Ưu tư về hai chữ “nhân văn” trong xã hội chúng ta
Sáng thức dậy đọc được những dòng dưới đây trên trang FB của một nhà văn. Nhìn gần 3 nghìn like, dăm trăm bình luận mắng chửi các nhân vật trong bài viết và hơn 300 lượt chia sẻ, tâm trạng thật khó tả.
Nhà văn ấy viết: “Một người đàn bà đã qua 3 đời chồng, có quá khứ tình ái lăng nhăng, đã từng bị dư luận lùm xùm vì bị đánh ghen, có lối sống buông thả và một người đàn ông cũng đã từng có 3 đời vợ, giờ là chồng của nhân vật nữ này. Họ được xuất hiện trên đài truyền hình quốc gia phát biểu về tình yêu và hạnh phúc gia đình. Có cái gì sai sai sai ở đây thì phải, dù họ là những người nổi tiếng, người đàn bà là ca sĩ nổi danh và người đàn ông là bác sĩ tên tuổi”. Và ông cũng không quên đăng kèm hình ảnh của cặp vợ chồng này lên để làm bia cho thiên hạ nhắm bắn.
Tội tự hỏi, 3 đời chồng/vợ thì có tội tình gì? Một người phải trải qua chừng ấy những biến cố trong cuộc đời, thì phải thấy rằng họ chẳng có được may mắn như mình; và bây giờ người ta tìm được hạnh phúc thì nên mừng cho họ, sao lại mang gia đình họ ra mà sỉ vả, mắng chửi, đay nghiến nghiệt ngã đến thế?
Thú thực, từ rất lâu rồi tôi không xem TV, nhưng vì tò mò bởi cuộc đấu tố này nên ráng tìm trên Youtube để coi chương trình ấy nói gì. Họ chia sẻ về cuộc sống đời thường với những khó khăn những ngày đầu đến với nhau, rồi thương yêu nhau hơn, hạnh phúc hơn. Qua chương trình, tôi còn được biết, trước khi đến với nữ ca sĩ này, cái chết đã cướp đi người vợ thân yêu của ông, và ông tưởng mình sẽ không thể còn tìm thấy ai để chia sẻ nữa...
Ngoài những quy kết như “lăng nhăng”, “buông thả”, nhà văn này còn viết, “Khi giới thiệu một gia đình cho hàng triệu người xem, nên chọn những cặp vợ chồng có lối sống đẹp, gương mẫu, mẫu mực, thủy chung để là tấm gương cho người khác nói theo, chứ ai lại chọn cặp này”. “Không thể đưa họ lên nhà đài như là một gương mẫu cần phổ biến rộng rãi để mọi người ngợi khen và học hỏi”.
Tôi tìm hiểu thì được biết, chương trình “Khách sạn 5 sao” này là một “Gameshow truyền hình gắn kết tình cảm gia đình”. Và nó không phải mang mục đích là đưa ra những “gương mẫu cần phổ biến rộng rãi”. Khách mời có thể là một cặp vợ chồng, một cặp đôi mới cầu hôn, hay 2 anh em trong một nhà, với nhiều hoàn cảnh khác nhau và những khó khăn mà họ phải vượt qua, những ấm áp mà họ nhận được... Thiết nghĩ, việc chụp mũ về “mục đích” để kết án người khác, thật không nên chút nào.
Ở đây tôi đang không phải đang nói về một chương trình truyền hình hay một cơ quan báo chí nào cả, mà là thái độ trước cuộc sống của người khác. Thật lạ, thế kỷ 21 rồi, nhưng ở VN người ta vẫn còn tự cột chặt vào những giáo điều đạo đức khắc nghiệt, coi người đã trải qua vài cuộc hôn nhân là tồi tệ và đáng xấu hổ.
Chẳng ai điên đến mức lại mong cuộc sống hôn nhân đổ vỡ, nhưng mặt khác lại cần phải mạnh mẽ rũ bỏ quá khứ bất hạnh để tìm hạnh phúc mới. Mang chuyện hôn nhân của người khác ra bình tán công khai đã là việc không nên, quy kết đạo đức của họ lại càng thiển cận và hẹp hòi. Chẳng phải quý vị vẫn đang say sưa ca ngợi “người trời” Elon Musk đó sao? Ở tuổi 50, anh ta đã trải qua 3 cuộc hôn nhân và hiện có tới 10 đứa con. Như thế là xấu xa, là thiếu đạo đức và cần phải lên án? Và đài truyền hình nào mời anh ta nói về câu chuyện gia đình của mình thì đều là “xem thường người xem” cả ư?
Hôn nhân hạnh phúc là khao khát của nhân loại này, nhưng cuộc sống đâu phải lúc nào cũng như mong muốn; và vì thế, hôn nhân không nên là tù ngục của những giáo điều cũ kỹ để giam nhốt chung thân một cuộc đời. Bên cạnh việc luôn xây đắp thì cũng phải mở lòng ra đón nhận cuộc sống mới khi phần đời cũ đã không may đổ vỡ. Một cái nhìn cởi mở và một lời chúc phúc, dường như vẫn là điều quá khó khăn với nhiều người Việt hiện nay?
T.H.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét