Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

Về những điều đau đớn và sỉ nhục của báo chí

Về những điều đau đớn và sỉ nhục của báo chí

4-10-2019
Sau khi báo Phụ Nữ TP.HCM khởi đăng loạt bài về “nghi vấn sai phạm” của Sun Group tại các dự án ở Tam Đảo và Bà Nà, một số nhà báo đã ngay lập tức vạch ra những thiếu sót về nghiệp vụ của loạt bài. Không kể những người lên tiếng (có thể) vì động cơ vụ lợi đằng sau, cá nhân tôi được biết có những nhà báo kỳ cựu lên tiếng phê bình về nghiệp vụ đơn thuần là vì nghiệp vụ, vì trăn trở với nghề chứ không vì bất cứ điều gì khác.
Tuy nhiên, kể cả khi chỉ lên tiếng vì nghiệp vụ, vì trăn trở với nghề thì theo tôi trong trường hợp này cũng không thỏa đáng.
Nghiệp vụ có phải là thứ đáng được đặt ra bây giờ và trong vụ việc này hay không?
KHÔNG.
Vấn đề đáng được đặt ra hơn là từ bao giờ các doanh nghiệp như Sun Group, Vingroup… đương nhiên được coi là “vùng cấm”, miễn trừ “chịu chỉ trích” của báo chí, truyền thông?
Vấn đề đáng được đặt ra hơn là tại sao cho đến nay, với bao nhiêu nghi vấn về sai phạm của các tập đoàn lớn trên khắp cả nước, mà mới chỉ có báo Phụ Nữ TP.HCM dám làm loạt bài nặng ký nhắm thẳng vào những doanh nghiệp, như loạt bài về Sun Group vừa rồi?
Vấn đề đáng được đặt ra là tại sao đến giờ, ngay cả sau khi loạt bài của báo Phụ Nữ TP.HCM được tung ra, gây xôn xao dư luận với hàng loạt câu hỏi nhức nhối được đặt ra, vậy mà suốt mấy tuần qua, hàng trăm tờ báo lớn nhỏ khác vẫn đồng loạt lặng thinh, im tiếng? (Vì “hợp đồng truyền thông” (có điều kiện) ư? Các anh chị nhà báo, chẳng nhẽ các anh chị lại dễ dàng chấp nhận cái gọi là “hợp đồng truyền thông” đến thế sao? Các anh chị không thấy nó là sự phản bội với độc giả, là sự sỉ nhục với nghề báo của chúng ta hay sao?)
Vấn đề đáng được đặt ra hơn là tại sao, đến giờ này, khi hàng loạt các câu hỏi, hàng loạt nghi vấn nghiêm trọng về vụ việc đã được báo Phụ Nữ TP.HCM và công luận đặt ra, mà các cơ quan hữu trách của nhà nước vẫn một mực im hơi lặng tiếng?
Các anh chị nhà báo, các anh chị không thấy đó là những sự bất thường sao?
Các anh chị không thấy đó mới là những vấn đề chính yếu phải đặt ra trong vụ việc này chứ không phải là vấn đề nghiệp vụ, một vấn đề mà đáng ra chỉ nên nói trong một nhóm nhỏ, một tòa soạn hay một lớp học nghiệp vụ, chứ không phải mang ra công luận để công khai mổ xẻ.
Thưa các anh chị, trong khi chúng ta ngồi phân tích mổ xẻ về nghiệp vụ thì báo Phụ Nữ TP.HCM và cá nhân nhà báo Thu Trang vẫn đang phải hàng ngày hàng giờ gồng mình hứng chịu “đòn thù” từ đủ các thế lực, trong số đó có cả những đòn bẩn “đánh dưới thắt lưng”.
Tôi tin là các anh chị đều biết rõ điều này.
Chẳng nhẽ các anh chị dễ dàng chấp sự đó là đương nhiên? Chẳng nhẽ các anh chị không thấy cần phải lên tiếng bảo vệ cho đồng nghiệp, cho nghề nghiệp của mình? Chẳng nhẽ các anh chị không thấy đó là sự đau đớn, là nỗi xót xa cho thân phận nhà báo, nghề báo của chúng ta hay sao?
Thay vì đòi hỏi sự độc lập – tự do cho nghề báo, nhà báo các anh chị lại dễ dàng chấp nhận chui đầu vào vòng kim cô của các thế lực cường quyền và cường tiền đến thế sao?
Các anh chị có thể chỉ dạy cho thế hệ nhà báo đàn em những kỹ năng nghiệp vụ tốt, nhưng những kỹ năng nghiệp vụ tốt đó để làm gì, nếu các anh chị chưa chỉ cho họ thấy chiếc vòng kim cô cần phải gỡ bỏ trên đầu.
Cuối cùng, nghiệp vụ có phải là thứ khuyết thiếu lớn nhất của nền báo chí chúng ta hiện nay hay không?
KHÔNG.
Thứ khuyết thiếu lớn nhất của nền báo chí chúng ta hiện nay, thưa các anh chị, là THIẾU TỰ DO.
P/S: Khi viết bài này, điều tôi băn khoăn nhất là có thể mạo phạm đến một người anh, một người đồng nghiệp mà tôi yêu quý, kính trọng. Mặc dù đã chuyển bài cho anh đọc và xin phép trước khi đăng, nhưng tôi vẫn cảm thấy ít nhiều áy náy. Một lần nữa, nếu có điều gì mạo phạm, mong anh lượng thứ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét