Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 4 tháng 12, 2018

Bản tin ngày 3-12-2018

Bản tin ngày 3-12-2018

Tin Biển Đông
Báo Người Việt có bài: Việt Nam và Nga ‘hợp tác khai thác dầu khí ở Biển Đông’ nhưng chịu sức ép của Trung Quốc. Tập Đoàn Dầu Khí Quốc Gia Việt Nam (PetroVietnam) và Tập Đoàn Dầu Khí Gazprom, hoạt động dưới sự kiểm soát của chính phủ Nga, đã “thống nhất hợp tác khai thác các mỏ dầu trên thềm lục địa ở Biển Đông. Tuy nhiên, dự án này vẫn chưa được triển khai vì vấp phải sự phản đối gay gắt từ Trung Quốc”.
Bản tuyên bố chung sau chuyến thăm của Tổng – Chủ Nguyễn Phú Trọng tới Moscow hồi tháng 9/2018 có nhắc đến “kế hoạch của Gazprom đầu tư vào một nhà máy điện khí tại Quảng Trị, và Hãng Novatech của Nga hợp tác xây cảng khí thiên nhiên hóa lỏng và nhà máy điện khí ở Bình Thuận. Tuy nhiên, văn bản này không đề cập dự án mỏ khí đốt Lan Đỏ, hợp tác của hãng Rosneft ở ngoài khơi Vũng Tàu từng là tâm điểm trong cuộc tranh cãi ngoại giao giữa Việt Nam và Trung Quốc”.
VOA đưa tin: Trung Quốc kêu gọi ‘gác tranh chấp’ ở Biển Đông. Sau khi ký biên bản ghi nhớ về khai thác dầu khí với Philippines, Trung Quốc lên tiếng kêu gọi các nước tranh chấp ở Biển Đông “hợp tác” để biến nơi này trở thành “vùng biển hòa bình và hữu nghị”. Hai nước đã ký gần 30 thỏa thuận song phương, trong chuyến thăm Philippines từ ngày 20 tới 21/11 của Tập Cận Bình.
Hành động này thể hiện Trung Quốc chưa bao giờ thật lòng muốn có hòa bình ở Biển Đông, mà chỉ muốn chia rẽ các nước ASEAN để thực hiện tham vọng bành trướng ở Biển Đông. Philippines dưới thời Duterte là mắt xích yếu nhất và Trung Quốc đã triệt để lợi dụng.
RFA đưa tin: Hải quân Trung Quốc cảnh báo tàu chiến Mỹ ở Hoàng Sa. Ngày 1/12/2018, Bộ tư lệnh miền Nam Trung Quốc cho biết “Hải quân nước này đã cảnh báo tàu chiến Mỹ khi tàu này đi vào vùng nước mà Trung Quốc đòi chủ quyền ở Hoàng Sa”. Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục theo dõi vùng trời và vùng biển ở Biển Đông.  Còn người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Mỹ cho biết, “tàu chiến Mỹ đã thực hiện hoạt động gần Hoàng Sa để thách thức đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc”.
Báo Thanh Niên bàn về tham vọng lớn của Trung Quốc trên Biển Đông. Kế hoạch của Trung Quốc nhằm xây dựng căn cứ tàu ngầm dưới Biển Đông sử dụng trí tuệ nhân tạo điều khiển, được đánh giá là “dự án đầy thách thức, có thể ví như Mỹ trước đây đổ bộ lên mặt trăng. Quá rõ ràng, qua dự án này, Bắc Kinh đang nuôi tham vọng đạt bước đột phá phát triển công nghệ cao trong lĩnh vực hàng hải”
Trần Bắc Hà và “đồng chí X”
RFA có bài: Nhân vụ ông Trần Bắc Hà, bèn phân tích quan điểm về chuộc tội của giới thần thánh Việt Nam. Từ tấm ảnh chụp cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và ông Trần Bắc Hà chắp tay ngồi lạy Phật trong chuyến công du Ấn Độ năm 2014, bài báo cho biết: “Từ lâu rồi việc số đông quan chức Việt Nam hết lòng tin vào tâm linh và phong thủy không còn là chuyện lạ”.
Lãnh đạo CSVN “thành kính, một lòng một dạ tin tưởng thế cho nên các ngôi chùa to vĩ đại cứ thay nhau mọc lên tại Việt Nam”. Điều lạ là mức độ sai phạm nhân quyền, tình trạng đàn áp tôn giáo và tiếng nói đối lập ở Việt Nam lại tỉ thuận với chính mức độ to lớn, nguy nga của các ngôi chùa do quan chức CSVN bỏ tiền xây.
Ông Trần Bắc Hà (áo xanh ngoài cùng bên phải) trong chuyến công du Ấn Độ cùng Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi năm 2014. Nguồn: FB Trương Huy San/ RFA
BBC đặt câu hỏi: Thời Thủ tướng Dũng ‘đi ngược Đổi Mới do tác động của lợi ích nhóm’? TS kinh tế Phạm Đỗ Chí bình luận: “Tôi phải thành thật mà nói là nếu người ta có nghe là kinh tế và tài chính Việt Nam bây giờ sắp sụp đổ thì cũng không ngoa vì đó là kết quả của 7 năm thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm thủ tướng”.
Ông Chí nói thêm: Trong mấy năm gần đây, lãnh đạo CSVN “cố gắng gỡ rối những vấn đề của thời ông Dũng như nợ xấu ngân hàng, nợ công quốc gia và đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tăng trưởng. Nhưng có chuyện mà không ai có thể phủ nhận khiến kinh tế Việt Nam không thể có bước nhảy vọt là vấn đề tham nhũng”.
Báo Dân Việt đặt câu hỏi: Ông Trần Bắc Hà từng thể hiện thái độ thế nào trước kỷ luật Đảng? Bài báo nhắc lại sự kiện: Sai phạm của ông Bắc Hà đã được đề cập trong phiên xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 2 hồi tháng 1/2018. Đáp lại lời triệu tập của tòa, đại diện của ông Hà cho biết ông “được xác định bị ung thư gan từ năm 2012, dự kiến đi tái khám vào ngày 8/1/2018 theo lịch hẹn”
Đến tháng 7/2018, phiên tòa mở lại, “ông lại có đơn xin vắng mặt do đang chữa bệnh tại Singapore đồng thời cho biết giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra”. Theo các nhà báo “lề dân” đưa tin đầu tiên vụ ông Hà bị bắt, ông chẳng có bệnh tật gì cả.  
Trong tình hình ông Bắc Hà vừa “nhập kho”, một số tờ báo “lề đảng” bắt đầu có bài “đánh tiếng “ về các “đại gia” có liên quan đến ông Hà. Báo Kiến Thức đặt câu hỏi: Thời ông Trần Bắc Hà, bầu Đức phát hành trái phiếu cho BIDV làm gì?  Theo đó, sau khi HAGL phát hành 950 tỷ đồng trái phiếu cho BIDV hồi tháng 9/2013, “doanh nghiệp của bầu Đức đã liên tục phát hành trái phiếu cho nhà băng này trong những năm tiếp theo, khi ông Hà vẫn đang giữ chức Chủ tịch HĐQT”.
Ngay sau thông tin ông Hà bị dẫn độ về Việt Nam từ Lào, một số nhà bình luận “lề dân” đã đặt câu hỏi về số phận của hai nhà tài phiệt lớn ở Việt Nam là Đoàn Nguyên Đức và Thân Đức Nam, đều có mối liên hệ và được hưởng lợi thời ông Bắc Hà còn “dưới một người trên vạn người”.
Báo Người Đồng Hành đặt câu hỏi: Khung hình phạt nào cho tội danh của ông Trần Bắc Hà tại BIDV? Theo đó, “tùy vào mức độ gây thiệt hại cho người khác về tài sản theo các khoảng cụ thể sẽ chịu phạt hành chính hoặc phạt tù… Các trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tài sản 3 tỷ đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm”.
Vụ cướp đất hơn hai thập niên ở Thủ Thiêm
Facebooker Nguyễn Thùy Dương chia sẻ video clip ghi lại cảnh “dân Thủ Thiêm sống ra sao bao năm nay”:
Nhà báo Trương Châu Hữu Danh chia sẻ video clip về tình hình đất Thủ Thiêm và lời kể của một số người dân: 
Trong video clip dưới đây, cô Nguyễn Thùy Dương đặt câu hỏi: “Có lừa dân không?” Cô Dương cho biết: “Chúng tôi không đồng ý kết quả thanh tra 1483. Không công nhận 4,3 ha ngoài ranh. Chúng tôi đòi 160ha ngoài ranh”. Dân oan Thủ Thiêm đã chịu khổ hơn 20 năm, ông Nguyễn Thiện Nhân không nên tiếp tục lừa dối và câu giờ nữa.
Quan chức TP HCM khảo sát đời sống các hộ dân Thủ Thiêm, theo báo Thanh Niên. Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân tiếp tục hứa hẹn: “TP đang tập trung triển khai thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ; tinh thần là không để người dân khó khăn về nhà ở. Thành ủy cũng yêu cầu UBND TP lập tổ công tác nghiệp vụ từ cấp TP để xử lý các vấn đề còn dang dở”.
Ông Nguyễn Thiện Nhân có thể hứa, còn người dân sẽ không tin nữa. Hồi cuối tháng 10/2018, ông Nhân từng hứa rằng, sẽ xử lý cán bộ sai phạm ở Thủ Thiêm trong tháng 11. Hiện đã là tuần đầu tháng 12 và các quan chức CSVN cướp đất của dân ở Thủ Thiêm vẫn chưa bị xử lý.
Đã lỡ nuốt đất của dân làm dự án, giờ không trả được nên ông Nguyễn Thiện Nhân tính cách ‘có thể mời dân 4,3 ha ngoài ranh Thủ Thiêm vào khu tái định cư’, theo VietNamNet. Những người dân có nhà, đất nằm ngoài ranh dự án Thủ Thiêm nhưng vẫn bị cướp thì xứng đáng được trả lại nhà, đất, chứ không phải bị tống vào khu tái định cư. Mà những khu tái định cư thời CSVN thì mang bao nhiêu tai tiếng.
Cán bộ sai phạm
Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi: Vì sao phó chủ tịch Nha Trang bị khởi tố? Theo đó, năm 2010 khi dự án khu đô thị Hoàng Long được triển khai, hội đồng bồi thường hỗ trợ, cấp đất tái định cư do UBND TP Nha Trang thành lập, xác định có 98 hộ đủ điều kiện được nhận bồi thường. “Tuy nhiên, đến năm 2014, số hộ thuộc diện trên tăng ba lần (282) trong khi diện tích dự án không tăng”.
Công an tỉnh Khánh Hòa xác định có rất nhiều hồ sơ giả được hội đồng bồi thường hỗ trợ thông qua. “Chỉ riêng trong 77 trường hợp đợt đầu tiên mà ông Toàn phê duyệt, có đến 49 hồ sơ sử dụng tài liệu, giấy tờ giả”
“Chuyện lạ” trong vụ khởi tố vì sai phạm đất đai ở Nha Trang: Bị can Lê Huy Toàn vẫn còn nguyên các chức vụ, theo báo Người Đô Thị. Phó chủ tịch UBND TP Nha Trang Lê Huy Toàn đã bị khởi tố bị can, “nhưng cho đến nay các chức vụ trong Đảng và chính quyền đều vẫn còn nguyên”, ông Toàn vẫn giữ chức phó chủ tịch UBND TP và là đại biểu HĐND TP Nha Trang.
VOV có bài: Còn cán bộ “hư”, dân chưa hết phiền lòng. Bài viết thừa nhận hiện tượng tham nhũng phát triển ngày càng phức tạp và ăn sâu vào mọi ngóc ngách của xã hội Việt Nam, nhưng không đề cập đến gốc rễ của vấn đề: Chế độ toàn trị trao đặc quyền cho các đảng viên CSVN để họ lộng hành, lộng quyền.
Tin nhân quyền
Facebooker Lê Huỳnh Long Ân viết: Đến cả người chết cũng không còn được yên. Theo đó, sáng 29/11/2018, một số người dân thôn Lưu, thị trấn Yên Mỹ, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên “phát hiện hơn 100 bát hương của những ngôi mộ trong nghĩa trang thôn mình, trong đó có cả những ngôi mộ tổ của các dòng họ lớn trong thôn bị đập vỡ”.
Một người dân kể: “Ngày hôm qua làng có tổ chức họp bàn về chuyện có cho doanh nghiệp thực phẩm chôn cất mộ vô danh di dời từ nơi khác về không nhưng không ai chấp nhận, sáng ra thì thấy như thế này”.
Hình ảnh bát hương bị đập vỡ trong nghĩa trang làng Lưu. Nguồn: PL/NV
RFA đưa tin: 8 người “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” bị tuyên y án sơ thẩm. Phiên xử diễn ra ngày 30/11/2018 ở TAND cấp cao TP HCM, 8 người bị quy kết đã hoạt động theo lời kêu gọi của “chú phỉnh” Đào Minh Quân, trong đó có 2 người Mỹ gốc Việt là ông Nguyen James Han và bà Phan Angel, bị tòa án bác bỏ kháng cáo và tuyên y án sơ thẩm. 
Giá điện trong lộ trình “tận thu”
Trang VnMedia đưa tin: Giá điện vẫn có thể tăng! Theo đó, mặc dù Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lãi 2.792 tỷ đồng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh điện năm 2017, “nhưng vẫn còn treo khoảng 5.000 tỷ đồng chi phí vẫn chưa được tính vào giá thành này. Khả năng tăng giá điện trong năm 2019 là hoàn toàn có thể xảy ra”.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công Thương, cho biết: “Việc cung ứng điện 2019 vẫn có thể đảm bảo, tuy nhiên tại một số thời điểm do tình hình căng thẳng nguồn sẽ phải huy động nguồn điện từ dầu”.
Lúc thì báo lãi, lúc thì nói lỗ hơn 1.300 tỷ đồng, EVN “tính chuyện” tăng giá điện, theo báo Dân Trí. Chuyện báo lỗ, EVN đưa ra một loạt lý do: “Giá than, giá dầu HSFO, thuế suất tài nguyên nước,…cùng tăng. Bên cạnh đó, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước và tỷ giá đồng đô la Mỹ biến động cũng ảnh hưởng tới giá điện”. Đối với giá than, dư luận mạng xã hội không quên chuyện quan chức CSVN bán than cho Trung Quốc với giá rẻ mạt rồi lại phải nhập khẩu than từ Trung Quốc với giá rất cao!
Chuyện Bộ Công Thương và EVN cùng kêu gánh nặng bù lỗ, cảnh báo thiếu điện đã gây xôn xao dư luận từ tuần qua đến nay. Không ít ý kiến trong dư luận “lề dân” nhận định rằng, đây là hậu quả tất yếu của ngành điện độc quyền ở Việt Nam. Chế độ đã toàn trị, lại thêm ngành điện độc quyền nên họ tự tính toán lỗ lãi với nhau để có thể hợp thức hóa việc móc túi của người dân.
Báo Tuổi Trẻ đặt câu hỏi: An ninh năng lượng sao cứ mãi ‘ăn đong’? Các nước tư bản từ lâu đã theo lộ trình chuyển dần sang dùng điện sạch, năng lượng sạch, Việt Nam cứ quanh quẩn ở con đường nhiệt điện than và hậu quả: “Các nhà máy nhiệt điện than ở miền Bắc phải dừng hoạt động một số tổ máy vì thiếu than do không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nguồn vừa qua”.
EVN không quên dọa người dân bằng nguy cơ cắt điện: Chưa cắt điện, nhưng có thể tăng giá, theo báo Tuổi Trẻ. EVN thừa biết, người dân sẽ không dễ dàng chấp nhận tăng giá điện, nên cảnh báo cắt điện đầu năm 2019. Họ độc quyền ngành điện nên có thể buộc người dân lựa chọn: Tiếp tục đóng thêm tiền điện hoặc không có điện để sử dụng. 
Nền giáo dục đầy bạo lực
Báo Một Thế Giới đưa tin: Trường bắt học sinh viết lời khai vụ cô giáo phạt 231 cái tát. Theo đó, “sau vụ 1 học sinh lớp 6 bị cô giáo phát động phạt 231 cái tát, ban giám hiệu trường THCS Duy Ninh (Quảng Ninh, Quảng Bình) lại bắt học trò viết lời khai. Các câu hỏi như bản hỏi cung nhưng lãnh đạo nhà trường nói đó là… phiếu điều tra”. Dĩ nhiên, lãnh đạo trường này muốn lấy lời khai của các học sinh theo hướng có lợi cho họ.
Lời khai của một em học sinh như bản cung. Ảnh: Báo SGGP
Báo Giáo Dục Việt Nam đặt câu hỏi: Người ta đã làm gì mà hàng chục học trò mất đi tính bản thiện? Thầy giáo Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội, cho biết, trong vụ nam sinh nhận 231 cái tát, ông “tỏ ra thất vọng về những hành vi trên của các em học sinh”. Không một nam sinh có ý thức phản kháng mệnh mệnh phi nhân tính, “thật đáng sợ, tất cả các bé đã bị biến thành những cái máy vô tâm”.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét