Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Thêm một bí ẩn đằng sau việc tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Lý Tiến Dũng bị mất chức

Thêm một bí ẩn đằng sau việc tổng biên tập báo Đại Đoàn Kết Lý Tiến Dũng bị mất chức

2-12-2018
Lý Tiến Dũng là một nhà báo chính trực. Một tổng biên tập chính trực như anh hồi đó không có nhiều. Lý do anh bị mất chức Tổng biên tập ngày nay chúng ta được biết là anh cho đăng bức thư của Đại tướng Võ Nguyên Giáp phản đối việc phá bỏ di sản lịch sử là Hội trường Ba Đình để xây tòa nhà Quốc hội mới. 
Việc cấm đăng kiến nghị của Đại tướng về tòa nhà Quốc hội cũng như về chủ trương mở rộng Hà Nội theo tôi đoán là do sự chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, thông qua người “gác cổng” báo chí khi ấy là ông Hồng Vinh, Phó ban Tuyên giáo Trung ương.
Tôi đoán vậy vì những người khác chắc “không đủ tuổi” để chỉ đạo chuyện tày đình này. Bất chấp lệnh cấm, anh Lý Tiến Dũng đã dũng cảm đăng bức thư của Đại tướng, đồng thời gửi thư cho các vị lãnh đạo Đảng vạch trần sự chụp mũ vô nguyên tắc của ông Hồng Vinh đối với anh và báo Đại Đoàn Kết. Hậu quả là anh đã bị mất chức Tổng Biên tập.
Tôi không có thù oán riêng gì với cái ông Hồng Vinh này, chỉ xin kể một chút liên quan. Hồi Báo Thanh niên tham gia vạch trần đường dây bảo kê cho Năm Cam, bài đầu tiên tôi viết là về sai phạm của một Ủy viên trung ương Đảng, khi báo lên khuôn đã bị “lộ”, bị ông Hồng Vinh gọi điện cho lãnh đạo Báo ra lệnh cấm đăng.
Thanh Niên phải dừng lại, nhưng sau đó anh Nguyễn Công Khế và tôi bàn với nhau, rằng chúng ta vì dân vì nước thì chẳng sợ gì, khi chưa đăng thì bị cấm nhưng khi đã đăng rồi thì chưa chắc họ đã làm gì được mình, vì nếu kỷ luật mình thì họ sẽ mang tiếng bảo kê cho Năm Cam. Bởi vậy mà Thanh Niên sau đó vẫn cứ đăng, bất chấp lệnh cấm của ông Hồng Vinh.
Sau khi vụ án Năm Cam được xét xử, anh Khế, tôi và nhóm phóng viên viết loạt bài về vụ Năm Cam được tặng Giải thưởng báo chí toàn quốc (giải khuyến khích), thấy ông Hồng Vinh là lãnh đạo Hội nhà báo, chắc là làm giám khảo hay là chỉ đạo giải thưởng này, nên chúng tôi quyết không đến nhận giải. Cũng may là các vị bảo kê cho Năm Cam đều bị tòa án kết tội, nếu không thì chúng tôi đã bị ông Hồng Vinh cho “tiêu đời” từ lúc ấy rồi.
Trở lại chuyện anh Lý Tiến Dũng. Anh cho đăng kiến nghị của Đại tướng Giáp bất chấp lệnh cấm, với tư cách là một đảng viên thì hành vi này chính là giữ uy tín cho Đảng và cho chế độ, vì một công thần khai quốc như tướng Giáp còn bị “bịt miệng” thì người dân còn ai tin vào những người lãnh đạo hậu bối nữa. Nhưng ngoài chuyện đó ra, có thể còn một chuyện bí ẩn có liên quan khác nữa mà sau này tôi không thể không nghĩ đến. Chuyện này có liên quan đến Vũ nhôm.
Ai cũng biết ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản (Đà Nẵng) là một biệt thự lộng lẫy của Vũ nhôm. Nó nguyên là nhà công sản được TP. Đà Nẵng bán lại cho Báo Đại Đoàn Kết để làm Văn phòng đại diện, theo một quyết định của UBND thành phố ký ngày 19-1-2004.
Chỉ mấy tháng sau, vào ngày 20-4, Văn phòng đại diện báo ĐĐK tại Đà Nẵng ký một hợp đồng nguyên tắc với Công ty xây dựng 79 của Vũ nhôm, thống nhất cho Công ty của Vũ nhôm nộp tiền để Báo ĐĐK mua lại ngôi nhà này, nhưng giao cho Công ty của Vũ nhôm xây dựng lại và đứng tên sở hữu nhà đất, báo chỉ được sử dụng một phần diện tích ở tầng trệt trong thời hạn 30 năm.
Đến ngày 12-11-2004, Ban Biên tập Báo mới có văn bản chấp nhận hợp đồng này. Thực chất đây là thủ thuật của Vũ nhôm sử dụng báo ĐĐK để thâu tóm khu đất vàng kia với sự hậu thuẫn của ông Nguyễn Bá Thanh.
“Phi vụ” kia diễn ra trước khi anh Lý Tiến Dũng làm Tổng Biên tập. Khi làm Tổng Biên tập, anh Lý Tiến Dũng đã phát hiện ra sự tước đoạt vô thiên vô pháp này, nên đã đặt vấn đề minh bạch hóa để bảo vệ tài sản của nhà nước. Lập tức, anh đã bị đe dọa. Vũ nhôm từng tuyên bố, anh ta có thể làm người này còn chức và làm người kia mất chức. Vì chuyện này mà anh Dũng từng nói với một người bạn của tôi “Chúng nó dọa cách chức tao mày ạ”.
Và như nhiều người đã biết, sau khi anh Lý Tiến Dũng mất chức, ông Đinh Đức Lập lên làm Tổng Biên tập, có lẽ do bị Vũ nhôm và quan thầy bên trên vừa mơn trớn mua chuộc vừa đe dọa, nên ông Lập đã ký văn bản giao tất khu nhà đất này cho Vũ nhôm, chỉ nhận “bồi thường” 1 tỷ đồng và cam kết không khiếu nại về quyền sử dụng quyền sở hữu ngôi nhà 82 Trần Quốc Toản nữa. Việc “giao quyền” kia diễn ra vào ngày 20-4- 2011.
Trong thực tế, Vũ nhôm đã hoàn tất quyền sử dụng và quyền sở hữu cho mình trước khi có văn bản “giao quyền” nói trên. Ông Lập mà không sợ hãi mấy ông thần cấp trên của Vũ nhôm mới là chuyện lạ.
Còn anh Lý Tiến Dũng, tôi nghĩ chắc chắn là anh không sợ, nhưng vì anh không có thời gian. Giả sử như không có chuyện đăng kiến nghị của tướng Giáp và bức thư vạch mặt ông Hồng Vinh, thì với sự kiên quyết không thỏa hiệp với nhóm lợi ích kia, trước sau gì anh cũng bị Vũ nhôm và quan thầy bên trên “bứng” khỏi chức Tổng Biên tập.
Chuyện này là do tôi suy đoán, chứ không có chứng cứ gì, chỉ có chứng cứ là Vũ nhôm có đủ thế lực để lợi dụng và tước đoạt tài sản của một tổ chức chính trị xã hội to đùng là Mặt trận Tổ Quốc Việt nam nhưng chẳng ai làm gì được anh ta.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét