Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Tư, 31 tháng 5, 2023

Bế tắc nhà ở xã hội: Hà Nội có 5.000 tỷ đồng mà không thể tiêu

 


Bế tắc nhà ở xã hội: Hà Nội có 5.000 tỷ đồng mà không thể tiêu

Lệ Chi

(VNF) - Nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng cách nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%. Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội cho biết đến nay, quỹ thành phố đã nhận về số tiền gần 5.000 tỷ đồng, song hiện không có hướng dẫn để chi khoản này.

clip_image002

Phát triển nhà ở xã hội: Hà Nội có 5.000 tỷ mà không thể tiêu

Tại Hội nghị triển khai đề án 1 triệu nhà ở xã hội mới đây, Phó chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn đã chỉ ra nhiều khó khăn trong việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Đó là các vướng mắc trong quy hoạch, sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại, trình tự thủ tục đầu tư xây dựng và cơ chế, ưu đãi dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội...

Ông Tuấn thông tin, nhiều doanh nghiệp lựa chọn hình thức thực hiện nghĩa vụ nhà ở xã hội bằng cách nộp tiền tương đương giá trị quỹ đất 20%. Đến nay đã có nhiều doanh nghiệp nộp tiền vào quỹ thành phố với số tiền gần 5.000 tỷ đồng, song lại chưa có hướng dẫn để chi khoản này.

Vì thế, lãnh đạo thành phố cũng kiến nghị sớm ban hành hướng dẫn việc quản lý, sử dụng khoản tiền sử dụng đất phải nộp đối với quỹ đất 20% tại dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo quy định.

Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn, lãnh đạo TP. Hà Nội kiến nghị, Chính phủ ủy quyền cho Hà Nội chủ động thực hiện bố trí thay thế quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho các dự án tại các khu nhà ở xã hội độc lập trên địa bàn thành phố. Đồng thời, giao quyền cho Hà Nội điều chỉnh quy hoạch các khu công nghiệp, khu chế xuất để bổ sung quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội cho thuê.

Ngoài ra, Bộ Xây dựng cần sớm báo cáo cấp có thẩm quyền có quy định rút ngắn thời gian lựa chọn nhà đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở nói chung, dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng. Trường hợp thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu cần có quy định quy trình đấu thầu riêng (đơn giản hóa, rút ngắn trình tự, thời gian thực hiện) đối với loại hình nhà ở xã hội.

Theo số liệu mới nhất, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, tại Hà Nội đã có 4 dự án hoàn thành toàn bộ, 1 dự án hoàn thành một phần với khoảng 345.488m2 sàn nhà ở xã hội, tương đương khoảng 4.168 căn hộ.

Ngoài ra, Hà Nội hiện có 40 dự án nhà ở xã hội đang triển khai. Cụ thể, 18 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn 2021-2025 với khoảng 869.000m2 sàn với 12.137 căn hộ; 22 dự án dự kiến hoàn thành giai đoạn sau 2025 với khoảng 1,6 triệu m2 sàn, 22.400 căn hộ.

Kế hoạch phát triển nhà ở TP. Hà Nội giai đoạn 2021-2025 đã được UBND TP phê duyệt đã xác định mục tiêu đến năm 2025 phát triển mới khoảng 1,2 triệu m2 sàn nhà ở; chuẩn bị đầu tư 1-2 khu nhà ở xã hội độc lập (tập trung) và nghiên cứu lập quy hoạch chi tiết 2-3 khu.

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai, UBND TP. Hà Nội đã quyết định giao Sở Xây dựng tổ chức lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư đối với 2 dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh; xem xét tiếp tục thực hiện đối với 3 dự án còn lại tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, tại ô đất CT1-5 thuộc Quy hoạch phân khu đô thị S5 (thuộc các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) và tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, làm cơ sở để tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định.

Dự kiến 5 dự án trên được triển khai hoàn thành sẽ bổ sung khoảng 2,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội vào quỹ nhà ở xã hội của Hà Nội, đáp ứng nhu cầu rất lớn của thành phố (khoảng 6,8 triệu m2 sàn giai đoạn sau năm 2020).

L.C.

Nguồn: vietnamfinance.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét