Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 30 tháng 3, 2021

Những người bạn mới của Miến Điện ngồi ở Moscow

 

Những người bạn mới của Miến Điện ngồi ở Moscow

Neue Zürcher Zeitung

Tác giả: Manfred Rist

Dịch giả: Hiếu Bá Linh

Ngày 28-3-2021

Thứ trưởng Quốc phòng Nga, Alexander Fomin, dự lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Quân lực Miến Điện 27/3/2021. Nguồn: AFP / Myawaddy TV

Từ lâu, Nga đã cố gắng giành thêm ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Trước đây, Việt Nam đã ở vị trí trung tâm như thế trong một thời gian dài. Moscow hiện đang hỗ trợ chính quyền quân phiệt giết người ở Miến Điện. 

Trong khi quân đội Miến Điện đang gây ra cuộc tắm máu, thì Nga mở rộng quan hệ với quốc gia Đông Nam Á này. Nga là một “người bạn thật sự“, Tướng Min Aung Hlaing, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang, phát biểu hôm thứ Sáu 26/3. Đó cũng có thể là một dấu hiệu tinh tế cho thấy, chính quyền quân phiệt không còn tin tưởng hoàn toàn vào Trung Quốc nữa.

Một “ngày lễ” với hơn 100 người bị giết chết

Năm nay, nhà ngoại giao cấp cao nhất không đến từ Bắc Kinh, mà đến từ Moscow để kỷ niệm “Ngày Quân lực“, theo truyền thống được tổ chức hàng năm với lễ duyệt binh lớn. Thứ trưởng Quốc phòng Nga Alexander Fomin bày tỏ lòng kính trọng đối với các tướng lĩnh Miến Điện tại thủ đô Naypyidaw hôm thứ Bảy 27/3, ngày kỷ niệm bắt đầu cuộc khởi nghĩa vũ trang chống lại quân Nhật chiếm đóng năm 1945.

Lễ kỷ niệm năm nay trông giống như “hàng nhái“: Kể từ cuộc đảo chính vào ngày 1/2, quân đội Miến Điện lại đô hộ chính đất nước của mình. Nga dường như không quan tâm, mà ngược lại, có lẽ Moscow đang tận dụng sự cô lập toàn cầu đối với nhà cầm quyền Miến Điện để giành lại chỗ đứng vững chắc hơn ở quốc gia đang có xung đột.

Ngày kỷ niệm 27/3 năm nay cũng nổi bật sự ghê rợn và bi thương của nó. Cuộc chiến chống lại chính người dân của mình vẫn tiếp tục với mức độ khốc liệt hơn bao giờ hết. Những bức ảnh gây sốc, cho thấy sự tồi tệ xấu xa của một thể chế độc tài quân phiệt: Quân giải phóng đã trở thành một chính quyền khủng bố, bắn vào những người biểu tình không vũ trang và giết hại dân thường.

Cảnh báo của quân đội rằng, họ sẽ “nhắm bắn vào đầu và lưng” người biểu tình, đã trở thành hiện thực tàn khốc hôm thứ Bảy 27/3: Theo một cổng thông tin phi chính phủ, các đơn vị quân đội và cảnh sát đã bắn chết 114 người chỉ trong ngày hôm đó. Đây là số người chết cao nhất kể từ khi quân đội lên nắm quyền cách đây 8 tuần. Ngay cả trẻ em cũng bị giết. Tổng số người chết kể từ cuộc đảo chính cho đến nay đã tăng lên hơn 400 người. Khoảng 2.400 người đang bị cảnh sát và quân đội giam giữ.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Nga trước đảo chính một tuần

Có lẽ Nga là một trong những nhà cung cấp vũ khí truyền thống cho các lực lượng vũ trang Miến Điện (tên chính thức hiện nay là Myanmar). Quân đội Miến cũng có thể tin tưởng vào sự ủng hộ của Moscow trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Tuy nhiên, về mặt chính trị, quân sự và kinh tế, Nga luôn bị lu mờ bởi Trung Quốc, quốc gia mà Miến Điện có chung đường biên giới dài. Theo Thứ trưởng Quốc phòng Fomin, Nga hiện đang tìm kiếm mối quan hệ đối tác chiến lược với nước này.

Liên minh mới đã hiện rõ lên trước đó: Một tuần trước cuộc đảo chính, Sergei Shoigu, Bộ trưởng Quốc phòng Nga đã đến thăm các nhà cầm quyền ở Miến Điện; đây là chuyến thăm chính thức cấp bộ trưởng cuối cùng trước khi quân đội Miến lên nắm quyền. Trong chuyến thăm này, hai bên đã được thỏa thuận về việc cung cấp máy bay không người lái, radar và tên lửa đất đối không.

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng tư lệnh Các lực lượng vũ trang Myanmar, Tướng Min Aung Hlaing, gặp gỡ ngày 21/1/2021. Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga

Liên minh với Moscow có ý nghĩa bổ sung khi chính quyền đang chịu áp lực kinh tế và ngoại giao ngày càng tăng. Đó là sự trợ giúp cần thiết cho một chế độ mà tính hợp pháp đang gây tranh cãi trên khắp thế giới. Nhưng cho tới khi nào chính quyền quân phiệt còn có thể dựa vào Moscow, thì họ không sợ bị khuất phục bởi sự cô lập chính trị hoặc các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Trung Quốc vẫn giữ vị trí là người chống lưng đứng phía sau. Nhưng gần đây trục này đã trở nên yên lặng hơn nhiều. Bắc Kinh mới đây đã nói bóng gió rằng, họ đang theo dõi sự leo thang ở Miến Điện với sự quan ngại lớn. Bắc Kinh nói rằng sự phát triển hoàn toàn không đáp ứng được những kỳ vọng của họ.

Miến Điện có thể tiếp tục dựa vào một số nước láng giềng nhất định. Nhiều nước tẩy chay lễ kỷ niệm Ngày Quân lực; đặc biệt là Singapore và Malaysia. Nhưng ba nước trong khối ASEAN khác là Thái Lan, Lào và Việt Nam đã đáp ứng lời mời của quân đội Miến. Điều này cũng cho thấy, khối ASEAN, mà Miến Điện là một thành viên từ năm 1997, không có một lập trường thống nhất.

Bangladesh là một trong những quốc gia đã tham dự buổi lễ quân đội Miến Điện, bất chấp những chuyện trớ trêu, vì trong hơn ba năm qua, Dhaka đã chịu gánh nặng đối với khoảng một triệu người Rohingya, những người đã buộc phải chạy trốn bởi chế độ tàn sát Miến Điện vào năm 2017.

Sự hiện diện của một phái đoàn Ấn Độ cũng rất đáng chú ý. Ấn Độ là quốc gia dân chủ duy nhất có các đại diện được nhìn thấy trong buổi lễ Ngày Quân lực ở Naypyidaw. Miến Điện và Ấn Độ là một phần lãnh thổ thuộc địa của Anh cho đến khi Thế chiến II kết thúc, nhưng tình hữu nghị giữa hai nước luôn có giới hạn. Ở Delhi, những cân nhắc thực dụng có thể đóng vai trò nào đó, vì họ có đường biên giới dài với Miến Điện, nơi căng thẳng thường xuyên nảy sinh trong quá khứ.

Cảnh báo của các dân tộc thiểu số

Hai tháng sau cuộc đảo chính, hầu hết các nhà quan sát đều cho rằng, các lực lượng vũ trang Miến Điện đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tiêu hao lâu dài. Dr. Sasa, đại diện chính thức của chính phủ dân sự Miến Điện (CRPH) tại Liên Hiệp Quốc ở New York, lo ngại rằng, sẽ có thêm đổ máu. Sau sự leo thang gần đây, việc quân đội tham gia vào cuộc tái cấu trúc chính trị ở Miến Điện là điều không tưởng, ông nói.

CRPH là một chính phủ đối lập, về cơ bản, gồm các nghị sĩ quốc hội mới được bầu vào ngày 8/11/2020. Nó nỗ lực cho một cấu trúc nhà nước liên bang thật sự và cũng dựa vào sự ủng hộ của các dân tộc thiểu số có vũ trang.

Ở các sắc dân thiểu số, sự sẵn sàng động viên chống lại quân đội đang tăng lên rõ rệt trong các nhóm kháng chiến lớn. Ít nhất là Chủ tịch Hội đồng Khôi phục bang Shan, Tướng Yawd Serk, gần đây đã cảnh báo rằng, người ta không thể bó tay đứng nhìn thường dân bị giết hại. Liên minh Quốc gia Karen (KNU), hiện đang chiến đấu chống lại quân đội Miến Điện, cũng đã đưa ra một tuyên bố tương tự hồi tuần trước.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét