Căng thẳng Trung – Đài, tàu sân bay Mỹ, luật hải cảnh
25-1-2021
I. Biển Đông, Đài Loan
1. Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt vào Biển Đông
Hình ảnh vệ tinh cho thấy nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt tiến vào Biển Đông vào sáng 23.1.
Sự kiện này được Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ xác nhận trong một thông cáo ngày 24.1.
Theo thông cáo, nhóm tác chiến này bao gồm tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71), tuần dương hạm lớp Ticonderoga USS Bunker Hill (CG 52), hai khu trục hạm lớp Arleigh Burke USS Russell (DDG 59) và USS John Finn (DDG 113).
2. Căng thẳng Trung – Đài
Cũng trong ngày 23.1, Trung Quốc điều tổng cộng 13 máy bay quân sự bay vào phía tây nam khu vực nhận diện phòng không (ADIZ) của Đài Loan, theo Bộ Quốc phòng Đài Loan.
Số máy bay này bao gồm 8 oanh tạc cơ H-6K, 4 chiến đấu cơ J-16 và 1 máy bay chống ngầm Y-8. Khu vực hoạt động của nhóm máy bay này cách không xa vị trí nhóm tác chiến tàu sân bay USS Theodore Roosevelt hôm 23.1.
Phản ứng trước động thái của Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Mỹ phát đi một tín hiệu quan trọng đầu tiên dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden khi đăng thông cáo tuyên bố bày tỏ lo ngại trước những nỗ lực dọa dẫm láng giềng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, bất chấp tuyên bố của Mỹ, ngày 24.1, Trung Quốc tiếp tục triển khai 15 máy bay quân sự, gồm 2 máy bay chống ngầm Y-8, 2 chiến đấu cơ Su-30, 4 chiếc J-16, 6 chiếc J-10 và 1 máy bay trinh sát Y-8 vào khu vực tây nam ADIZ Đài Loan.
Đây không phải là lần đầu tiên Trung Quốc triển khai số lượng lớn máy bay quân sự vào ADIZ của Đài Loan.
Vào trung tuần tháng 9.2020, khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách Tăng trưởng Kinh tế, Năng lượng và Môi trường Keith Krach trở thành quan chức ngoại giao cấp cao nhất của Mỹ thăm Đài Loan lúc bấy giờ, nhân lễ tưởng niệm Tổng thống Lý Đăng Huy, Trung Quốc cũng hai lần triển khai số lượng lớn máy bay vào ADIZ Đài Loan.
Cụ thể, trong hai ngày 18.9.2020 và 19.9.2020, lần lượt có tổng cộng 18 và 19 máy bay Trung Quốc hoạt động xung quanh Đài Loan.
Vì thế, tuy động thái mới nhất của Bắc Kinh được nhiều người đánh giá là đòn nắn gân chính quyền của Tổng thống Joe Biden, nhưng tôi cho rằng nó chủ yếu chỉ mới là bày tỏ thái độ trước việc đại diện Đài Loan tại Mỹ Tiêu Mỹ Cầm được mời đến dự lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden, hơn là một đòn nắn gân thực thụ.
3. Chuyển động quân sự khác
– Sáng 25.1, máy bay do thám tầm cao U-2S của Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Osan, Hàn Quốc, bay dọc bờ biển phía đông của Đài Loan trước khi tiến vào Biển Đông thông qua eo Ba Sỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên máy bay U-2 hoạt động ở Biển Đông nhưng là lần đầu tiên nó bật tín hiệu cho phép nhận diện trên các ứng dụng theo dõi hoạt động của máy bay quân sự.
– Trung Quốc tập trận ở vịnh Bắc Bộ từ 23-27.1. Tuy nhiên, khu vực tập trận ở phía tây bán đảo Lôi Châu này khá nhỏ, chỉ trong vòng bán kính 5km quanh vị trí có tọa độ 21-14.23N/109-32.80E, theo Cục Hải sự Quảng Đông.
II. Luật hải cảnh của Trung Quốc
Có khá nhiều nhận định về việc Trung Quốc thông qua luật hải cảnh vài ngày sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.
Ở đây tôi chỉ xin nêu ra một số điểm nóng tiềm tàng đối với ngư dân Việt Nam, có nguy cơ châm ngòi va chạm trong tương lai, sau khi hải cảnh Trung Quốc được cho phép nổ súng trong một số trường hợp ở những vùng biển mà họ tự xưng là “thuộc quyền tài phán”.
1. Khu vực quần đảo Hoàng Sa:
Đây là khu vực đánh cá truyền thống của ngư dân Việt Nam. Có nguy cơ là Trung Quốc sẽ mạnh tay trấn áp hoạt động của ngư dân Việt Nam đánh bắt bên trong đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tự tuyên bố. Đây là động thái đánh vào tâm lý của các ngư dân và không loại trừ khả năng họ sẽ tiến hành một vụ trấn áp bạo lực nhằm mục đích răn đe. Những hành động trấn áp kiểu như thế này, cấp chỉ huy ở thực địa nhiều khả năng được trao quyền tùy nghi quyết định. Vì thế, nguy cơ nổ súng là khá cao.
2. Khu vực quần đảo Trường Sa:
– Một điểm có nguy cơ bùng phát tiềm tàng là cụm đảo Sinh Tồn, nơi các đảo Việt Nam đóng giữ và đảo Trung Quốc chiếm đóng nằm gần nhau. Các tàu cá Việt Nam hoạt động hay neo đậu ở đây có thể là đối tượng bị quấy phá bằng vũ lực của hải cảnh Trung Quốc. Hoạt động trinh sát của Việt Nam cũng có thể bị cản phá mạnh tay. Tương tự ở Hoàng Sa, quyền ra quyết định trong các trường hợp này nhiều khả năng được trao cho cấp chỉ huy ở thực địa, khiến nguy cơ nổ súng trở nên cao hơn.
– Nguy cơ thứ hai là các bãi đá không người: Hải cảnh Trung Quốc có thể yểm trợ cho tàu công trình tiến hành chiếm đóng các bãi ngầm chưa có ai chiếm đóng. Vì sự chênh lệch giữa hỏa lực hải cảnh của Trung Quốc và cảnh sát biển các nước khác, các nước tranh chấp có thể phải sử dụng tàu quân sự để cản phá. Từ đó, Trung Quốc có thể vu vạ rằng đối phương là bên đầu tiên sử dụng vũ lực quân sự.
Khác với việc chỉ sử dụng vòi rồng hoặc đâm húc như các trường hợp đối đầu trên biển trước đây, việc sử dụng vũ khí nóng đặt lực lượng thưc thi pháp luật của các nước còn lại vào tình thế dưới cơ, cả về hỏa lực lẫn số lượng.
– Nguy cơ thứ ba là hải cảnh Trung Quốc tiến hành tấn công phá dỡ các công trình, nhà giàn của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa và các khu vực Tư Chính, Vũng Mây. Trường hợp này cũng tương tự ở trên.
Khả năng xảy ra của hai trường hợp thứ hai và thứ ba này khá thấp trừ khi Bắc Kinh muốn châm ngòi cho một cuộc xung đột ở khu vực Trường Sa và chúng cũng cần phải có mệnh lệnh từ cấp trung ương. Tuy nhiên, trong hai trường hợp này thì khả năng Trung Quốc chiếm đóng bãi đá không người vẫn cao hơn.
3. Yểm trợ việc hạ đặt giàn khoan, hoạt động của tàu khoan:
Nguy cơ bùng phát thành xung đột dâng cao hơn so với trước, sau khi Trung Quốc dọn đường sử dụng vũ khí nóng, thay vì các cuộc đối đầu bằng vòi rồng như trước đây. Điều này tác động đến cách tính toán của Việt Nam trong triển khai mức độ phản ứng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét