Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Năm, 31 tháng 10, 2019

Vì sao cần biết ơn người phản biện?

Vì sao cần biết ơn người phản biện?

29-10-2019
Tôi nhớ có hai sự kiện mình tư vấn tâm lý thú vị và có kết quả.
Chuyện 1: Từ những năm 1980. Ngày ấy thỉnh thoảng “Chị Thanh Tâm” báo Phụ nữ Việt Nam, hay mục “Tâm tình” của báo Phụ nữ Hà Nội gửi cho mình mấy cái thư để trả lời.
Trong đó có thư của một Cựu chiến binh tâm sự: Vợ anh rất đảm đang mọi việc, người cũng “mỏng mày, hay hạt”; trong khi anh ra trận, chị ở nhà cáng đáng mọi việc, chăm sóc bố mẹ già yếu, nuôi hai con thơ … anh rất trân trọng và biết ơn công lao của vợ… Nhưng mỗi khi vợ anh “nổi cơn tam bành” thì chửi bới tục bậy, kể lể hàng giờ. Cha mẹ anh rất buồn phiền, bảo anh không biết dạy vợ, “dâu dữ mất họ, chó dữ mất láng giềng”… Nhưng mỗi khi vợ anh “nổi cơn” mà anh càng “dạy”, càng khuyên can, càng như đổ thêm dầu vào lửa!…
Anh gặp mình, tâm sự rất nhiều, khổ tâm và bất lực… Mình hỏi, ngoài những lúc “tam bành”, tình cảm vợ chồng có thắm thiết không?
– Vợ em tình cảm với chồng hết ý anh ạ… Lúc bình thường cũng bông đùa với chồng con, vui vẻ lắm…
– Vậy thì tốt rồi. Anh có Cassette ghi âm không?
– Có. Em ra quân, từ Sài gòn về có đem một cái tốt lắm, vẫn ghi âm trẻ con hát rồi mở cho cả nhà nghe đấy…
– Vậy hay quá. Lúc nào vợ anh “nổi cơn tam bành”, anh cứ chọc cho cô ấy càng chửi rủa tục tĩu, càng la hét dữ dội, càng lâu càng tốt… và anh bí mật ghi âm hết lại. Sau đó nhớ sao ra mấy băng cất giấu cẩn thận. Rồi lúc nào đêm tĩnh mịch, vợ chồng tình cảm nhất, anh mở cho cô ấy nghe và hỏi “đây có phải là vợ anh không”? Ôm giữ lấy cô ấy để cô ấy nghe cho hết, đừng để cố ấy đập Cassette… Rồi sau đó tùy cơ ứng biến. Tình huống 1 sẽ…; tình huống 2, sẽ…
Sau chừng hơn hai tháng, anh viết thư ra, nói, lúc đầu vợ em phản ứng dữ lắm, bảo chồng phản bội, gián điệp… đe quẳng Cassette xuống ao… Nhưng em cứ theo bài, khi nào vợ vui vẻ, tình cảm em lại bảo, mở băng Cassette nghe cho vui em nhé… thế là vợ em lại đấm em thùm thụp. Có hôm em bảo sẽ gửi cho Hội Phụ nữ một băng để “nhân điển hình” và hôm nào họp xóm sẽ mở cho cả xóm nghe thay cho văn nghệ… Cô ấy bảo, giở trò ấy ra, sẽ không vợ chồng gì nữa, bêu xấu vợ thì đẹp mặt chồng à?… Chứng tỏ cô ấy rất sợ, chứ không bất cần như trước nữa. Từ đó vợ em bớt nhiều lắm. Có hôm gần đây, cô ấy vừa “nổi cơn”, bắt đầu quát tháo, em bảo, chờ tí, để tớ lấy máy ghi âm đã… Thế là vợ em chạy đuổi theo, túm lấy em đấm một trận, quên cả chửi bới.
Mình rất vui thích, vì tư vấn được một “ca”, tạm gọi thành công. Chuyện này đã viết, hình như tên bài là “Cảm ơn chiếc Cassette”, đăng trên báo Phụ nữ Hà Nội từ ngày ấy.
Chuyện 2, mới gần đây. Người mẹ trẻ bảo, con trai cháu mới 4 tuổi mà “Chí phèo” lắm, không biết làm sao được nữa! Cứ cái gì trái ý là bực tức la hét, có khi lăn ra sàn giãy giụa loạn xạ, la hét ầm ĩ. Ở lớp Mẫu giáo cũng vậy, nhưng đỡ hơn, vì sợ các bạn cười, cũng biết xấu hổ, nhưng ở nhà thì quá lắm, chỉ có hai mẹ con nên càng tinh tướng…
– Thế này nhé, mỗi khi nó lăn đùng, giãy giụa, la hét, càng Chí phèo càng tốt, mẹ không nói gì hết, cứ thản nhiên lấy điện thoại ghi hình lại… rồi lặng lẽ bỏ đi. Lúc nào thật bình tĩnh, vui vẻ cho nó xem, và hỏi: đứa nào đây nhỉ? Chả lẽ con mẹ lại thế này á? Thử vài lần xem sao…
Mấy tuần sau, người mẹ trẻ bảo, buồn cười lắm, bác ạ. Ngay lúc nó đang giãy giụa, la hét, mẹ không lo lắng, quan tâm, dỗ dành như mọi khi, mà bình thản ngồi xem rồi ghi hình, tự nhiên nó tò mò, ngạc nhiên và im bặt… Thế rồi lúc vui vẻ cho nó xem, nó ngượng lắm, bảo, mẹ xóa đi! Cháu bảo, đây mẹ xóa nhé, nhưng nếu con lại như thế, mẹ sẽ lại ghi đấy… Nó có vẻ đã nhận ra, ăn vạ như vậy là “xấu”…
Hai mẩu chuyện trên, chính là “PHẢN BIỆN” đấy. Phản biện có nhiều cấp độ: Phản biện một học thuyết, một đề tài khoa học, một chủ trương, chính sách, một cách sống… Phản biện cũng có đánh giá mặt tốt, nhưng chủ yếu chỉ ra những cái chưa được, một cách có lý lẽ, và gợi ra những khả năng có thể cải thiện cho tốt hơn.
Trong hai mẩu chuyện trên, phản biện bằng lý lẽ đã thất bại, nên phải dùng trực quan sinh động, cụ thể hóa, khách quan hóa cái sai, cái xấu của chủ thể ra bên ngoài bản thân họ, để họ có thể quan sát thấy.
Ở hai mẩu chuyện này, khi được cảm ơn, mình đều nói: “Cảm ơn cái Cassette”, “Cảm ơn cái iPhone”! Vì nhờ hai công cụ ghi âm, ghi hình ấy, mà KHÁCH QUAN HÓA, cụ thể hóa được cái sai, cái xấu của của chủ thể VÔ MINH ra bên ngoài, để cô vợ và cháu bé kia thấy rõ được mình như một đối tượng khác; tức là tự nhận thức rõ bản thân mình một cách trực quan, sinh động…
Từ đó biết tự điều chỉnh nhận thức, thái độ, hành vị của bản thân… Tất nhiên là còn nhiều khó khăn, nhưng nhờ “phản biện” mà “phản tỉnh”, mở ra khả năng thay đổi theo chiều hướng tốt hơn.
Sự thực là khi chủ thể bị khách quan hóa, cụ thể hóa, phơi bày những cái sai, cái xấu ra, để tự nhận thức lại mình là điều rất khó khăn, nhiều khi đau đớn lắm, nhất là nó liên quan đến sĩ diện, đến địa vị, quyền lợi sống còn cá nhân hay phe nhóm…
Cho nên dân ta nói, “Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng”; “YÊU cho roi, cho vọt, GHÉT cho ngọt cho bùi”. “Thuốc đắng”, “Roi, Vọt” là phản biện, phê phán đấy, đau đấy, nhưng là “Yêu” đấy… Còn “Ngọt, Bùi” là nịnh bợ, mua chuộc, khen đểu để càng tiếp tục…ngã chấp, vô minh…
Từ hơn 2.000 năm trước, Tuân Tử đã đưa ra một chân lý: “Người chê ta mà chê phải là thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn ta, những kẻ vuốt ve, nịnh bợ ta chính là kẻ thù của ta vậy”.
Vì thế những người tử tế, là người biết ơn những kẻ phản biện mình, dẫu làm mình đắng cay, đau đớn đi nữa. Tiếc rằng không phải ai cũng hiểu và thực hiện được điều này.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét