Hệ quả của việc Mỹ cáo buộc Trung Quốc "diệt chủng" người Duy Ngô Nhĩ
Thu Hằng
Theo Giáo sư luật quốc tế Thibaut Fleury Graff, lời cáo buộc chính thức của chính quyền Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh chịu hậu quả sâu xa. Các nhà đầu tư quốc tế có thể sẽ tránh thị trường Trung Quốc vì không muốn hợp tác với một Nhà nước bị cáo buộc «diệt chủng». Hình ảnh một quốc gia không ngừng tìm cách trở thành siêu cường số 1 phần nào đó sẽ bị hoen ố và cản trở tham vọng mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế của Trung Quốc.
Một khu nhà được cho là trại cải huấn giam giữ người Duy Ngô Nhĩ, tại thị trấn A Đồ Thập (Artux), phía bắc Khách Thập (Kashgar), Tân Cương (Xinjiang), Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 02/06/2019. AFP - GREG BAKER
Chính quyền Mỹ cáo buộc Trung Quốc «diệt chủng» người Duy Ngô Nhĩ, phạm «tội ác chống nhân loại». Bắc Kinh lập tức bác bỏ «những lời dối trá phi lý», trả đũa Hoa Kỳ bằng cách trừng phạt 28 quan chức của chính quyền Trump, trong đó có cựu ngoại trưởng Mike Pompeo, người luôn kịch liệt chống Trung Quốc.
Hoa Kỳ trở thành nước đầu tiên lên án một quốc gia khác phạm tội «diệt chủng». Người Duy Ngô Nhĩ trở thành nạn nhân của «hàng loạt tội ác chống nhân loại» do chế độ Bắc Kinh gây nên ít nhất là từ tháng 03/2017. Trong thông cáo cuối cùng ngày 19/01/2021 với tư cách là ngoại trưởng Mỹ, ông Mike Pompeo cáo buộc Bắc Kinh tìm cách «hủy diệt người Duy Ngô Nhĩ một cách hệ thống».
Theo giới chuyên gia nước ngoài, có gần 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, theo Hồi giáo, tại Tân Cương đã phải đi cải tạo chính trị trong những «trung tâm dạy nghề» được rào chắn bảo vệ nghiêm ngặt, hơn 500.000 người được cho là bị cưỡng bức làm việc trên những cánh đồng trồng bông, phụ nữ Duy Ngô Nhĩ bị ép triệt sản, các đền thờ Hồi Giáo bị phá hủy…
Biện pháp biểu tượng
Quyết định thể hiện rõ lập trường cứng rắn của Mỹ, và sẽ được tiếp tục dưới thời chính quyền mới, trong cuộc đối đầu chưa hồi kết với Trung Quốc, từ thương mại, đến cạnh tranh công nghệ, ảnh hưởng tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, cũng như các hồ sơ Hồng Kông và Đài Loan.
Tuy nhiên, cáo buộc Bắc Kinh «diệt chủng» chỉ mang tính biểu tượng, một đòn «tấn công ngoại giao», làm tổn hại đến uy tín và hình ảnh. Còn về mặt pháp lý, thì rất khó để trừng phạt chính quyền Trung Quốc, theo phân tích của giáo sư luật quốc tế Thibaut Fleury Graff, thuộc trường đại học Rennes (Pháp) với báo 20 minutes ngày 21/01.
Theo chuyên gia này, để xét xử một Nhà nước, trong hồ sơ Duy Ngô Nhĩ là Trung Quốc, chỉ Tòa án Công lý Quốc tế (CIJ) Liên Hiệp Quốc có thẩm quyền, với điều kiện Trung Quốc chấp nhận để bị xét xử. Điều này chắc chắn không bao giờ xảy ra! Ngoài ra, phải tính đến việc Trung Quốc không gia nhập Tòa án Công lý Quốc tế.
Tương tự, nếu vấn đề được đưa ra Liên Hiệp Quốc, Trung Quốc sẽ phủ quyết với tư cách là thành viên thường trực Hội Đồng Bảo An.
Trong trường hợp xét xử các quan chức, cá nhân chịu trách nhiệm trong các chiến dịch trấn áp người Duy Ngô Nhĩ, thẩm quyền sẽ thuộc về Tòa án Hình sự Quốc tế (CPI). Tuy nhiên, phía Trung Quốc phải mở tiến trình tố tụng. Trường hợp này cũng sẽ không bao giờ xảy ra. Tương tự, Trung Quốc không phê chuẩn Quy chế Roma về Tòa án Hình sự Quốc tế. Và nếu vấn đề được đưa ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, như trường hợp Sudan (Darfour) và Libya, Trung Quốc sẽ có toàn quyền phủ quyết, cũng như có thể tin vào sự ủng hộ của Nga.
Tác động từ cáo buộc diệt chủng
Dù tránh được trừng phạt pháp lý, nhưng hình ảnh của Trung Quốc sẽ bị tác động xấu trên trường quốc tế. Ngoài việc hứng chịu chỉ trích từ Hoa Kỳ, Trung Quốc còn bị nhiều nước khác đồng loạt lên án, như Liên Hiệp Châu Âu, thậm chí Anh và Canada cấm nhập khẩu nhiều mặt hàng được cho là do cưỡng bức lao động người Duy Ngô Nhĩ.
Theo giáo sư luật quốc tế Thibaut Fleury Graff, lời cáo buộc chính thức của chính quyền Mỹ sẽ khiến Bắc Kinh chịu hậu quả sâu xa. Các nhà đầu tư quốc tế có thể sẽ tránh thị trường Trung Quốc vì không muốn hợp tác với một Nhà nước bị cáo buộc «diệt chủng». Hình ảnh một quốc gia không ngừng tìm cách trở thành siêu cường số 1 phần nào đó sẽ bị hoen ố và cản trở tham vọng mở rộng ảnh hưởng trên trường quốc tế của Trung Quốc.
T.H.
Nguồn: RFI tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét