Trung ương 7: Những dấu hiệu tàn cuộc
Hội nghị hai ngày rưỡi qua được giới phân tích Hà Nội đánh giá là nhạt hơn cả chung kết bóng đá SEA Games 32. Màn diễn cung đình vẫn “tuồng cũ, kép cũ”. Kết quả là “tấp rác xuống thảm” (sweep it under the carpet) để Đảng tiếp tục trận kéo co chia chác lợi quyền trên thượng tầng.
Hội nghị giữa nhiệm kỳ của ĐCSVN khóa 13 (TƯ7) diễn ra từ 15/5 đến 17/5/2023. Phát biểu bế mạc, Tổng bí thư (TBT) Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu tiếp tục đẩy mạnh, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị thực sự trong sạch, vững mạnh, đặc biệt là hệ thống cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp. TBT vẫn riết ráo, kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người sa vào tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, cục bộ, ưu ái tuyển dụng người nhà, người thân không đủ tiêu chuẩn… Nhưng sau hai ngày rưỡi, TBT vẫn không, theo đồn đoán của dư luận, “kiên quyết loại bỏ” được Thủ tướng Phạm Minh Chính sau khi đã có sự thỏa hiệp nội bộ.
Trước kỳ họp vừa qua, dư luận nói tới 3 “quả bom nổ chậm”: i) Quyết tâm của Tổng bí thư (TBT) đẩy Thủ tướng ra khỏi “Tứ trụ” liệu có thành công? ii) Sự phản đòn của phe Thủ tướng – thông qua lá đơn (công khai) tố giác Lê Minh Hưng, cánh tay phải của TBT – phát huy hiệu quả đến mức nào? và iii) Nội tình lãnh đạo Ba Đình sau TƯ7 rồi sẽ ra sao? Bài phát biểu lúc tàn cuộc kỳ họp này cho thấy, ban lãnh đạo Ba Đình đã đạt được thỏa hiệp “quét tấp” toàn bộ rác rưởi nội bộ “xuống dưới thảm” để tiếp tục chia chác lợi quyền. Nhưng qua khẩu khí của TBT, có thể dự đoán, Đảng vẫn tiếp tục chuẩn bị khởi tranh cho một vòng đấu mới, sắt máu và quyết liệt hơn.
Câu chuyện Thủ tướng về vườn
Câu chuyện ông Trọng muốn đẩy ông Chính về vườn không mới và cũng chẳng có gì gây sốc. Không mới, vì trước Tết nguyên đán Quý Mão, tin đã cho hay là cả ông Phúc lẫn ông Chính đều đã “được ép” để viết đơn xin từ chức, nhưng đơn của ông Phúc “ưu tiên” xét trước. Hơn nữa Tổng Trọng cũng phải “dò đá qua sông”, bởi vì lấy một quyết định từ thượng tầng Ba Đình – đẩy một trong những “yếu nhân” của “Tứ trụ” về vườn – vào lúc năm cùng tháng tận như thế thì không thể nói là “nhân văn” mà cũng chẳng thể coi là “tình lý” chút nào.
Chẳng gây sốc, vì cái gọi là “nhân văn, tình lý” ấy chẳng qua là luận điệu “dân túy” của Tổng Trọng khi mượn diễn đàn tiếp xúc cử tri Hà Nội ngày 13/5/2023 để đay nghiến những kẻ đã “cao chạy xa bay” để lại hậu quả cho các bên liên đới: “Cán bộ, nhất là khi có quyền, có chức dễ lợi dụng để chấm mút, đó là nói nhẹ, nói nặng là ăn cắp, ăn cướp của dân. Cấu kết với nhau nhằm tham nhũng, tiêu cực, hư hỏng, làm cho Đảng mất uy tín, làm cho Nhà nước mất uy tín”. Ông Trọng còn đe nẹt “nhưng trốn cũng không được đâu. Ta sẽ xử vắng mặt và tòa đã xử vắng mặt rồi”. “Khi anh (chị?) không còn là công dân mà đã trở thành tội phạm thì các nước không có quyền chứa chấp”. Tầm ngắm “nhân văn, tình lý” này rõ ràng đã hướng vào Phạm Minh Chính và Nguyễn Thanh Nhàn, nếu những ai từng theo dõi bản tin từ mấy tờ báo phản gián của Israel cách đây hơn nửa năm.
Câu chuyện hạ bệ ông Chính lần này còn bị kẹt bởi kế hoạch của Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã mời ông Chính sang dự Hội nghị G7 mở rộng và làm việc tại Nhật Bản từ ngày 19 đến 21/5. Lần gạt ông Phúc trước Tết đã bị mang tiếng, vì phạm vào chuyện đạo lý của người Việt, còn lần này là chuyện liên quan đến bang giao quốc tế. Lần trước 30% trung ương bỏ phiếu ủng hộ ông Phúc ở lại. Lần này liệu bao nhiêu phần trăm quyết định đẩy ông Chính ra đi? TBT còn tính tiếp, Nhật Bản chứ không phải là Indonesia! Ông Phúc thăm Jakarta tháng trước thì tháng sau bị thất sủng.
Hơn nữa, đất nước hiện nay đang lộ rõ tình trạng kiệt quệ, đâu đâu cũng nghe các doanh nghiệp và người dân ca thán về khó khăn chồng chất. Nợ của doanh nghiệp lên tới 240%, lãi suất thật (trừ lạm phát) lên tới 6% và mới đây có giảm nhưng cũng trên 3%, cho nên doanh nghiệp không trả nợ được, phải bán cho người nước ngoài là điều nguy hiểm. Toàn bộ thể chế lâm vào bất ổn kèm theo những hệ lụy ngoài “tầm với” của Đảng. Chế độ ngày càng lung lay trước quốc nạn tham nhũng, tha hoá quyền lực mang tính hệ thống, người dân mất hết phương hướng và xã hội thì rối loạn. Chẳng còn mấy ai tin vào câu bùa chú của ông Trọng: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
Các cú “phản đòn” có hiệu quả?
Chỉ riêng việc TBT ngồi xổm trên điều lệ đảng, bám ghế suốt ba nhiệm kỳ, Tổng Trọng chính là sâu chúa trong bầy sâu, ăn vào lĩnh vực béo bở nhất là tham nhũng quyền bính. Tay chân bộ hạ thân tín nhất của ông trực tiếp gom củi đốt lò như cố Trưởng ban Nội chính Nguyễn Bá Thanh là loại sâu gộc với biệt phủ, đất đai, lăng mộ nguy nga đồ sộ. Trùm Công an tay kiếm bạo tàn của Đảng thì ăn bò dát vàng giá hàng ngàn đô. Mấy ngày trước đây, báo chí “lề phải” vô tình đưa hình ảnh Nguyễn Văn Yên, Phó trưởng Ban Nội Chính, đeo đồng hồ Patek Philippe World Time Mecca, giá trị hàng trăm ngàn đô la, sau đó đã buộc phải xóa đi.
Một lần nữa có thể khẳng định, lời đe nẹt của Tổng Trọng khi tiếp xúc với cử tri về việc bà Nhàn trốn đâu cho thoát và câu nhắn nhủ “tay đã nhúng chàm thì tốt nhất xin thôi” hẳn là thông điệp gửi đến ngài Thủ tướng chứ không ai khác. Đồng thời những thông điệp được nhắc đi nhắc lại nhiều lần ngay trước Hội nghị trung ương giữa nhiệm kỳ này và kỳ họp thứ 7 của Quốc Hội cũng là sự định hướng công khai cho các Ủy viên trung ương và Đại biểu Quốc hội thi hành đòn quyết định cuối cùng là bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, các chức danh do Quốc hội bầu trong kỳ họp lần này.
Trước mối đe dọa sống còn ấy, hiển nhiên phe Thủ tướng không ngồi yên “chịu trận”. Gần nửa năm nay, câu chuyện về Hồ Mẫu Ngoạt, Trợ lý của Nguyễn Phú Trọng từng dậy sóng trên mạng xã hội. Sau đợt giật đổ “domino” Hồ Mẫu Ngoạt, cú “phản đòn” tiếp theo trước thêm TƯ7 là đơn tố cáo Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng, cánh tay phải thứ hai của Tổng bí thư sau khi Ngoạt “rớt đài”. Tội trạng của Hưng trong lá đơn được tập thể cán bộ của Ngân hàng Nhà nước đứng tên cho thấy sự lũng đoạn của nhóm lợi ích được phe Tổng bí thư “chống lưng” có sức tàn phá nền kinh tế nói chung và hệ thống các Ngân hàng cả trong lẫn ngoài Nhà nước ghê gớm như thế nào.
Nhưng cuối cùng, liệu Thủ tướng có thoát nổi vòng vây đang giăng mắc quanh ông? Khuyết điểm và trách nhiệm của Phạm Minh Chính trong vai trò điều hành chính phủ thì chất chồng như núi. Thủ tướng có đến 2 phó Thủ tướng bị cách chức, hàng tá Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh bị bắt giam, kỷ luật. Kinh tế đất nước lụn bại, GDP giảm thê thảm, địa ốc đóng băng, có nguy cơ vỡ bóng, tài chính tín dụng bết bát… Cộng thêm những dính dáng cá nhân với Nguyễn Thanh Nhàn và các quan chức Quảng Ninh mà chứng cứ đang trong tay Bộ trưởng Công an Tô Lâm, sau khi ông Lâm điều Thiếu tướng Đinh Văn Nơi đào xới “sân sau” của ông Chính. Cho nên, có thể lần này, cả Tổng bí thư lẫn Thủ tướng cũng chưa thể “bung hết chiêu”. Theo giới quan sát trong nước, kể cả ông Hồ Chí Minh có sống dậy chắc cũng khó có thể dàn xếp nội bộ rối như canh hẹ trong lúc này.
Hậu TƯ7… rồi sẽ sao nữa?
Trong thư một nhà nghiên cứu gửi cho Phạm Minh Chính có trình bày hiện tình đất nước: “Căn bệnh nguy hiểm đang lan truyền phổ biến hiện nay trong toàn bộ hệ thống công quyền, không trừ một cấp nào là căn bệnh SỢ… Biểu hiện SỢ hiện nay là tình trạng rất không bình thường, vì người ta sợ nói thật, sợ nghe nói thật và sợ làm thật. Nguyên nhân gây ra tình trạng này nằm ở Ban lãnh đạo quốc gia, vì thế việc khắc phục phải bắt đầu từ Cấp lãnh đạo cao nhất của đất nước. Về mặt quản lý vận hành nền kinh tế, ai ai cũng biết “lợi ích là dầu nhờn của bánh xe kinh tế”. Bức thư nhắc lại “Sử ký Tư Mã Thiên”: “Thiên hạ hi hi giai vi lợi lai, thiên hạ nhương nhương giai vi lợi vãng” (Người trong thiên hạ tất bật, bận rộn đều vì chữ lợi mà đến, người trong thiên hạ rối ren, hỗn loạn đều vì chữ lợi này mà bỏ đi). Điều này có nghĩa là: động lực của hầu hết mọi hoạt động kinh doanh là lợi ích kinh tế của cả doanh nghiệp cũng như của người dân.
Nhưng Nguyễn Phú Trọng và nhóm lợi ích của ông đã thành công trong việc triệt tiêu mọi động lực phát triển kinh tế. Phía sau những “lục đục” nội bộ là cả một “thập kỷ mất mát” của quốc gia, mà mỗi người dân và doanh nghiệp phải gánh chịu. Đảng cũng phải công nhận tất cả là do “bất ổn kinh tế vĩ mô và thể chế”. Nguyên nhân quan trọng nữa cần rút ra là những người cộng sản làm cách mạng giành lấy quyền lực nhằm thực hiện “ý chí chung” nhưng đã “thất bại” và trong điều kiện chuyển đổi sang thị trường quyền lực đã bị tha hoá, không được kiểm soát hiệu quả. Quyền lực tuyệt đối bị lợi dụng mang tính hệ thống cho mục đích riêng của các quan chức khi thiếu cơ chế đối trọng và người dân không được giám sát. ĐCS dần dà trở thành tổ chức Mafia, giống như Tam Hoàng bên Trung Quốc, hay Cosa Nostra bên Ý.
Ngoài ra, theo các chuyên gia nước ngoài, hệ thống nào theo đuổi mô hình một người lãnh đạo đảng và một nhóm “a dua” hùa với nhau thâu tóm hết quyền lực về một người hay về nhóm của mình thực ra là không hay, là độc hại cho đảng đó, và nếu đảng đó cầm quyền, thì sự tác hại đó sẽ ảnh hưởng lây đến việc quản lý, lãnh đạo quốc gia. Làm cái gì cũng phải có cái phanh, ngay ở trong đảng cũng phải có sự cân bằng, nếu tất cả về hùa cho một phe mạnh, và phe mạnh thao túng hết quyền lực về tay mình, không có một cái phanh nào, bộ cản nào để hạn chế quyền lực của họ, thì việc đó tự động sẽ dẫn đến nguy cơ của lạm quyền, của chuyên quyền và sai trái.”
TƯ7 họp chưa tới ba ngày là điều bất bình thường. Thời gian hội nghị giữa nhiệm kỳ ở các khóa trước là gấp đôi, gấp ba như thế (TƯ12 họp 6 ngày, TƯ11 họp 10 ngày). Nhân sự trong các kỳ họp TƯ7 bao giờ cũng là nội dung then chốt, vì phải đưa danh sách các candidate cho Đại hội tới “lên thớt”. Nhưng vấn đề nhân sự lần này được thông báo sẽ chuyển sang TƯ8 (tháng 10/2023). Trì hoãn bàn chuyện quan trọng nhất – từ TƯ6, chuyển sang TƯ7, nay lại đẩy lùi tiếp – cho thấy cuộc đấu tranh quyền lực trên thượng tầng Ba Đình đang vào hồi quyết liệt và chưa ngã ngũ. Điều khôi hài là, nếu việc bỏ phiếu tín nhiệm nhằm làm trong sạch bộ máy vì nước vì dân thì rất cần công khai cho quốc dân được biết, nhưng rõ là không phải như vậy, vì Quy định 96 đóng khung: “Kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư được công khai trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng”.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét