Donald Trump và luật pháp Mỹ (Phần 7)
Minh Phạm
27-3-2021
Tiếp theo phần 1 — phần 2 — phần 3 — phần 4 — phần 5 — phần 6
Đúng ngọ ngày 20/1/2021, giả sử Donald Trump không muốn “bị tháp tùng ngoài ý muốn” để rời khỏi phủ Tổng thống như một kẻ “ngụ cư bất hợp pháp”, ông ta sẽ phải đi bộ băng qua Hoa Viên phía Nam (South Lawn) của Bạch cung để lên chiếc trực thăng Marine One, trên đường ra phi trường Andrews, lên chiếc Đệ Nhất Không lực, trực chỉ Florida để… vui thú điền viên.
Kể từ thời điểm đó, chức nghiệp Tổng thống Hoa Kỳ của Donald Trump được đặt dấu chấm hết.
***
Buổi lễ tuyên thệ nhậm chức của Joe Biden cũng lại đánh dấu sự ra đi của một “ngôi sao truyền hình thực tế”; ngược lại với sự trở về của hàng loạt các ngôi sao sân khấu mà vì Donald Trump, họ đã không xuất hiện tại Phủ Tổng thống suốt 4 năm qua, bỏ mặc một hoạt động có tính truyền thống.
Hôm ấy, lời thơ tiếng nhạc của Lady Gaga, của Jennifer Lopez, của Gath Brooks, của Amanda Gorman cất cao… ắt hẳn, người ta cũng mở lòng mà quên đi vụ ca nhạc sĩ Bruce Springsteen lớn tiếng cấm đoán Ban vận động tái tranh cử của ông Trump chơi nhạc của anh. Người ta cũng sẽ quên luôn chuyện người thừa kế của cố ca sĩ Laura Branigan lên tiếng cấm những người tuần hành ủng hộ ông Trump hát bài “Gloria” trong những ngày sau ngày 3/11/20 cho đến ngày xảy ra bạo loạn 6/1 ở Capitol Hill.
Trong những giây phút sau cùng buồn tẻ của Donald Trump ở Bạch cung, ngược lại với tâm trạng ngập tràn vui sướng chuẩn bị chào đón tân Tổng thống và nữ tân Phó Tổng thống của… thiên hạ, một câu hỏi lớn vẫn còn đọng lại: Liệu Donald Trump – vị Tổng thống “đa sự” bậc nhất trong lịch sử Mỹ – có bị truy tố hình sự về những hành vi có khả năng phạm tội của ông ta không, ngoài những vụ kiện dân sự và hành chánh sẵn có.
***
Với vị thế của người đứng đầu ngành Hành pháp liên bang, Donald Trump từng được hưởng các đặc ân: Không phải ra trước tòa với tư cách của một bị đơn dân sự, hay một bị can hình sự, nhờ vào quyền đặc miễn tư pháp (executive immunity). Ngoài ra, Tổng thống Mỹ còn hướng quyền không công bố thông tin cá nhân mà luật pháp gọi là quyền đặc miễn hành pháp (executive privilege).
Nhờ hai đặc quyền này, cùng với nỗ lực từ các luật sư, các vụ kiện bị trì hoãn, bị làm chệch hướng điều tra… thậm chí biến một cơ quan chấp hành luật pháp liên bang quan trọng như Bộ Tư pháp thành một văn phòng luật sư của… Donald Trump!
Nhưng tố-quyền không thể tự biến mất. Chỉ một số ít vụ sẽ “thời tiêu” nếu Donald Trump tái đắc cử nhiệm kỳ tổng thống thứ hai, và đó cũng là một trong số ít những lý do quan trọng mà Donald Trump – bằng mọi giá – phải tái đắc cử tổng thống Mỹ để lánh mặt pháp đình. Khách quan mà xét, ở thời điểm trước ngày tổng tuyển cử, khả năng Donald Trump sẽ lại tiếp tục một nhiệm kỳ thứ 2 không quá xa vời.
Tiếc cho ông Trump là điều đó đã không xảy ra. Ông Joe Biden đã thắng ông Trump với hơn 7 (bảy) triệu phiếu phổ thông!
Sự thất cử trước Joe Biden buộc ông Trump phải đối mặt với tất cả các vụ kiện bị tạm ngưng ở nhiều tòa án địa phương có trước ngày 3/1 và những trọng tội phát sinh sau ngày 3/1 đến tận ngày ông trở về với đời sống dân sự 20/1.
Quả thật, việc thất cử là một trái đắng không thể nuốt trôi! Một “thiệt đơn thiệt kép”! Một sự mất mát “cả chì lẫn chài”!
***
Loạt bài kế tiếp sẽ hệ thống hóa những vụ kiện của “đương sự” Donald John Trump, nhưng chỉ giới hạn ở các vụ đình đám nhất trong “hằng hà sa số” những vụ kiện của ông ta, bắt đầu từ vụ kiện được nhắc đến bởi tin tức mới nhất trên báo chí hiện nay.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét