Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 27 tháng 5, 2023

Hoạt cảnh lấy phiếu tín nhiệm: “Đừng thấy đỏ mà tưởng là chín!”

 

Hoạt cảnh lấy phiếu tín nhiệm: “Đừng thấy đỏ mà tưởng là chín!”

Blog RFA

Gió Bấc

19-5-2023

Báo chí Việt Ngữ Hải ngoại theo dõi khá sát sao diễn biến Hội nghị Trung ương 7, dự đoán, bình luận tập trung vào việc Phạm Minh Chính còn tại vị hay sẽ rớt đài. Nơi dẫn ý kiến chuyên gia, nơi có nguồn tin riêng, nơi quan sát thông tin, hình ảnh từ báo chí trong nước tinh tế đến từng ngón tay của Thủ Chính và Tổng Trọng. Nhưng như Tổng Trọng đã lửng lơ nhắc nhở trong phát biểu kết luận hội nghị “Đừng thấy đỏ mà tưởng là chín!”.

Thông tin báo chí lề phải về hội nghị này cũng như các hội nghị khác của đảng đều dài thườn thượt nói như dân gian là dài như… nhưng toàn là chữ nghĩa sáo rỗng, kể lể đầu việc mà chẳng có nội dung. Lần này Tổng Trọng lại học đâu ra cách nói bí ẩn cầu kỳ mà người đọc hóm hỉnh có thể nghĩ tếu táo kiểu Hồ Xuân Hương. Công tác Cán bộ lãnh đạo quốc gia mà lại “có vào, có ra, có lên, có xuống” (1).

Ai vào, ai ra, ai lên, ai xuống? Để hiểu được số phận Phạm Minh Chính ra sao, hậu trường chính trị của màn lấy phiếu tín nhiệm này là gì, phải vận dụng bí kíp tư duy của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu “Đừng nghe những gì cộng sản nói, hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm!”

Nếu so sánh với hình ảnh uất ức đến gần như “đẫm lệ” của cuộc lấy phiếu tín nhiệm lần đầu tiên không hạ bệ được “đồng chí X” thì những hình ảnh “tình thương mến thương” trong phiên bế mạc cho thấy, hội nghị đã thành công theo ý muốn của Tổng Trọng và có người phải “Người ngoài cười nụ, người trong khóc thầm”.

Hội nghị Trung ương 7 chỉ là phân cảnh trong hoạt cảnh nhiều màn lấy phiếu tín nhiệm. Phạm Minh Chính chỉ là một quân cờ trong việc sắp xếp lại bàn cờ tứ trụ, Ban Bí Thư, Bộ Chính Trị nửa nhiệm kỳ còn lại khóa này và cho cả khóa mới.

Có ý kiến cho rằng, thông tin tháng 5 này Phạm Minh Chính sẽ đi dự hội nghị G7 ở Nhật, cho thấy, ông Thủ có thể trụ hạng, tứ trụ sẽ không thay đổi trong thời gian tới. Nhớ lại tháng 12-2022, Chủ Tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đầu tháng đi Hàn Quốc, cuối tháng đi Indonesia đều hoành tráng long trọng theo nghi lễ cấp nhà nước, nhưng chỉ hơn 10 ngày sau đã từ chức, thành “người tử tế”. Việc Phạm Minh Chính dự hội nghị G7 chỉ là ngồi ghế chầu rìa thì đâu có là cái đinh rỉ gì!

Gần đây, Phạm Minh Chính xuất hiện trên báo chí rất thưa thớt với những công việc, sự vụ, chứ không còn phải “ướt đẫm mồ hôi” đi kiểm tra hay hoành tráng làm việc trực tuyến với cán bộ xã, phường, cũng thiếu hẳn tự tin dõng dạc “sòng phẳng, mẹ nó, sợ gì!” như lần đi Mỹ.

Điều vi diệu của quy định 96 về lấy phiếu tín nhiệm lần này là mở ra những ngưỡng phiếu tín nhiệm khá cụ thể và cách sử dụng kết quả rất rộng rãi và uy lực, quyền lực cấp trên mạnh mẽ hơn trước.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm có thể là điều kiện để cấp trên quy hoạch, bố trí nâng chức, hạ chức, cho từ chức ai đó mà không nhất thiết phải đưa ra bầu bán, bỏ phiếu trong BCH TƯ như trước đây.

Quy định 96 nêu rõ kết quả phiếu tín nhiệm được sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, miễn nhiệm và thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ.

Những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn.

Xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức hoặc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm theo quy định.

Những trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì cấp có thẩm quyền quản lý cán bộ thực hiện miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm”.

Từng thất bại hai lần trước BCH TƯ trong lấy phiếu tín nhiệm với “đồng chí X” và đưa Vương Đình Huệ và Nguyễn Bá Thanh vào BCT, Tổng Trọng hẳn rút nhiều kinh nghiệm và thấm nhuần bài học nghe đâu rằng của Lê Nin là “điều quan trọng không phải người bỏ phiếu mà là người kiểm phiếu”. Gần đây Tổng Trọng đã có trong tay cả người bỏ phiếu lẫn người kiểm phiếu nên ai ra, ai vào, ai xuống, ai lên, không thể nào chệch ý “theo đúng tinh thần “Tiền hô hậu ủng”, “Nhất hô bá ứng”, “Trên dưới đồng lòng”, “Dọc ngang thông suốt”.” (1)

Hơn thế nữa, ngoài vòng tuyển trạch của đảng, sợi dây 96 còn có thêm một vòng thứ hai của quốc hội “Đối với người được lấy phiếu tín nhiệm ở hai nơi thì việc đánh giá tín nhiệm đối với cán bộ sẽ do cấp có thẩm quyền quyết định trên cơ sở xem xét tổng thể kết quả phiếu tín nhiệm ở từng nơi” (2).

Tổng Trọng đã khởi động bộ máy chuẩn bị và có lộ trình cho vòng thứ hai. Sáng 11/5, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 23, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 85/2014/QH13 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn (3).

Nghị Quyết này vận dụng theo tinh thần của Quy định 95 được đánh giá cao và sẽ thông qua tại kỳ họp thứ 7 Quốc Hội sắp tới và sẽ đưa vào thực hiện tại kỳ họp kế tiếp.

Với những quy định chặt chẽ và sự chuẩn bị “rất nghiêm túc, chu đáo, bài bản, cầu thị và có tính tự phê bình sâu sắc”. Việc xem xét, cho ý kiến diễn ra “trong không khí thẳng thắn, chân tình, trách nhiệm cao” như vậy Tổng Trọng đã có toàn quyền sắp những quân cờ chiến lược theo ý của mình mà không còn gì phải lăn tăn.

Có ý kiến cho rằng, có thể có những quân bài bướng bỉnh muốn lật ngược tình thế như hiện đang có đơn tố cáo Vương Đình Huệ và Lê Minh Hưng liên quan đến ngân hàng SCB và các bê bối tài chính tín dụng đang lưu truyền trên mạng. Không lo, kết luận diễn văn bế mạc kỳ họp Tổng Trọng đã nhấn mạnh phải “hết sức tránh tình trạng ‘Chân mình còn lấm bê bê; Lại cầm bó đuốc đi rê chân người’!” (4).

Số phận Phạm Minh Chính rồi sẽ ra sao? Đỏ đến mức nào thì mới chín? Chỉ có Tổng Trọng mới có thể trả lời! Vấn đề là không riêng Phạm Minh Chính, mà cả Võ Văn Thưởng, Tô Lâm, cả Vương Đình Huệ, nếu không muốn xuống, không muốn ra thì đừng làm đối thủ tiềm năng tranh chức Tổng Bí Thư. Nguyễn Xuân Phúc ra rìa không phải vì vợ là trùm cuối Việt Á, không phải vì chịu trách nhiệm các sai phạm của chính phủ, tất cả chỉ là cái cớ.

Đã vào tới BCT chẳng có bàn tay nào sạch cả. Phúc phải ra đi vì lộ bài quá sớm.

1- https://vnexpress.net/xay-dung-quy-hoach-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-nhiem-ky-moi-4606449.html

2- https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-nguyen-phu-trong-be-mac-hoi-nghi-trung-uong-giua-nhiem-ky-119230518073335517.htm

3- https://tuoitre.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-se-lay-phieu-tin-nhiem-cac-chuc-danh-nao-20230515102000119.htm

4- https://quochoi.vn/tintuc/Pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?ItemID=75698

5- https://vnexpress.net/xay-dung-quy-hoach-bo-chinh-tri-ban-bi-thu-nhiem-ky-moi-4606449.html

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét