Màu tóc có liên quan gì tính cách?
31-3-2021
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) nói ông cảm động vô cùng với Tổng bí thư, Chủ tịch nước có “mái đầu bạc trắng hiên ngang”. Vậy, tôi hỏi lại ông Trí: màu tóc (đen hay trắng) có liên quan gì đến tính cách (hiên ngang hoặc luồn cúi) của một con người?
Y học diễn giải nguyên nhân tóc bạc như sau:
Đối với người lớn tuổi, cơ thể sẽ lão hóa tự nhiên, các tế bào melanocyte suy yếu hoặc không sản xuất được sắc tố melanin khiến những sợi tóc bạc màu.
Đối với người tóc bạc sớm thường do các nguyên nhân: Thiếu vitamin B12, ferritin, calci, vitamin D-3, đồng, kẽm và sắt; hoặc gặp vấn đề về tuyến giáp, hay thần kinh ở trong trạng thái luôn căng thẳng; mắc bệnh bạch biến; hoặc gia đình có “gen tóc bạc sớm”.
Còn nhân cách, các nhà tâm lý học Tây phương cho rằng, nó được hình thành do: Di truyền bẩm sinh, hoàn cảnh sống (môi trường tự nhiên và môi trường xã hội), nhân tố giáo dục, nhân tố hoạt động và yếu tố giao tiếp.
Theo quan niệm Đông phương, Lão Tử nói: “Gieo suy nghĩ, gặt lời nói. Gieo lời nói gặt hành động. Gieo hành động gặt thói quen. Gieo thói quen gặt tính cách. Gieo tính cách gặt số phận”.
Nghĩa là, tóc bạc của ông Trọng “không bà con” gì với tính cách hiên ngang của ông.
Trước đây, có một ông Nghị đánh giá “dân trí nước ta còn thấp, Quốc hội chưa nên thông qua luật biểu tình”. Ông nghị Nguyễn Anh Trí có tri thức cao mà dùng sai cấu trúc “có mái đầu bạc trắng hiên ngang” thì cử tri ngu dốt như tôi nếu bắt chước ông “lở mồm, long móng” nói một vị lãnh đạo “có mái đầu đen thui luồn cúi” thì chết mẹ hôn?
Nếu ông Trí mượn tích Ngũ Tử Tư thức trắng một đêm mà bạc cả đầu để hàm ý “ông Trọng lo cho đất nước” thì cũng sai, vì ông Trọng đã bạc tóc từ hồi làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Tôi là cử tri dân trí thấp, nhưng dám khẳng định ông Trí nói tiếng Việt chưa rành, bằng những câu cụt, câu què, thiếu chủ ngữ, vị ngữ, nói dài mà hàm lượng thông tin rất ít. Thí dụ:
“Cảm động vô cùng với một vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước có “mái đầu bạc trắng hiên ngang”, với “gánh sơn hà nặng trĩu hai vai”, là trung tâm đoàn kết, là ngọn cờ tập hợp, là người khơi nguồn tự hào dân tộc. Nhân dân đã vô cùng cảm kích khi nghe báo cáo và biết được những công việc đối nội và đối ngoại mà Chủ tịch nước đã làm được trong thời gian qua”.
“Cảm động vô cùng với…” là biểu cảm thương xót, không tương xứng với tính cách “hiên ngang”. Câu này thiếu chủ ngữ, sử dụng hai liên từ “với” và ba động từ “là” để nối các nhóm từ, bổ sung tính cách của ông Trọng rất sai ngữ pháp tiếng Việt. Vì vậy tôi biên tập câu nói trên để đại biểu Trí biết thế nào là “học ăn, học nói, học gói, học mở”:
“Tôi vô cùng cảm phục ngài Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước, tuy tuổi già sức yếu, mà hai vai vẫn gánh nặng sơn hà. Ngài thúc đẩy sự đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân, tập hợp mọi lực lượng trong xã hội và khơi dậy lòng tự hào dân tộc để kiến thiết đất nước. Nhân dân cũng cảm kích ngài về tài đối nội lẫn đối ngoại trên cương vị chủ tịch nước”.
Đến khi khen Chính phủ ông Trí cũng nói câu què, câu cụt:
“Có thể thấy, Chính phủ đã làm việc rất đều tay trong suốt nhiệm kỳ vừa qua. Cả Chính phủ trăn trở, nỗ lực vì nhân dân, để không ai bị bỏ lại phía sau”.
Ai thấy? Ông Trí thấy hay nhiều người thấy? Ông Trí dám “nịnh” mà không dám “khẳng định”, khi dùng từ “Có thể thấy”. Chính phủ làm việc bằng đầu hay bằng tay mà khen “đều tay”? Vậy các cầu thủ Hoàng Anh Gia Lai chơi bóng hay như nhau thì gọi là “rất đều chân” à?
Nhân dân đã làm gì để Chính phủ mất ngủ mà gọi là “Chính phủ trăn trở vì nhân dân”? Nhân dân luôn chạy theo đuôi Chính phủ hay sao mà Chính phủ phải nỗ lực để “không ai bị bỏ lại phía sau”?
Nếu VN có những tổ chức độc lập lượng giá trình độ tiếng Việt như IELTS, TOEFL, thì rất nhiều ông nghị, ông bộ không đạt trình độ 3.0 IELTS (tương đương A.2 của VN).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét