Đại biểu trăn trở: Thông tin đất đai minh bạch sao có Alibaba bán dự án 'ma'?
TTO - "Nếu hệ thống thông tin đất đai tốt, minh bạch thì ai bán đất cho ai, người dân chỉ cần lên hệ thống kiểm tra là rõ ngay về pháp lý", đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) nhắc đến vụ án Công ty Địa ốc Alibaba lừa bán dự án "ma".
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) phát biểu sáng 29-3 - Ảnh: Quochoi.vn
Phát biểu sáng 29-3, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tán thành việc báo cáo của Chính phủ nêu ra 3 hạn chế lớn, trong đó có hạn chế trong kỷ luật, kỷ cương quản lý tài nguyên, công sản, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản còn bị buông lỏng ở một số nơi.
Tuy nhiên, bà Thúy băn khoăn là nêu như báo cáo "có nhẹ quá không?". Theo bà, các sai phạm trong quản lý tài nguyên, công sản, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản không chỉ ở mức độ kỷ luật, kỷ cương bị buông lỏng mà có những sai phạm xảy ra nghiêm trọng, có hệ thống ở nhiều nơi.
Chính phủ cần đánh giá đúng mức độ nghiêm trọng và chỉ ra đúng nhược điểm để tìm ra giải pháp chấn chỉnh.
Đại biểu Đà Nẵng cho rằng một trong những cơ chế dẫn đến vi phạm, tham nhũng, khiếu kiện dai dẳng về đất đai là những quy định chưa phù hợp của Luật Đất đai. Chính phủ đã trình và Quốc hội đã quyết định đưa dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai 2013 vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019. Nhưng Chính phủ liên tục đề nghị lùi việc sửa đổi này, đến nay hết khóa vẫn chưa trình Quốc hội được dự thảo luật.
Việc không thực thi nghiêm túc các quy định của Luật đất đai và một số luật liên quan cũng là nguyên nhân dẫn đến những vi phạm của một số cán bộ, tổ chức, cá nhân.
"Theo ý kiến của cử tri, thông tin về đất đai ở nhiều địa phương còn thiếu minh bạch. Ở các nước bản đồ địa chính công khai từ lâu, dân cứ đến cơ quan nộp ít lệ phí là xem được nhưng chúng ta không thực hiện nghiêm túc quy định về công khai thông tin. Điều này dẫn đến đủ loại rủi ro, mà người thiệt hại nhất là dân", đại biểu Thúy nhấn mạnh.
Bà lấy ví dụ vụ án Công ty địa ốc Alibaba lừa bán dự án "ma" để minh chứng: công ty này mua đất diện tích lớn, bất chấp là đất nông nghiệp, trồng cây lâu năm, đất rừng và nằm trong quy hoạch đường, nghĩa trang, vẫn san ủi, "vẽ" dự án bán cho hàng nghìn khách hàng.
"Nếu hệ thống thông tin đất đai tốt thì ai bán đất cho ai, người dân chỉ cần lên hệ thống kiểm tra là rõ ngay về pháp lý. Việc thực thi pháp luật kém có trách nhiệm giám sát của Quốc hội, HĐND, nhưng trách nhiệm chính của Chính phủ, UBND các cấp. Tôi mong Chính phủ mới sẽ sớm đưa ra giải pháp và cam kết khắc phục tình trạng này", bà Nguyễn Thị Kim Thúy nói.
Bà Thúy tiếp tục nói đến hạn chế trong phát triển nông nghiệp là còn nhiều yếu tố thiếu bền vững, báo cáo của Chính phủ có nêu nhưng chưa chỉ ra nguyên nhân.
"Phải chăng nguyên nhân chính do quy hoạch nông nghiệp nói riêng và quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội nói chung chưa hợp lý, chú trọng phát triển số lượng hơn chất lượng, chưa phát triển nông nghiệp công nghệ cao, chưa có sự liên kết giữa công nghiệp, chế biến, thương mại với nông nghiệp, nông dân và chưa có giải pháp đề phòng khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh?", đại biểu Thúy hỏi.
"Quốc hội cần có chính sách đủ mạnh, Chính phủ cần có giải pháp đột phá để thực hiện mục tiêu nghị quyết Đại hội Đảng XIII đã đề ra là đến năm 2025 Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp".
Có trường hợp lợi dụng kẽ hở để tham nhũng, vun vén cho bản thân
Nhìn lại những mặt chưa được của Chính phủ trong nhiệm kỳ qua, đại biểu Cà Mau Nguyễn Quốc Hận đánh giá Chính phủ còn quá "hiền lành" trong thực hiện chức năng nhiệm vụ.
Đó là Chính phủ đã xin lùi, rút các dự án luật và đến cuối khóa vẫn chưa trình Quốc hội thông qua những dự án luật đã có trong chương trình. Ngược lại, Chính phủ đã trình những dự án luật chưa có trong kế hoạch.
Bên cạnh đó là tình trạng nợ đọng văn bản hướng dẫn, có trường hợp chậm trễ làm thất thu ngân sách hàng ngàn tỉ đồng như chậm ban hành hướng dẫn Luật khoáng sản, tài nguyên nước...
Với tình trạng ban hành văn bản không sát, ông Hận bức xúc nói có trường hợp lợi dụng kẽ hở để tham nhũng, vun vén cho bản thân, nhất là đề bạt con cháu, dòng họ vào các vị trí lãnh đạo.
Còn có tình trạng thiếu minh bạch, dẫn đến "chạy dự án", có nhiều dự án lỗ, các bộ trưởng, lãnh đạo địa phương, tư lệnh ngành vẫn để ra sai phạm, dư luận không tốt trong thời gian dài.
Ông Hận đánh giá nhiệm kỳ qua chưa có tư lệnh ngành nào có biện pháp xử lý cụ thể mà chỉ là "rút kinh nghiệm cho qua".
Sự "hiền lành" này, theo ông Hận, là xử lý không nghiêm minh, có thể làm thui chột sự phấn đấu, hệ lụy là tạo ra sự trì trệ.
Đề xuất các giải pháp chấn chỉnh, ông Hận đề nghị xử lý nghiêm trường hợp nợ, trễ văn bản hướng dẫn, "lý xử lý nghiêm việc lợi dụng pháp luật để chia chác quyền lực, lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân".
Nguồn: Tuổi Trẻ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét