Vi hiến: con cái công nhân ngoại tỉnh không được vào lớp 10 công lập tại thủ đô
Trần Cảnh Chân
(VNTB) – Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã vi hiến và vi phạm pháp luật khi không cho học sinh ngoại tỉnh học trường công lập
Trong hướng dẫn tuyển sinh năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, học sinh thi vào lớp 10 trường công lập phải có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, hoặc có bố hay mẹ, người giám hộ thường trú tại Hà Nội. Việc này cũng đã diễn ra từ nhiều năm nay.
Muốn thu hút nhân tài nhưng lại đối xử bất bình đẳng với người nhập cư
Trong buổi đối thoại với lãnh đạo thành phố ngày 18/5, anh Nguyễn Quang Đông, Phó chủ tịch Công đoàn Công ty Yamaha Motor (KCN Nội Bài, Sóc Sơn) cho rằng do nhu cầu phát triển kinh tế nên Hà Nội cần rất nhiều lao động từ các tỉnh, thành khác. Khi người lao động ngoại tỉnh về Hà Nội làm việc và tạm trú tại các quận, huyện, họ lập gia đình rồi con cái được sinh ra và lớn lên tại nơi tạm trú. Các cháu được các trường công lập trên địa bàn tiếp nhận học từ mẫu giáo, tiểu học đến hết THCS.
Tuy nhiên, khi thi vào THPT, con em người lao động không được đăng ký thi và học các trường công lập của thành phố mà chỉ được học dân lập, các trung tâm giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn Hà Nội hoặc phải gửi về quê để học tập. “Chúng tôi thấy đây là một sự phân biệt, đối xử không được công bằng trong các nhóm lao động của thành phố. Vậy, kính đề nghị thành phố xem xét việc này, để người lao động ngoại tỉnh đang tạm trú lâu dài trên địa bàn thành phố yên tâm công tác và tạo sự công bằng cho các con”, anh Đông nêu quan điểm.
Theo hướng dẫn tuyển sinh năm học 2023-2024 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, học sinh thi vào lớp 10 trường công phải thường trú ở Hà Nội, hoặc có bố hay mẹ, người giám hộ thường trú tại Hà Nội. Việc này tương tự các năm trước. Hà Nội hiện có 10 khu công nghiệp, chế xuất và khu công nghệ cao Hòa Lạc với 661 doanh nghiệp hoạt động. Trong khoảng 165.000 lao động làm việc ở đây, 80% là người ngoại tỉnh,
ở nhà trọ.
Quý I/2023, thu nhập bình quân của lao động đạt 7 triệu đồng mỗi tháng. Liên đoàn lao động TP Hà Nội đánh giá mức trên chưa đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt tối thiểu do lạm phát. Ngoài chi phí điện nước, nhà trọ, chi phí sinh hoạt, họ lo nhiều chi phí học hành cho con.
Trả lời ý kiến của người dân, các quan chức có mặt tại buổi đối thoại cho rằng ý kiến này rất hợp lý và tôi sẽ tham mưu lãnh đạo thành phố để có thay đổi trong thời gian tới. Tuy nhiên chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng thòng theo một câu nói quen thuộc là “cần có lộ trình, phương pháp tiếp cận để công bằng và hài hòa, để không đảo ngược chính sách”.
Vi hiến, vi phạm luật Giáo dục
Không chỉ được Hiến định tại điều 39 Hiến pháp năm 2013: “Mọi công dân đều có quyền và nghĩa vụ học tập”. Mà quyền và nghĩa vụ học tập của công dân cũng được quy định rất rõ tại điều 13 Luật Giáo dục 2019:
1. Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân. Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập.
2. Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình.
3. Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập.
Căn cứ những điều trên, ta thấy quyền được học tập của mọi công dân là bình đẳng với nhau không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế. Nhà nước có nghĩa vụ tạo ra cơ hội học tập bình đẳng dành cho tất cả mọi người và cố gắng đưa ra các chính sách phù hợp và ưu tiên để tạo môi trường học tập cho những người yếu thế như người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, hộ nghèo và hộ cận nghèo.
Ngoài ra nhà nước phải xây dựng các chính sách phù hợp để mọi công dân có thể hưởng được quyền giáo dục của mình cũng như có thể phát huy tiềm năng, tài năng, năng lực và rèn luyện bản thân của công dân. Phải làm sao để mỗi công dân trên đất nước đều có quyền được tiếp cận giáo dục và có nghĩa vụ học tập tạo nền tảng vững chắc có đất nước.
Con người mà cụ thể là những mầm non của đất nước chính là nhân tố phát triển, sức mạnh, tiềm lực của cả quốc gia nên vấn đề giáo dục, mài dũa mỗi công dân sẽ mang lại những lợi ích, tiềm lực cho chính quốc gia ấy. Có thể thấy rõ ở các quốc gia có nền giáo dục phát triển bình quân thu nhập đầu người cao hơn những quốc gia có nền giáo dục ít phát triển.
Giáo dục là một phần không thể thiếu trong sự phát triển văn minh xã hội loài người hiện đại. Giáo dục đóng vai trò quan trọng và không thể thay thế được trong việc tạo ra một sự hưng thịnh của một quốc gia và cuộc sống thoải mái, hiện đại của mỗi cá nhân trong đời sống hiện đại. Nền kinh tế tri thức phát triển ngày càng nhanh chóng và đòi hỏi mỗi cá nhân nhân trong xã hội này phải học tập và rèn luyện nhiều hơn để phát triển hoàn thiện bản thân. Nói cách khác giáo dục chính là nhân tố then chốt đóng góp vào sự phát triển bền vững xã hội.
Với việc không cho học sinh ngoại tỉnh học trường công lập, có thể thấy rõ rằng Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã vi hiến và vi phạm pháp luật nhưng chủ tịch thành phố, các cơ quan chức năng lại tiếp tay cho hành động phạm pháp này. Chẳng những vi phạm pháp luật, mà với việc đối xử bất công trong giáo dục, nhà chức trách còn đang khiến cho đất nước đi thụt lùi với văn minh loài người.
T.C.C.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét