Bóng xưa dáng cũ tái hiện lại ở Việt Nam
Đông Sa
3-1-2021
Giai thoại văn chương thời Lê mạt có lưu truyền hai câu: “Quý phi bỏm bẻm nhai trầu đỏ/ Tiến sĩ xum xoe bợ phóng đồng…”
Nhiều người cho rằng, đây là hai câu thực trong một bài thất ngôn bát cú của một tác giả nào đó làm sau năm 1770 ít năm. Tôi cũng có chút “truy, lục” để có được toàn bài thơ nhưng chịu. Thôi cũng đành. Chữ nghĩa cổ nhân cao kiến thì chỉ 2 câu thôi cũng đủ thấy rõ một mảng xã hội của cả một thời.
Đến thời cụ Tam nguyên Yên Đỗ, cụ Tú Vị Xuyên đã chẳng còn truyền mãi “Sĩ khí rụt rè gà phải cáo/ Văn chương liều lĩnh đấm ăn xôi…” đó sao!
Trở lại hai câu đầu, “quí phi” ở đây là Tuyên phi Đặng-thị-Huệ. Bà Chúa Chè (ngồi trên sập, hay bên cạnh ngai chúa) đang nhẩn nha nhai trầu cách đầy quyền uy và vênh vang thế lực. “Tiến sĩ” thì dẫu cho có đầy đủ bài thơ phần chắc là cũng chẳng rõ cụ thể là cụ Ất cụ Giáp nào, tiến sĩ khoa gì năm nao, nên có thể hiểu đó là hình ảnh đại thể của sĩ phu khoa bảng Đàng Ngoài đang lăng xăng khúm núm… bưng bô.
Bởi “phóng đồng” (phương ngữ Miền Trung là “cái ống nhổ”, theo tôi là đúng hơn) là một vật hứng chứa những thứ không chịu được trong miệng nữa, như nôn ẹo, đờm dãi, nước cổ trầu v.v… Trước thời có các kiểu “bô” nhựa như nay thì ở Việt dùng các loại “ống nhổ” bằng sành (bình dân), đồng pha (khá giả) và giới giàu sang quyền quí thì dùng ống nhổ bằng đồng thau sáng choang, cứ như … vàng.
Quý vị cỡ năm bó rưỡi trở xuống chắc là khó thấy tận mắt một cái “phóng đồng” và hồi năm 1972 thì cũng chưa đọc báo; hôm nào khùng khình rỗi hơi thẩn thơ thư viện (dĩ nhiên cũng có loại thư viện) sẽ tìm thấy một cặp phóng đồng “đỉnh cao” đã theo báo chí mà bay đi khắp năm châu thế giới.
Có lẽ đây là cặp ống nhổ “vẻ vang” nhất của giống loài ống nhổ. Đó là cặp ống nhổ đặt dưới chân “ngai” của hai ngài Richard Nixon và Mao-Trạch –Đông trong cuộc hội kiến lịch sử tháng 2 năm 1972 tai thủ đô Bắc –kinh. (À, sau này, trong mấy phim Cách Cách hình như còn có cả các xen vương tử vương ông gì đấy ngồi phóng uế trong phóng đồng xong rồi a-hoàn lại bịt mũi bưng đi).
“Bợ phóng đồng” của “tiến sĩ” về hành vi cụ thể và ý nghĩa bản chất chẳng khác a-hoàn kia là mấy. Chỉ khác ở danh phận, a-hoàn là con hầu, tiến sĩ là dân khoa bảng. Xin khoan đập em đã chư vị. Em chỉ nhắc chữ của người xưa, chả dám hỗn hào gì với giới khoa bảng và ngay cả với 13 ngàn giáo sư, phó giáo sư và 24 ngàn tiến sĩ ở Việt Nam ngày nay, em cũng xin kính lắm đấy ạ!
Điếu đóm-Bưng bô (bợ phóng đồng) là hèn hạ, quỵ lụy quyền lực để mưu cầu danh lợi bất minh và bất chánh. (Không ai gọi trò mồi thuốc cho thầy, con đỡ bô cho cha mẹ đau yếu phóng uế là bưng bô điếu đóm).
Tiến sĩ xum xoe bợ phóng đồng tả thực, cho ta thấy một thực trạng xã hội mà ở đó, giới trí thức khoa bảng chả có phát kiến, sáng tạo gì làm phát triển, tiến bộ cho dân sinh, cho xã tắc, mà chỉ hèn hạ, quỵ lụy quyền uy để cầu cho vinh thân phì gia.
Và lịch sử đã chứng minh đó là xã hội bế tắc và rệu rã. Nó dứt khoát sẽ bị đào thải.
Không lâu sau, Tĩnh đô vương Trịnh Sâm (lên ngôi chúa năm 1767, cai trị đến khi mất năm 1782) toàn quyền đến độ bắt cả thái tử Lê Duy Vĩ bỏ chết trong ngục mà vua Lê Hiển Tông chỉ biết… trơ mắt nhìn, tham vọng đến mức năm 1777 đã từng sai sứ sang nhà Thanh cầu phế Lê, phong Trịnh lên ngôi vua…
Năm 1789, cơn vũ bão Tây Sơn của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đã thổi bay cái xã hội tù đọng, bế tắc, rệu rã Lê-Trịnh này vào sọt rác lịch sử.
____
Ghi chú: Các sử liệu không ghi chú cụ thể nhưng có đủ trong “Hoàng Lê Nhất Thông Chí” và “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục”. Nhất Thông Chỉ thì trọn bộ. Cương Mục thì các quyển chính biên chép về Đàng Ngoài, nhất là từ quyển 41 về sau.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét