Tù và tội – Bài 2. Không thể giao cái không có
Đỗ Thành Nhân
4-1-2021
Tiếp theo bài 1
I. Công hàm 1958
Những năm gần đây, Trung Quốc (TQ) ngày càng ngang ngược lấn chiếm biển đảo Việt Nam. Ngày 17/04/2020, TQ gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc để khẳng định chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam). Trong đó, TQ khẳng định Chính phủ Việt Nam cũng đã công nhận điều này thông qua “Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng” [*] [2.1] (“Công hàm 1958” – Hình 2.1).
Nếu như trước đây những ai công khai, bình luận Công hàm 1958, thì có thể sẽ được công an mời làm việc, nhẹ nhàng thì nhắc nhở: Đây là vấn đề đại cuộc, nhạy cảm, để Đảng và Nhà nước lo; còn nặng thì … hậu quả khôn lường!
Còn bây giờ thì Đảng cho công khai luôn, công khai sự thật Công hàm 1958 [2.2] và mục đích ký văn bản vào thời điểm đó. Nói chung là Đảng rất “tài tình sáng suốt”, nhưng lại bị người đồng chí, anh em “16 chữ vàng, 4 tốt” là “Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm Phạm Văn Đồng” [2.3].
Theo Đảng thì thực tế là Công hàm 1958 không có giá trị pháp lý chuyển giao lãnh thổ, xem trích nguyên văn báo viết: “VNDCCH không thể quyết định hoặc chuyển giao một thứ mà VNDCCH không có thẩm quyền quản lý theo công pháp quốc tế, và cũng không kiểm soát nó trong thực tế.
Bởi vì theo các quy định trong Hiệp định Geneve năm 1954 thì lúc này trên lãnh thổ Việt Nam tồn tại song song hai quốc gia, từ vĩ tuyến 17 trở ra phía Bắc là VNDCCH, còn từ vĩ tuyến 17 trở vào phía Nam là lãnh thổ thuộc VNCH. Hoàng Sa, Trường Sa đều nằm ở phía Nam của vĩ tuyến 17, vì thế về mặt pháp lý cũng như trong thực tế, hai quần đảo này là đối tượng quản lý của VNCH, và vì thế, những tuyên bố của phía VNDCCH đối với Hoàng Sa, Trường Sa vào thời điểm này là không có giá trị pháp lý”. [2.2] (hết trích)
Diễn giải cho dễ hiểu là: Theo công pháp quốc tế VNDCCH (Miền Bắc) không thể chuyển giao Hoàng Sa, Trường Sa cho TQ năm 1958; bởi vì lúc đó Hoàng Sa, Trường Sa thuộc quyền quản lý của VNCH (Miền Nam).
Như vậy, về mặt luật pháp, logic và thực tế là: Không thể giao (cho, tặng) cái không có.
II. Nguyên tắc: Không thể tác động vào cái không tồn tại
Từ phân tích Công hàm 1958 của những nhà nghiên cứu luật quốc tế: không thể giao cái không có, thì Miền Bắc không thể chuyển giao Hoàng Sa, Trường Sa cho TQ năm 1958, bởi vì họ không có quản lý.
Mở rộng ra, nguyên tắc: Không thể tác động vào cái không tồn tại. Ví dụ, người hành nghề mê tín, dị đoan chuyên đi diệt trừ tà, ma là có tội (Điều 320). Bởi vì không tồn tại “tà, ma”, thì làm gì có chuyện “diệt, trừ”!
1. Chính quyền nhân dân là gì?
Mọi người có thể tìm hiều “chính quyền là gì?” [*], nhưng với câu hỏi “chính quyền nhân dân là gì?” [2.4] thì rất hiếm người hiểu.
Nếu như “Tòa án nhân dân”, “Viện kiểm sát nhân dân”, … được định danh, định nghĩa trong Hiến pháp và một số Luật; thì “chính quyền nhân dân” lại không có định danh, định nghĩa trong Hiến pháp, Luật và cũng không tồn tại trong từ điển Tiếng Việt phổ thông.
Đã là nhà nước pháp quyền thì luật pháp cần phải tường minh, chuẩn mực với một cách hiểu chung duy nhất, chứ không thể “chính quyền nhân dân được hiểu là …” theo cảm tính, nhận thức của người nắm quyền lực.
Rất mong những nhà lập hiến, lập pháp cần định nghĩa, làm rõ đối tượng “chính quyền nhân dân” để đa số đông công dân có thể hiểu được. Liên quan tới “chính quyền nhân dân” có đến 11 tội danh, trong đó có 4 tội danh lên đến mức tử hình [2.5]. Cho nên có khả năng sẽ có người bị tống vào tù, thậm chí bị tử hình mà không biết mình bị tội gì?
Ví dụ: phân tích hình phạt thấp nhất của Điều 117.1.a)
“1. Người nào có một trong những hành vi sau đây nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
a) Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm có nội dung xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;”
Tạm thời không nói về hành vi phạm tội, ở đây xin làm rõ đối tượng bị phạm tội là “chính quyền nhân dân” là gì? Là ai? Lại không chỉ ra được!
Không thể kết tội giết người nếu không chỉ ra được người chết.
Cũng như không có ai diệt trừ tà ma cả, bởi vì “tà, ma” không tồn tại.
Cho nên cũng không thể “chống, lật đổ, phá hoại, xuyên tạc, phỉ báng, …” một cái không tồn tại, đó là: “chính quyền nhân dân”.
Hoàn toàn phù hợp với lập luận “không thể chuyển giao cái không có”, mà Đảng và Nhà nước dựa trên công pháp quốc tế, khẳng định: VNDCCH không thể chuyển giao Hoàng Sa, Trường Sa cho TQ năm 1958, bởi vì VNDCCH không có thẩm quyền quản lý, và cũng không kiểm soát nó trong thực tế.
Tuy nhiên TQ lại cố tình chà đạp lên công pháp, luật pháp quốc tế, cố ý xuyên tạc công hàm Phạm Văn Đồng (hình 2.2)
2. Có hay không có tự do dân chủ?Không thể phủ nhận trong tiến trình phát triển và hội nhập ngày càng sâu rộng với nền văn minh của nhân loại, Việt Nam cũng đã có những cải cách lớn, nâng các quyền tự do dân chủ của người dân lên. Với những người sinh trước 1975, trải qua nhiều biến cố xã hội và trải nghiệm thì dễ thấy sự thay đổi này nhất.
Hiến pháp năm 2013 dành riêng “Chương II. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” là một minh chứng cho sự phát triển tự do dân chủ của người dân Việt.
Nếu đặt câu hỏi “Việt Nam tự do dân chủ ở mức độ nào?” Câu hỏi này khó đưa ra kết luận. Số câu trả lời là vô cùng, tranh luận không bao giờ dứt bởi tương ứng với tư duy, nhận thức, môi trường sống của từng người cũng … vô cùng khác biệt. Chẳng hạn như nhận thức về “quyền con người” trong chính một con người như ông Đinh La Thăng khi thay đổi môi trường sống [2.6].
Để cho đơn giản, thay vì đặt câu hỏi cho thí sinh là kết quả kỳ thi là “giỏi dở thế nào?”, thì hỏi “đậu / rớt”, cũng như hồ sơ chấm thầu “đạt / không đạt”. Loại câu hỏi trắc nghiệm logic: Yes / No, Có / Không?
Đặt lại câu hỏi “Việt Nam có tự do dân chủ hay không?” Từng người dễ trả lời hơn.
Mời mọi người cùng trắc nghiệm:
– Vào Cổng thông tin điện tử của Chính phủ để xem “Hiến pháp năm 2013” [2.7], chọn “Chương II”, ví dụ chọn tiếp “Điều 25”. Xem nội dung: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình”, có thể thấy, rõ ràng Hiến pháp cho công dân có các quyền tự do phổ quát.
– Tuy nhiên, khác với Điều 4: Đảng Cộng sản Việt Nam … là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội (không “do pháp luật quy định”); thì “Điều 25” lại thêm vào câu cuối: “Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”. Có nghĩa là, nếu chỉ với Hiến pháp thì chưa có tự do, còn phải được “pháp luật quy định” nữa!
– Các bạn tra Google, đã có các luật quy định để bảo đảm quyền tự do “ngôn luận, báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình” hay chưa? Nếu có thì “đạt tự do”, nếu chưa thì ngược lại. Đơn giản vậy thôi.
Đến đây mọi người hãy tự kết luận, trả lời câu hỏi trắc nghiệm “Việt Nam có tự do, dân chủ hay không?”
Tiếp đến là phân tích những tội danh có liên quan đến “tự do dân chủ” chẳng hạn như “lợi dụng, xâm phạm…”; trên nguyên tắc “không thể tác động vào cái không tồn tại” như phân tích về “Hoàng Sa, Trường Sa” hay “chính quyền nhân dân” ở trên.
Ví dụ: Nói tội “xâm phạm quyền tự do biểu tình” là không thể có, bởi vì pháp luật không có quy định cho “quyền tự do biểu tình”.
Còn tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ …” thì trước hết phải xác định có “quyền tự do dân chủ” không đã? rồi hãy nói đến tội “lợi dụng”.
***
Nguyên tắc “không thể tác động vào cái không tồn tại” trước khi đưa vào luật đã được áp dụng trong tự nhiên, kỹ thuật, kinh tế,… chính nhờ nguyên tắc này mà xã hội phát triển.
Vận dụng nguyên tắc này trên cơ sở công pháp quốc tế để chứng minh: VNDCCH (Miền Bắc) không thể chuyển giao Hoàng Sa, Trường Sa cho TQ năm 1958. Vậy mà TQ cố ý xuyên tạc công hàm Phạm Văn Đồng (hình 2.2).
Vận dụng nguyên tắc này vào luật pháp quốc gia: có nhiều tội danh không thể hình thành, nên không thể buộc tội.
Tuy nhiên …!
Mời các bạn xem câu chuyện ngụ ngôn: Chó Sói (CS) và Dê con (Hình 2.3). CS tự đưa ra lý lẽ của kẻ mạnh, bất chấp tất cả.
(Còn tiếp)
_____
Ghi chú:
[*] Tra Google nội dung trong ngoặc kép (“”)
[2.1] Công hàm năm 1958 của Thủ tướng Phạm Văn Đồng https://vi.wikipedia.org/wiki/C%C3%B4ng_h%C3%A0m_n%C4%83m_1958_c%E1%BB%A7a_Th%E1%BB%A7_t%C6%B0%E1%BB%9Bng_Ph%E1%BA%A1m_V%C4%83n_%C4%90%E1%BB%93ng
[2.2] Sự thật Công thư 1958 của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng https://tuoitre.vn/su-that-cong-thu-1958-cua-co-thu-tuong-pham-van-dong-609181.htm
[2.3] Biển Đông: Trung Quốc cố ý xuyên tạc công hàm Phạm Văn Đồng https://plo.vn/thoi-su/bien-dong-trung-quoc-co-y-xuyen-tac-cong-ham-pham-van-dong-910577.html
[2.4] Xem Bài 1. CHÍNH QUYỀN NHÂN DÂN của cùng tác giả: https://baotiengdan.com/2021/01/04/tu-va-toi-bai-1-chinh-quyen-nhan-dan/
[2.5] Theo Bộ luật Hình sự năm 2015; sửa đổi, bổ sung năm 2017, các tội danh liên quan tới “chính quyền nhân dân” chịu mức án tử hình: Điều 109. Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; Điều 112. Tội bạo loạn; Điều 113. Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; Điều 114. Tội phá hoại cơ sở vật chất – kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
[2.6] Ông Đinh La Thăng: ‘Hãy đối xử với bị cáo như số phận một con người’ https://thanhnien.vn/thoi-su/ong-dinh-la-thang-hay-doi-xu-voi-bi-cao-nhu-so-phan-mot-con-nguoi-945205.html
[2.7] Hiến pháp năm 2013: http://www.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/NuocCHXHCNVietNam/ThongTinTongHop/hienphapnam2013
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét