Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

Đôi điều suy nghĩ về các bất lợi khi phải sử dụng “Dư luận viên”

 

Đôi điều suy nghĩ về các bất lợi khi phải sử dụng “Dư luận viên”

Nguyễn Ngọc Chu

27-3-2021

1. NHỮNG CÂU HỎI DAY DỨT

Đọc báo Tiền phong điện tử bài ‘Xây dựng đội ngũ dư luận viên chống “diễn biến hòa bình” trên mạng xã hội’ mà thêm day dứt, không thể diễn tả nổi cảm xúc. Trong đó có đoạn: “Đồng thời xây dựng đội ngũ dư luận viên để tuyên truyền về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị và đấu tranh, phản bác các thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, chống “diễn biến hòa bình” trên mạng xã hội”. Tự nhiên, hàng loạt câu hỏi hiện lên trong đầu.

– Đất nước mình ở giai đoạn nào rồi mà còn phải xây dựng đội ngũ dư luận viên?

– Có một lực lượng tuyên truyền hùng hậu với khoảng tám trăm tờ báo và tạp chí, hàng trăm đài phát thanh và truyền hình, hàng chục ngàn người làm việc, cùng các mạng xã hội với hàng chục triệu người dùng, thì hà cớ chi còn cần phải sử dụng đến dư luận viên?

– Các “thế lực thù địch” không có dư luận viên sao có cả nhà nước mà phải cần đến dư luận viên?

– Sao không đào tạo thành đấu sĩ tiên phong đối mặt? mà phải trở thành dư luận viên viên?

Vì thế mà xin trao đổi vài điều sau:

2. NHỮNG BẤT LỢI CỦA ĐẤU PHÁP DƯ LUẬN VIÊN

Xây dựng đội ngũ dư luận viên để chống diễn biến hoà bình trên mạng xã hội là một cách tiếp cận sai, là đấu pháp hạ sách.

Bản thân 3 từ ‘dư luận viên’ trong tiếng Việt không gây được cảm tình mà chỉ thấy gợi lên những điều tiêu cực. Ít nhất là 4 điều bất lợi sau.

1/ A dua, ăn theo, nói theo;

2/ Không chính nghĩa, không đường hoàng, không dám ra mặt đối đầu;

3/ Không chính quy, không đẳng cấp, không có trình độ;

4/ Ở vai trò mang tính bị chỉ bảo phải làm…

Xin các nhà giáo môn tiếng Việt có những giải thích thêm về 3 từ ‘dư luận viên’.

5/ Bất lợi tiếp theo của đấu pháp dư luận viên là tốn kém mà không hiệu quả, lại còn bị coi thường.

Chúng ta đang ở thế kỷ kết nối vệ tinh toàn cầu, ai cũng có thể biết được diễn biến ở mọi điểm trên thế giới. Bây giờ chứ không phải hàng trăm năm trước – khi thông tin không kết nối, khi bị bưng bít thông tin – mà phải dùng chiêu thức “nói ngàn lần thì dối cũng tin là thực”. Nên cách tiếp cận lấy số đông a dua để dành phần đúng là một cách tiếp cận không phù hợp ở thời đại toàn cầu hoá.

Thứ đến, ‘diễn biến hoà bình’ ở đây được hiểu là sự thay đổi nhận thức của con người. Muốn dành phần thắng thì phải bằng lý lẽ chính nghĩa của những đấu sĩ sắc sảo, thông tuệ – làm cho con người thay đổi nhận thức, bị thuyết phục. Đội ngũ dư luận viên không có đẳng cấp này. Nên đây là sai lầm mang tính phá sản khi quyết định sử dụng đấu pháp dư luận viên.

3. CÁC THẦY CÔ GIÁO CÓ MUỐN HỌC TRÒ TRỞ THÀNH DƯ LUẬN VIÊN?

Các thầy cô giáo là người được tôn trọng ngang với bậc sinh thành. Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy.

Cả đời người đi dạy học, thầy cô giáo chỉ mong cho học trò thành người, thành đạt. Không phải vì cậy nhờ, hay ngồi chờ, mà là mong cho đời sống học trò không vất vả, mong cho học trò trở thành người có ích cho gia đình, xã hội, bõ công cả cuộc đời truyền thụ gửi gắm.

Trở thanh dư luận viên không mang lại vẻ vang cho bố mẹ, gia đình, dòng họ. Trở thành dư luận viên càng không mang lại niềm tự hào cho thầy cô giáo.

Xin hỏi thầy cô giáo trên toàn quốc, có ai muốn học trò trở thành dư luận viên không? Không chỉ không muốn, mà với thầy cô giáo, nếu có học trò trở thành dư luận viên thì đó là một nỗi day dứt khổ tâm.

4. ĐỀ XUẤT

1. Việc gì cũng phải tinh nhuệ. Phải xây dựng đội ngũ lý luận của chính quyền tuy ít về con số nhưng tinh nhuệ về kiến thức – bao gồm những người thông tuệ, có đủ tri thức để phản bác (một cách thuyết phục) các lý luận sai trái, làm cho người dân nhận biết đúng sai mà ngả theo. Điều này đội ngũ dư luận viên dù có trả lương đến cả chục triệu người cũng không thể làm được.

2. Tổ chức các cuộc tranh luận trực tiếp về những vấn đề cốt lõi – dễ dẫn đến “diễn biến hoà bình” – để người dân nhận biết phải trái. Những cuộc tranh luận như vậy mang đến cho người dân những nhận thức đúng đắn, quan trọng gấp cả triệu bình luận (comment) của dư luận viên trên các bài đăng (status) mà nhân dân không đọc, và ngay cả chủ các status cũng không đọc. Mục đích là thuyết phục nhân dân chứ không phải thuyết phục chủ các status.

3. Xây dựng đông đảo đội ngũ tuyên truyền viên giỏi, có đủ trình độ lý luận bác lại luận điệu của nhà cầm quyền Bắc Kinh về Hoàng Sa, Trường Sa và đường lưỡi bò. Đây là điều cực kỳ quan trọng cho chủ quyền lãnh thổ của tổ quốc. Đây mới là điều cấp bách phải làm. Vì Trung Quốc tuyên truyền và bưng bít thông tin đến mức tuyệt đại đa số người dân Trung Quốc tin rằng Hoàng Sa, Trường Sa và đường lưỡi bò là lãnh thổ hợp pháp của Trung Quốc. Không có gì quan trọng hơn bảo vệ chủ quyền lãnh thổ.

4. Để dành được lá phiếu ủng hộ của các quốc gia khác trên trường quốc tế, các nhà ngoại giao Việt Nam và Chính phủ Việt Nam phải nhờ đến trí tuệ và các chính sách hợp pháp, hợp lý, chứ không nhờ đến dư luận viên. Các quốc gia ủng hộ không phải là các quốc gia dư luận viên. Phải hiểu đúng để tìm đồng minh chứ không thể là dư luận viên.

5. Những nhà lý luận uyên bác, những nhà truyền giáo giỏi giang, những tuyên truyền viên xuất sắc – không đứng vào hàng ngũ dư luận viên. Chiếm được lòng tin của nhân dân không bao giờ là công lao của dư luận viên. Dư luận viên là một hạ sách tiểu xảo cổ xưa – cần phải loại bỏ trong quyết sách dẫn dắt quốc gia. Bảo vệ quốc gia và dẫn dắt quốc gia phát triển phải bằng những quốc sách cái thế.

6. Xin hãy sử dụng tiền thuế của nhân dân một cách hiệu quả.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét