Quyền tự do hiến định là gì?
Đỗ Kim Thêm
25-1-2021
Quyền tự do hiến định là các quyền căn bản của người dân, được hiến pháp quy định mà nhà nước pháp quyền có nhiệm vụ phải tôn trọng và bảo vệ. Hiện nay, tại hầu hết các quốc gia dân chủ phương Tây, các quyền này đều được quy định với nội dung giống nhau.
Lược sử
Nhìn lại lịch sử, quyền tự do có nhiều nguồn gốc khác nhau, các lý giải đến từ triết học, thần học, nhân chủng học, chính trị và xã hội học, nhưng rõ rệt nhất là trong luật học.
Bản văn Magna Carta Libertatum năm 1215 của nước Anh là xa xưa nhất. Trong điều khoản 39 có ghỉ rõ: “Không một người tự do nào bị bắt, bỏ tù, tước đoạt tài sản, xét xử, trục xuất, tiêu diệt theo bất kỳ cách nào. Chúng ta sẽ không tiến hành chống lại người dân hoặc để tiếp tục tìm cách chống họ, trừ khi dựa trên cơ sở phán quyết hợp pháp theo luật của quốc gia”.
Trước các biện pháp chuyên quyền của nhà nước Anh, quyền Thỉnh nguyện (Petition of Right, 1628) ghi, dân quyền là một hình thức quyền tự tại và cố hữu. Đến 1679, văn bản Hebas Corpus Act minh thị là, không ai bị tống giam khi không có án toà.
Tác phẩm “Two Treaties of Goverments” của John Locke hệ thống và cá nhân hóa dân quyền. Theo Locke, khi mọi ngưòi dân tự nguyện sống chung nhau mà một công đồng chính trị được hình thành. Người dân kết hợp tất cả quyền lực cá nhân và đồng thuận trao quyền cho nhà lập pháp, do đó, nhà nước có được quyền lực chung.
Nội dung
Nói chung, trong hiến pháp các nước xã hội dân chủ, quyền tự do liên hệ đến sinh hoạt chính trị của cộng đồng trên tinh thần bảo vệ công lý và bình đẳng. Các khái niệm này đều liên hệ nhau.
Cách mạng Mỹ và Pháp đã gây ảnh hưởng sâu đậm đến việc hình thành và phát triển dân quyền, cụ thể là tạo điều kiện cho người dân chống đối chế độ độc tài của hoàng gia, tham gia vào các sinh hoạt công quyền và phát triển nhân cách.
Trong thực tế, các hình thức của tự do tôn giáo, lương tâm, đi lại, nghề nghiệp, bảo vệ tài sản lần lượt được hình thành. Khi xã hội tiến bộ hơn, quyền tự do được chi tiết hóa trong các phạm vi bảo vệ như quyền riêng tư, không được vi phạm thư tín hay xâm nhập gia cư bất hợp pháp.
Dù mang nội dung cụ thể nào, dân quyền mang hai sắc thái chính: Một là, tự do có nghĩa là cá nhân tự do trong hành động, làm những gì mà luật pháp cho phép và không gây thiệt hại cho người khác, đôi khi còn hiểu theo nghĩa tiêu cực là tự do chống đối mọi sự can thiệp bất hợp pháp của chính quyền. Hai là, cho phép người dân tham gia tích cực trong sinh hoạt dân chủ, thí dụ như đi bầu, tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và lập hội. Kết hợp hai sắc thái này trong đời sống hằng ngày, người dân có một cơ hội đồng đều như một loại quyền bình đẳng.
Trước các nhu cầu mới ngày càng tăng lên, có quan điểm khác cho rằng, ngoài việc tôn trọng và bảo vệ dân quyền, chức năng của nhà nước phải thay đổi. Các quyền cơ bản của người dân không phải chỉ là giới hạn và kiểm soát các quyền lực của nhà nước, mà có quyền đòi hỏi những yêu sách về mặt phúc lợi xã hội, thí dụ trợ cấp, bảo hiểm y tế và hưu bổng. Nhà nước trở thành một cơ quan quản lý các nguồn tài sản chung của đất nước và chịu trách nhiệm phân phối phúc lợi xã hội theo tiêu chuẩn bình đẳng. Vấn đề này hiện nay được thảo luận trong một sắc thái mới hơn, có quan điểm cho rằng, người dân có quyền được hưởng một loại chu cấp cơ bản không điều kiện và không phân biệt.
Tóm lại, đối với chính quyền, người dân có ba hình thức tự do. Một là tự do tham gia vào các sinh hoạt công quyền trong cơ hội đồng đều, hai là phản đối chính quyền khi vi phạm tự do cá nhân và ba là quyền đòi hỏi phân phối các phúc lợi xã hội.
Nhận xét
Quyền tự do hiến định là một lý tưởng cao đẹp, nhưng không dễ thực hiện trong thực tế. Theo Rousseau, trong một nền dân chủ, người dân vừa có quyền tự do mong muốn và hành động, vừa phải tuân thủ luật pháp. Do đó, ý chí cá nhân phải tuân phục ý chí chung thể hiện qua các cuộc bầu cử.
Các vấn đề quyền của đa số, tự do của cá nhân, quyền tham gia sinh hoạt công quyền, quyền cai trị của chính quyền khi nhân danh bảo vệ luật pháp và thi hành công vụ, tất cả các phạm vi này không thể hoà hợp trong thực tế để đem lại việc điều hành đất nước được ổn thoả. Tìm cách giải quyết các xung đột qua luật pháp phải là vai trò của cơ quan tư pháp.
Alexis de Tocqueville và John Stuart Mill có cảnh báo chung là trong xã hội dân chủ, độc tài của đa số là một tình trạng nguy cơ và cần phải tôn trọng ý kiến thiểu số.
Quyền tự quyết cá nhân không thể thực thi khi không có can thiệp của nhà nước về hai khía cạnh vật chất và tinh thần. Do đó, giới hạn việc can thiệp của nhà nước luôn là một đề tài để thảo lụận. Ngoài việc tạo cho cá nhân phát huy cơ hội tham gia, nhà nước phải bảo vệ tài sản của người dân và phân phối phúc lợi trong tinh thần công bình xã hội.
Tự do là điều kiện cơ bản cho con người chung sống trong xã hội. Tự do cho tất cả mọi người trong xã hội là nền tảng cho luật pháp. Tự do, nghĩa là khả năng của từng cá nhân tự quyết định cho hành động của mình trong tinh thần trách nhiệm cho bản thân và cộng đồng. Tự do có một nội dung khác là phải tôn trọng tự do của người khác trong tinh thần dung hoà xã hội và tôn trọng luật pháp. Vấn đề an bình trong mọi sinh hoạt xã hội phải được tôn trọng. Nhưng luật pháp không thể thi hành hoàn hảo, khi không có biện pháp cưỡng chế trong trường hợp vi phạm.
Tóm lại, quyền tự do hiến định là quyền tự do hành dộng nhưng phải tôn trọng quyền tự do của người khác trong khuôn khổ luật hiến pháp.
Triển vọng
Tại các nước dân chủ phương Tây, lý tưởng cao đẹp này ngày nay không còn nữa khi mô hình dân chủ đang suy tàn. Vấn đề cải cách thể chế cho phù hợp với tình hình mới đang được đặt ra. Nhưng khó khăn chính là dân chúng đang bất mãn cao độ vì bất công kinh tế do trào lưu toàn cầu hóa và phát minh của kỹ thuật số. Sự trỗi dậy và uy hiếp của Trung Quốc, phong trào di dân toàn cầu và kỳ thị chủng tộc là nguy cơ cho hoà bình.
Tất cả mọi biến động dồn dập làm cho phong trào dân túy trỗi dậy khắp nơi. Dịch bịnh lan tràn làm cho các biện pháp hạn chế tự do trong mọi sinh hoạt bình thường có lý do để biện minh. Triển vọng hồi phục kinh tế còn nhiều thử thách làm cho giá trị cao cả các quyền tự do hiến định khó phát huy.
Tại Việt Nam, vấn đề tụt hậu trầm trọng hơn và hoàn toàn khác hẳn khi so với tình trạng của các nước dân chủ phương Tây.
Hiến pháp Việt Nam chỉ tuyên bố công nhận các giá trị tự do cơ bản này, nhưng không cho người dân có tố quyền trực tiếp từ Hiến pháp khi chính quyền vi phạm.
Cụ thể là ông Lê đình Kình không có tố quyền hiến định để yêu cầu chính quyền phải tôn trọng luật thủ tục tố tụng. Trong tranh chấp đất đai, bao lâu chưa có phán quyết, chính quyền không có quyền cưỡng chế dẫn đến tử vong.
Cô Phạm Đoan Trang cũng gặp trường hợp tương tự, không có quyền hiến định để phản đối khi chính quyền sai phạm việc bắt giữ. Một cư dân tại TP HCM không thể giao nạp cho Toà Hả Nội thụ lý vì bất cứ lý do gì. Cô Trang cũng không thể dùng quyền tự do ngôn luận, một dân quyền hiến định, để phản bác các cáo buộc của chính quyền trong khi toà án chưa có khả năng phân biệt các khái niệm đối lập chính trị và chống phá chế độ.
Về mặt tự do chính trị, các dân quyền quan trọng như tự do lập ra báo chí tư nhân (nghĩa là không cần liên kết với báo chí quốc doanh), tự do ngôn luận, lập hội, lập công đoàn, tự do biểu tình đều chưa thành hình. Tự do kinh tế đã có nhưng không phải là toàn diện để cho nền kinh tế thị trường vận hành hoàn hảo.
Nhìn chung, ý nghĩa của tự do không phải là một quyền cơ hữu và bẩm sinh của con người mà là một món quà do Đảng bố thí, chiếu cố trong thái độ ban phát của gia trưởng trong từng giai đoạn và hoàn cảnh. Các ý nghĩa cao đẹp của dân quyền hiến định không thể đặt ra.
Cụ thể là Đảng ủy và chính quyền một số địa phương như Hà Nội và Phú Yên tự quyền ra chỉ thị về việc người dân và cán bộ, đảng viên nên tổ chức đám cưới bao nhiêu mâm, mời bao nhiêu khách, tổ chức tiệc mấy lần, đi phong bì.
Còn việc viếng người chết thì Đảng chỉ đạo cụ thể hơn: người dân chỉ nên thắp một thẻ hương và chia buồn cùng tang chủ, hạn chế viếng bằng vòng hoa, các bức trướng để tránh lãng phí và bảo đảm vệ sinh môi trường.
Việc tổ chức ăn uống trong lễ tang Đảng chăm lo chu đáo: chỉ thực hiện trong nội bộ gia đình, dòng họ và phải bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.
Đây là một thái độ gia trưởng dạy cho dân chúng về mặt đạo đức và văn hóa, không phải là mối quan hệ khách quan của một chính quyền với người dân trong tinh thần trưởng thành về thượng tôn luật pháp.
Dân chúng vô cảm và vô tâm trước các vi phạm của chính quyền về quyền tự do hiến định, còn chính quyền, do kết quả thảm hại của hệ thống giáo dục Đảng trị, nên cũng không có ý thức về vai trò của mình. Dân chúng chỉ là thế lực thù địch hoặc là các đối tượng cần được Đảng giáo dục mọi mặt. Trong ánh sáng văn minh của thế kỷ XXI, đây là một bất hạnh cho cả hai và còn kéo dài.
***
Giới thiệu trang nhà của tác giả: https://kimthemdo.com/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét