Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023

Thời sự: Tướng quốc hội

 

Thời sự: Tướng quốc hội

Nguyễn Thông

27-5-2023

Sáng 27.5, thay mặt Bộ Công an, đại tướng Tô Lâm trình bày báo cáo, đề xuất đối với sĩ quan công an biệt phái sang Quốc hội được phê chuẩn chức vụ Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội thì có hàm cao nhất là thượng tướng. Thậm chí ông chủ nhiệm đương chức Lê Tấn Tới còn đòi phải phong hàm đại tướng. Các báo mậu dịch đều thông tin như vậy chứ không phải tôi bịa.

Biệt phái là gì? Cứ hiểu nôm na, biệt là đặc biệt, khác bình thường. Biệt đãi là sự ưu đãi đặc biệt, biệt danh là tên gọi khác cho riêng ai đó. Ví dụ ông Nguyễn Lương Bằng có biệt danh là Sao Đỏ. Phái là cử, sai khiến, điều chuyển. Phái viên là để chỉ người được cử đi, phái bộ là nhóm được cử đi. Biệt phái tức là cử ai đó đi làm nhiệm vụ đặc biệt, không theo quy tắc quy định thông thường.

Chuyện biệt phái từ quân đội và công an sang các cơ quan ban ngành khác ở xứ này vốn chẳng ai lạ, nhất là để đảm bảo về quốc phòng và an ninh. Tôi từng chơi quen một anh bạn, chính anh ấy kể cho tôi nghe bản thân đi học ở Liên Xô về ngoại giao nhưng lại là người của cơ quan an ninh. Học xong về nước làm bên ngoại giao một thời gian, rồi được bên an ninh biệt phái sang làm việc cho một hãng hàng không nước ngoài, rồi ít lâu sau sang làm cho một hãng bảo hiểm nước ngoài, rồi sau đó sang những đâu nữa thì tôi không rõ. Đẹp trai, ngoại ngữ giỏi, chơi gôn cũng tài, quan hệ rộng. Đổi chỗ xoành xoạch. Có lương cứng an ninh rồi, làm đâu chả được. Tất nhiên không phải biệt phái để làm kinh doanh mà việc khác theo nhiệm vụ được giao.

Nhưng trường hợp tướng Tô Lâm vừa đề nghị có khác. Biệt phái sĩ quan sang quốc hội, làm lãnh đạo. Mà muốn làm lãnh đạo ở quốc hội, điều kiện tiên quyết phải là đại biểu quốc hội.

Ta đều biết, quốc hội là cơ quan dân cử, đại biểu quốc hội do dân bầu ra trong kỳ tổng tuyển cử. Đó gọi là dân chủ. Đành rằng dân chủ ở xứ này không giống những nước khác, nhưng ít ra phải tôn trọng nguyên tắc bầu cử ấy.

Nếu muốn có người am hiểu về quốc phòng an ninh làm việc ở quốc hội, nhất lại là chủ nhiệm cái ban chuyên môn ấy, thì điều đầu tiên phải có sĩ quan công an hoặc quân đội được dân bầu làm đại biểu quốc hội. Đặt trường hợp không có ai dạng ấy trúng dân biểu (chuyện này ở nước khác là bình thường, nhưng ở xứ này do cơ cấu sẵn, không bầu cũng trúng, nên không xảy ra) thì cứ chọn người tài đức, giỏi giang làm chủ nhiệm, cứ gì phải sĩ quan công an, quân đội, tướng này tướng nọ. Những nước dân chủ thực sự, bộ trưởng quốc phòng, bộ trưởng an ninh đều là dân sự, đâu cần tướng tiếc.

Khi các vị đã cố ý biệt phái người sang quốc hội, vô hình trung coi việc bầu cử đại biểu quốc hội chả là cái đinh gì. Một kiểu xé rào. Mà cũng nói luôn, nếu đã thành người của quốc hội (cơ quan dân sự), làm quái gì cứ phải tướng tiếc, để ra oai, dọa ma à, hay là “sợ anh em tâm tư”.

Tướng cho lắm vào, đôn lên cao lắm vào, chỉ tốn ngân sách, và làm giảm giá trị hàm sĩ quan vốn đã quá mất giá, ngoài “giá” lương cao chót vót.

Quốc hội nên bình tĩnh, đừng mủi lòng tặc lưỡi cho xong cái đề nghị ấy.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét