Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 20 tháng 5, 2023

Chuyện ăn độn (Phần 1)

 

Chuyện ăn độn (Phần 1)

Nguyễn Thông

18-5-2023

Cách đây mấy hôm, trên phây cô nhà văn Phan Thúy Hà (tác giả những cuốn sách lừng danh như Gia đình, Đừng kể tên tôi, Tôi là con gái của cha tôi, Qua khỏi dốc là nhà… ) kể chuyện một anh bộ đội sau khi đánh nhau ở miền Nam, hết chiến tranh trở về quê nhà Nghệ Tĩnh, anh không ngờ người quê mình đang tiến lên chủ nghĩa xã hội mà đói đến thế. Có chi tiết buồn thảm kinh lắm, tôi không tiện biên ra đây.

Chợt nghĩ, mình chính là chứng nhân lịch sử của thời đen tối đói kém ấy, sao không ghi lại để góp vào cái bảo tàng đói kém mà thể chế này đã tạo nên, dù họ cố tình lờ đi.

Mới chỉ vài chục năm thôi nhưng chuyện này đã xưa như cổ tích. Bọn trẻ bây giờ, ngay cả những đứa sống ở vùng nông thôn nghèo cũng chả biết “ăn độn” là gì. Chúng không hình dung ăn mà lại độn, đâm ra thắc mắc độn thế nào, độn cái gì, sao lại phải độn…

Tôi có đứa cháu họ học lớp lá, có lần nó xin ông trẻ ơi cho cháu ăn độn với, thì ra nghe người nhớn nói, nó tưởng độn là món ngon, kiểu như gà quay, khoai tây chiên, pizza chẳng hạn. Trẻ con ngây thơ thật dễ thương.

Bây giờ lương thực ê hề, nước ta xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, ở thành phố chả mấy ai phải ăn độn. Sơn hào hải vị thì có thể thèm chứ cơm không thiếu. Nghĩ càng thương bà con những vùng sâu vùng xa, vùng núi cao, sau nửa thế kỷ tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội mà vẫn đói, vẫn ăn độn, vẫn thèm cơm. Hôm coi cái ảnh nhà báo Trần Đăng Tuấn (người chủ trương quỹ Cơm có thịt) đưa lên mạng, thấy thương lắm. Bọn trẻ rách rưới gầy gò không chỉ thèm thịt mà thiếu cả cơm.

Không phải ăn độn nên bây giờ người ta không nghĩ tới từ “ăn độn” trong tiếng Việt nữa. Rồi nó sẽ mất hẳn, thành từ cổ, như biết bao từ đã bị như thế. Ngày xưa người xứ ta lấy ăn cơm là chính, nhưng khi hạt gạo hiếm hoi, chẳng đủ no bụng nên phải thêm thứ này thứ nọ độn vào nồi cơm. Nhiều khi một phần gạo cõng hai, ba phần độn. Ăn thứ cơm ấy gọi là ăn độn. Cốt no cái bụng đã, còn ngon để tính sau.

Miền Bắc ăn độn trường kỳ, suốt từ sau năm 1954 cho mãi tới đầu thập niên 90, còn dân miền Nam trước năm 1975 theo như ông bạn đồng nghiệp tôi người TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) kể thì không phải ăn độn, lúa gạo ê hề, độn điếc gì. Chỉ từ sau 1975 mới được nếm món đặc sản vĩ đại ấy, ông bảo vậy.

Bu tôi sinh tôi sau chiến thắng Điện Biên Phủ gần 1 năm. Sau này tôi nhớn rồi, thỉnh thoảng bu tôi ôn nghèo kể khổ, bảo “chỉ ông Thông là khổ nhất, chả biết thịt sữa là gì, tinh dững ăn độn”, dù đã hòa bình.

Bu tôi kể, lúc tôi còn bú nhưng bu chả có sữa, bởi ăn toàn những khoai, sắn, củ rau muống thì lấy đâu ra sữa. Tôi còi cọc đèo đẹn, nuôi mãi mới lớn, cũng một phần do tôi là sản phẩm của thời đại thiếu thốn “dọn tí phân rơi nhặt từng ngọn lá/mỗi hòn than mẩu sắt cân ngô”, học đến lớp 10 mà chỉ loắt choắt như đứa lớp 7-8 hệ 12 bây giờ. Lúc đi khám sức khỏe vào đại học chỉ được gần 40 ký. Chị gái tôi cười bảo, cậu còn nặng hơn cả bộ đội, hồi ông Uy (anh tôi) khám sức khỏe đi bộ đội chỉ được tròm trèm 39 ký. Nhẹ thì nhẹ, cứ trúng tuyển, chiến trường đang khát quân.

Đầu những năm 1960, cả miền Bắc rùng rùng bước vào công cuộc hợp tác hóa. Nhà nào không chịu vào hợp tác, cố làm ăn riêng lẻ thì bị o ép khổ sở đủ đường. Nhưng thày tôi quyết không vào, thày tôi bảo, xem kìa, những nhà vào hợp tác chỉ vài ba hôm là ăn độn ngay, nhà mình vừa mới khá lên, có bát cơm trắng thế này nhờ làm lụng mà được, chứ vào hợp tác là mất.

Lý lẽ vậy, sắt đá kiên quyết thế, nhưng đến năm 1964 thì thày tôi đành phải phất cờ trắng đầu hàng, cùng nhà bác Ỷ, nhà bà Nhu, là 3 nhà cuối cùng khép cánh cửa vào hợp tác ở xã. Không vào cũng chả được, họ coi như phản động, thành phần chống đối lại con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội; thuế khóa, thóc nghĩa vụ phải chịu nặng gấp đôi hộ xã viên, con cái đi học thì học phí cũng gấp đôi, muốn sinh hoạt đội thiếu nhi, muốn vào đoàn thanh niên cũng chả ai cho vào, còn định đi thoát ly làm công nhân hoặc học trung cấp rõ là điều không tưởng.

(Còn tiếp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét