Đối diện với bạo quyền, người Myanmar vẫn không dừng lại. Người Việt Nam có thể giúp bằng cách nào?
Cả thế giới đang hướng về Myanmar, người Việt Nam cũng có thể chung tay giúp sức.
Một người biểu tình bị trúng đạn của cảnh sát vẫn giơ cao ba ngón tay khi đang được đưa đi cấp cứu. Ảnh: Reuters.
Đã gần hai tháng trôi qua kể từ ngày quân đội Myanmar đảo chính, tình hình tại quốc gia Đông Nam Á này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Báo cáo mới nhất cho biết đã có hơn 200 người biểu tình thiệt mạng. Chắc chắn rằng với tình hình bất ổn còn kéo dài, con số trên sẽ không dừng lại.
Những ai yêu chuộng công lý, tin tưởng vào các giá trị nhân văn, nhân đạo và nhân quyền đều sục sôi khi thấy tính mạng con người bị chà đạp thô bạo như vậy. Chắc hẳn là bạn cũng như tôi, đều không muốn bó gối ngồi yên nhìn những người biểu tình Myanmar – mà đa phần còn rất trẻ – bỏ mạng oan uổng.
Dù ở Việt Nam hay bất kỳ đâu, chúng ta cũng có thể ủng hộ cho phong trào đấu tranh tự do của người Myanmar bằng nhiều cách khác nhau.
Trở thành một người truyền tin
Người Myanmar cần bạn bè thế giới quan tâm và lên án cuộc đảo chính quân sự. Do đó, mỗi người Việt Nam đều có thể đóng vai trò như một người truyền tin. Bạn có thể làm điều đó bằng việc chia sẻ, chọn dịch các nguồn tin quan trọng và đáng tin cậy, hay giải thích cho mọi người xung quanh về những diễn biến của phong trào biểu tình đang diễn ra tại đây.
Các sinh viên và nhân viên y tế Myanmar tuần hành tại Mandalay vào rạng sáng ngày 21/3 vừa qua, phản đối hành động đảo chính và đàn áp vũ lực của quân đội. Ảnh: AFP.
Ủng hộ truyền thông độc lập
Các kênh truyền thông độc lập luôn là xương sống trong bất kỳ một xã hội dân sự nào. Với tình hình hiện tại của Myanmar, thông tin khách quan, không bị kiểm duyệt lại càng trở nên đặc biệt quan trọng.
Chính quyền mới do quân đội kiểm soát đã tiến hànhnhiều biện pháp cứng rắn để bóp nghẹt truyền thông độc lập tại nước này. Họ ngăn chặn việc đưa tin về các cuộc biểu tình, lục soát trụ sở các tòa soạn, bắt giữ các phóng viên nhằm ngăn cản việc đưa tin tức ra thế giới.
Một người bán báo tại Yangon vào tháng 11/2015. Thời điểm này, Myanmar không còn một tờ báo độc lập nào hoạt động. Ảnh: Reuters.
Cho đến thời điểm hiện tại, tất cả các kênh truyền thông độc lập của Myanmar đều đã bị chính quyền quân sự buộc đóng cửa. Họ bị cấm phát sóng, cũng như không thể đưa tin trên bất kỳ phương tiện truyền thông nào. Trong nhiều trường hợp, các phóng viên phải sử dụng mạng xã hội để truyền tải tình hình của Myanmar ra thế giới.
Những kênh tin tức không chịu kiểm duyệt này giờ đây rất cần nguồn tài chính để duy trì hoạt động.
Tờ Myanmar Now (đưa tin bằng tiếng Anh và tiếng Burma) hiện đang kêu gọi độc giả đóng góp để có thể trả lương cho phóng viên và tiếp tục các hoạt động đưa tin tức. Một số tờ báo độc lập khác như Coconutshay The Irrawaddy cũng duy trì các kênh quyên góp riêng của mình.
Tiếp sức cho phong trào bất tuân dân sự (Civil Disobedience Movement – CDM)
Dù bị đàn áp nặng nề, phong trào bất tuân dân sự (CDM) của người dân Myanmar vẫn không có dấu hiệu dừng lại. Kể từ ngày quân đội đảo chính, phong trào trên đã thu hút sự tham gia của hầu hết mọi tầng lớp trong xã hội: từ luật sư, giáo viên, kỹ sư, cho đến sinh viên, hay thậm chí là những quân nhân đã giải ngũ.
Vì khoảng cách địa lý, có lẽ nhiều người sẽ nghĩ rằng việc đồng hành cùng người biểu tình Myanmar là điều bất khả. Tuy nhiên, có nhiều cách để bạn bè thế giới có thể cùng tham gia phong trào này mà không cần phải có mặt tại Myanmar.
Các giảng viên tại trường Đại học Yangon giơ biểu tượng ba ngón tay để lên án việc quân đội đảo chính. Ảnh chụp vào ngày 5/2/2021. Nguồn: Stringer/ Reuters.
Tại Singapore, trước sự lên tiếng yếu ớt của chính phủ về những tội ác mà quân đội Myanmar đang thực hiện, một số tờ báo độc lập tại quốc đảo này, như tờ New Naratif, đang kêu gọi người dân Singapore cùng chung sức với phong trào CDM.
Singapore là nhà đầu tư lớn nhất tại Myanmar, do đó, các lệnh trừng phạt kinh tế có một sức nặng đáng kể. Các nhà hoạt động đang vận động chính phủ Singapore áp đặt lệnh cấm vận và phong tỏa nguồn tài chính đối với quân đội Myanmar. Họ cũng khuyến khích các công ty nước này tạo điều kiện cho nhân viên của mình tại Myanmar tham gia biểu tình một cách ôn hòa.
Với người Việt Nam đang sống trong nước, nhiều nhà hoạt động đã chia sẻ các cách thức tiếp thêm lửa cho phong trào bất tuân dân sự trên:
- Tham gia vào Liên minh Trà sữa cùng giới trẻ Myanmar.
- Sử dụng các hashtag “#WhatsHappeningInMyanmar” (chuyện gì đang xảy ra tại Myanmar), “#CivilDisobedienceMovement” (phong trào bất tuân dân sự) hay “#FreeMyanmar” (tự do cho Myanmar) mỗi khi đăng tải tin tức về tình hình tại đây.
- Thay hình đại diện trên mạng xã hội với biểu tượng ba ngón tay (biểu tượng phong trào bất tuân dân sự của người Myanmar).
- Tìm hiểu các chương trình gây quỹ của người Myanmar tại nước ngoài nhằm ủng hộ phong trào đấu tranh của người dân trong nước.
Tạm ngưng sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp có liên kết với quân đội Myanmar
Hiện nay, quân đội đang có chân, nếu không muốn nói là nắm giữ hầu hết các hoạt động kinh tế tại Myanmar. Các nguồn kinh phí này góp phần tiếp tay cho những tội ác của quân đội. Việc chặt đứt hết các vòi bạch tuộc của quân đội là chuyện khó có thể làm trong một sớm một chiều, nhưng chúng ta có thể chặn đứng nguồn tài chính đang ngày ngày nuôi dưỡng bộ máy trên.
Trong báo cáo của mình, tổ chức Justice For Myanmar cáo buộc Viettel “tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ quân sự và công nghệ lưỡng dụng (dual-use)” cho quân đội Myanmar. Nguồn: Justice For Myanmar.
Trong một báo cáo điều tra công bố vào ngày 20/12/2020, tổ chức Justice For Myanmar đã cáo buộc Viettel trong việc đồng lõa và tiếp tay cho tội ác của quân đội Myanmar. Theo báo cáo, tập đoàn viễn thông Mytel của quân đội Myanmar, nơi Viettel hiện nắm giữ 49% cổ phần, có trách nhiệm liên đới trong việc “gián tiếp trợ giúp hoặc tạo điều kiện cho các hành vi bạo lực và giết chóc của quân đội Myanmar”.
Vào đầu tháng Hai vừa qua, tập đoàn nước giải khát Kirin (Nhật) tuyên bố sẽ chấm dứt hợp tác với tập đoàn Myanmar Economic Holdings Ltd. (MEHL) do quân đội sở hữu. Hành động trên của Kirin được đưa ra sau nhiều nỗ lực thúc giục của các tổ chức hoạt động vì nhân quyền. Các tổ chức này cảnh báo rằng, hợp tác với các doanh nghiệp quân đội cũng đồng nghĩa với việc tiếp tay cho những tội ác mà chính quyền quân sự Myanmar đang thực hiện.
Người Việt Nam cũng có thể cân nhắc tạm hoãn, hoặc ngừng sử dụng các dịch vụ của Viettel cho đến khi tập đoàn này đưa ra những giải trình về trách nhiệm và mối liên hệ của mình với quân đội Myanmar.
Những doanh nghiệp nước ngoài có mối liên hệ với quân đội Myanmar đều đang chịu áp lực lớn từ dư luận quốc tế.
Theo Yadanar Maung, phát ngôn viên của tổ chức Justice for Myanmar, Kirin đã “lắng nghe tiếng nói của người dân Myanmar” và có một quyết định đúng đắn.
Bất chấp việc chính quyền quân sự Myanmar tăng cường đàn áp, người dân Myanmar vẫn tiếp tục tuần hành đòi dân chủ. Ảnh: Myanmar Now.
Các tập đoàn khác trên thế giới cũng đang có những bước đi tương tự. Công ty năng lượng khổng lồ của Pháp Électricité de France (EDF) đã tạm ngưng một dự án thủy điện có vốn đầu tư hơn 1,5 tỷ USD ở tỉnh Shan, Myanmar do những lo ngại về vấn đề quyền con người. Tập đoàn phát triển bất động sản Amata (Thái Lan) cũng đã đình chỉ một dự án đầu tư xây dựng trung tâm công nghiệp trị giá khoảng 1 tỷ USD, vì e ngại các lệnh cấm vận của phương Tây.
***
Mục sư Martin Luther King Jr. từng nói, “Chừng nào bất công còn tồn tại, dù ở bất kỳ đâu, chừng đó công lý còn bị đe dọa, bất kể ở nơi nào” (nguyên văn: “Injustice anywhere is a threat to justice everywhere”). Bất cứ ai trong số chúng ta, nếu có lương tri và không muốn nhắm mắt bịt tai trước mọi bất công đang diễn ra, đều có trách nhiệm phải lên tiếng.
Hôm nay, người Myanmar đang đồng lòng cùng nhau chống lại áp bức. Trước đó, người Hong Kong cũng đã đổ máu để giành quyền tự chủ. Và có thể mai này, sẽ đến lượt các thế hệ trẻ Việt Nam đứng dậy để cất lên tiếng nói và đòi hỏi những quyền-thuộc-về-chúng-ta.
Cuộc chiến chống lại cái ác, độc tài, hay bất công không phải là việc riêng của bất cứ cá nhân, quốc gia, hay chủng tộc nào.
Mỗi người Việt Nam đều cần phải góp phần lên tiếng và giúp đỡ người dân Myanmar trong khả năng của mình.
Vì chắc chắn một lúc nào đó, chính chúng ta cũng sẽ cần đến tất cả sự giúp sức trong hành trình giành lấy tự do.
T.M.V.
Nguồn: Luật Khoa tạp chí
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét