Hai mặt của những gia đình Việt ở Mỹ
Nhã Duy
30-3-2021
Tôi đọc được vài tâm tình, chia sẻ, của một anh bạn trên Facebook, nhân kỷ niệm ngày 20 năm gia đình anh đến Mỹ. Một gia đình hai con nhỏ, đến Mỹ khi hai vợ chồng đã quá tuổi 30 với tay trắng, hạn chế ngôn ngữ và xa lạ văn hóa, để tạo dựng một đời sống mới trên xứ người.
Cần mẫn vừa học vừa làm toàn thời gian đầy vất vả, anh ra kỹ sư sau năm năm đến Mỹ và chị cũng tốt nghiệp đại học sau anh ba năm. Cuộc sống bắt đầu ổn định để lo cho con cái và rồi cây trái đã trổ bông. Hai con trai bé nhỏ ngày nào đã ra trường, lại là trường danh tiếng UC Berkeley và Harvard, một luật sư và một chuẩn bị hoàn tất cao học.
Một câu chuyện đáng ngưỡng mộ và thành công, nhưng không phải hiếm hoi bởi một khuôn mẫu gia đình như vậy cũng là câu chuyện của nhiều gia đình Việt tại Mỹ. Nhưng điều đáng quý nơi họ là tâm tình cảm tạ và đầy trách nhiệm với nước Mỹ.
Anh viết: “Kỷ niệm 20 năm ngày đặt chân đến Mỹ, chúng tôi biết ơn nước Mỹ và sẽ sống một cách xứng đáng với những gì nước Mỹ đã ban tặng cho chúng tôi. Tôi vẫn hy vọng rằng nước Mỹ sẽ mãi mãi mở rộng vòng tay cho những người di dân đến sau chúng tôi“.
Còn câu chuyện gia đình thứ nhì mà tôi biết và qua những điều họ tự kể. Họ đến Mỹ đã gần 30 năm khi tuổi quá 20 rồi gặp nhau, có hai con còn đi học. Cũng cần mẫn tạo dựng, hai vợ chồng làm chủ được một tiệm nail nhỏ, tôi đoán đời sống của họ cũng khá ổn định với công việc.
Những câu chuyện như vậy khá nhiều và khá phổ biến. Bất kể công việc và hành trình ra sao, sự cố gắng vươn lên và lo cho tương lai con cái để trở thành những công dân trách nhiệm của người Việt tại Mỹ là mẫu số chung đáng trân trọng của nhiều gia đình. Nhưng câu chuyện có điều khác hơn để kể tiếp.
Chạy xe sang, ngoài căn nhà đang ở, còn có căn nhà nhỏ khác cho thuê, nhưng qua lời kể, gia đình chủ tiệm nail này khoe rằng, mỗi năm vẫn được cho tín thuế EITC (Earned Income Tax Credit) năm, sáu ngàn đô la dành cho các gia đình thu nhập thấp. Tôi ước lượng ngay thu nhập khai thuế trên giấy tờ của cả hai vợ chồng chỉ ở mức dưới 30 ngàn mỗi năm mới được vậy.
Đó là lý do gia đình họ được hưởng các phúc lợi xã hội và y tế miễn phí cho đến vài năm qua, khi những điều kiện để xin không còn dễ dãi như trước kia nên đã chuyển sang mua bảo hiểm Obamacare, được tài trợ gần như toàn bộ. Còn con cái thì không biết được Medicaid hay CHIP, một chương trình y tế cho trẻ em giá cũng rất rẻ, cũng như họ đủ tiêu chuẩn nhận chương trình tem phiếu thực phẩm (Food stamp/SNAP).
Câu chuyện gia đình thứ nhì cũng không thiếu trong cộng đồng Việt ở Mỹ, vì theo thống kê dân số Hoa Kỳ, American Community Survey 2019, thì có đến 9.9% gia đình Việt nhận trợ cấp tem phiếu thực phẩm, 3% nhận trợ giúp tiền mặt và 8.4% nhận tiền SSI, loại trợ cấp tiền mặt cho người trên 65 hay được chứng nhận tàn tật. Cũng như có đến 31.8% dân số cộng đồng, tức khoảng 600 ngàn người lớn nhỏ được hưởng miễn phí hay mua bảo hiểm y tế giá rẻ các loại từ chính phủ.
Việc nhận các phúc lợi xã hội không phải là điều để bàn, bởi đây là chương trình nhân đạo của chính phủ, có ngân sách hàng năm để giúp đỡ các gia đình nghèo hay người già không có thu nhập. Nó từng là một sự giúp đỡ to lớn cho hầu hết người Việt định cư tại Hoa Kỳ bước đầu để tạo dựng cuộc sống mới và đi lên rồi đóng góp, đáp trả lại cho xã hội.
Nhưng điều đáng nói ở đây là sự lạm dụng. Có những người ở nhà lớn, đi xe sang, xài hàng xa xỉ, vài năm vẫn “áo gấm về làng” bên Việt Nam và họ vẫn thuộc diện “nghèo”, không những chưa từng đóng thuế mà còn được lấy thêm tiền.
Đừng hỏi tại sao họ làm được? Họ biết và dám làm những điều người khác không biết hay không dám làm. Trong vụ dịch vụ khai gian tiền thất nghiệp liên quan đến hàng ngàn người Việt tại Nam Cali, văn phòng biện lý Quận Cam bảo rằng, những người làm dịch vụ bị bắt đã xin được tiền thất nghiệp cho cả cụ già trên 90 tuổi không còn sức làm việc từ lâu, hay cho tu sĩ trên 70 tuổi đang nhận tiền SSI.
Để có thêm một chi tiết khi kể về hai gia đình này và chắc chắn cho suy đoán của mình, tôi nhắn riêng anh kỹ sư để hỏi về những số tiền cứu trợ chính phủ. Đúng vậy, gia đình anh chỉ có đóng thuế. Thu nhập vợ chồng anh cao hơn mức để nhận được tiền trợ giúp trong các gói cứu trợ từ chính phủ, so với những gia đình có hai con nhỏ đủ điều kiện như gia đình thứ nhì được nhận 14,000 đô trong năm nay ($2,000 mỗi người từ chính phủ và $3,000 tín thuế cho mỗi trẻ em), không kể thêm các tín thuế EITC cùng các phúc lợi, trợ cấp học phí khác như đã kể trên.
Không lấy cái riêng để nói điều chung và chẳng thể vẽ trọn vẹn qua đôi câu chuyện nhưng hai gia đình Việt, hai câu chuyện không hiếm, hay thậm chí khá phổ biến cũng ít nhiều góp thêm một phần về chân dung cộng đồng Việt trên đất nước Mỹ. Có những công dân trách nhiệm và có những người lạm dụng hệ thống. Tôi tin rằng nhìn quanh mình thì ắt không khó bắt gặp những gia đình tương tự, cả ở ngoài đời và theo như các số liệu đã dẫn.
Có thêm điều khác biệt là anh bạn kỹ sư nói trên là một người không-Trump, là một ngòi bút sắc bén để chống lại Trump. Còn gia đình thứ nhì là một gia đình mê Trump, chửi đảng Dân Chủ và những người đã bầu cho tổng thống Joe Biden. Họ “lo” Biden mở tung biên giới để cho di dân lậu tràn vào làm gánh nặng xã hội, họ chỉ trích Biden sẽ tăng thuế người dân. Tựa như trong thế giới những người Việt-Trump vẫn thường đăng đàn bảo rằng, những người ủng hộ Biden, ủng hộ Dân Chủ chỉ là những người “ít học, ăn trợ cấp” (!?).
Cộng đồng người Việt tại Mỹ có những điều tích cực lẫn tiêu cực như vậy, cái nhìn sẽ đầy đủ hơn khi soi từng góc nhỏ khác nhau. Nhưng dẫu thế nào thì cũng sẽ khó lòng trọn vẹn hay hiểu hết được chân dung của nó. Có thể đó là lý do tại sao mà câu thơ “Ở chỗ nhân gian không thể hiểu” của thi sĩ Du Tử Lê vẫn thường được người ta nhắc đến nhiều chăng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét