Nhân tài với đảng và nhân tai
Trân Văn
31-1-2021
Đặng Thái Sơn – Nghệ sĩ dương cầm đầu tiên là dân châu Á đạt giải nhất Cuộc thi Piano quốc tế Frederic Chopin (1980) – vừa từ Canada về Việt Nam để thăm mẹ (Nghệ sĩ Thái Thị Liên) và giới thiệu Tuyển tập Thơ, Họa đầu tiên của cha (Nhà thơ, Nhạc sĩ Đặng Đình Hưng).
Tâm tình của Đặng Thái Sơn về những trải nghiệm của ông với Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cũng như số phận của ông Đặng Đình Hưng khiến nhiều người buộc phải ngẫm nghĩ kỹ hơn, nhiều hơn về thân phận con người dưới lá cờ vẻ vang của đảng! Đặc biệt là khi đảng đang tổ chức đại hội 13 và tiếp tục huyên thuyên về… nhân tài!
***
Từ những tâm tình mới nhất của Đặng Thái Sơn với tờ Tuổi Trẻ, có người như Đào Tuấn, ngậm ngùi viết trên facebook về… Con mèo tam thể của Đặng Thái Sơn. Theo Đào Tuấn, bài phỏng vấn “Tôi không cần đàn bà, không cần đàn ông, chỉ cần một cây đàn” (1) có những chi tiết độc, đắt, và đau…
Năm 1980, khi Đặng Thái Sơn giành Giải Nhất Cuộc thi Piano quốc tế Chopin lần thứ 10 ở Warszawa (Ba Lan), báo Nhân Dân đưa tin bài trong ba ngày liên tiếp. Trang nhất hẳn hoi, đến bây giờ Đặng Thái Sơn vẫn nhớ đó là: “Những bài báo rất chi tiết về tiểu sử, cuộc sống của tôi, đến cả con mèo tam thể trong nhà cũng được nhắc đến, nhưng tuyệt nhiên không có một chữ nào về bố tôi”.
Cha Đặng Thái Sơn là Đặng Đình Hưng – một nạn nhân trong vụ Nhân văn Giai phẩm. Đi chăn bò mấy năm ở nông trường Chí Linh, không được in bất cứ thứ gì suốt 30 năm và đến ngày con trai chơi piano trong chung kết cuộc thi thì ông nhập viện lao vì u phổi “coi như chờ chết”. Năm 1990, khi nhà thơ Đặng Đình Hưng mất, Đặng Thái Sơn nói ông “không dám về” trước dư luận… “Đặng Thái Sơn di tản kiểu mới”.
Năm 1993 khi Đặng Thái Sơn về lần đầu, vẫn hãi: “Lần đó tôi diễn ở Nhà hát lớn Hà Nội. Vừa diễn xong, đi ra cánh gà tôi đã thấy đầy nhà báo. Tôi cứ tưởng họ đợi đó để chúc mừng buổi diễn của tôi nhưng không phải, câu hỏi đầu tiên mà tôi nhận được là: Hiện nay ông đang mang quốc tịch gì?”.
Chủ nghĩa lý lịch vẫn là cái gì đó như một định kiến rất nặng nề. Một người như họ Đặng, tự nhận lựa chọn sống tự do nhưng “không được ảnh hưởng đến ai”, “không thích xung đột, chiến tranh” và không bao giờ phản bội đất nước… cuối cùng mưu cầu hạnh phúc nơi xứ người.
Hôm qua, vang trên hội trường là mấy chữ “nguồn nhân lực”, là trọng dụng nhân tài… như một đột phá. Nhưng làm sao chúng ta giữ được nhân tài nếu cách đối xử khiến 40 năm sau họ vẫn không thể quên được “đến cả con mèo tam thể trong nhà cũng được nhắc đến, nhưng tuyệt nhiên không có một chữ nào về bố”. Làm sao giữ được nếu Olympia về nước cũng chỉ pha trà vì đồng chí này không phải là con đồng chí nào (2)?
***
Thật ra không phải tới bây giờ những người Việt sử dụng facebook mới chia sẻ thông tin, suy nghĩ về thân phận con người dưới lá cờ vẻ vang của… đảng qua những chi tiết liên quan đến Đặng Thái Sơn. Khoảng giữa năm ngoái, họ đã chuyền cho nhau bài “Đặng Thái Sơn và mặt sau tấm huy chương Chopin” mà Son Nguyen đăng trên facebook…
Mình đang nghe André Rieu thì chợt nhớ tới Đặng Thái Sơn, nhớ tới ngày báo chí đất nước thi nhau uôm oạp chuyện anh vợt được cái giải âm nhạc ở Ba Lan, về nước “vinh quy” ở Nhà hát lớn Hà Nội, ngày mà “các cụ” đi xem đều …ngủ cả.
Cũng giống như Ngô Bảo Châu, người Việt được chăm bón, vun trồng ở tận đẩu tận đâu rồi thành quả, về “báo công” cho nhà nước hít hà, phả ra đầy khí quyển những lời hào sảng hết cỡ, đưa tất cả lên đỉnh, tưởng chừng như thế gian này chỉ còn có người Việt; người Việt sẽ làm cho thế giới thăng hoa…
Và rồi nền âm nhạc, toán học ở VN vẫn vậy, vẫn những nốt lặng trầm hùng dai dẳng, vẫn những dấu trừ đều tăm tắp lan tỏa về chân trời…
Xin mời các bạn xem qua về một quá trình “dấm quả” của người Việt:
Câu chuyện bắt đầu vào năm 1956 tại miền Bắc Việt Nam, nhiều nhà văn, nghệ sĩ đã đứng lên tham gia một phong trào văn học có tên là Trăm hoa đua nở, là chữ dịch từ “Bách gia tranh minh, bách hoa tề phóng”, thời kỳ “trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng” của mao xủ xí.
Ngày đó, rất đông văn nghệ sĩ đã tham gia phong trào này. Nổi tiếng nhất có các ông Phan Khôi – Chủ nhiệm tạp chí Nhân Văn, Trần Duy – Thư ký tòa soạn, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Trần Dần, Nguyễn Hữu Đang, Phùng Cung, Phùng Quán, Văn Cao, Nguyễn Tuân, bà Thụy An… Có nhiều trí thức, không phải văn nghệ sĩ, như Đào Duy Anh, Trần Đức Thảo, Nguyễn Mạnh Tường, Trương Tửu cũng tham gia phong trào này và mọi người biết đến nó dưới cái tên là nhóm “Nhân văn Giai phẩm”.
Trong nhóm Nhân văn Giai phẩm có một nhà thơ tên là Đặng Đình Hưng. Ông chính thức làm thơ từ cuối những năm 1950 cho đến khi qua đời, hoạt động nghệ thuật của Đặng Đình Hưng về chữ nghĩa gồm sáu tập thơ, với những vần thơ khó hiểu, rất khác người. Ông còn đuợc biết đến như một kiến trúc sư, nhạc sĩ, hoạ sĩ.
Năm 1957 Đặng Đình Hưng lấy bà Thái Thị Liên, một nhạc sĩ dương cầm (piano) nổi tiếng đương thời. Bà Thái Thị Liên đã có hai đời chồng trước – khi bà ở hải ngoại (Pháp, Tiệp Khắc) và đã có ba người con. Năm 1958, vợ chồng họ Đặng và họ Thái sinh được một cậu con trai, họ đặt tên là Đặng Thái Sơn.
Niềm vui vầy con cái chẳng được bao lâu thì tai họa ập đến. Chính quyền cộng sản, dưới sự lãnh đạo của Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Đặng Xuân Khu, Võ Nguyên Giáp đã ra tay dẹp phong trào Trăm hoa đua nở và nhóm Nhân văn Giai phẩm. Nhiều văn nghệ sĩ bị đưa đi nông trường, nặng hơn nữa thì bị khép án, tù tội. Bị xử nặng nhất là bà Thụy An và ông Nguyễn Hữu Đang – quả chanh mọng nước trước và sau cái gọi là cách mạng tháng 8.
Về người quyết định “đánh” Nhân Văn Giai Phẩm, chính thức được nêu danh thì là Xuân Khu và Tố Hĩu. Nhưng theo ông Nguyễn Hữu Đang, người rất thân cận và là quả chanh bị Hồ chí Minh vắt cho kiệt nước trong thời kỳ cộng sản mới cướp được chính quyền thì cho rằng nếu không có sự đồng ý hay cho phép của Hồ chí Minh thì Nhân văn Giai phẩm không thể bị dẹp.
Với một ông chồng là một nhân vật trong Nhân văn Giai phẩm, bị coi là một tay phản động chống đảng, bà Thái Thị Liên bị sức ép, phải chia tay với Đặng Đình Hưng. Và thế là bà Liên cùng với ba người con riêng-chung, trong đó có cậu quý tử Đặng Thái Sơn phải ra ở riêng, dạy nhạc kiếm sống, chấp nhận, chịu đựng một cuộc đời cực nhọc vất vả.
Cũng từ đó, kể cả nhiều năm tháng đi sơ tán ở các vùng quê xa Hà Nội, Đặng Thái Sơn học âm nhạc, học chơi dương cầm với mẹ. Cuộc đời khốn khó nhưng bà là một nhà sư phạm nghiêm khắc, khó tính và ít khi đưa ra lời khen, thậm chí Đặng Thái Sơn còn bị “đối xử” rất khắt khe nữa.
Năm 1974, một chuyện bất ngờ đã xẩy ra làm cho cuộc đời của Đặng Thái Sơn bước sang một khúc ngoặt: Một vị giáo sư âm nhạc người Nga, gốc Do Thái tên là Isaac Katz, sang dạy cho Trường Âm nhạc Hà Nội đã tình cờ phát hiện ra Đặng Thái Sơn.
Chuyện kể rằng một buổi chiều nọ, ông Katz đang tản bộ trên con đường gần nhà bà Thái Thị Liên, ông nghe thấy tiếng đàn dương cầm rất hay, rất đáng chú ý. Lần hồi ông Katz đã tìm được đến nhà bà Thái Thị Liên và gặp cậu con trai Đặng Thái Sơn, một học sinh Trường Âm nhạc Hà Nội, năm nào cũng đứng đầu lớp.
Sau vài lần chứng nghiệm khả năng của người học sinh này, giáo sư Isaac Katz chính thức yêu cầu Trường Âm nhạc Hà Nội cho ông được đích thân truyền dạy cho người học sinh xuất sắc đó, mặc dù trên nguyên tắc ông Issac Katz chỉ dạy những học sinh năm cuối trước khi thi tốt nghiệp và Đặng Thái Sơn năm sau mới hội đủ điều kiện này.
Năm 1975 giáo sư Isaac Katz về nước. Trước khi về ông đã đề nghị cho Đặng Thái Sơn được theo học dương cầm tại Liên Xô. Lời đề nghị này không được chấp thuận, bởi vì với chính quyền, Sơn là con của một người dính vào Nhân văn Giai phẩm, bị coi là một loại phản động nguy hiểm cho nhà nước.
Lời đề nghị không có phản hồi, giáo sư Isaac Katz đã phải yêu cầu lần thứ hai, kèm theo lời đề nghị này là thái độ khó khăn với những du học sinh con ông cháu cha, thiếu khả năng thật sự. Ông tạo một sức ép đủ mạnh để người học trò ông chọn phải được dạy dỗ đến nơi đến chốn.
Thế là năm 1976, Đặng Thái Sơn được phép đi học âm nhạc tại Liên Xô. Anh tạo thành tích ngay lập tức là thi đậu vào Học viện Âm nhạc Tchaikovsky. Trước anh chưa có một người nào vào được học viện này mà không qua một năm dự bị. Năm đó anh mới 18 tuổi.
Khi vào học tại Học viện Âm nhạc Tchaikovsky, Đặng Thái Sơn gặp một vị danh sư khác. Đó là giáo sư Natanson. Nếu như Isaac Katz là người khám phá ra tiếng đàn Đặng Thái Sơn, tìm mọi cách mang anh về Liên Xô để có thể tìm đúng thầy thì Natanson chính là ông thầy này, một thầy dạy tận tâm và rất giỏi.
Sơn được cấp học bổng 60 rúp một tháng. Số tiền này chẳng nhiều nhặn gì, nếu tính theo hối đoái thời đó thì chỉ tương đương với khoảng 20 USD. Sơn có hai người bạn thân trong thời gian này, cả ba góp gạo thổi cơm chung, dè sẻn từng đồng mới có thể tạm đủ ăn và thỉnh thoảng vẫn phải đi làm thêm để kiếm tiền chi dụng hàng ngày.
Năm 1980, Sơn tốt nghiệp Học viện Âm nhạc Tchaikovsky với hạng tối ưu. Tòa Đại sứ Việt Nam tại Moskva chắc được chỉ thị của Hà Nội nên đã coi như không biết, không để tâm đến thành tích của người đồng hương này mà còn có ý muốn truy nã, gây khó khăn cho Sơn chỉ vì bố anh thuộc “thành phần phản động Nhân văn Giai phẩm”!
Tốt nghiệp song phải làm gì? Giáo sư Natanson thúc đẩy anh phải nộp đơn và hoàn tất thủ tục xin dự thi, nhân kỷ niệm Chopin hàng năm tại Ba Lan. Đặng Thái Sơn bèn làm đơn với tòa Đại sứ Việt Nam xin được giới thiệu là một ứng viên Việt Nam đi thi Chopin và xin cấp ít tiền lộ phí vì đường từ Moskva đến Warszawa, thủ đô Ba Lan quá xa, mà anh làm gí có tiền. Đơn của anh bị bác.
Khi ấy Liên Xô cũng chuẩn bị cử một số nhạc sĩ đi Warszawa. Họ tổ chức một kỳ thi tuyển lựa cả trăm người để tìm ra mươi người đại diện cho Liên Xô. Những người này sẽ được chính phủ Liên Xô giúp đỡ. Đặng Thái Sơn cũng thi “ké” vào đó. Anh được chấm điểm cao nhất, nhưng anh không ở trong danh sách đại diện Liên Xô để đi thi được. Anh phải dự thi với tư cách tự do, vô tổ quốc và không được chính quyền Liên Xô giúp đỡ.
Không những thế ban tổ chức kỳ thi ở Ba Lan còn toan bác đơn xin dự thi của Đặng Thái Sơn vì đơn dự thi của anh không một lời giới thiệu, chẳng biết anh là ai, nhưng rồi họ cũng thông qua, vì Sơn là người Việt Nam đầu tiên xin dự thi từ trước đến giờ. Vả lại anh có sau lưng cả một học viện âm nhạc làm chứng cho khả năng của mình, khả năng hạng tối ưu khi ra trường.
Giáo sư Natanson thấy vậy lại phải ra tay giúp đỡ vì ông biết người trò cưng đầy tiềm năng của ông rất có hy vọng thắng giải. Ông phải bỏ tiền ra cho Đặng Thái Sơn mua vé xe lửa đi Warszawa, thuê nhà trọ, thuê cả dàn nhạc đệm cho anh đánh đàn – Một số tiền không nhỏ.
Không có tiền mua vé máy bay, và chỉ đủ tiền mua vé xe lửa hạng nhì, Sơn không có người thân nào ra tiễn tại sân ga Moskva, cũng chẳng có người bạn nào đến đón khi tới Warszawa. Hành lý của anh thì thật nhẹ, vài bộ quần áo tạm lành lặn. Anh không có cả một bộ đuôi tôm để lúc hữu sự dùng đến… Buồn quá, Sơn đã phải dốc bầu tâm sự với ông bố Đặng Đình Hưng.
Trong thư gửi cho cha mình, Đặng Thái Sơn viết:
“Con bị ốm nặng bố ạ, có lẽ vì hành trình đi Vác-sa-va quá dài mà con đi bằng xe lửa. Sứ quán bác đơn xin tiền lộ phí của con để đi thi, họ cũng khước từ bảo hộ cho danh xưng của con trong cuộc thi. Nhưng con quyết định liều và giáo sư Na-tan-xon một lần nữa lại giúp con, ông ấy cho con tiền đi đường, tiền thuê dàn nhạc đệm và tiền trọ…
Trong cơn sốt 39.5 độ, con đã chảy nước mắt ròng: Các nước tham dự cuộc thi đều được chào cờ và cử quốc ca của mình mà Việt Nam thì không có – con tham dự với tư cách thí sinh tự do… Nhưng cũng nhờ sự cay đắng đó mà con gặp được Chopin – Những nỗi đau giao thoa với nhau đã bật lên tiếng đàn của hồn ông…”
Và hình như thế, Sơn đã được Chopin chọn, anh qua được vòng loại một cách dễ dàng, loại hầu hết 149 đối thủ thuộc 37 quốc gia trên toàn thế giới, rồi tiến lên vào vòng chung kết. Để vào vòng chung kết, Sơn bị kẹt một điều là thí sinh phải mặc áo đuôi tôm. Anh có hai ngày chuẩn bị cho buổi chung kết nhưng làm sao có áo đuôi tôm bây giờ? Người gỡ rối cho anh lại là giáo sư Natanson.
Ông thầy phải lôi anh đến một cái tiệm, sắm cho anh một bộ, nhưng tìm cả nửa ngày không có chiếc nào vừa với thân thể nhỏ thó của anh. Thế là đành may một chiếc, lấy trong vòng 24 giờ. Anh bước vào phòng thi với cái áo còn chưa được nhặt sạch chỉ.
Kết quả anh đã thắng giải đầu là giải quan trọng nhất; anh còn đoạt thêm 11 giải phụ nữa, trong đó có một giải của hãng truyền hình NHK Nhật Bản, chính hãng NHK sau này mở cho anh con đường ra khỏi nước!
Tin Đặng Thái Sơn đoạt giải Chopin ở Warszawa đã như một làn sóng chấn động giới âm nhạc cổ điển thế giới. Khi tin này về tới Việt Nam thì báo Nhân Dân của nhà nước Việt Nam – những người từng không muốn anh ra khỏi nước, không muốn anh học dương cầm tại Liên Xô, lại còn tìm cách cản trở anh đi Warszawa tham dự kỳ thi Chopin – đã đăng tin này lên trang nhất trong ba ngày liền, với những lời ca tụng quá lố đến nỗi cả tháng sau, khi về nước thăm ông cụ thân sinh, anh ngượng khi đọc…
Cuộc sống sau “Nhân văn Giai phẩm”, nhà thơ Đặng Đình Hưng bị ung thư phổi. Khi Đặng Thái Sơn tham dự cuộc thi âm nhạc năm 1980 tại Ba Lan, Đặng Đình Hưng đang phải sống ở gầm cầu thang nhà ông bạn, không nhà không cửa, chỉ nằm chờ chết.
Đặng Thái Sơn về nước kịp thời. Cha anh bị bệnh đã khá lâu và không được điều trị đúng mức. Cha anh cần phải mổ ngay, một cái bướu trong phổi. Anh về nhà hôm trước, vài ngày sau cha anh nhập viện, một bệnh viện dành cho các cán bộ cấp cao cỡ thứ trưởng trở lên. Cha anh được bác sĩ Tôn Thất Tùng, người bác sĩ số một của y khoa Hà Nội khám bệnh và được giải phẫu bởi một bác sĩ lừng danh về phẫu thuật. Nhờ vậy mà anh cứu ông cụ sống thêm được mười năm nữa.
Năm tháng qua đi, dù cả cuộc đời “sau Chopin” Đặng Thái Sơn chỉ ở Nhật và du diễn khắp thế giới rồi định cư ở Canada, nhưng anh vẫn được nhà nước “lôi” về gắn lên ve áo danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân – cho dù phần lớn nhân dân chẳng biết anh là ai, và cũng chẳng bao giờ nghe – hiểu nổi thứ âm nhạc mà anh đánh ra!..
Có lẽ chính người nhạc sĩ cũng không để tâm đến danh hiệu này vì ngay sau đó ông cùng với mẹ, bà Thái Thị Liên xin định cư tại Montreal và xin nhập quốc tịch Canada (3).
***
Thiên hạ luận tuần này xin phép không tập hợp – giới thiệu nhận xét của những người Việt sử dụng facebook quanh vấn đề chúng tôi lựa chọn như thông lệ. Trong bối cảnh đảng lại ra rả về thu hút – sử dụng nhân tài, song song với việc tiếp tục lựa chọn – sắp đặt nhân sự lãnh đạo hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương, suy nghĩ của từng độc giả trước những thông tin mà họ tiếp nhận, đối chiếu với thực tế mà họ trải nghiệm mới là điểm đáng chú ý nhất
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/tuan.dao.9828/posts/3776401605715727
(3) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=1220666961615799&id=100010175208353
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét