Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018

Bản tin ngày 1-12-2018

Bản tin ngày 1-12-2018

Tin Biển Đông
RFA dẫn tin từ CNN: Tàu chiến Mỹ đi sát quần đảo Hoàng Sa. Cuộc tuần tra được thực hiện bởi tuần dương hạm mang tên lửa USS Chancellorsville vào ngày 26/11. Người phát ngôn Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ, ông Nathan Christensen tuyên bố rằng, “hải trình lần này của tàu chiến Mỹ là để thách thức những tuyên bố lãnh hải vô lý, cũng như bảo vệ quyền tự do hàng hải”
Ông Christensen nói thêm rằng, “chuyện tàu Hải quân Mỹ đi lại hàng ngày tại Ấn Độ- Thái Bình Dương là hoạt động thông thường”Bài viết lưu ý: “Chỉ trong vòng hai tháng hải quân Mỹ đã liên tục thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải sát các đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông”. Cuối tháng 9 vừa qua, chiến hạm USS Decatur đã đi vào quần đảo Trường Sa.
RFA có bài: Nước Nga và dầu khí ở Biển Đông. Trong tình hình Nga muốn xúc tiến chuyện khai thác dầu ở Biển Đông, ThS Hoàng Việt nhận định: “Những tuyên bố của Chính phủ Nga thì nó lập lờ. Có lúc họ cần, họ cũng đánh tiếng ủng hộ Trung Quốc một phần nào. Đó là vấn đề về chính trị. Còn trong thực tế thì họ cần … thì Nga vẫn cương quyết không rút ra khỏi những cái mỏ ấy mặc dù có sức ép từ Trung Quốc”.
Tin nhân quyền
VOA đưa tin: Thêm 9 người biểu tình chống luật Đặc khu bị kết án tù. Đây là phiên tòa thứ ba “liên quan đến việc gây rối ở khu vực Phan Rí. Trước đó, 25 người đã nhận án tù”cũng chỉ vì biểu tình chống luật Đặc khu, thể hiện lòng yêu nước. Ông Dương Văn Ngoan nhận mức án cao nhất là 5 năm tù, những người còn lại nhận mức án tù từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù, đều với tội danh rất mơ hồ là “gây rối trật tự công cộng”.
Chín người tham gia đợt biểu tình ngày 10 và 11/6, phản đối hai dự luật đặc khu và an ninh mạng ở tỉnh Bình Thuận, bị kết án tù. Ảnh trên mạng
Bài viết nhắc lại, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế đã kêu gọi chính quyền Việt Nam “chấm dứt các vụ bắt giữ không hợp pháp và sử dụng vũ lực chống lại những người biểu tình trong các vụ biểu tình trên toàn quốc” nhằm phản đối dự luật Đặc khu. 
Trong phiên tòa chiều 30/11, nhà hoạt động Huỳnh Thục Vy bị 2 năm 9 tháng tù vì ‘xúc phạm cờ đỏ sao vàng’, theo BBC. Bài báo cho biết, bà Vy, với một con gái nhỏ hơn 20 tháng tuổi và “đang mang thai tám tuần, được hoãn thi hành án cho đến khi con tròn ba tuổi nhưng bị cấm rời khỏi nơi cư trú cho đến khi có thể thi hành án”
Ngay sau phiên tòa, ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nhận định, quyết định kết án bà Huỳnh Thục Vy “cho thấy Việt Nam tấn công mạnh mẽ tới đâu đối với các nhà hoạt động và các bloggers đấu tranh cho nhân quyền… Bản án này cho thấy một người mẹ trẻ sẽ phải xa con nhiều năm”.
Cô Huỳnh Thục Vy tại tòa án nhân dân thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk. Ảnh: TTXVN
RFA đưa tin: Chánh trị sự Cao Đài Hứa Phi lại bị cáo buộc chống dân tộc. Ông Hứa Phi, Chủ Tịch Hội đồng Liên Tôn Việt Nam “lại bị Công an Huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng gửi giấy mời làm việc với cáo buộc ‘có hành vi cung cấp thông tin sai sự thật cho bên ngoài, xúc phạm dân tộc Việt Nam”.
Ông Hứa Phi kể rằng, ông liên tục bị an ninh sách nhiễu, hành hung, đốt phá tài sản vì đầu tháng 11 ông xuống Sài Gòn để gặp phái đoàn của Bộ ngoại Giao Hoa Kỳ. “Chánh trị sự Hứa Phi là người công khai lên tiếng về tình trạng đàn áp những giáo phái không chịu tuân phục chỉ đạo, can thiệp của nhà nước trong sinh hoạt tôn giáo và giáo lý chân truyền”
VTC đưa tin: Phó trưởng công an xã ở Huế đánh người đàn ông vỡ xương ngón tay. Ông Lê Phong bị Phó trưởng Công an xã La Xuân Xáng đánh gãy xương tay tại trụ sở công an. Nạn nhân cho biết, sau khi nhận được giấy mời, ngày 26/11 ông đến trụ sở xã Lộc Trì khai báo sự việc với ông La Xuân Xáng. “Vụ việc chưa xong nên công an xã hẹn buổi chiều làm việc tiếp”. Buổi chiều ông Phong quay lại thì bị ông Xáng hành hung.
Ông Lê Phong bị Phó trưởng Công an xã đánh trong lúc làm việc. Nguồn: VTC
Trả lời báo chí, ông Cái Xuân Lạng, Trưởng Công an xã Lộc Trì bênh vực cấp phó của mình: “Khi hai bên trao đổi qua lại, ông Phong đã xúc phạm ông Xáng nên trong lúc nóng giận ông Xáng đánh gây thương tích mu trên bàn tay trái của ông Phong”.
Tuyên án vụ tướng công an bảo kê đánh bạc
Chiều qua, TAND tỉnh Phú Thọ đã tuyên án Phan Văn Vĩnh và 91 đồng phạm trong đường dây đánh bạc ngàn tỉ như sau: Cựu tướng Nguyễn Thanh Hóa án 10 năm tù, Phan Văn Vĩnh 9 năm tù, Nguyễn Văn Dương 10 năm tù, Phan Sào Nam 5 năm tù, theo VOV.
Video Player
00:00
00:52
Tiếp tục vở diễn sức khỏe “có vấn đề”, ông Phan Văn Vĩnh nhập viện trước giờ tuyên án, theo Zing. Trước khi tuyên án, luật sư của bị cáo Phan Văn Vĩnh nộp đơn, xin cho thân chủ vắng mặt vì “vấn đề sức khỏe, phải nhập viện”. Một tướng công an CS dám bảo kê đánh bạc lên đến gần mười ngàn tỷ, nhưng đến lúc phải đối mặt với hình phạt thì tìm đủ cách tránh né.
Báo Nông Nghiệp Việt Nam đưa tin: Ông Vĩnh, ông Hóa lại “cao huyết áp” khi tòa tuyên án. Theo đó, chỉ ít phút sau khi buổi tuyên án bắt đầu, cựu trung tướng Phan Văn Vĩnh đã rời khỏi hàng ghế dành cho bị cáo, luật sư của ông Vĩnh cho biết thân chủ của mình có vấn đề về bệnh tim mạch. “Ngay sau đó, bị cáo Nguyễn Thanh Hóa cũng rời phòng xét xử vào phòng chăm sóc y tế”.
Vũ “nhôm” và ngân hàng Đông Á
Báo Tiền Phong đưa tin: Vũ ‘nhôm’ khai bản thân là ‘tình báo viên’ của Bộ Công an. Bị cáo Phan Văn Anh Vũ khai tại tòa ngày 30/11: “Thời điểm quan hệ với DAB, bị cáo đang là ‘tình báo viên’…” Tuy nhiên, tòa ngay lập tức ngắt lời Vũ “nhôm”, không cho nói về vấn đề đó, có lẽ họ chưa được cấp trên cho phép để lộ sự thật lớn hơn. Tuy nhiên, dư luận mạng xã hội cũng đã biết rõ thông tin Vũ “nhôm” đã dùng tiền và quyền để mua tấm thẻ ngành, cấp thượng tá tình báo công an.
Vũ ‘nhôm’ kêu oan, nói mua cổ phần DAB là quan hệ dân sự, theo báo Tuổi Trẻ. Vũ “nhôm” cho rằng “cáo trạng đưa không đúng hành vi của bị cáo”. Vũ “nhôm” khẳng định, việc vay mượn tiền hoàn toàn là quan hệ dân sự giữa bị cáo và ông Trần Phương Bình. Cáo trạng xác định Phan Văn Anh Vũ đã “lợi dụng chức vụ quyền hạn” chiếm đoạt 200 tỉ đồng của DAB. 
Sau 2 ngày bị cách ly Vũ ‘nhôm’ khai: ‘Chỉ làm theo hướng dẫn của anh Bình’, theo báo Dân Việt. Vũ “nhôm” kể, lúc ông Trần Phương Bình đề xuất mua cổ phần hồi năm 2013, Vũ “nhôm” không thể tự quyết định được, “sau khi báo cáo với cấp trên và lãnh đạo Công ty CP Bắc Nam 79, lúc đó bị cáo mới đồng ý mua cổ phần”. Vũ “nhôm” một mực cho rằng ông Bình mới là người cầm trịch sai phạm ở DongA Bank.
Báo Dân Trí đưa tin: Vũ “nhôm” thề độc trên tính mạng vợ và 6 con. Phan Văn Anh Vũ nói: “Bị cáo cam đoan những gì bị cáo khai tại tòa là hoàn toàn đúng sự thật. Bị cáo xin lấy tính mạng vợ và 6 người con của bị cáo ra cam kết”. Một kẻ lấy sinh mạng người thân ra để thề thốt, lại là kẻ từng là thượng tá bình báo trong ngành công an!
Trần Bắc Hà và “sự nghiệp” trong ngành ngân hàng
Báo Dân Trí đặt câu hỏi: Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc ông Trần Bắc Hà bị bắt? Dĩ nhiên, Ngân hàng Nhà nước tìm cách trấn an người dân: “BIDV là một trong những ngân hàng có quy mô tổng tài sản lớn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam. Do các cá nhân trên đã nghỉ hưu, không còn nắm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại BIDV nên vụ việc này không ảnh hưởng đến hoạt động của BIDV”.
VOV không quên tận dụng cơ hội tuyên truyền sau vụ bắt giam ông Trần Bắc Hà: Chống tham nhũng đi từng bước vững chắc. Bài viết nhận định “đúng quy trình”: “Việc bắt giữ cựu lãnh đạo của BIDV- một trong 4 ngân hàng thương mại nhà nước lớn nhất Việt Nam cho thấy, cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát động đang đi từng bước vững chắc”.
BBC có bài: Vụ Trần Bắc Hà và tham nhũng ngân hàng ‘từ lâu’. TS Phạm Đỗ Chí, cựu quan chức cao cấp của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết: “Ngay từ hồi tôi có thời gian về Việt Nam làm việc từ năm 2003 đến 2014, trong suốt thời gian dài này tôi đã chứng kiến trong ngành ngân hàng rất nhiều chuyện xấu được lấp liếm, cất lại nhờ các thế lực, nhóm lợi ích”.
Báo Lao Động đặt câu hỏi: Ông Trần Bắc Hà – nguyên Chủ tịch BIDV đã sai phạm những gì tại 12 công ty “ma” của Phạm Công Danh? Bài báo cho biết: Ông Trần Bắc Hà “đã ký 12 quyết định phê duyệt chủ trương cho 12 công ty của Phạm Công Danh vay vốn. Điều đáng nói, 12 công ty này đều được lập khống để đề nghị vay tổng cộng 4.700 tỉ đồng”.
Từ khi đại án ngân hàng liên quan đến sai phạm của các ông Phạm Công Danh, Trầm Bê, dẫn đến sự sụp đổ tài chính của Ngân hàng Xây dựng, được đem ra xét xử, những người thạo tin đã dự đoán rằng, sớm muộn phe Tổng – Chủ cũng tính tới ông Trần Bắc Hà. Vì ông Trầm Bê là người có liên quan mật thiết đến ông Bắc Hà và đường dây kinh tài sau lưng “đồng chí X”.
Video Player
00:00
02:12
Báo Nông Nghiệp Việt Nam chỉ ra khối tài sản kếch xù của gia đình ông Trần Bắc Hà trên đất Bình Định. Những tài sản được kể đến bao gồm Resort Hoàng Gia Quy Nhơn rộng hàng chục ngàn mét vuông, ngay vị trí đắc địa của thành phố Quy Nhơn. 
Con trai ông Hà sở hữu công ty với dự án đầu tư khu đô thị, thương mại An Phú gần 300 tỷ đồng; và cũng sở hữu số cổ phần rất lớn, có chân trong HĐQT tại Cảng Quy Nhơn. Ngoài số tài sản “nổi”, phần chìm của khối tài sản mà gia đình Trần Bắc Hà nắm, được cho là con số rất lớn, đủ để ông “hô mưa gọi gió” trong khoảng thời gian dài.
Infonet có bài: Điểm mặt “Câu lạc bộ” trùm ngân hàng lãnh án tù. Bài viết lưu ý đến nhóm 3 “ngân hàng 0 đồng” đã để lại hậu quả nợ xấu vẫn đang ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Một loạt tên tuổi: Hà Văn Thắm, Hứa Thị Phấn, Trầm Bê… đều có liên quan đến đường dây kinh tài sau lưng “đồng chí X”.
“Công bộc” của dân?
Hơn 2 năm sau thảm họa môi trường do Formosa Hà Tĩnh gây ra, đến nay, chuyện tiền đền bù cho người dân vẫn chưa yên. Báo Đất Việt có bài: Tố lãnh đạo ép dân trả lại tiền hỗ trợ: Lý giải. Gia đình ông Phan Viết Sáu bị chết 2 hồ nuôi tôm, cá với diện tích mỗi hồ hơn 800m2, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. 
Ông Sáu được chính quyền “đền bù” 17,5 triệu đợt 1, gọi là tiền khắc phục hậu quả. Đợt thứ 2, chính quyền xã bồi thường cho 2 công nhân, mỗi người 8,7 triệu đồng. Tuy nhiên, ngay sau đó chính quyền đòi lại tiền đợt thứ 2. Dù chính quyền các cấp đã cắt xén số tiền này, nhưng vẫn chưa đầy túi tham của họ. Chính quyền xã đe dọa, nếu người dân không nộp lại thì về sau xã sẽ không xử lý mọi thủ tục hành chính.
Báo Tiền Phong đặt câu hỏi: Vụ cán bộ đánh bạc tại cơ quan: Vì sao nơi sa thải, nơi khiển trách? Hai vụ cán bộ đánh bài ăn tiền xảy ra tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam và Xí nghiệp Quản lý và Phát triển nhà Hai Bà Trưng. Tại xí nghiệp Hai Bà Trưng, lãnh đạo đã “kỷ luật nghiêm túc” bằng hình thức “khiển trách”. Cũng hành vi trên, đánh bài số tiền nhỏ, 2 tài xế tại Tổng Cục Đường bộ Việt Nam bị lãnh đạo buộc thôi việc. Các tài xế này cho biết, họ không được lòng lãnh đạo từ trước.
Nền kinh tế ảm đạm
Trang The Leader đưa tin: Việt Nam xuất siêu 6,8 tỷ USD trong 11 tháng. Con số có vẻ hào nhoáng, nhưng nhìn thực tế cơ cấu xuất khẩu sẽ thấy sự u ám của kinh tế Việt Nam. Khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 23,4 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 30,2 tỷ USD. Nền kinh tế chỉ dựa vào bán dầu và những con số đầu tư từ doanh nghiệp FDI, trong khi đóng góp thật sự của khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cho VN là rất ít.
Cũng trang The Leader bàn về tình hình doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa: ‘Hỗn hợp, phức tạp, nửa vời’. TS Nguyễn Đạt Lai bình luận: “Quản trị doanh nghiệp nhà nước đang đặt ra vấn đề rất lớn là quản trị như thế nào khi các doanh nghiệp đã cổ phần hoá nhưng vẫn có đến 90% vốn nhà nước. Chính điều này đã tạo ra một kiểu quản trị rất nửa vời”. Theo chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, “công cuộc tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước đến nay đã 20 năm những vẫn chưa đạt được những thành tựu rõ ràng”
Báo Công Lý đặt câu hỏi: Hơn 83 ngàn DN tạm ngừng hoạt động trong 11 tháng: Vì sao? Trong 11 tháng năm 2018 có hơn 83.000 doanh nghiệp giải thể, tăng 49,3% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp thành lập mới chỉ bằng khoảng 12,5% số giải thể, giảm mạnh về số lượng và giá trị doanh nghiệp. 
Đa số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nguyên nhân: Trong môi trường kinh doanh không lành mạnh, thể chế méo mó, doanh nghiệp không có được những điều kiện tối thiểu để hoạt động. Đó là chưa kể doanh nghiệp nhỏ và vừa phải đối mặt với rất nhiều hoạt động sách nhiễu tiêu cực từ chính quyền, bị cạnh tranh không lành mạnh từ các công ty của quan chức, của phe nhóm cán bộ.
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét