Chủ nghĩa đa nguyên và nền dân chủ
1-1-2021
Đa nguyên về bản chất, nó dựa trên nguyên tắc “tất cả đều hòa thuận”. Nguyên tắc này được nêu ra từ rất xa xưa bởi các nhà triết học Hy Lạp cổ đại. Họ cho rằng chủ nghĩa đa nguyên là một yếu tố thiết yếu của nền dân chủ, nó cho phép và thậm chí khuyến khích sự đa dạng của chính kiến.
Để phát triển được chủ nghĩa đa nguyên thì mỗi người có phẩm chất “biết chấp nhận sự khác biệt”. Tuy nhiên để có con người biết chấp nhận sự khác biệt thì giáo dục thời cổ đại không thực hiện nổi. Chính vì vậy mà dù chủ nghĩa đa nguyên đã có từ lâu nhưng đợi đến thế 17 nó mới bắt đầu nảy nở và từ đó các nền dân chủ mới hình thành và phát triển.
Để đi đến bản hiến pháp tạo dựng nên nền dân chủ cho Hoa Kỳ, thì tháng 10 năm 1787, ba người thuộc đảng Liên Bang gồm Alexander Hamilton, James Madison và John Jay viết loạt sách có tựa The Federalist Paper, mỗi cuốn là một bài tiểu luận có giá trị. Nó là những bài phản biện sắc sảo để chuẩn bị viết nên bản Hiến pháp nổi tiếng. Trong đó có nhiều bài James Madison đã phản biện lại lỗ hổng mà Montesquieue đã viết trong cuốn Tinh Thần Pháp Luật nổi tiếng. Có tất cả 85 bài luận.
Trong bài luận The Federalist Paper số 10, James Madison đã cho rằng, nếu không có chủ nghĩa đa nguyên thì chính chủ nghĩa bè phái sẽ đưa đất nước đến các cuộc giao tranh chính trị cố hữu của nó và nó sẽ làm tan rã nền cộng hòa mới của Mỹ. Madison lập luận rằng, chỉ khi cho phép nhiều phe phái cạnh tranh bình đẳng để tham gia vào chính phủ thì nước Mỹ sẽ tránh kết quả thảm khốc này.
Nghĩa là những đảng mạnh phải chấp nhận luật chơi công bằng, không dùng thế để loại bỏ đảng yếu hơn. Chính James Madison đã dựa vào chủ nghĩa đa nguyên xây dựng nên một nhà nước dân chủ và qua 245 năm, nó đã quá vững chắc.
Chính dựa trên nền tảng chủ nghĩa đa nguyên mà nền giáo dục nước này tạo ra cho nước Mỹ một nền tảng dân chủ vững chắc vì người dân Mỹ biết chấp nhận khác biệt. Chủ nghĩa đa nguyên giúp con người giảm căng thẳng với nhau, giúp con người chấp nhận sự thật rất dễ dàng.
Một tổng thống hôm hay làm đúng, ngày mai ông ta lại trở thành kẻ phá hoại nền dân chủ thì với con người theo chủ nghĩa đa nguyên, họ sẽ dễ dàng vứt bỏ việc mến mộ và chuyển sang chỉ trích. Đó là lý do tại sao người dân Mỹ dồn phiếu cho Joe Biden trong cuộc bầu cử vừa qua.
Nền dân chủ nước Mỹ được các vị khai quốc đặt nền tảng trước đây 2,5 thế kỷ giờ nó đã mọc rễ rất sâu trong lối sống người Mỹ rồi, phá không nổi dù cho người đó là tổng thống đầy quyền uy.
Chủ nghĩa CS nảy nở trên đất nước này qua 75 năm, tạo ra tác hại ghê gớm. Bộ máy nhà nước CS không chấp nhận sự tồn tại của các đảng phái khác, không chấp nhận sự chỉ trích từ phía người dân đã đành, nó còn dựng nên một nền giáo dục thối tha, mà nó gọi là “giáo dục XHCN”. Nền giáo dục này nặn ra con người phục tùng thiếu tư duy độc lập.
Nếu nói ở Mỹ chủ nghĩa đa nguyên tồn tại trong bộ máy nhà nước lẫn trong tâm thức người dân, thì tại Việt Nam, ngược lại nó chẳng tồn tại được ở chỗ nào cả. Nền tảng cho dân chủ Việt Nam vẫn là con số zero. Đó là lý do tại sao người Việt Nam dễ sùng bái lãnh tụ và dễ bị dắt mũi bởi những loại tin giả.
Có thể nói với nước Mỹ thì không ai đá đổ nổi nền dân chủ, còn với Việt Nam thì ngược lại, rất khó có thể gầy dựng nên một nền dân chủ được. Chỉ khi nào con người Việt Nam biết chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên, thì khi ấy dân chủ mới nảy nở và lớn mạnh được.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét