Tôi tiếp tục cảnh báo!
Tạ Duy Anh
16-5-2023
Suốt hàng nửa tháng nay, các báo lớn trên thế giới (Tạm chỉ tính bản tiếng Việt) đều đưa tin các tàu khảo sát của Trung Quốc, được hàng chục tàu “dân sự” bao bọc, liên tiếp áp sát và đi vào khu vực có các công trình khai thác, thăm dò dầu khí hợp tác giữa Nga và Việt Nam đang hoạt động.
Sự lấn lướt táo bạo này là rất bất thường.
Trung Quốc có vẻ muốn chơi canh bạc cuối: Lợi dụng sai lầm chết người của Putin ở Ucraina, ép Nga nhượng bộ nốt về vấn đề quyền tài phán ở biển Đông (sau khi thành công trong việc ép Tây Ban Nha, Ấn Độ và một vài quốc gia khác…). Giả dụ, rồi đây, mỗi khi muốn hợp tác với Việt Nam tại những vùng nằm trong “đường lưỡi bò”, các công ty dầu khí của Chính phủ Nga làm thêm động tác là “xin phép” Trung Quốc. Người Nga có thể thanh minh với phía Việt Nam rằng Trung Quốc không hề gây khó dễ và làm thế cũng chả mất gì!
Tình huống nguy hiểm này thoạt đầu có thể chỉ mang tính biểu tượng. Nhưng nếu chuyện đó xảy ra, Việt Nam rõ ràng bị đặt vào vị thế là bên bị tổn thương nghiêm trọng mà không làm gì được, ngoại trừ việc chủ động chấm dứt hợp tác với Nga!
Liệu Trung Quốc còn mong muốn gì hơn với cái bẫy mà họ giăng ra?
Tuy nhiên, điều tệ hại hơn lại là chuyện đó hình như chẳng mấy được quan tâm ở Việt Nam, có thể do người dân không có thông tin. Báo chí chính thống chưa có lệnh trên nên né tránh không nói đến. Dân chúng thì còn đang ngây ngất với mớ huy chương vàng SEA games; các quan chức thì lo thân, lo “học đạo đức” để giữ ghế và tìm cách bảo toàn tài sản vơ vét được; các trí thức thì đang còn bận tâm vụ trục trặc giữa cái hội đồng hương nào đó với cô ca sỹ nào đó. Lạ một điều, cái việc cỏn con vô thưởng vô phạt vô duyên ấy, lại có thể thu hút nhiều trí tuệ đến thế?
Trong chuyên luận “Sống với Trung Quốc”, cách đây 10 năm, tôi đã cảnh báo:
“Họ (Trung Quốc) sẽ tìm cách theo kiểu cố đấm ăn xôi để chiếm đoạt của Việt Nam (chủ yếu của VN), Philippines… và vài nước khác một số thực thể ở biển Đông rồi mới “gương mẫu” thúc giục ASEAN ký kết COC – thỏa thuận đang bị họ lảng tránh, câu giờ – trên cơ sở tôn trọng hiện trạng mới do họ tạo ra! Khi đó chính họ sẽ là người bám vào COC nhiều nhất trước khi nó hết tác dụng và bị chính họ xé bỏ để giở những trò tiếp theo”.
Đừng mơ có COC khi “người bạn 4 tốt” chưa có thêm lãnh thổ của láng giềng!
Có thể chẳng ai nghe những gì tôi vừa nói và nhắc lại ngoài sự cười cợt, nhưng tôi cứ phải hành động theo bổn phận.
T.D.A.
Nguồn: FB Lao Ta
Đọc thêm:
Tàu Việt Nam, Trung Quốc đối đầu ở Biển Đông; Philippines thả phao đánh dấu lãnh thổ
15/05/2023
VOA Tiếng Việt
Tàu hải cảnh Trung Quốc (trên) và tàu Cảnh sát biển Việt Nam trong vụ đụng độ vào tháng 5 năm 2014 khi Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương 981 vào khu vực gần quần đảo Hoàng Sa, nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền.
Báo South China Morning Post (SCMP) dẫn các nguồn tin trên mạng xã hội hôm 14/5 cho rằng cuộc đối đầu mới nhất giữa các tàu Việt Nam và Trung Quốc trong khu vực tranh chấp trên Biển Đông là do Hà Nội cố gắng mở rộng hoạt động khoan dầu trong khu vực.
Ngược lại, Dự án Đại sự ký Biển Đông hôm 15/5 kêu gọi mọi người "hãy thận trọng đừng để sập bẫy chiến tranh thông tin của Trung Quốc”.
Nhà chức trách Việt Nam chưa đưa ra quan điểm chính thức về vấn đề nêu trên, theo quan sát của VOA.
Tài khoản mạng xã hội Trung Quốc South China Sea Wave, một tài khoản chuyên về các báo cáo quân sự và nghiên cứu về khu vực, trong một bài đăng trênWeChat hôm 14/5 nói có hơn chục tàu đã tham gia vào vụ chạm trán, được cho là bắt nguồn từ một thông báo nội bộ trong chính quyền Việt Nam rằng sẽ mở rộng chương trình khoan tại Lô 05-1A gần Bãi Tư Chính trong tháng này.
Tài khoản này nói rằng chương trình mở rộng (nếu có) sẽ vi phạm Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông.
Tuyên bố mà Trung Quốc và các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã ký năm 2002 khẳng định quyền tự do hàng hải và hàng không, giải quyết hòa bình các tranh chấp và kêu gọi các bên tự kiềm chế.
Cho tới nay, cả hai nước đều chưa xác nhận các cuộc chạm trán. Điều này cho thấy cả hai bên đang cố gắng tránh leo thang hơn nữa, theo nhận định của SCMP.
Tài khoản South China Sea Wave cho biết thông báo của Việt Nam đã khiến Bắc Kinh triển khai tàu nghiên cứu Xiang Yang Hong (Hướng Dương Hồng) 10 đến khu vực, được hộ tống bởi 2 tàu hải cảnh Trung Quốc và ít nhất 7 tàu đánh cá từ các tỉnh Quảng Đông và Hải Nam của nước này. Việt Nam phản ứng bằng cách triển khai 7 tàu.
Bãi Tư Chính do Hà Nội kiểm soát, thuộc quần đảo Trường Sa, nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Đây là nơi diễn ra cuộc đối đầu trước đó giữa hai bên vào năm 2019. Tuy nhiên, khu vực này cũng nằm trong “đường chín đoạn” mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền.
Nhà báo tự do Đặng Sơn Duân chuyên đưa tin về các vấn đề Biển Đông viết trên Twitter dẫn nguồn tin từ các nhà chức trách Việt Nam cho biết chiến dịch khoan mở rộng tại Lô 05-1A bắt đầu vào tháng 5 này, và đội tàu Trung Quốc đã tiếp cận giếng dầu DGN-4X vào ngày 10/5 sau khi một giàn khoan được kéo tới đó.
“Hành động khiêu khích này dường như nhằm gây sức ép buộc Việt Nam dừng chiến dịch khoan mới ở Lô 05-1A”, nhà báo người Việt viết.
Trên internet xuất hiện các ảnh chụp màn hình của hệ thống nhận dạng tự động hàng hải, theo dõi các tàu thuyền, cho thấy các tàu nối đuôi nhau và cố gắng cắt nhau trong khi vẫn giữ khoảng cách an toàn. VOA không thể kiểm chứng các hình ảnh này.
Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu, một sáng kiến của Đại học Stanford nghiên cứu chiến lược của Trung Quốc ở Biển Đông, cho biết các tàu Trung Quốc đã di chuyển về phía đông qua mỏ dầu của Việt Nam, với một tàu cảnh sát biển cố gắng “hai lần đột ngột cắt ngang” một tàu cảnh sát biển Việt Nam.
Hôm 15/5, nhóm có tôn chỉ “cung cấp tư liệu và một bức tranh tổng thể về diễn tiến tranh chấp Biển Đông” mang tên Dự án Đại sự ký Biển Đông đăng thông điệp trên Facebook nói rằng kế hoạch thăm dò mở rộng lô 05-1A cũng như kế hoạch phát triển mỏ Đại Hùng “không phải là thông tin gì nội bộ mới gần đây” như tờ báo có trụ sở ở Hong Kong đưa tin và gây ấn tượng Việt Nam làm điều gì đó lén lút.
“Đây đã là thông tin được đăng tải công khai và được biết đến rộng rãi từ năm ngoái”, theo Dự án Đại sự ký Biển Đông.
Nhóm này cho rằng “hoạt động dầu khí bình thường của Việt Nam ở mỏ Đại Hùng, nếu có chút vai trò nào, thì chỉ đóng vai trò như một cái cớ cho Trung Quốc triển khai hoạt động khảo sát trên vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam”.
Vẫn Dự án Đại sự ký Biển Đông chỉ ra rằng đây cũng không phải lần đầu tiên những tờ báo dẫn nguồn từ Trung Quốc “đưa những thông tin có xu hướng làm nhẹ tính nghiêm trọng của việc tàu Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác hay đổ lỗi cho phía Việt Nam là bên kích động”.
Giữa lúc Việt Nam và Trung Quốc có căng thẳng mới, Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines (PCG) đã đặt 5 chiếc phao mang quốc kỳ của họ trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này nhằm “nêu bật quyết tâm kiên định của Philippines trong việc bảo vệ biên giới và tài nguyên trên biển của mình, đồng thời góp phần đảm bảo an toàn cho thương mại hàng hải”, AFP dẫn lời Phó Đề đốc Jay Tarriela, phát ngôn viên của Lực lượng Tuần duyên và cố vấn về an ninh hàng hải Philippines, cho biết trên Twitter.
Các nhà chức trách Philippines đã cố định các phao này từ ngày 10-12/5 tại 5 địa điểm trong khu vực 200 dặm, bao gồm Đá Ba Đầu, nơi hàng trăm tàu hải cảnh Trung Quốc được phát hiện vào năm 2021.
Trong một cuộc phỏng vấn với hãng tin GMA News của Philippines, Phó Đô đốc Lực lượng Tuần duyên Philippines, Joseph Coyme, cho biết Philippines sẽ trình kháng thư nếu quốc gia nước ngoài nào cố gắng phá bỏ bất kỳ chiếc nào trong số những phao của họ.
Ông Coyme cho biết thêm họ sẽ lắp đặt 6 phao nữa trong năm nay để liên tục khẳng định chủ quyền của mình.
Philippines trước đó đã lắp đặt các phao tại 4 hòn đảo của họ ở Biển Đông vào năm ngoái, bao gồm: Lawak (Vĩnh Viễn), Likas (Bến Lạc), Parola (Song Tử Đông) và Pag-asa (Thị Tứ).
Nguồn: VOA Tiếng Việt
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét