Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2021

Bàn về “quyền biểu tình” và quyền “cầm cờ đi biểu tình” qua bài viết của ông Nguyễn Quang Duy

 

Bàn về “quyền biểu tình” và quyền “cầm cờ đi biểu tình” qua bài viết của ông Nguyễn Quang Duy

Trương Nhân Tuấn

27-1-2021

Trong bài viết mới đây trên BBC, ông Nguyễn Quang Duy có nói về “quyền biểu tình” và quyền “cầm cờ đi biểu tình”: Dẫn “Trong cuộc biểu tình ngày 6/1/2021 có cờ Mỹ và rất nhiều lá cờ kể cả lá cờ các quốc gia khác, nói lên sự tự do, độc lập, đa sắc tộc và đa nguyên của nước Mỹ”.

Ông cho rằng quyền biểu tình và quyền cầm cờ đi biểu tình là những quyền được Tu chính án thứ nhứt bảo vệ: Dẫn “Người Mỹ lên án hành động phi pháp xông vào Quốc Hội nhưng họ hiểu rõ quyền biểu tình, quyền sử dụng lá cờ là những quyền được Tu chính án thứ nhất bảo vệ”.

Ông Duy cũng nói đến “quyền được phản đối kết quả bầu cử”: Dẫn “Với người Mỹ lá cờ chỉ là biểu tượng của tự do trong khi những quyền tự do chính trị, quyền được phản đối kết quả bầu cử hay quyền sử dụng lá cờ mới chính là những điều cần được tôn trọng và bảo vệ”.

Theo tôi có nhiều điều cần bàn. Thứ nhứt, về quyền cầm cờ đi biểu tình. Ở đây cầm cờ của quốc gia mình biểu tình trên lãnh thổ quốc gia khác. Thứ hai,  “quyền biểu tình” và thứ ba là “quyền được phản đối kết quả bầu cử.

1/ Nói theo ông Duy, việc cầm cờ quốc gia mình đi biểu tình (thực ra là làm “bạo loạn”) là “nói lên sự tự do, độc lập, đa sắc tộc và đa nguyên của nước Mỹ”.

Theo tôi là có sự ngộ nhận lớn lao. Quốc kỳ, “cờ nước”, khai sinh cùng thời kỳ với khái niệm “quốc gia”. Khái niệm hiện đại về “quốc gia”, theo công pháp quốc tế, chỉ mới xuất hiện từ Thế kỷ 19. Quan niệm mới về “quốc gia – dân tộc” khiến lá “quốc kỳ” trở thành biểu tượng của dân tộc và đất nước. Do đó lá quốc kỳ mang tính thiêng liêng, kiểu “hồn thiêng sông núi”.

Trong một số các điều luật về quan hệ quốc tế, việc xâm phạm lá cờ của một nước là điều “cấm kỵ”, có thể trở thành một phiền toái ngoại giao.

Tức là, nếu trong đám người bạo động hôm 6 tháng Giêng tại Điện Capitol, có người cầm cờ Nga, cờ TQ… chắc chắn sẽ có “khủng hoảng ngoại giao” giữa chính quyền Mỹ và các nước liên hệ. Đây không đơn thuần là chuyện thể hiện “tự do, độc lập,  đa nguyên, đa sắc tộc…” mà là chuyện một quốc gia này can dự vào chuyện “gây bạo loạn nhằm lật đổ chính quyền dân cử” của quốc gia khác.

Tôi không biết đã có những ai, phất cờ của quốc gia nào, trong cuộc bạo loạn 6 tháng Giêng. Nếu có, người đó sẽ đối diện với pháp luật. Pháp luật của Mỹ và pháp luật của quốc gia sở hữu lá cờ.

Còn lá cờ vàng ba sọc đỏ? Lá cờ này có trách nhiệm gì? hay ai có trách nhiệm gì trong biến cố 6 tháng Giêng?

Hệ quả pháp lý của việc phất lá cờ này trong cuộc bạo loạn sẽ tùy thuộc vào “tình trạng pháp lý” của lá cờ.

Nói lại một vài điều về lịch sử lá cờ là cần thiết.

Quốc kỳ đầu tiên của “quốc gia” Việt Nam có thể là lá cờ mà phái đoàn Phan Thanh Giản sử dụng khi đi sứ sang Pháp ngày 4-7-1863, dưới triều Tự Đức. Mục đích chuyến đi là để “chuộc lại ba tỉnh Nam Kỳ”.

Tài liệu « L’Ambassade de Phan Thanh Giản en 1863 – d’Après les documents Français » (A. Delvaux – B.A.V.H 1926), “Chuyến đi sứ của Phan Thanh Giản năm 1863, theo các tài liệu Pháp” mô tả khác tỉ mỉ chuyến đi này. Theo đó Quốc kỳ đầu tiên của VN có màu vàng.

Nhưng lá cờ này hình thức như thế nào? Có sọc đỏ hay không?

Không thấy mô tả trong tài liệu dẫn trên. Nhưng theo một số tài liệu triều Nguyễn, “cờ hiệu” của nhà Nguyễn, từ 1802 đến 1885 là cờ “Long Tinh”. (Cờ đỏ sọc vàng, cờ  vàng có một sọc đỏ ở giữa).

Cũng theo tài liệu triều Nguyễn, đến năm 1885 cờ Long Tinh bị Pháp cấm sử dụng vì nó là biểu tượng “chống Pháp”.

Vua Hàm Nghi khi xuất kinh khỏi Huế liền ra chiếu “cần vương”. Sĩ phu khắp nơi nổi lên ủng hộ. Lá cờ Long Tinh trở thành biểu tượng của phe “Cần vương”, có mục đích chống Pháp.

Từ năm 1885 đến 1889, lá cờ “Đại Nam” ra đời. Cờ này cũng có nền màu vàng, hình chữ nhật, có viết đỏ hai chữ nho Đại Nam (viết ngược).

Đến năm 1889, Thành Thái lên ngôi, thay “Đại Nam Kỳ” bằng lá cờ vàng ba sọc đỏ với ý nghĩa ba sọc đỏ là “ba kỳ” (Bắc kỳ, Trung kỳ và Nam kỳ). Lá cờ này còn gọi là “phụng kỳ”, tức cờ có hình dáng như con chim phượng hoàng.

(Cờ đỏ sao vàng hiện nay được các nhà cách mạng ngày trước gọi là “qui kỳ”, vì hình dáng ngôi sao năm cánh có hình con rùa).

Lá cờ phượng, “phụng kỳ”, tồn tại đến năm 1920 thì chấm dứt.

Vua Khải Định lên ngôi, đổi lại cờ, đặt tên là Long Tinh như ngày trước, nhưng với nền vàng và một sọc đỏ ở giữa.

Người ta thấy lá cờ này được treo trên các kiến trúc của VN trong các cuộc đấu xảo ở Paris 1902 nay Marseille 1911. Cờ này tồn tạo cho đến tháng Ba năm 1945, khi Nhật đảo chánh Pháp.

Sau đó cờ Ly, cờ nền vàng với quẻ ly 3 sọc đỏ, sọc giữa đứt đoạn, được Bảo Đại lựa chọn. Cờ này chỉ tồn tại có 5 tháng, từ tháng Ba đến tháng Tám năm 1945.

Sau đó, lá cờ vàng ba sọc đỏ (phụng kỳ), được “Quốc Gia Việt Nam” sử dụng trở lại, như để “kế thừa” giang sơn triều Nguyễn.

Cờ Phụng tồn tại từ 1899 thời Thành Thái, chấm dứt năm 1920. Sau đó tái sử dụng từ năm 1949 cho đến năm 1975, qua hai chính phủ là “Quốc Gia Việt Nam” (1949-1955) và “Việt Nam Cộng Hòa” (1955-1975).

Câu hỏi đặt ra ai, tổ chức nào, chính phủ nào “kế thừa”, tức “pháp nhân” nào có thẩm quyền, về việc sử dụng lá cờ vàng ba sọc đỏ sau khi VNCH sụp đổ 30 tháng Tư 1975 ?

Trước quốc tế, sau 1975, CHXHCNVN sử dụng nguyên tắc “tabula rasa – clean slate”, phủi sạch mọi liên hệ với VNCH. Trên BBC có bài viết về sự kiện “12 năm tù vì treo cờ VNCH”. Cho đến năm 2018, mọi hành vi liên quan đến lá cờ vàng đều có thể bị quy tội hình sự. Tức lá cờ vàng biểu tượng cho sự “thù nghịch” giữa chế độ CHXHCNVN hôm nay đối với lịch sử VN.

Đối với các quốc gia có liên quan mật thiết với VNCH như Mỹ và Pháp. Sau nhiều năm CHXHCNVN im lặng về việc “kế thừa” các kết ước mà các quốc gia nói trên đã ký kết với VNCH. Mỹ và Pháp áp dụng Điều 16 của  Công ước Vienne 1978 về việc kế thừa các kết ước. Mỹ cho rằng cho rằng VNCH “quốc gia và chính phủ”, đã “sụp đổ và biến mất trên trường quốc tế” (trang 107).

Thực thể VNCH “tan biến” vì không có kế thừa và Mỹ sẽ không nhìn nhận bất kỳ một quốc gia nào sau này ở miền Nam VN. (Mỹ cho rằng CPLTCHMNVN không thừa kế VNCH và Mỹ sẽ không nhìn nhận thực thể này). Còn Pháp thì cho rằng do CHXHCNVN không tuyên bố gì về việc kế thừa VNVH, các kết ước hiện hữu trước đây giữa VNCH với Pháp trở thành “caduc – vô hiệu lực” (sách dẫn trên, trang 107).

Lá “quốc kỳ” nền vàng ba sọc đỏ của VNCH sau 1975, đối với quốc tế, người ta xem như là một kỹ niệm, không có bất cứ giá trị pháp lý nào. Tư cách pháp nhân của dân tị nạn sau 1975 đều là người “vô tổ quốc”.

Tức lá cờ vàng là lá cờ “mồ côi”, không ai kế thừa, không ai nhìn nhận. Người ta chỉ còn “tình cảm” đối với lá cờ này mà tình cảm này đổi thay theo cách mà những người VN sử dụng lá cờ.

Trong cuộc bạo loạn lá cờ vàng được xếp ngang hàng với cờ của các nhóm kỳ thị chủng tộc, “da trắng ưu việt”…

Ngàn lời biện hộ của ông Duy cũng trở thành vô nghĩa.

Nhưng đối với đại đa số dân VN tị nạn cộng sản, lá cờ vàng là một “biểu tượng”, với nhiều ý nghĩa chính trị mà các cách giải thích có thể khác nhau.

Một điều cần minh bạch, trước pháp luật của các quốc gia mà dân VN hiện là công dân hay dân thường trú, lá cờ vàng không thuộc “độc quyền” của bất kỳ tổ chức, “chính phủ ma” (gouvernement fantôme) hay cá nhân nào. Luật pháp các quốc gia này không cấm việc sử dụng lá cờ vàng vào các mục tiêu chính trị của các đoàn thể, tổ chức của người Việt tị nạn, mặc dầu đã có những vận động từ phía nhà nước cộng sản để cấm lá cờ này (vào mục tiêu chính trị). Luật pháp các quốc gia cũng không có bổn phận phải “bảo vệ” lá cờ vàng ba sọc đỏ. Hành vi sử dụng lá cờ vàng được xếp vào hạng mục “quyền tự do biểu đạt”.

2/ “Nổi dậy, bạo loạn”, như kết luận của Quốc hội Mỹ, hay là cuộc “biểu tình”, theo cách nhìn của ông Duy?

Đọc những biểu ngữ của khối người xâm nhập và phá hoại Điện Capitol: “Fight for Trump – chiến đấu cho tổng thống Trump”. “Stop the Steal”, ngăn chặn hành vi ăn cắp kết quả bầu cử của Quốc hội. “Hang Mike Pence” treo cổ Mike Pence vì ông này “phản bội”  tổng thống Trump…

Ta không thể không nhắc đến hành vi của những người Việt quấn cờ vàng trên người, hay phất cờ vàng chung quanh cái giá gỗ  “treo cổ” các hình nộm Hillary Clinton, Joe Biden v.v…

Ông Nguyễn Quang Duy cho rằng, việc sử dụng lá cờ, cũng như cuộc “biểu tình” là “quyền tự do” và quyền này được tu chính án thứ nhứt bảo vệ.

Chuyện lá cờ đã nói. Chuyện biểu tình, theo tôi ông Duy đã “lầm lẫn” ngôn từ.

Hạ viện Mỹ vừa đúc kết bản cáo trạng buộc TT Trump tội “kích động nổi dậy”. Thượng viện đã thông qua bản cáo trạng cho rằng thủ tục luận tội tổng thống là hợp hiến, bác bỏ luận cứ, cho rằng ông Trump không còn là tổng thống, quá trình “luận tội tổng thống” vì vậy là “vi hiến”.

Quyết định của thượng viện là điều hiển nhiên. Ông Trump đã “kích động nổi dậy” vào ngày 6 tháng Giêng, trong vai trò tổng thống Mỹ. Vì vậy, theo nguyên tắc luật, Trump phải bị xét xử tội danh “kích động” trên danh nghĩa tổng thống Mỹ, ngay khi lúc xét xử Trump không còn là tổng thống mà chỉ là một công dân Mỹ bình thường.

Ta sẽ biết Trump có bị Thượng viện biểu quyết là “có tội” hay “không có tội” trong vai trò “kích động” vào ngày 9 tháng Hai sắp tới. Điều đáng tiếc một tội “hình sự”, lý ra phải được phân xử trước một Tòa án liên bang, hay Tối Cao pháp viện, lại được phân xử trong một môi trường “chính trị” đượm chất phe đảng tại Quốc hội.

Trở lại ý kiến của ông Duy, biến cố “Capitol 6 tháng Giêng” là cuộc “biểu tình”, như ý kiến ông Duy, hay là một “cuộc bạo loạn, nổi dậy”, như kết luận của Quốc hội Mỹ?

Rõ ràng đây là một cuộc “bạo loạn”, có mục đích cướp chính quyền rõ rệt qua các “biểu ngữ” đầy bạo lực. Ông Duy không thể nhặp nhằng đổi thành “cuộc biểu tình”, nếu ta hiểu rõ ý nghĩa “biểu tình là gì” và quyền này được luật pháp bảo vệ ra sao.

Biểu tình là một “quyền” cơ bản của người dân được pháp luật bảo vệ. Như tất các các “quyền” khác của công dân, “quyền” luôn đi kèm ở “trách nhiệm”. “Quyền” của cá nhân không phải là “vô hạn”, muốn làm gì thì làm. “Quyền” của một người chấm dứt ở nơi bắt đầu “quyền” của người khác.

Người ta tụ tập biểu tình luôn nhằm “yêu sách”, “phản đối”, “ủng hộ”, “bảo vệ”… một chính sách, một lợi ích, một “quyền”, hay một vấn đề gì đó mà họ “có lợi”, hay thấy là “bất công” hay “gây hại” cho bản thân họ.

Trong khi một cuộc “nổi dậy” ở Điện Capitol ngày 6 tháng Giêng người tham gia sử dụng vũ lực, với những “slogan” đầy bản chất “máu me” và chính trị như đã ghi trên. “Stop the Steal” – “Fight for Trump” – “Hang Mike Pence”… hay những biểu tượng mang tính “cách mạng bạo lực” như “giá treo cổ” v.v… với mục đích là xóa bỏ kết quả bầu cử để ông Trump ngồi thêm nhiệm kỳ 4 năm nữa.

Lá cờ vàng tại Điện Capitol ngày 6/1/2021. Ảnh trên mạng

Quốc hội Mỹ đã đồng thuận gọi “biến cố 6 tháng Giêng” là cuộc “nổi dậy” và buộc Trump vào tội “kích động” cuộc nổi dậy này.

Ta thấy trước đây, thời Trump làm tổng thống, phong trào BLM thường xuyên biểu tình. Họ đập phá các công sở, một số người “thừa nước đục thả câu” chôm đồ ở các cửa hàng.

Thời ông Trump và phe “da trắng ưu việt”, lớp người này chỉ thấy hiện tượng bên ngoài là “đập phá”, chôm chỉa… Trump lên án hành vi những người này là “bạo loạn”. Trong khi yêu sách chính đáng của phong trào BLM là “đòi công lý cho những người da đen bị cảnh sát da trắng giết oan”.

Ông Trump phái lực lượng vệ binh quốc gia đi đàn áp. Hành vi này nếu xét tường tận là vi hiến (vì đây không phải là cuộc bạo loạn). Ông Trump “đại chúng hóa” hành vi của thiểu số để để bác bỏ “yêu sách chính đáng” của những công dân da màu.

Người ta đặt vấn đề là tại sao Trump đã không đưa vệ binh quốc gia đi bảo vệ Điện Capitol? Như trong vụ biểu tình của BLM?

Còn về “quyền biểu tình”. Ta thấy giới bảo vệ môi trường năm nào cũng biểu tình trước các định chế quốc tế thuộc LHQ để yêu sách các quốc gia bớt xả khí thải làm hâm nóng địa cầu hay yêu sách các quốc gia không sử dụng các loại bao ny lông vì sự nguy hại các thứ ày lên động vật…  Công nhân biểu tình đòi tăng lương, đòi giới chủ nhân tôn trọng. Giới LGBT trước đây biểu tình thường xuyên, yêu sách của họ là “bình đẳng” về “quyền” công dân. Giới phụ nữ cũng biểu tình đòi “quyền” quyết định “chấm dứt quá trình thụ thai”…

Biểu tình là một quyền thộc phạm vi dân sự, được pháp luật bảo vệ. Còn bạo loạn, nổi dậy, kiểu biến cố Capitol 6 tháng Giêng, sử dụng bạo lực nhằm mục tiêu lật đổ chế độ hợp hiến, là tội phạm hình sự.

3/ Người ta có “một thời để yêu và một thời để chết”. Vậy thì “quyền phản đối kết quả bầu cử” của ông Nguyễn Quang Duy trong bài viết trên BBC còn kéo dài tới bao lâu?

Ông Duy cho rằng “quyền” này được hiến pháp bảo vệ. Nói kiểu ông Duy thì thế giới này sẽ tràn ngập Chí Phèo. “Trận banh” đã chấm dứt, trọng tài đã thổi còi, không có “luật chơi” nào cho phép “xù” kết quả của một trận đấu “đẹp”, không gian lận.

Tương tự, kết quả bầu cử đã được chuẩn thuận theo thủ tục qui định của hiến pháp. Luật pháp có thể ban cho ông Trump một số cơ hội để khiếu nại. Ông Trump đã qua 60 lần khiếu nại, kiện tụng, không có vụ nào phe ông Trump trưng ra được bằng chứng. Cơ hội khiếu nại của ông Trump đã hết.

Ngay cả khi cho rằng “quyền phản đối kết quả bầu cử” được hiến pháp bảo vệ. Không có hiến pháp nào bảo vệ một “quyền” đã “tàn”. Ông Trump không thể tiếp tục phản đối mà quyền luôn đi đôi với bổn phận. Ông Trump đã sử dụng tận cùng “quyền” của ông. Còn lại bổn phận. Ông Trump phải lên tiếng chính thức nhìn nhận Biden là tổng thống nước Mỹ.

Một thí dụ để “minh họa” về “quyền” và “bổn phận”.

Ông Duy vô sòng bạc (của ông Trump ở Las Vegas) đánh bài xì dách. Ông Duy đánh thua rồi đổ thừa nhà cái xốc bài “gian lận”. Luật sòng bài có thể cho phép ông Duy khiếu nại.

Video trình ra. Trọng tài quan sát mọi động thái của người chia bài. Nếu không thấy bằng chứng gian lận thì ông Duy có “bổn phận” phải chung tiền cho nhà cái.

Trường hợp này “game over”. Ông Duy không thể vịn vào “quyền hiến định” để kiện cáo đi đâu hết cả.

Quyền của ông Duy đã “mất” rồi, “hết” rồi.

Thái độ của ông Trump tiếp tục phản đối kết quả bầu cử, việc này được ông Duy biện hộ. Rõ ràng thái độ này không khác thói rạch mặt kiểu Chí Phèo ra ngoài ngồi ăn vạ, đòi chủ sòng bài trả lại tiền đã thua.

Trở lại vụ bầu cử. Trên 60 vụ kiện về gian lận bầu cử ông Trump đều thua. Phe ông Trump không đưa ra được bất kỳ một bằng chứng gian lận nào cả. Mặc dầu từ “trọng tài” cho tới người chia bài, tất cả đều là người của ông Trump đưa vô, hoặc là người của đảng Cộng hòa. Chỉ cần một trong hàng ngàn người này “đưa bằng chứng giả”, thì vụ bầu cử năm ngoái ông Trump đã thắng.

Ngay cả Tối cao pháp viện đa số cũng là người “thân” ông Trump. Thẩm quyền của TCPV rất là “bao la”. TCPV có thể phán một điều “hợp hiến” ngay cả khi kẻ mù cũng thấy rằng nó “vi hiến”. Tức là TCPV muốn xử cách nào cũng được. Nhưng TCPV vẫn bắc đơn kiện của phe Trump từ “vòng gởi xe”.

Đâu phải khi Trump hô “Biden gian lận” thì mọi người tin rằng Biden gian lận đâu?

Ông Trump không phải là ông Hồ và tòa án các cấp ở Mỹ không phải là tòa án nhăn răng ở VN.

Rõ ràng ông Trump là một tay chơi “không đẹp”, kiểu “ăn vùa thua giựt”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét