“Cao cấp lý luận chính trị” và… dấm
Nguyễn Hoàng Văn
25-1-2021
Nhà văn Tô Hoài từng tham dự khóa cao cấp chính trị kéo dài hai năm tại trường đảng Nguyễn Ái Quốc, được công nhận tốt nghiệp, nghĩa là có trình độ “lý luận chính trị cao cấp”.
Tuy nhiên theo hồi tưởng của chính nhà văn, học xong khóa này ông chỉ thu thập được hai điều: thứ nhất là cách… làm dấm; thứ hai là kỷ luật học tập, vào lớp do các thầy người Nga dạy thì đừng nên chìa cằm ra nhổ râu, lạng quạng bị tống cổ ra khỏi lớp.
***
Đại hội đảng thứ 13 khai mạc hôm nay, thông tin chính thức cho biết có đến 1579 trong tổng số gần 1600 đại biểu tham dự có “trình độ lý luận chính trị cấp cử nhân và cao cấp”, đạt tỷ lệ 99.49%.
Tin không nêu rõ bao nhiêu “cử nhân”, bao nhiêu “cao cấp” nhưng tôi tin là tỷ lệ “cao cấp” sẽ cao hơn “cử nhân” rất nhiều. Chỉ cần đọc lướt tiểu sử bất cứ cán bộ cấp tỉnh hay trung ương, đều thấy rõ là vị nào cũng đạt đến trình độ “cao cấp lý luận chính trị” cả, một trăm phần trăm!
Mới nghe thì từ “cao cấp” tạo nên ấn tượng về một sự tiến bộ vượt bậc nhưng nếu đặt trong bối cảnh xã hội thì lại là một sự lạc hậu, chậm tiến.
Lý do là xã hội Việt Nam ngày nay “siêu” quá, “tuyệt đỉnh” quá: cứ theo truyền thông chính thức thì xã hội đang tràn ngập với nào là “siêu xe”, “siêu mẫu”, “siêu cầu thủ”, “siêu ca sĩ”, “siêu nhà”, rồi nào là “tuyệt phẩm song ca”, “tuyệt phẩm boléro” hay “tuyệt đỉnh danh hài” v.v… Vậy mà trình độ lý luận chính trị của các cán bộ lãnh đạo trên vẫn lẹt đẹt ở mức “cao cấp”, chưa thấy ai đạt đến mức “siêu lý luận” hay “tuyệt đỉnh lý luận”.
Thôi thì đành chấp nhận vậy, “cao cấp” thì vẫn hơn “trung cấp”. Thế nhưng, lại “nhưng”, trên thực tế, khi đụng việc, không tìm ra đâu một cán bộ lãnh đạo khả dĩ… cao cấp về lý luận chính trị, chỉ thấy toàn… sơ cấp, thậm chí hạ cấp.
Cũng những cán bộ cấp tỉnh hay trung ương ấy, khi lâm vào tình thế gọi là “damage control” thì tuyệt đại đa số đều ấp a ấp úng, không bao giờ nắm được vấn đề, không bao giờ chứng tỏ bản lĩnh trí tuệ hay năng lực lý luận, thậm chí còn đưa ra những phát biểu cực kỳ ngây ngô, thành trò cười cho thiên hạ!
Nghe câu chuyện của nhà văn Tô Hoài thì biết rõ thế nào là “cao cấp lý luận chính trị”!
Trong hồi ký Chiều Chiều, Chương VII, Tô Hoài cho biết, năm 1961 được khối văn nghệ cử đi học trường Nguyễn Ái Quốc, cùng tham dự có nhiều cán bộ cấp tỉnh ủy viên, thứ trưởng, bộ trưởng. Khóa học kéo dài hai năm, có giảng viên người Nga sang, một trong các phiên dịch là Đậu Ngọc Xuân, học ở Nga về, sau này là Bộ trưởng Kế Hoạch & Đầu Tư. Lúc đó Hoàng Minh Chính chưa bị bắt, đảm nhận môn “khoanh vùng kinh tế” mà Tô Hoài khen là dạy hay, sôi động.
Dù có ông thầy dạy hay, sôi động như thế thì bao nhiêu chữ của thầy Tô Hoài trả hết cho thầy, tốn mất hai năm mà chỉ học được cách làm dấm và nhớ “những chuyện vớ vẩn”.
Ông thầy Nga dạy bao nhiêu lý thuyết cao siêu kinh tế chính trị Mác Lê Nin, Tô Hoài không nhớ lấy một chữ, chỉ nhớ giọng điệu cáu tiết khi mấy học trò là bộ trưởng, thứ trưởng hay tỉnh ủy viên vào lớp chỉ để chìa cằm ra nhổ râu, đòi tống cổ ra khỏi lớp: “Tôi ghét những người ngồi nghe mà nhổ râu. Ai nhổ râu thì hoặc là người ấy hoặc là tôi ra khỏi đây ngay”.
Mà đó là lời của ông thầy trong một lớp của khóa trước, Tô Hoài chỉ nghe kể lại thôi nhưng trở thành một phản xạ của bản năng, thậm chí còn hoang tưởng: “Thầy lớp tôi không nói thế. Nhưng tôi nhỡ sờ lên cằm, lại rụt tay lại. Tôi nhìn quanh xem có thấy ông Hoàng Trung Thông nào đương vặt râu không. Hoàng Trung Thông hay nghiêng mặt phồng má nhổ râu. Tôi quá hoang tưởng, Hoàng Trung Thông không học khóa này.”
Hoàng Trung Thông là nhà thơ, còn là một quan to văn nghệ, từng là Vụ trưởng Vụ Văn nghệ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương, Viện trưởng Viện Văn học.
Còn chuyện học cách làm dấm, Tô Hoài kể:
“Trước nay, tôi hay ghi thoắng cho tôi đọc. Nhưng lần này, sổ ghi tôi viết nắn nót không trốn nét. Chỉ vì ở bàn trên tôi có một chị ở cấp ủy địa phương lên học, chị ghi không kịp thày giảng, phải mượn sổ tôi để chép. Chị đã trả ơn, biếu tôi chai dấm làm bằng chuối chín và chị dạy tôi cách làm dấm chuối. Quí lắm, các cửa hàng nước chấm nhà mậu không mấy khi bán dấm. Nếu có chỉ bán ngữ một góc lít, không chua mà nhạt như nước lã. Đằng này, có cốt nước sôi tinh khiết, cắt quả chuối chín bỏ vào, nút kỹ để một tuần lấy ra ăn, cũng chua mà lành. Có người bảo tôi ngày trước chị ấy bán rau ở chợ tỉnh, thạo rau cỏ, mắm muối. Chị mặc áo vét ka ki đeo túi tài liệu, nào ai đoán được ai.”
Tưởng tượng cảnh bà cấp ủy đến Trưởng đảng Nguyễn Ái Quốc, đĩnh đạc trong cáo vét ka-ki, tòng teng với cái “xắc cốt” tưởng chỉ chứa đầy tài liệu chính trị cao cấp, nào ngờ bên trong còn có chai dấm trả công. Chỉ việc chép bài thôi mà chép không xong, nói gì là thu thập kiến thức, tuy nhiên cuối cùng thì chị này, cũng như Tô Hoài, đều có thể viết vào lý lịch của mình là “cao cấp lý luận chính trị”.
Trình độ là “cao cấp” mà lối học thì cực kỳ sơ cấp, còn lớp học thì thượng vàng hạ cám:
“Tôi không có vốn học cơ bản. Tôi đi học cũng chẳng hơn chẳng khác chị bao nhiêu, chị không biết đấy thôi. Cũng như không rõ mấy trăm học viên tuổi tác lổn nhổn, có các cụ thâm niên Thanh niên Cách mệnh Đồng chí hội, có người học Tây, học Nho, có người đến tháng tám 1945 mới tập ngoáy chữ ký. Nghe giảng thế nào, làm bài kiểm tra ra sao. Chẳng ai hỏi ai, mà rồi hình như cũng xong xuôi cả.”
Xong xuôi cả vì đó là một khóa học “chẳng lo vì không phải thi lên lớp, không làm được bài chắc chỉ ngượng ti chút” nên những người có học, có lòng tự trọng không thể chấp nhận, Tô Hoài kể:
“Nhà sử học Minh Tranh giám đốc nhà xuất bản Sự Thật đã không làm bài kiểm tra. Không phải Minh Tranh không làm nổi. Mà anh không bằng lòng cái cách thi cử hỏi đáp kiểu trường tiểu học vừa trẻ con lại vừa hình thức không đi đôi với điều kiện và trình độ mọi mặt khác nhau của những người đi học đầu đã bạc, đương bạc”.
Minh Tranh tên thật là Khuất Duy Tiến, đỗ bằng Thành Chung thời Pháp, vào đảng từ năm 1936. Năm 1938 lãnh đạo cuộc bãi công lớn của hộ lý, y tá, y sĩ, bác sĩ ở Bệnh viện Chợ Rẫy, sau đó làm báo với Trường Chinh, rồi trực tiếp làm việc với nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và các đảng viên vai vế như Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Trần Văn Giàu, Trần Đình Tri, Huỳnh Văn Tiểng v.v… Năm 1955 được cử đi dự Hội nghị kỷ niệm 50 năm cách mạng Nga (1905-1955) và làm việc với Viện Hàn lâm khoa học Liên Xô . Có công, lại có học hơn, nên việc Minh Tranh phản ứng khi bị xếp cùng loại với những cán bộ “đến tháng Tám năm 1945 mới tập ngoáy chữ ký” là điều hoàn toàn dễ hiểu.
Nhưng đảng không thể chấp nhận lối hành xử kiêu ngạo, xem thường chính sách “bồi dưỡng” đảng viên này và sau đó Minh Tranh bị mất việc, phải ngồi chơi xơi nước một thời gian trước khi bị đẩy về Hà Nam làm ông cán bộ nông nghiệp.
Học chán thế nên trốn học được là trốn. Tô Hoài kể: “Có hôm ngồi chuyện tếu, chúng tôi điểm mặt những ông này bà này, ở Trung ương ở các tỉnh thì thấy nhiều người khéo trốn học lắm.
Trốn đến tài, công tác lên đến bí thư tỉnh, phó ban trưởng ban, công tác to thì càng lắm lý do thoái thác vì đột xuất, đột xuất, tiếc quá không được đi học đợt này, nhưng mà bận, đợt sau lại đột xuất. Cho đến tận ngày về hưu mà vẫn đàng hoàng cao cấp không lòi đuôi. Ghê không.”
Đó là cảnh trốn học. Còn đây là cảnh “cử đi học”:
“Đi học, ban tổ chức thông báo tiêu chuẩn, chế độ học viên. Cơ quan đảng của ngành đề nghị rồi nhà trường triệu tập. Các cơ quan là cơ sở đưa người đi học. Người thì được đi trau dồi kiến thức, chuẩn bị lên cấp. Người đến trường vài ba tháng lại phải về, vì công tác khẩn ở chiến trường B, ở nước ngoài. Có người lão quá, đi học là một ưu đãi tinh thần rồi về hưu. Nhiều nơi cơ quan hục hặc nhau làm mẹo đảy đi học, tạm hòa hoãn. Có cán bộ chẳng sắp việc nào cho êm, thì hãy gửi đi học cái đã. Bao nhiêu đoạn trường, mỗi người đến đây mỗi tâm sự, mỗi nỗi, làm sao mà tò mò cho thấu.”
Bởi thế nên càng trách xa cái trường đảng Nguyễn Ái Quốc ấy bao nhiêu lại tốt bấy nhiêu.
Trong hồi ký Đồng Bằng, chương 7, chương viết riêng về ông Hồ Nghinh, nguyên là bí thư tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng và sau là Phó ban kinh tế trung ương, nhà văn Nguyên Ngọc kể:
“Tôi có may mắn ít nhiều được ở gần anh cả trong và sau chiến tranh, Anh có dặn và nhờ tôi hai việc mà tôi đều không làm trọn được. Sau 1975, hết chiến tranh, hôm đến chào anh để trở ra Hà Nội, anh cười dặn tôi: Ra ngoài đó, muốn làm gì thì làm, nhưng mình dặn một điều, đừng có đi học trường Nguyễn Ái Quốc nghe, chỉ đần người đi… Tôi đã không làm được điều anh dặn, khi ông Tố Hữu buộc tôi đi học trường này trước lúc về làm Bí thư Đảng đoàn Hội Nhà văn. Cũng may là chán quá tôi đã bỏ dở chừng lấy cớ Ban Bí thư trung ương đã lập Đảng đoàn rồi, cử tôi là người chủ trì, tôi phải về làm việc ngay.”
Ôi, trường đảng và những khóa “cao cấp lý luận chính trị”, của nửa thế kỷ trước và của ngày hôm nay!
“Cao cấp” cái gì mà Tô Hoài phải phí những hai năm mà khi tốt nghiệp chỉ học được cách làm dấm và ghi tâm duy nhất lời dọa của ông thầy Nga rằng vào lớp đừng có nhổ râu, đứa nào nhổ râu là tao đuổi.
“Cao cấp” mà chỉ làm “đần người đi” thì chắc chắn cái đại hội với 99.49% đại biểu có “trình độ lý luận chính trị cấp cử nhân và cao cấp” khai mạc ngày hôm nay sẽ làm đất nước ta đần thêm, thụt lùi thêm, không khá lên chút nào!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét