Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023

Can tội khóc!

 

Can tội khóc!

Thái Hạo

25-5-2023

Sau hơn một năm tự kêu oan, và mới đây được cả nước cùng kêu cứu vì bản án 5 năm tù, thì cô Lê Thị Dung đã được VKS kháng nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra và xét xử lại theo hướng… “thêm tội danh, tăng thiệt hại”! Theo đó, số tiền thiệt hại sẽ không còn là 45 triệu đồng nữa mà tăng lên thành 278 triệu đồng.

Trở lại với hồ sơ vụ án, trong một khía cạnh thôi, là sự bất nhất của Sở GD-ĐT Nghệ An, ở hai điểm:

1. Về việc phải/không phải gửi Quy chế chi tiêu nội bộ cho Sở Giáo dục. Trong công văn 2485 đề ngày 23/11/2021, trả lời công an huyện Hưng Nguyên để “phối hợp điều tra”, Sở GD-ĐT Nghệ An nói “Trong quá trình quản lý, sở Giáo dục và Đào tạo không nhận được văn bản của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên xin ý kiến về việc ban hành quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý sử dụng tài sản của đơn vị sau khi ban hành, vì thế sở Giáo dục và đào tạo không có các văn bản cho ý kiến đối với quy chế chi tiêu nội bộ, quản lý sử dụng tài sản công của Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên”. Rõ ràng, hàm ý của công văn này là phải gửi Quy chế CTNB cho Sở, nhưng vì Trung tâm không gửi nên Sở không biết và có trách nhiệm!

Tuy nhiên, trước làn sóng dư luận cả nước, “Sáng 16.5, trao đổi với phóng viên, GS.TS Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An cho biết đối với các Trung tâm Giáo dục thường xuyên, các trường THPT, Sở GDĐT không quản lý về tài chính mà chỉ quản lý về mặt chuyên môn, do đó các cơ sở giáo dục nói trên hàng năm không gửi Quy chế chi tiêu nội bộ về Sở. “Huyện quản lý về tài chính nên chịu trách nhiệm phê duyệt quy chế chi tiêu nội bộ của các cơ sở trực thuộc” – Giám đốc Sở GDĐT tỉnh Nghệ An nói.

Vì sao có sự bất nhất này? Và vì sao ngay từ đầu Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An không trả lời rõ ràng và dứt khoát như trên báo Lao Động ngày 16.5?

2. Về thanh tra. Cũng về việc trả lời công an huyện Hưng Nguyên để phối hợp điều tra, Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An có công văn số 1298 đề ngày 29/6/2022, khẳng định: “Từ năm 2012 đến tháng 5 năm 2017 [tức thời gian cô Dung làm giám đốc] Sở Giáo dục và Đào tạo không thanh tra hành chính, và từ tháng 6/2017 đến nay, không thanh tra chuyên ngành đối với Trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên”.

Tuy nhiên, cũng trên báo Lao Động ra ngày hôm nay (25/05/2023) thì lại cung cấp thông tin trái ngược với khẳng định của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An trong công văn nói trên. Báo nêu: “vào ngày 10.12.2015, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An ban hành Quyết định số 1374 về việc thanh tra hành chính Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên. Thời kỳ thanh tra từ năm học 2012-2013 đến thời điểm thanh tra. Thành phần đoàn thanh tra gồm 5 người, do ông Nguyễn Trọng Bé – Chánh Thanh tra Sở làm trưởng đoàn.

Tại biên bản thanh tra tài chính lập ngày 16.12.2015, phần “ưu điểm” ghi rõ: “Trung tâm đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ chi tiết được công khai dân chủ, quy chế phù hợp với các văn bản quy định. Việc xây dựng quy chế khá công phu, thể hiện các mặt hoạt động (tuy còn thiếu chữ ký của Chủ tịch Công đoàn và Trưởng Ban Thanh tra nhân dân cuối phần quy chế)”.

Phần “nhược điểm” không đề cập đến quy chế chi tiêu nội bộ của Trung tâm, cũng như không yêu cầu phải gửi quy chế về Sở GDĐT.

Trong kết luận số 2663 ngày 28.12.2015của Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An về kết quả thanh tra tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên do Giám đốc Nguyễn Thị Kim Chi ký, về phần ưu điểm, nêu: “Đã xây dựng quy chế chi tiêu nội bộ bảo đảm dân chủ, công khai”;

“Công tác quản lý tài chính, tài sản khá đảm bảo, hồ sơ xây dựng khoa học, lưu trữ đầy đủ, việc thực hiện chính sách cho cán bộ, giáo viên, nhân viên và học viên được bảo đảm”.

Một lần nữa lại hỏi, vì sao Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An trong khi “phối hợp với công an huyện Hưng Nguyên”, đã những không cung cấp đúng thông tin, mà ngược lại còn đưa ra những thông tin sai chỉ có bất lợi cho cô giáo Lê Thị Dung?

Còn nhiều, nhiều lắm những câu hỏi như thế về đủ mọi mặt trong vụ án này mà không ai và không bao giờ có thể nghe được câu trả lời thỏa đáng nếu chừng nào nền tư pháp còn chưa độc lập như thế này. Nhưng ít nhất, có lẽ nó giúp giải thích cho cái Kháng nghị của VKS tỉnh Nghệ An theo hướng “thêm tội danh, tăng thiệt hại” đối với cô giáo Lê Thị Dung.

Nhớ cái “văn hóa Việt Nam”: đánh cấm khóc, khóc thì đánh thêm. Can tội khóc!

Mới cách đây 2 ngày, tại Phú Yên – Việt Nam, cũng một giám đốc trung tâm giáo dục thương xuyên, làm thất thoát hơn 890 triệu đồng đã được tòa tuyên… án treo. Trong một vụ án khác, một bị cáo vì có con học giỏi nên được giảm từ ba năm tù xuống thành án treo… Kể làm sao cho xiết. Chưa bao giờ thấy hai chữ “pháp luật” lại trở nên bi và hài như bây giờ.

Nhiều ngày nay không muốn nói năng gì nữa, vì đã mất sạch chút niềm tin cuối cùng. Hôm nay miễn cưỡng ngồi gõ mấy dòng này mà như cực hình tra tấn…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét