát bao vây trấn áp tàn bạo dân cướp đất ở Văn Giang, Dương Nội, Bắc Ninh, vụ đánh người cướp đất, cảnh sát bị dân cầm giữ ở Đồng Tâm, hàng vạn người biểu tỉnh phản đối Trung Quốc xâm lược, bảo vệ môi trường, cây xanh… ở giữa Hà Nội, TPHCM nhưng tất cả báo chí làm ngơ. Báo Thanh niên của các bạn cũng được xếp vào hàng ngũ dần “tiến đến báo Quân đội, Nhân dân, Hà Nội mới…” rồi.
Các bạn có thấy bận lòng, thấy nhục khi bưng bát cơm, mặc cái áo của dân mà tờ báo của mình… ngoảnh mặt trước đau khổ, oan trái của họ? Có thấy đau đớn khi hàng ngày Tàu cộng bồi đắp biển đảo ngoài khơi VN, cướp phá, bắn giết nhân dân ta vô tội vạ mà tờ báo của các bạn làm ngơ hoặc phải nói là “tàu lạ”?
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2018/11/H6-116.jpg
Tác giả bên cụ lê Đình Kình “thủ lĩnh” chống tham nhũng giữ đất của dân Đồng Tâm
Không chỉ có vậy nhiều tờ báo, đài phát thanh, truyền hình của các cơ quan Đảng còn đăng theo ý muốn quan chức, vu khống, xuyên tạc về nhân dân; gọi những người biểu tình đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ môi trường, những người dân oan…là “cơ hội, phản động”. Họ tưởng trình độ dân ta quá thấp, không có nguồn thông tin nào khác nên đăng những điều xuyên tạc, lố bịch, thực tế là phản tuyên truyền, càng gây ức chế cho dân, chọc tức dư luận.
Tôi đi làm việc ở Văn Giang, Hà Nội, Đồng Tâm, Bắc Ninh… thấy nhiều nhà báo, tờ báo quốc doanh bị nhân dân phỉ nhổ, không tiếp phóng viên... là do các tờ báo, TV chỉ viết, phát theo sự xuyên tạc của bọn quan chức tham nhũng, làm ngơ trước oan trái đau khổ của nhân dân. Hiện nay những tờ báo ấy chỉ sống vào sự chu cấp của nhà nước từ tiền thuế của nhân dân, chủ yếu chỉ để biếu các đảng viên tiền khởi nghĩa, trên 50 tuổi đảng trở lên, mà họ cũng chỉ dùng gói đồ, lau chùi là chính…
Những tờ báo không bán được trên thị trường là những tờ báo không ai muốn đọc, muốn mua, tức những người làm ra nó là vô tích sự, cuộc sống của họ là ăn bám nhân dân, thậm chí mọt nước, hại dân là “ăn bẩn”, có tội với nhân dân.
Những người có ý thức cuộc sống không chấp nhận một cuộc đời vô dụng, ăn hại thế gian như thế.
Vì vậy, theo tôi, các bạn không việc gì phải “lăn tăn” với việc bị loại khỏi ba cái chức quèn trong các tờ báo quốc doanh.
Chúc các bạn “chân cứng, đá mềm” trong nghề nghiệp.
N.Đ.Â.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét