Mỹ: Trung Quốc 'phạm tội diệt chủng người Uighurs'
BBC tiếng Việt
Hôm thứ Ba, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói rằng Trung Quốc đã có hành vi diệt chủng trong việc đàn áp người Uighurs (Duy Ngô Nhĩ) và các dân tộc chủ yếu theo đạo Hồi giáo khác.
Theo SCMP, trong suốt chiến dịch tranh cử Tổng thống vừa qua, đội ngũ của Tổng thống tân cử Biden cũng từng gọi các hoạt động của Trung Quốc ở Tân Cương là "diệt chủng". Trong phiên điều trần [tại Thượng viện hôm 19/1], ông Antony Blinken - ứng viên Ngoại trưởng trong Nội các mới của ông Biden - cho biết đồng ý với việc gắn mác "diệt chủng".
Trung Quốc cho biết các cơ sở dành cho người Uighur của họ là để dạy nghề
Người được Tổng thống đắc cử Joe Biden chọn cho vị trí Ngoại trưởng, Antony Blinken, nói ông đồng tình với kết luận này.
Các nhóm nhân quyền tin rằng Trung Quốc đã giam giữ tới một triệu người Uighurs trong vài năm qua ở những nơi mà nhà nước định nghĩa là "trại cải tạo".
Điều tra của BBC gợi ra rằng người Uighurs đang bị sử dụng làm lao động cưỡng bức.
Căng thẳng với Trung Quốc là một nét đặc trưng nổi trội trong nhiệm kỳ của ông Trump, từ các chính sách thương mại đến đại dịch virus corona.
Đây là ngày cuối cùng của ông Pompeo ở cương vị Ngoại trưởng Mỹ trong nhiệm kỳ của chính quyền Donald Trump. Ông nói trong một tuyên bố: "Tôi tin rằng cuộc diệt chủng này đang diễn ra và chúng ta đang chứng kiến nỗ lực tiêu diệt người Uighurs một cách có hệ thống của đất nước của đảng Trung Quốc".
Dù tuyên bố gây áp lực lên Trung Quốc, nhưng Mỹ không tự động đưa ra bất kỳ hình phạt mới nào.
Ông Blinken, khi được hỏi trong phiên điều trần phê chuẩn cho vị trí của mình vào thứ Ba rằng có đồng ý với tuyên bố của ông Pompeo, và ông trả lời: "Đó cũng là đánh giá của tôi".
Đội ngũ của ông Biden đưa ra cáo buộc tương tự vào tháng 8 năm ngoái, nói rằng người Uighurs đã phải chịu "sự áp bức không thể tả xiết ... dưới bàn tay của chính phủ độc tài Trung Quốc".
Áp lực lên Trung Quốc - và Biden
Phân tích của BBC tiếng Trung
Ngay trong ngày cuối cùng, chính quyền Trump đã gửi tới Trung Quốc "món quà" cuối cùng, dưới dạng một thông điệp chia tay.
Cho đến nay, đây là lời lên án mạnh mẽ nhất của bất kỳ quốc gia nào nói về hành động của Trung Quốc ở khu vực Tân Cương, tây bắc nước này. EU, Anh và Úc, những nước đã nhiều lần chỉ trích tình trạng nhân quyền ở Tân Cương, có thể sẽ cân nhắc nối gót theo.
Điều này có thể dẫn đến áp lực quốc tế chưa từng có mà Trung Quốc sẽ phải đối mặt, nhưng liệu việc này có thay đổi được hành vi của Bắc Kinh?
Ngày nay Bắc Kinh bạo gan hơn nhờ vào sự thống nhất quyền lực chính trị, sự tăng trưởng kinh tế giữa đại dịch, và ở mức độ nào đó, là sự hỗn độn chính trị ở Washington. Một đại diện thông tấn của nhà nước Trung Quốc đã nhanh chóng phản pháo lại rằng Mỹ đã "thực hiện hành vi diệt chủng" người Mỹ với việc xử lý kém đại dịch.
Đối với nhiều quốc gia bao gồm cả Mỹ, quan hệ kinh tế với Trung Quốc đã trở nên quá quan trọng để có thể đoạn tuyệt hoàn toàn. Giữa vấn đề nhân quyền và lợi ích kinh tế, hành động cân bằng đối với Trung Quốc ngày càng trở nên khó khăn.
Dù rằng đội ngũ của Biden đã coi cuộc đàn áp chống lại người Uighurs là "tội diệt chủng", Tân Cương có thể không phải là một trong những vấn đề ưu tiên của họ. Nhưng hiện chính quyền mới sẽ buộc phải công bố lập trường chính sách cụ thể về Tân Cương. Rõ ràng là cuộc ăn miếng trả miếng giữa Bắc Kinh và Washington sẽ không dừng lại ở nhiệm kỳ của ông Trump tại Nhà Trắng.
Tình hình Tân Cương ra sao?
Trung Quốc nói họ đang đấu tranh chống "ba thế lực tà ác" là chủ nghĩa ly khai, chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan ở vùng xa phía tây Tân Cương, nơi có hầu hết 11 triệu người Uighurs sinh sống. Trung Quốc nói rằng "các biện pháp đào tạo" của họ ở Tân Cương là cần thiết để chống lại những điều này.
Trong những năm gần đây, Tân Cương đã chứng kiến một dòng người định cư lớn là người Hán - dân tộc chiếm đa số ở Trung Quốc. Tâm lý chống người Hán và ly khai đã trở nên phổ biến hơn ở lãnh thổ này kể từ những năm 1990, đôi khi bùng phát thành bạo lực.
Các nhà vận động nói Trung Quốc đang cố gắng xóa sổ văn hóa Uighurs, bằng cách ép người Hồi giáo ăn thịt heo và uống rượu.
Tuần trước, chính quyền của ông Trump đã cấm nhập khẩu bông và các sản phẩm cà chua từ vùng Tân Cương của Trung Quốc, nơi sinh sống của đa số người Uighurs.
Trung Quốc đã bị cáo buộc rộng rãi về việc dùng các trại tạm giam ở Tân Cương để cưỡng bức lao động, đặc biệt là ngành công nghiệp bông.
Một cuộc điều tra của BBC vào năm 2019 gợi ra rằng trẻ em ở Tân Cương đang bị tách khỏi gia đình một cách có hệ thống với nỗ lực cô lập chúng khỏi cộng đồng Hồi giáo.
Nghiên cứu gần đây cho thấy phụ nữ Uighurs bị buộc phải áp dụng các phương pháp triệt sản.
Trung Quốc phủ nhận việc cưỡng bức sử dụng biện pháp triệt sản cưỡng bức ở Tân Cương.
Nguồn: bbc.com/vietnamese/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét