Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 28 tháng 3, 2021

Ghi chép lại về một nhóm cựu sinh viên phản chiến

 

Ghi chép lại về một nhóm cựu sinh viên phản chiến

Jackhammer Nguyễn

27-3-2021

Vào một đêm hè cách đây 25 năm, tôi đến chơi nhà anh C ở Montreal, Canada, qua sự quen biết của người bạn mà tôi đang ở nhờ tại thành phố này. Người bạn này vượt biên khoảng năm 1978-1979 và từng tham gia các cuộc biểu tình chống Cộng ở Montreal rất mạnh. Không rõ sau đó cơ duyên nào anh lại quen với anh C, thuộc nhóm cựu sinh viên phản chiến trước kia ở Canada. Lúc đó không khí đã lắng xuống, Việt Nam mở cửa, không còn thấy những cuộc biểu tình nữa.

Buổi tối hôm đó có anh Q, một chuyên viên của Liên Hiệp Quốc, từng là cố vấn cho chính phủ Cộng sản Việt Nam trong một giai đoạn, mà cố vấn không có vị trí gì cả, ít nhất là ở nơi công khai. Có cả anh T, một người cũng là sinh viên phản chiến từ Pháp di cư qua Canada.

Với tính “tọc mạch” của người làm báo, tối hôm đó là một dịp để tôi khi thì gặn hỏi, khi thì gợi chuyện, để biết về những người mà đến lúc đó tôi chỉ nghe chứ chưa bao giờ gặp, ‘những sinh viên phản chiến’, mà nhiều người cho là họ đã góp phần giúp cộng sản thắng miền Nam.

Theo những gì tôi ghi nhớ từ những anh này kể, thì Canada là nơi có một số lính Mỹ đốt thẻ quân dịch trốn sang, rồi nhiều sinh viên Việt Nam bên Mỹ cũng chạy sang nữa, sau vụ sinh viên phản chiến Nguyễn Thái Bình bị bắn chết qua vụ cướp máy bay.

Các sinh viên biểu tình chống chiến tranh ở miền Nam năm 1965. Nguồn: AP

Sau này có một người từng là một trong những thủ lĩnh của phong trào phản chiến nói với tôi rằng, Nguyễn Thái Bình thân thiết với những nhóm rất cực đoan, người Mỹ cũng như người Việt, nhưng bản thân Bình không phải là kẻ cực đoan.

Các anh này kể với tôi là, có những đêm lửa trại của nhóm sinh viên Việt Nam phản chiến ở Canada có đến 300 người tham dự.

Tối hôm đó tôi nghe kể câu chuyện về một nhân vật phản chiến khá nổi tiếng trong giới khoa học ở Việt Nam sau này là GS Nguyễn Hữu Anh. Ông Anh trốn qua Canada, rồi từ Canada chạy về miền Bắc Việt Nam trước ngày 30/4. Sau đó, ông đứng đầu khoa toán tại đại học Tổng hợp Sài Gòn một thời gian và lập một công ty về tin học.

Người ta cũng kể cho tôi nghe về nhóm phản chiến bên Pháp, đứng đầu là ông Nguyễn Ngọc Giao, từng làm thông ngôn cho Lê Đức Thọ tại hòa đàm Paris. Nhóm này có một tạp chí tên là Diễn Đàn. Sau này, một vài nhân vật lại bị nhà nước cộng sản Việt Nam cấm về Việt Nam (tôi không nhớ tên người được nêu ra, không biết có phải là ông Giao hay không).

Nhưng câu chuyện tôi nhớ nhất là sau ngày 30/4/1975, ở Paris có người trong nhóm phản chiến này tình nguyện làm công việc lái xe cho tòa đại sứ cộng sản tại Paris, nhưng không được chấp nhận. Sự kiện này và một loạt sự kiện sau đó làm cho giới phản chiến nhận ra rằng Hà Nội không công nhận họ. Anh Q nói: Chúng tôi bảo nhau là Hà Nội không công nhận tụi mình, thôi trở về đi học lại.

Số là họ bỏ bê việc học hành khá nhiều vì bận bịu trong các vụ biểu tình phản chiến, hoạt động phong trào,… nhưng đi học lại không phải dễ. Tuy nhiên, cũng có những người thành công như anh Q làm chuyên viên Liên Hiệp Quốc. Nghe nói là mãi đến sau này anh Q mới nhập quốc tịch Mỹ, trước đó, ngay cả thời gian làm cho Liên Hiệp Quốc, khắp nơi trên thế giới anh vẫn dùng hộ chiếu Việt Nam. Nhưng có những người cũng học hành dở dang như anh T chẳng hạn, chỉ làm những việc bình thường, dù rằng hồi đi học, anh nổi tiếng là thông minh và học giỏi.

Có khá đông các cựu sinh viên phản chiến này sau năm 1975 cơm không lành canh không ngọt với chính quyền Cộng sản Việt Nam trong một thời gian vài năm, vì họ hay chỉ trích những chính sách của nhà cầm quyền cộng sản.

Thế nhưng có vẻ như đa số họ vẫn tỏ thái độ thân thiện với Hà Nội sau khi hai bên “bình thường hóa quan hệ”. Một nhà báo có quan hệ rộng với nhóm phản chiến này nói với tôi rằng: Họ đã lỡ yêu rồi, biết làm thế nào!

Toàn bộ những sinh viên phản chiến này đều ra đi từ miền Nam Việt Nam. Sau này có một cựu sinh viên chống phản chiến tại Pháp nói với tôi là sự hình thành của phong trào phản chiến mạnh như vậy ở các sinh viên Việt Nam du học vào thời kỳ đó nằm trong mẫu số chung của tầng lớp trí thức thế giới không muốn Mỹ can thiệp vào Việt Nam. Anh này nói là, trong sự phản ứng đó có cái tâm lý của con người nói chung là muốn bênh vực kẻ yếu hơn.

Một số người khác thì bảo là những sinh viên này được lớn lên trong tinh thần tự do tư tưởng của miền Nam Việt Nam, nên họ cứ việc phản ứng không cần che đậy trước những gì mà theo họ là không đúng. Mà một điều rất lạ là, những hoạt động có thể gọi là thân cộng sản của họ diễn ra khi những trường hợp như Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường bị miền Bắc cộng sản bạc đãi đã được biết đến, hay những thông tin về Gulag của nước Nga cộng sản cũng đâu có hiếm?!

Có người nói với tôi là nên đặt câu chuyện này trong sự phức tạp của lịch sử Việt Nam, sự bén rễ của phong trào cộng sản quốc tế trong tình cảnh tìm độc lập cho Việt Nam từ tay người Pháp ở đầu thế kỷ 20, trong khi những tổ chức phi cộng sản lại quá yếu.

Đây là ghi chép theo trí nhớ của tôi, có thể sai trong vài chi tiết (nếu có người biết, xin giúp đính chính), nhưng nội dung chính thì không sai. Như một người ghi chép, tôi viết ra đây mà không có ý kiến riêng, sau khi đọc lại một đoạn trích dẫn về ‘Trí thức Miền Nam sau 1975’, từ sách “Bên Thắng Cuộc” của tác giả Huy Đức, đăng trên báo Tiếng Dân, nói về số phận một số trí thức được đào tạo từ phương Tây, sống ở miền Nam Việt Nam sau năm 1975.

Trừ một số nhân vật công chúng mà câu chuyện về họ là công khai, tôi xin được giữ kín tên của những người tôi gặp trong đêm hè Montreal 25 năm trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét