Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Ba, 30 tháng 5, 2023

Trung Quốc có chiến lược như thế nào với Trung Á?

 

Trung Quốc có chiến lược như thế nào với Trung Á?

Trọng Thành

Lần đầu tiên Bắc Kinh tổ chức thượng đỉnh riêng với 5 nước Trung Á – vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga) 

(…) Trong lĩnh vực an ninh, cuộc chiến của Nga chống Ukraine rõ ràng để lại hệ quả là có một khoảng trống về an ninh tại Trung Á. Nhà nghiên cứu Thụy Điển Stefan Hedlun nhấn mạnh đến thượng đỉnh này như một bước ngoặt thay đổi lớn, đánh dấu chấm hết cho thời kỳ “phân chia ngầm về vai trò giữa Matxcơva và Bắc Kinh. Nga cung cấp an ninh, trong lúc Trung Quốc cung cấp đầu tư và phát triển kinh doanh” (…) Chuyên gia Niva Yau (Viện tư vấn Atlantic Council): “Trung Quốc đang xuất khẩu những tiêu chuẩn này (tức các kỹ thuật của việc kiểm soát xã hội dân sự) sang Trung Á, và chúng ta đang chứng kiến không gian dân sự bị thu hẹp nhanh chóng ở các quốc gia như Kyrgyzstan, nơi vốn có truyền thống dân sự tốt nhất”.

.... Nhiều người Trung Á lưu luyến với Nga, và không ít người cho rằng: Cái ÁCH (cai trị) của Nga, nếu có, làm bằng da, cái ÁCH của Trung Quốc làm bằng thép (theo một chuyên gia Ấn Độ)...

clip_image002

Bản đồ Trung Á, khu vực ảnh hưởng truyền thống của Nga, đang trở thành một địa bàn đầu tư chủ yếu của Trung Quốc. © Wikipedia.

Lần đầu tiên Trung Quốc tổ chức họp thượng đỉnh với 5 quốc gia Trung Á, hội nghị sẽ diễn ra trong hai ngày, 18 và 19/05/2023. Thượng đỉnh diễn ra không có sự tham gia của Nga. Trung Á, vốn là vùng ảnh hưởng truyền thống của Nga. Bắc Kinh có chiến lược gì khi nâng cấp hợp tác với các quốc gia Trung Á? 

Theo nhiều nhà quan sát, Trung Quốc chủ trương tiếp tục thúc đẩy chính sách đầu tư mạnh mẽ hơn, và tìm cách gây ảnh hưởng tại khu vực trong bối cảnh Nga sa lầy trong cuộc chiến Ukraine, nhưng cố gắng không để bị đặt vào thế đối đầu với Nga, cũng như có các biện pháp không để phát triển tâm lý chống Trung Quốc trong các xã hội Trung Á, nơi phổ biến thái độ tiêu cực về Trung Quốc. 

Về chủ đề này, hãng tin Đức DW có bài “What is China's strategy for Central Asia” (Chiến lược của Trung Quốc với Trung Á là gì?). Bài của DW trước hết cho biết, hội nghị ở thành phố Tây An, tây bắc Trung Quốc, sẽ bàn về các hợp tác giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á gồm Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan, Turkmenistan và Uzbekistan, cũng như các vấn đề quốc tế lớn mà hai bên cùng quan tâm.

Kết thúc thượng đỉnh đầu tiên kể từ 30 năm nay, tức từ khi Bắc Kinh thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia này, Trung Quốc và các nước Trung Á dự kiến sẽ ký kết “một số văn bản chính trị quan trọng”. Bà Niva Yau, một chuyên gia về quan hệ Trung Quốc – Trung Á, của viện tư vấn Atlantic Council, cho DW biết thượng đỉnh này là “một thể thức hợp tác mới, được chuẩn bị từ vài năm nay, và thực sự cho phép nâng cao vị thế của Trung Quốc tại Trung Á”. 

Gia tăng đầu tư, trở lại vị thế số một

Gia tăng đầu tư vào các nền kinh tế Trung Á là mối quan tâm trước hết của Trung Quốc. Theo bộ Thương mại Trung Quốc, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào tất cả các nước Trung Á đã vượt quá 15 tỷ đô la vào cuối tháng 3 năm nay, theo báo nhà nước Trung Quốc Global Times. Nhà nghiên cứu Raffaello Pantucci, trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (RSIS) ở Singapore, nhận định: Trước đại dịch, Trung Quốc đang trên đường trở thành đối tác thương mại lớn nhất của toàn bộ khu vực Trung Á, và mặc dù con số này có giảm đáng kể trong thời kỳ đại dịch, nhưng tôi kỳ vọng Trung Quốc sẽ trở lại là đối tác thương mại hàng đầu trong năm tới''. Hãng tin Pháp AFP, trong bài “Trung Quốc quyến rũ Trung Á trong bối cảnh ảnh hưởng Nga suy yếu”, cho biết cụ thể là trao đổi thương mại giữa Trung Quốc và 5 nước Trung Á tham gia thượng đỉnh, đạt 70 tỉ đô la trong năm ngoái 2022, và quý một 2023 tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. 

''Điểm trung chuyển'' của Con đường Tơ lụa mới sang châu Âu

Theo nhà nghiên cứu Thụy Điển Stefan Hedlun, chuyên về Nga và Trung Á, trong bài viết “China courts Central Asia as Russia falters”, có ba lĩnh vực chính mà Trung Quốc dự kiến sẽ công bố một số kế hoạch lớn vào dịp này. Cụ thể là về lĩnh vực năng lượng, thứ hai là về cơ sở hạ tầng giao thông, và thứ ba là về văn hóa.

Đầu tư cho các cơ sở hạ tầng giao thông là một điểm được chú ý hàng đầu. Theo AFP, dịp thượng đỉnh – tổ chức tại thành phố Tây An, đầu mút về phía đông của con đường tơ lụa lịch sử nối liền Âu – Á thời cổ, có thể là dịp thúc đẩy các tuyến giao thông rộng lớn, bao gồm tuyến đường sắt Trung Quốc - Kyrgyzstan - Uzbekistan, trị giá 6 tỷ đô la, vốn bị đình trệ từ lâu. 

Các tuyến đường sắt đi qua Trung Á, nối liền châu Âu và Trung Quốc, trở nên quan trọng hơn rất nhiều sau khi cuộc xâm lược Ukraine của Nga, dẫn đến việc phương Tây áp đặt nhiều trừng phạt nhằm cô lập Nga, theo nhận định của chuyên gia Bradley Jardine, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Oxus. Chuyên gia này cũng lưu ý là Trung Á vốn đã được coi là điểm trung chuyển, “một phần quan trọng trong dự án cơ sở hạ tầng hàng đầu của Bắc Kinh, Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI)”. 

Về mặt năng lượng, Trung Á tiếp tục được Bắc Kinh coi là nguồn cung cấp khí đốt chủ yếu. Bắc Kinh hy vọng sẽ bổ sung thêm một tuyến thứ tư vào mạng lưới đường ống dẫn khí đốt Trung Á - Trung Quốc, để khai thác thêm nguồn dự trữ khổng lồ ở Turkmenistan, nơi chiếm 75% lượng khí đốt nhập khẩu của Trung Quốc từ khu vực. 

Miễn thị thực

Để thúc đẩy đầu tư và phát triển thương mại với Trung Á, theo DW, Bắc Kinh dự kiến sẽ tung ra sáng kiến miễn thị thực mới với một số quốc gia Trung Á. Hiện tại Kazakhstan và Uzbekistan đều đã đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về chế độ miễn thị thực nhập cảnh. Kyrgyzstan đang đàm phán với Bắc Kinh. Theo chuyên gia Niva Yau, Viện tư vấn Atlantic Council, miễn thị thực là “lá bài mà Trung Quốc sẽ chơi với Trung Á, bởi (thúc đẩy thương mại) sẽ không thể thực hiện được nếu không có việc các doanh nhân đi lại tự do”. Chuyên gia Viện tư vấn Atlantic Council cũng nhấn mạnh là việc miễn thị thực cũng gắn liền với mở cửa cho các hàng xuất khẩu từ Trung Á vào thị trường Trung Quốc. Theo Niva Yau, Bắc Kinh đã có một số thỏa thuận tương tự với các quốc gia ở Đông Nam Á.

Trung Quốc “giúp” chống khủng bố

Trong lĩnh vực an ninh, cuộc chiến của Nga chống Ukraine rõ ràng để lại hệ quả là có một khoảng trống về an ninh tại Trung Á. Nhà nghiên cứu Thụy Điển Stefan Hedlun nhấn mạnh đến thượng đỉnh này như một bước ngoặt thay đổi lớn, đánh dấu chấm hết cho thời kỳ “phân chia ngầm về vai trò giữa Matxcơva và Bắc Kinh. Nga cung cấp an ninh, trong lúc Trung Quốc cung cấp đầu tư và phát triển kinh doanh”.

Cuộc can thiệp vũ trang của Nga nhằm lập lại trật tự trong nước ở Kazakhstan vào đầu năm 2022 có thể là lần can thiệp cuối cùng của Nga trong khu vực. Các cuộc tập trận chung được đề xuất với các nước khác đã bị hủy bỏ (theo chuyên gia Thụy Điển Stefan Hedlun). Chưa kể Matxcơva thậm chí còn trở thành mối đe dọa với nhiều nước Trung Á.

Theo chuyên gia Nargis Kassenova, Giám đốc chương trình Trung Á tại Trung tâm Nghiên cứu Nga và lục địa Á-Âu thuộc Đại học Harvard: “Chiến lược của Trung Quốc đối với vùng Trung Á là liên tục và mang tính hệ thống’’, cuộc chiến của Nga chống Ukraina “đẩy các nước Trung Á ngả sâu hơn vào vòng tay của Trung Quốc”. Trả lời AFP, chuyên gia Ayjaz Wani, thành viên viện nghiên cứu Observer Researche Foundation, ở Mumbai, Ấn Độ, nói với AFP: “Kể từ cuộc xâm lược của Nga ở Ukraina, các nước cộng hòa Trung Á bắt đầu lo sợ cho chủ quyền quốc gia”. 

“Xuất khẩu” công nghệ kiểm soát, giám sát xã hội dân sự

Về khả năng can dự của Trung Quốc trong lĩnh vực an ninh – quốc phòng tại các nước Trung Á, hãng tin Đức DW ghi nhận một xu hướng gia tăng trong những năm gần đây: “Mặc dù Nga từ lâu đã được coi là thế lực bảo đảm an ninh chính cho Trung Á, nhưng Bắc Kinh đã tăng cường các thỏa thuận an ninh với các quốc gia như Tajikistan trong những năm gần đây. Quốc gia Trung Á này cũng tiến hành các cuộc tập trận chung chống khủng bố với quân đội Trung Quốc hai năm một lần”. 

Tuy nhiên, cách làm của Trung Quốc rất khác Nga. Theo đánh giá của chuyên gia Niva Yau, Viện tư vấn Atlantic Council, Bắc Kinh không có mục tiêu thay thế vai trò bảo đảm an ninh của Nga ở Trung Á, mà chủ yếu là du nhập vào các xã hội Trung Á các cách thức kiểm soát xã hội đặc thù của chế độ một đảng cai trị tại Trung Quốc, như quản lý và giám sát biểu tình.

Chuyên gia Niva Yau, Viện tư vấn Atlantic Council, nhấn mạnh: “Trung Quốc đang xuất khẩu những tiêu chuẩn này sang Trung Á, và chúng ta đang chứng kiến không gian dân sự bị thu hẹp nhanh chóng ở các quốc gia như Kyrgyzstan, nơi vốn có truyền thống dân sự tốt nhất”.

Can dự gia tăng của Trung Quốc vào khu vực Trung Á đã gây một số phản ứng chống đối tại một số nơi. AFP nêu ví dụ, vào năm 2019, nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra ở Kazakhstan, thường được mô tả là một đầu mối quan trọng của “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, chống lại sự bành trướng của Trung Quốc. 

Lập Viện Khổng Tử để hóa giải nỗi sợ ''ách kìm kẹp'' của Bắc Kinh

Một nguồn tâm lý gây chống Trung Quốc khác là Tân Cương, khu vực viễn tây Trung Quốc, nơi các tổ chức nhân quyền và chính phủ phương Tây cáo buộc Bắc Kinh tiến hành cuộc đàn áp chống lại cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, với hơn một triệu người Duy Ngô Nhĩ và nhiều nhóm thiểu số khác bị đưa vào các trại cải tạo. Mối quan hệ của người Duy Ngô Nhĩ với khu vực Trung Á rất sâu sắc, về mặt tôn giáo và sắc tộc. Cảnh ngộ của người Duy Ngô Nhĩ gây đồng cảm rộng rãi trong khu vực và thúc đẩy tình cảm chống Trung Quốc. 

Theo một nghiên cứu của cơ sở tư vấn ở Luân Đôn, thuộc Viện Hoàng gia Anh Royal United Service Institute, dân chúng ở Trung Á “vẫn có quan điểm tích cực về Nga hơn rất nhiều so với Trung Quốc”. Về phần mình, chuyên gia Ayjaz Wani, Viện nghiên cứu Observer Researche Foundation, Ấn Độ, ghi nhận tâm lý chung: “Hầu hết người dân trong khu vực nghĩ rằng cái ách của Nga làm bằng da có thể mòn dần, trong khi ách (kìm kẹp) của Trung Quốc làm bằng sắt, người ta không thể thoát khỏi nó”. 

Theo chuyên gia Thụy Điển Stefan Hedlun, Bắc Kinh có chiến lược phát triển các Viện Khổng Tử tại Trung Á, nhằm quảng bá cho văn hóa Trung Quốc và thúc đẩy việc học tiếng Hoa, nhằm hóa giải thái độ tiêu cực này.

T.T.

Nguồn: RFI Tiếng Việt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét