Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

“Năng lượng tái tạo” và Tái tạo năng lượng cho đất nước

 

“Năng lượng tái tạo” và Tái tạo năng lượng cho đất nước

Huy Đức

22-5-2023

UBND tỉnh Lâm Đồng vừa có văn bản giao sở Công thương chủ trì việc xử lý ba doanh nghiệp trong khu công nghiệp (KCN) Lộc Sơn vì đã “đầu tư xây dựng nhà xưởng, cho các doanh nghiệp khác bên ngoài thuê đầu tư và khai thác điện mặt trời”. Hướng xử lý mà Ban quản lý KCN đề nghị đang là “rút giấy phép và buộc tháo gỡ hệ thống điện mặt trời” có già trị lên đến hàng ngàn tỷ đồng.

Hệ thống điện trên mái nhà này “đã được thẩm tra kết cấu và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy” và “Số điện sản xuất được, doanh nghiệp đang sử dụng sản xuất gạch và phần dư bán cho Công ty Điện lực Lâm Đồng”; Nhưng, “Chưa được cấp phép xây dựng và điểu chỉnh bổ sung mục tiêu hệ thống điện trên mái cho ngành nghề đầu tư”.

34 dự án năng lượng tái tạo khác ở khu vực miền Trung với tổng mức đầu tư lên tới 85 nghìn tỷ đồng cũng đang phải đắp chiếu vài năm dù cả nước thiếu điện và giá than tăng gấp đôi trong năm 2022.

34 dự án này nằm trong số “114 dự án do Bộ Công thương phê duyệt và 54 dự án riêng lẻ [Bộ] trình phê duyệt trên cơ sở đề nghị của các UBND tỉnh”. Sai phạm của chúng là “không thực hiện đúng quy định về lập quy hoạch và không dựa vào quy hoạch.

Không chỉ phải “đắp chiếu”, lãng phí một nguồn lực rất lớn của xã hội, những “sai phạm” này còn đang đứng trước nguy cơ bị “chuyển sang cơ quan điều tra” dù hậu quả của nó chỉ là “dẫn đến khó khăn trong việc vận hành, có khả năng gây quá tải cục bộ”.

Không tranh cãi về các sai phạm, các nhà quản lý, các nhà lãnh đạo quốc gia thử xem xét, việc đắp chiếu 34 dự án năng lượng tái tạo [85 nghìn tỷ đồng], phá bỏ hệ thống điện mặt trời trên mái nhà của một khu công nghiệp Lộc Sơn [ở Lâm Đồng] chỉ vì chúng được lắp đặt khi chưa hoàn thành thủ tục, dù cái quan trọng nhất là “thẩm tra kết cấu và thẩm duyệt về phòng cháy chữa cháy” đã hoàn thành, có thực sự là cần thiết.

Có quốc gia nào sẵn sàng lãng phí tài sản doanh nghiệp, nguồn vốn của xã hội chỉ vì chúng được đầu tư sai thủ tục hành chánh hoặc chưa hoàn thành các thủ tục hành chính [phần lớn không cần thiết và được ban hành một cách quan liêu].

Ban quản lý KCN Lộc Sơn tư duy trên nền tảng nào để thay vì khen thưởng, khuyến khích các doanh nghiệp [lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà, sản xuất ra một lượng điện vừa đủ để doanh nghiệp sử dụng và phần dư bán cho Công ty Điện lực Lâm Đồng”] lại yêu cầu rút giấy phép và xử lý.

Cho dù chưa hoàn thành thủ tục hành chánh, chính các doanh nghiệp đó đã góp phần làm cho Quy hoạch điện VIII mà Chính phủ vừa phê duyệt trở thành hiện thực [“Phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà”].

Cũng không nên lấy việc “không dựa vào quy hoạch” của các dự án khác, sử dụng “tổng công suất điện mặt trời” đạt gấp 6 lần “mục tiêu Quy hoạch điện VII” để coi đó là sai phạm mà không đặt những con số ấy bên cạnh bài toán năng lượng của Việt Nam trong mấy năm qua [Theo EVN, trong giai đoạn 2019 – 2022, sản lượng điện phát từ nguồn điện gió, mặt trời tăng đã góp phần giảm đáng kể điện chạy dầu giá cao, giúp EVN tiết kiệm khoảng 10.850 – 21.000 tỉ đồng].

Việc bảo vệ 3 dự án điện mặt trời trong KCN Lộc Sơn và việc nhanh chóng đưa 34 dự án năng lượng tái tạo vào vận hành không chỉ là quyết định đúng đắn của một quốc gia đang khó khăn, cần tiết kiệm từng xu; không chỉ là việc cấp bách để tránh tình trạng hàng trăm doanh nghiệp rơi vào phá sản; mà còn cần phải thay đổi cách sử dụng quyền lực công quá nặng nề mà nền kinh tế èo uột của ta đang chịu đựng.

Trước hết, cần thay đổi cách tiếp cận cứng nhắc của việc lập quy hoạch. Đừng tự vẽ vòng giam mình. Đừng giết chết năng lực sáng tạo của toàn xã hội, của nền kinh tế bằng cách buộc tất cả phải tuân thủ những thứ chủ yếu được vẽ ra trong các phòng máy lạnh.

Đầu thập niên 1990s, khi có nhà đầu tư muốn xây dựng “thành phố Nam Sài Gòn”, trong khi, Viện quy hoạch và Kiến trúc sư trưởng TP đã vẽ quy hoạch Sài Gòn phát triển về hướng Đông [cho dù không rõ nguồn lực đến từ đâu]. Một cuộc tranh luận đã diễn ra rất gay gắt và rất lâu trong không chỉ nội bộ lãnh đạo TP HCM. Nhưng, các nhà đầu tư cứ khăng khăng, chỉ đầu tư ở phía Nam.

“Mạnh vì gạo, bạo vì tiền”, 30 năm sau, không có hướng nào của Sài Gòn phát triển chuẩn mực như Phú Mỹ Hưng mà ta đang thấy.

Cũng giữa thập niên 1990s, một lần Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh xuống nhà máy Vissan, áp Tết người đông, xe còi hụ đã không thể mở đường cho ông đi. Tới nơi trễ hàng tiếng đồng hồ, Chủ tịch Nông Đức Mạnh thừa nhận rằng, việc Bộ chính trị phê duyệt dân số TP HCM đến năm 2000 ở mức 5 triệu dân là thiếu thực tế.

Thay vì đưa ra dự báo theo sát mức tăng trưởng dân số của các đô thị [cũng như dự báo sản lượng điện cần có] để đầu tư phát triển hạ tầng đón đầu, chúng ta đã chọn cách làm rất “sa-lông” là ấn định một con số duy ý chí. Cách quy hoạch “cứng” theo kiểu “vẽ cả ngày mai thành bức tranh” không chỉ gây khó khăn cho người dân mà còn trở thành mảnh đất màu mỡ cho tham nhũng.

Cái gì con người vẽ ra thì con người cũng có thể vẽ lại.

Nếu lật lại từng bản quy hoạch tổng thể hoặc chi tiết của Hà Nội hay Sài Gòn, đối chiếu với những khu vực quy hoạch công viên cây xanh về sau bị đổi thành sân golf, thành khu dân cư… sẽ thấy, ai hưởng những khoản chênh lệch địa tô lên đến hàng tỷ đô là cho những thay đổi ấy.

Trừ những khu bảo tồn, những hành lang an toàn, những vùng đất trồng lúa đảm bảo an ninh lương thực… cần khống chế xây dựng. Nhà nước nên đưa ra những nguyên tắc cứng còn việc xây dựng là của các chủ đầu tư.

Các công trình dân dụng [kể cả các công trình điện] thay vì xin cấp phép [nuôi dưỡng tham nhũng], xây dựng cao thấp, đảm bảo PCCC như thế nào do các công ty tư vấn thiết kế chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và nhà nước [họ phải biết chỗ nào được xây mấy tầng, mật độ và các tiêu chuẩn an toàn…]. Các cơ quan quản lý nhà nước và cả các công ty tư vấn sẽ đưa ra các cảnh báo cho các nhà đầu tư [Ví dụ: Không nên làm thêm điện mặt trời vì quy mô năng lượng tái tạo đã vượt mức có thể hòa vào lưới điện…]

Doanh nghiệp thay vì chầu chực từ đầu xin phép chỉ nên bị buộc đến cơ quan nhà nước để… khai thuế khi bắt đầu phát sinh doanh số và thu nhập.

Chưa bao giờ đất nước đang đối diện với những khó khăn như hiện nay. Mỗi tháng, cả nước chỉ có 19 nghìn doanh nghiệp đăng ký mới trong khi có hơn 20 nghìn doanh nghiệp “rút lui khỏi thị trường”. Số doanh nghiệp “chết lâm sàng” trên thực tế còn lớn hơn nhiều.

Quan chức tham nhũng vào tù bao nhiêu cũng không mấy ảnh hưởng tới người dân nhưng một doanh nghiệp phá sản, phía sau đó là số phận của hàng trăm, hàng ngàn con người.

Hôm qua, một đại biểu Quốc hội nói với tôi, “Trong lịch sử của các quốc gia, mỗi khi đất nước gặp khó khăn, các đấng minh quân thường khoan thư sức dân và cầu hiền”. Trong khi chờ một “đấng minh quân”, chỉ mong đất nước có những nhà lãnh đạo hiểu, kinh tế đất nước đang ở bên bờ vực, doanh nghiệp đang ngắc ngoải và người dân lao động đang chạy ăn từng bữa.

Ai sai hãy xử lý người đó, đừng “giết doanh nghiệp” cho các mục tiêu chính trị. Với những người đang giữ các trọng trách, đừng vì mục tiêu giữ ghế mà không ra các quyết định hoặc ra các quyết định lấy sự an toàn cho mình làm đầu. Doanh nghiệp chết, kinh tế sụp đổ thì xã hội rối loạn, lúc đó, chẳng những chính trị cũng không thể ổn định mà chỗ ngồi của quý vị cũng không có được sự an toàn.

H.Đ.

Nguồn: FB Truong Huy San

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét