Vụ án cô giáo Lê Thị Dung – chuyện vốn chẳng có gì
9-3-2023
1. Một trong những cơ sở quan trọng nhất để tòa án Hưng Nguyên buộc tội cô giáo Lê Thị Dung “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” là cô đã không gửi Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan cho sở Giáo dục – Đào tạo phê duyệt. Cô Lê Thị Dung phủ nhận cáo buộc này vì cho rằng không cần phải gửi cho sở GD-ĐT.
Vậy ai đúng?
Thông tư liên tịch 39/2015/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BNV quy định như sau:
“Điều 7. Phân cấp quản lý
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện TRỰC TIẾP quản lý, chỉ đạo Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên.
2. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Giáo dục và Đào tạo chịu trách nhiệm quản lý và hướng dẫn về CHUYÊN MÔN đối với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên theo thẩm quyền.”
Vậy, rõ ràng, cơ quan quản lý trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên là Ủy ban nhân dân cấp huyện (còn sở GD-ĐT cùng sở LĐ-TB-XH chỉ quản lý về chuyên môn). Vì vậy, việc cô Lê Thị Dung chỉ gửi Quy chế chi tiêu nội bộ cho Kho bạc và phòng Tài chính huyện mà không gửi cho hai cơ quan nói trên là đúng pháp luật. Cũng có nghĩa là không thể buộc tội cô Lê Thị Dung là “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” được.
Thật kỳ khôi! Để bảo vệ quan điểm buộc tội của mình, tòa án Hưng Nguyên lập luận rằng, vì trong các năm mà bị cáo [Lê Thị Dung] đạt thành tích xuất sắc thì đều được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Nghệ An tặng danh hiệu chiến sỹ thi đua, nên kết luận rằng không gửi Quy chế chi tiêu nội bộ cho sở GD là vi phạm! Không thể nào hiểu nổi lý lẽ này của phiên tòa này. Người ta đạt thành tích về chuyên môn thì dĩ nhiên phải do Sở GD khen thưởng, chứ chẳng lẽ lại do phòng Tài chính và Kho bạc khen thưởng?!
Đến đây, chúng ta có thể kết luận rằng, Quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm GDTX Hưng Nguyên do cô Lê Thị Dung làm giám đốc đã được xây dựng, phê duyệt và ban hành đúng pháp luật. Việc tòa án Hưng Nguyên căn cứ vào việc cô Lê Thị Dung không gửi Quy chế này cho sở GD-ĐT phê duyệt là “LỢI DỤNG chức vụ quyền hạn” trở thành một căn cứ sai. Tức, không còn cái nghĩa “lợi dụng” nữa nhưng vấn ấn định là “lợi dụng”. Lúc này, nếu làm trái (chi và giám sát chi tiền) thì phải là Kho bạc và phòng Tài chính, chứ không phải cô Dung.
Thêm nữa, dù sao thì các Thông tư 28 và Công văn 6120 của bộ Giáo dục vốn không phải là văn bản quy phạm pháp luật về tài chính, kế toán, và sở GD cũng không phải là cơ quan quản lý về vấn đề này, nên việc yêu cầu phải gửi Quy chế chi tiêu nội bộ cho sở GD liệu có đúng “địa chỉ”?
2. Bây giờ xin nói thêm về cái được gọi là “Quy chế chi tiêu nội bộ”.
Trung tâm GDTX là một đơn-vị-sự-nghiệp-công-lập-có-thu, tức có những tính chất của một doanh nghiệp. Với nó, tiền gồm 2 nguồn: là ngân sách rót về hàng năm theo định mức (dùng để chi trả lương và các hoạt động “xương sống” của một cơ quan nhà nước) và tiền thu được từ các hoạt động chức năng của nó. Riêng tiền ngân sách thì không cần nói đến nữa, vì chỉ rót về một khoản cố định và không bao giờ có dư thừa để mà “chi tiêu nội bộ” gì nữa; vậy chỉ còn món tiền thứ 2 mới thật sự cần một “quy chế” để phân bổ nó.
Cái quy chế chi tiêu nội bộ này, vì thế, quan trọng và trước hết là một thỏa ước của các thành viên trong nội bộ Trung tâm về việc chia sẻ lợi nhuận (do “làm ăn có lãi”). Đây là lý do trả lời cho câu hỏi vì sao mà Quy chế chi tiêu nội bộ lại cần được cả tập thể cùng nhau xây dựng, thống nhất, thông qua (bằng hội nghị viên chức hàng năm).
Như chúng ta cũng thấy, phần lớn các Trung tâm thường hoạt động bết bát (do tuyển sinh không đủ, không có liên kết đào tạo – dạy nghề, và các hoạt động khác “làm ra tiền”) nên dù vẫn luôn phải có quy chế chi tiêu nội bộ theo quy định, nhưng làm gì có tiền để mà chi tiêu! Qua vụ án này, chúng ta thấy Trung tâm GDTX Hưng Nguyên “làm ăn” hiệu quả cho nên tất cả các thành viên trong TT mới đều được chia sẻ thành quả lao động ấy (chứ không riêng cô Dung). Xin nhớ lại, cô Dung từng bị tố cáo là tuyển sinh vượt chỉ tiêu (một điều mà hầu hết các Trung tâm GDTX đều mơ ước!), và cô bị huyện Hưng nguyên bị kỷ luật (!). Cô khiếu nại, và cả giám đốc sở GD Nghệ An khi đó cũng thừa nhận rằng, TTGDTX mà tuyển sinh vượt chỉ tiêu được là “rất tốt”. Tức là đáng được khen thưởng. Tuy nhiên, án kỷ luật vẫn không bị thu hồi (báo Lao động). Thật kỳ tài!
Về nhận thức, một quy chế chi tiêu nội bộ của một đơn vị sự nghiệp có tính chất của doanh nghiệp như TTGDTX thì trước hết là câu chuyện của nội bộ bao gồm các thành viên của nó. Cho nên, nếu có “chi sai” thì chỉ cần các thành viên ấy đề nghị cân đối lại bằng một cuộc họp/hội nghị cán bộ-viên chức, rồi ra một quy chế mới, chứ không phải là hình sự hóa nó như cách mà huyện Hưng Nguyên đang làm.
Tóm lại, câu chuyện của cô giáo Lê Thị Dung và TTGDTX Hưng Nguyên chỉ là một vấn đề hành chính hết sức thông thường và hoàn toàn có thể giải quyết được bằng một cuộc họp nội bộ, nhưng lại bị cố ý đẩy lên thành một vụ án hình sự với mức án 5 năm tù chỉ vì “chi sai” 45 triệu đồng với một cơ sở buộc tội “lợi dụng” vốn đã mất giá trị, thì thật không thể tưởng tượng nổi, nếu không vin đến những lý do nào đó còn lẩn khuất trong bóng tối.
Cá nhân tôi cho rằng, cô giáo Lê Thị Dung cần được “thay đổi biện pháp ngăn chặn” (thả tự do), để đợi một phiên phúc thẩm tuyên vô tội. Đó mới là bản án đúng pháp luật và hợp lòng dân cả nước.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét