Tìm dấu Hoàng Sa trong những tu viện cổ nước Ý
Lê Đức Dục
Hôm qua là câu chuyện bài thơ lưu lạc [xin xem cuối bài], hôm nay mình kể lại chuyện này:
Hơn 10 năm trước, một ngày thật tình cờ, Truong Huong, người bạn của mình đang sống ở Ý email cho biết: “Nước Ý hiện có rất nhiều tài liệu lịch sử, địa lý ghi chép về vương quốc An Nam (toàn bộ nước Việt Nam) hay Cochinchina (tức Đàng Trong) ở thế kỷ 19. Chắc khỏi phải nói thì mọi người cũng đều biết vấn đề quần đảo Hoàng Sa hiện tại quan trọng như thế nào.
Những tài liệu này ghi nhận quần đảo Hoàng Sa (Paracel hay Pracel hay Parcel trong cách gọi của các nước phương Tây) thuộc về An Nam hay Cochinchina”.
Kèm theo lá thư là đường dẫn của ít nhất năm cuốn sách cổ của Ý đã được số hóa trên website của Google.
Nhưng câu chuyện tìm kiếm dấu vết Hoàng Sa không dừng lại ở những trang sách đã được số hóa này.
Từ Ý, người bạn cũ đã gửi cho tôi bản chụp những trang sách quý giá có bằng chứng Hoàng Sa ấy. Kèm theo là câu chuyện về hành trình tìm kiếm cuốn sách.
Tác giả của câu chuyện trên, người đã đi tìm dấu vết Hoàng Sa trong những cổ thư trong tu viện cổ của Ý là anh Trần Doãn Trang, sinh năm 1954, là sinh viên du học trước 1975, hiện là kỹ sư của hãng Fiat ở Turino (Ý).
Khi nhận được thông tin là ở trên Google có bản sao những cuốn sách cổ xưa ở Ý có nói về chủ quyền quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam, anh Trang đã quyết đi tìm bằng chứng thực tế. Trong cuốn sách “Compendio di Geografia" của Adriano Balbi - nhà địa lý lừng danh người Ý, được in vào năm 1850 (và hiện nay ở nước Ý chỉ còn vài cuốn nằm trong các thư viện của các tu viện cổ) đã có những dòng chữ quý giá viết rõ ràng “Quần đảo Hoàng Sa thuộc về vương quốc An Nam”.
Những trang sách này được anh Trang chụp lại trong cuốn sách tìm thấy ở tu viện Santa Maria al Monte, nằm trên ngọn đồi Monte dei Cappuccini, bên cạnh dòng sông Po, thuộc thành phố Torino, miền bắc nước Ý.
Sau đó một đoàn làm phim về chủ quyền biển đảo VN đã tìm tới tu viện này.
Đây chỉ là câu chuyện nhỏ về một nỗi niềm lớn, đọc để biết thêm rằng, cho dù ở phương trời nào, Hoàng Sa vẫn là nỗi thao thức khôn nguôi và đau đáu trong trái tim người Việt…
Giữ Hoàng Sa là vạn cuộc đời ngư dâ.n Là những tử sĩ.
Nhưng những lưu dân nặng lòng với nước, tận chân trời góc bể vẫn làm công việc lặng thầm để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc theo cách của mình như anh Trang, như Tuấn, như Hương...
Link bài báo trên Tuổi Trẻ online: https://tuoitre.vn/di-tim-hoang-sa-trong-tu-vien-co-y...
L.Đ.D.
Nguồn: FB Le Duc Duc
*
BÀI THƠ ĐẶC BIỆT VỀ HOÀNG SA
Lê Đức Dục
Xin kể thêm tôi
thành mười chín triệu lẻ một người...
(hay là hành trình kì lạ của một bài thơ về Hoàng Sa)
Năm 1974, khi Trung Quốc xâm lược Hoàng Sa, đất nước vẫn còn chia hai miền Nam Bắc.
Nhiều trận đánh vẫn chỉ là người Việt bắn vào người Việt.
Nhưng anh Huy San Truong có một đúc kết rất sâu sắc: "Hoàng Sa là trận chiến duy nhất trước 1975 mà ở đó người Việt đã không bắn vào người Việt".
Dĩ nhiên đánh Trung Quốc bảo vệ xứ sở thì không lo khi hòn đạn bay ra người trúng đạn rất có thể đó chính là anh em máu mủ của mình.
Trở lại với bài thơ nói trên, khi ấy ở miền Bắc ít người biết thông tin này và nếu biết vẫn không hiếm người nghĩ chính TQ đã giải phóng Hoàng Sa từ tay VNCH giúp cho ta vì anh em cùng phe XHCN, sau này sẽ giao lại!!!
Nhưng giữa ngày tháng Hoàng Sa bị xâm lược đó, một thi sĩ miền Bắc làm bài thơ này, gửi từ Hà Nội qua Pháp và từ Pháp về Nam Việt Nam bày tỏ tấc lòng.
Năm 2005, câu chuyện và bài thơ được kể trên giai phẩm Quảng Đà in ở hải ngoại.
Có người nghi tác giả là Việt Phương, có người dẫn lại cơ sở nói tác giả là Hoàng Xuân Huế, người em bà con của cụ Hoàng Xuân Hãn.
Nhưng mình nghĩ trong bối cảnh ấy ở miền Bắc mà viết được như thế này thì biết trái tim thi sĩ dũng cảm ấy đã rỏ máu với Hoàng Sa như thế nào...
***
Hoàng Sa
Xin kể thêm tôi
thành mười chín triệu một người
Trái tim tôi đập về trong nớ
Dòng máu xa nguồn bỗng giận sôi
Hoàng Sa, Hoàng Sa
Cái tên nghe buồn như thưở ban sơ
Từ tuổi ấu thơ, hay tự bao giờ
Ðối với tôi đã là da thịt
Dầu chỉ là một mảng san hô
Lại đau chăng vết buốt tự ngàn xưa
Trang sử cũ còn hằn dấu ngựa
Từ thảo nguyên xa, từ biên ải lửa
Khói tràn về đen thẫm những giấc mơ
Đếm biết bao nhiêu người vợ đợi chờ
Em ơi ! Trên từng trang sử nhỏ
Xin kể thêm tôi thành mười chín triệu một người,
Thành viên gạch hồng tươi
Làm bức tường thành ngăn triền sóng dữ
Làm chiếc vò đựng mùa xuân ngọt lự
Giữ không rơi một giọt mật nào
Mỗi giọt ra đi, chính giọt máu đào
Từ cuộc đời cha ông rỏ xuống
Em trai ơi !
Trên đảo mù sương
hôm đó có em tay cầm súng
Từ những hạm tàu rẽ sóng đại dương
Anh thấy pháo em dương nòng sừng sựng
Cuộc chiến đấu kết thúc dù bi thảm
Bài ca anh hùng vẫn vọng trời cao
Xin cho thơ tôi góp phát súng chào
Vĩnh biệt tuần dương chìm dần giữa sóng
Ðáy biển âm thầm, ngàn năm lạnh cóng
Vẫn mặn nồng lòng tổ quốc ta
Xin cho thơ tôi làm thảm sóng ngân nga
Ru giấc ngủ những chàng trai dũng cảm
Tiếng cười ngày nào còn ran trong nắng
Đôi mắt ngày nào đọng mắt người thương
Tôi biết mùa xuân chưa đến bao giờ
Ngực đảo còn đau ngàn bàn chân lạ
Hoàng Sa, xa vời ơi Hoàng Sa!
Tên người ngân buồn như bản thánh ca…
(1974 - Khuyết danh)
(Giải thích thêm vì có bạn chưa rõ: dân số miền Nam khi ấy là 19 triệu, miền Bắc 21 triệu).
Hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10 và hạm trưởng Ngụy Văn Thà, cả con tàu và chiến binh hạm trưởng đã hy sinh trong hải chiến Hoàng Sa 19.1.1974
L.Đ.D.
Nguồn: FB Le Duc Duc
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét