Nội chiến ở Miến Điện ngày càng có nhiều khả năng xảy ra
Tác giả: David Pfeifer
Dịch giả: Hiếu Bá Linh
28-3-2021
“Ngày Giết người” trong “Ngày Quân lực” 27/3: Trong khi quân đội mừng ngày lễ này với các vị khách từ nước ngoài, những người lính trên khắp đất nước đã sát hại hơn 100 thường dân, trong đó có một cậu bé năm tuổi. Nội chiến ngày càng có nhiều khả năng xảy ra.
Thứ Bảy 27/3 là ngày tồi tệ nhất kể từ khi quân đội Myanmar đảo chính, chiếm quyền ngày 1/2. Vào “Ngày Quân lực“, quân đội đã ăn mừng bằng cách bắn chết thường dân. Ngày này trước đây được gọi là “Ngày Kháng chiến” vì nó đánh dấu sự khởi đầu của cuộc kháng chiến chống lại sự chiếm đóng của Nhật Bản năm 1945, do cha của bà Aung San Suu Kyi lãnh đạo. Bà là người đứng đầu chính phủ, hiện đang bị cầm tù.
Hiện vẫn chưa rõ số người chết chính xác hôm thứ Bảy là bao nhiêu, vì cuộc biểu tình ôn hòa của người dân Miến đã lan sang các tỉnh và thành phố nhỏ hơn. Theo tường thuật của cổng thông tin Myanmar Now, có ít nhất 114 người được cho là đã thiệt mạng. Đài truyền hình nhà nước do quân đội kiểm soát đã đưa ra cảnh báo hôm thứ Sáu ngày 26/3 rằng, những người biểu tình sẽ bị bắn “vào đầu và vào lưng“.
Tướng Min Aung Hlaing, người đứng đầu quân đội, đã có một bài phát biểu, trong đó, ông khẳng định rằng, quân đội muốn bảo vệ người dân và nỗ lực cho dân chủ. Trong khi cuộc diễn binh kỷ niệm ‘Ngày Quân lực‘ diễn ra ở thủ đô Naypyidaw, quân đội Tatmadaw (tên gọi quân đội Myanmar) đã tấn công toàn bộ khu dân cư và nhà cửa ở nhiều thành phố. Những người lính không chỉ bắn vào những người biểu tình, mà còn bắn những người mà họ tìm thấy. Nạn nhân nhỏ tuổi nhất là một đứa bé 5 tuổi, ở Mandalay.
Trên một đoạn video từ camera giám sát được phổ biến trên mạng xã hội và các dịch vụ nhắn tin hôm thứ Bảy và cũng được gửi đến nhật báo Đức Süddeutsche Zeitung từ nhiều nguồn khác nhau, cho thấy, người lính trên một chiếc xe bán tải đang lao tới, đã bắn vào ba thanh niên từ phía sau lưng, ba thanh niên này đang cùng đi trên một chiếc xe gắn máy. Họ bắn trúng một người và kéo anh ta đi. Hiện anh ta được cho là đang nằm trong bệnh viện quân y.
Xem video clip từ kênh Mizzima TV tại đây:
Trung Quốc và Nga ngăn chặn các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn của HĐBA Liên Hiệp Quốc
Những vụ việc cho thấy bộ máy quyền lực quân sự đã hoành hành đến mức không chỉ đàn áp người dân, mà sự man rợ của chiến tranh đã trở thành một chuyện thường ngày trong cuộc sống của người dân Myanmar. Như chúng ta đã biết, từ Chiến tranh thế giới thứ hai hay Chiến tranh Việt Nam, nơi có những hành động tàn bạo hết sức tùy tiện với đối phương, nhưng trong trường hợp Myanmar, nạn nhân lại là công dân của đất nước họ.
Ming Yu Hah, Giám đốc khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói: “Đây chỉ là ví dụ mới nhất về việc các nhà lãnh đạo quân đội quyết tâm giết dân để dập tắt phong trào phản kháng trên toàn quốc đối với cuộc đảo chính của họ. Những vụ giết người kinh hoàng này, một lần nữa cho thấy, sự ù lì một cách trơ tráo của các tướng lĩnh đối với các biện pháp trừng phạt mà từ trước đến nay vẫn được cộng đồng quốc tế sử dụng”.
Tổ chức Ân xá Quốc tế đã cố gắng trong nhiều tuần nhằm có được các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn từ Liên Hiệp Quốc, nhưng không thành công, vì sự phủ quyết của các quốc gia như Trung Quốc và Nga. Việc cộng đồng thế giới không thể quyết định trừng phạt cứng rắn chính quyền quân phiệt, đang ngày càng trở thành một vấn đề chính trị. Đặc biệt, Bắc Kinh tiếp tục chống lưng cho chính quyền quân phiệt và chỉ khuyến cáo các tướng lĩnh phải tôn trọng nhân quyền.
“Cái giá phải trả cho sự không hành động quốc tế này là chúng ta chỉ có thể đếm được những người chết“, Ming Yu Hah nói thêm. Hơn 400 người Myanmar đã bị bắn chết trong các cuộc biểu tình ôn hòa cho đến nay.
Ngoài các phái viên từ Trung Quốc và Nga, các tùy viên quân sự từ Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, Việt Nam, Thái Lan và Lào đã đến thủ đô Naypyidaw dự lễ duyệt binh “Ngày Quân lực“.
Hãng tin Reuters hôm thứ Sáu, ngày 26/3, đưa tin, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin đã có cuộc gặp với Tướng Min Aung Hlaing tại thủ đô Myanmar. Theo truyền thông nhà nước Nga, quân đội Nga muốn tăng cường quan hệ với Tatmadav (tên gọi quân đội Myanmar), trong khi hầu hết các quốc gia phương Tây đều đồng lòng lên án vụ sát hại hàng trăm thường dân.
Ông Tom Andrews, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Myanmar đã mô tả các hành động của quân đội chính phủ là “giết người hàng loạt“. Cho đến nay, một bộ phận lớn cộng đồng thế giới cảm thấy kinh hoàng, nhưng hầu như không làm gì được, khi thấy người dân thường Myanmar bị quân đội bắt cóc, đe dọa và giết hại.
Mặt khác, chính phủ một số nước trong vùng lân cận dường như đã sẵn sàng công nhận sự nắm quyền của chính quyền quân phiệt; trong số đó có cả các quốc gia khổng lồ như Trung Quốc và Ấn Độ, mà chính phủ của họ hiện không thống nhất được điều gì khác hơn.
Các cuộc kháng chiến vũ trang cũng đang hình thành
Trong khi đó, sự tuyệt vọng cũng đang gia tăng trong “Phong trào Bất tuân dân sự” (CDM), phong trào phối hợp giữa biểu tình ôn hòa và tổng đình công ở Myanmar, kêu gọi một “cuộc đình công im lặng” vào thứ Tư tuần trước, ngày 17/3. Vì thế, các đường phố ở Yangon trở nên vắng vẻ một cách kỳ lạ. Theo tuyên bố của chính họ, họ muốn cho thế giới thấy rằng, họ không thể mãi mãi gửi bia nhắm ra đường phố cho những người lính hăng máu bắn.
Cuối tuần qua, CDM đã sử dụng Twitter để xin lỗi những người theo dõi các cuộc biểu tình trên mạng xã hội, vì trên đó tràn ngập hình ảnh và clip về những người đã bị sát hại. Vì những kênh này là kênh duy nhất mà thông tin có thể lọt ra ngoài, nên các bài viết ngày càng trở nên tuyệt vọng hơn và quyết liệt hơn, tương ứng với các cuộc hành quân giết chóc ngày càng nhiều của binh lính.
Mặt khác, ở miền Bắc đất nước, cuộc kháng chiến vũ trang cũng đang hình thành. “Ethnic Armed Forces“, đội quân người dân tộc vũ trang ở tỉnh Kachin, nơi họ gọi là quốc gia Kachin, đã tuyên bố hủy bỏ thỏa thuận ngưng chiến với Tatmadaw, quân đội Myanmar.
Trong khi lễ duyệt binh đang được tổ chức tại thủ đô, “Liên minh Quốc gia Karen” (KNU) đã bắt giữ binh lính Tatmadaw và tràn vào một căn cứ quân sự, khiến 10 binh sĩ thiệt mạng. KNU, cũng đang kiểm soát các khu vực phía đông nam, tối thứ Bảy đã tố cáo rằng các phi công máy bay chiến đấu Tatmadaw đã thực hiện một cuộc tấn công vào Day Pu Nom, một ngôi làng ở biên giới với Thái Lan, khoảng 8 giờ tối.
Vài tuần qua, người dân Myanmar đã tìm kiếm sự bảo vệ trong lực lượng kháng chiến tại các khu vực do KNU kiểm soát. Và nếu một khi đủ số người trong số họ chạy trốn để tham gia cuộc kháng chiến vũ trang, các cuộc biểu tình ôn hòa mà cộng đồng thế giới theo dõi lâu nay, rất có thể sẽ biến thành một cuộc nội chiến.
* Tựa đề là do người dịch đặt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét