VTV quảng cáo bịp và đấu tố chính trị
Nguyễn khắc Mai
25-10-2019
Tôi viết như thế vì tôi ngờ rằng có sự tương đồng nào đó giữa hai câu chuyện.
Cứ 19 giờ thế nào tôi cũng mở đài xem chương trình thời sự trên VTV1. Sau đó về phòng riêng xem vài đoạn phim Ấn Độ rồi đi ngủ.
Khi xem thời sự, tôi chú ý đến màn đấu tố chính trị mang tên “Bệnh công thần”. Tôi gọi là đấu tố chính trị, vì người biên tập, dẫn chương trình không hiểu thế nào là bệnh công thần. Anh ta so sánh hành vi của một ông tướng nào đó mắng mỏ cảnh sát giao thông, với thái độ lên án Trung Cộng xâm chiếm biển đảo, gây hấn ở bãi Tư chính của Giáo sư Chu Hảo và tướng Lê Mã Lương tại cuộc Tọa đàm khoa học: Bãi Tư Chính và Luật Pháp Quốc Tế, vừa được tổ chức hôm 6-10-2019 tại Hà nội.
Chẳng những anh ta đưa thông tin sai, gây hiểu không đúng về bệnh công thần, anh ta lại mời đến trường quay những người đã già nua lại không có mặt ở cuộc tọa đàm để lên lớp về bệnh công thần, không hề liên quan gì đến hành vi của hai ông Hảo và Lương ở cuộc tọa đàm.
Tôi là người có mặt ở cuộc tọa đàm từ đầu đến cuối. Ý kiến đáng chú ý nhất của anh Hảo là, một vài người bạn Mỹ mà anh gặp, nói rõ rằng Mỹ rất muốn ủng hộ Việt Nam, nhưng cũng muốn VN phải tỏ rõ thái độ của mình.
Tôi cho rằng, đó là những thông tin rất quý mà ngay cả những nhà tình báo chiến lược cũng mong có được, để tâu cho lãnh đạo biết mà suy lường. Tôi là một người dân thường có ý thức về Quyền Dân tức là quyền làm chủ Đất nước, tôi đánh giá cao cái thông tin đó của anh Hảo. Nếu tôi là Trọng, Phúc hay Minh, tôi sẽ mời Hảo đến, trước hết là cảm ơn, sau đó lắng nghe kỹ những thông tin về Mỹ mà anh Hảo có được.
Việc phê phán vô trách nhiệm của VTV trong bản tin ấy là đã nối giáo cho giặc, khi dội gáo nước lạnh vào tinh thần yêu nước đang cần được đánh thức. Còn về ý kiến của tướng Lương, thì sốc nhất là thông tin, nhiều tướng lĩnh kém về năng lục quân sự, có người không biết đọc bản đồ, có người không biết bắn súng, họ chỉ có nhiều tiền. Việc họ có nhiều tiền thì không cãi được. Riêng chuyện hai ông gì đó kém kỹ năng quân sự nào đó, thì họ phải lên tiếng, chứng minh cải chính được thì tướng Lương phải xin lỗi, mắc mớ gì khi đương sự chưa có ý gì, mà nhà đài đã đem ra phê phán, lại còn gán ghép tội lỗi, chẳng khác gì đấu tố thời cải cách ruộng đất.
Trong một nhà nước pháp quyền dẫu là pháp quyền tưởng tượng XHCN, mọi cơ quan thông tin phải biết đặt mình trong pháp luật và đạo đức. Tôi tin rằng xã hội Việt Nam ngày nay không ai cho phép bất cứ một ai được tùy tiện phê phán đấu tố như trước đây. Mà cũng đúng thật, họ mời tới trường quay những người chỉ nghe hơi nồi chỏ, chẳng có mặt ở cuộc tọa đàm. Thật là xấu hổ khi tôi thấy có người tôi đã từng quen biết.
Bây giờ nói quảng cáo bịp. Buổi tối sau khi xem thời sự, tôi lại về phòng riêng nằm trên ghế sofa xem vài đoạn phim Ấn hay Hàn. Cứ sau một trường đoạn lại quảng cáo. Tức anh ách cái quảng cáo bịp. Họ dùng hai túm tóc, cố nhiên là tóc rụng (hay cắt). Vậy là đem thứ tóc chết để thí nghiệm dầu xả Dove, rồi xưng xưng nói dầu xả Dove đã phục hồi tóc. Tóc chết thì có đổ cả thúng các vitamin cũng chỉ là dê kêu.
Người thiết kế quảng cáo, người chủ đăng quảng cáo, nhất là nhà đài vừa dốt vừa tham, miễn là có tiền, bất chấp đúng sai! Tôi gọi đó là quảng cáo tam ngu. Ngu thứ nhất của người thiết kế, ngu thứ hai của nhà quảng cáo và ngu thứ ba của nhà đài. Bên Tàu họ có câu tam ngu thành hiền. Ở đây tam ngu thành bịp!
***
Nói về bệnh công thần, thì bản chất của nó là những kẻ có chút công lao nào đó, tìm cách chiếm quyền, từ dó khuynh đảo chính quyền, kết bè cánh chiếm đoạt lợi ích bất chính. Hai ông Lương Hảo, trong cuộc Tọa đàm họ chỉ có lương thiện và hảo tâm, không hề có ý gì muốn kể công để kiếm chút lợi quyền. Nhưng kể về những thông tin của họ đưa ra thì phải nói là họ có công chứ. Chính TBT cũng phải tuyên bố “quyết chiến quyết thắng” mà!
Phải nhận rằng cái anh biên tập và dẫn chương trình “Bệnh Công Thần” và Ban Biên tập VTV đã có hành động “quân hồi vô phèng”, làm bỉ mặt Tổng bí thư, Thủ tướng và cả Chủ tịch Quốc hội, vì làm cho xã hội vẫn nghĩ rằng họ nói zậy mà không phải zậy! Xét theo án lệ ngày xưa thì tội ấy phải bị đánh hèo giữa công đường, mà còn phải thích vào trán mấy chữ “quân phá đám”, và đày biệt xứ. Trước đây bên Tàu họ thường đày xuống phương nam. Bây giờ phải làm ngược lại, đày chúng về phương bắc bên Tàu.
Nếu công nhận cái định luận về bệnh công thần như tôi viết bên trên thì phải nhận rằng: Ban lãnh đạo các đời của Đảng là những kẻ mắc bênh công thần lớn nhất. Vì chính họ, nhờ công lao của cả Dân tộc, của cả toàn đảng, toàn quân mới giành được Độc lập, Thống nhất. Nhưng khi cho rằng mình có công, họ đã gạt Dân ra một bên, chiếm lầy quyền hành, thực hiện luôn câu hát “Bao nhiêu lợi ích đều qua tay mình”, tha hồ vơ vét, “ăn không chừa thứ gì”, biến thành “một bầy sâu”, tha hồ dùng chức quyền chiếm được để cậy công toàn trị, tham nhũng toàn tập.
Vừa rồi báo Tuổi Trẻ Sài Gòn có gởi ra cho tờ Tuổi Trẻ Cười, số ra ngày 15-10, ở trang 12 có chuyện Chạy Chức của tác giả Nguyễn Dung. Nội dung như sau:
Sếp ông nói với sếp bà:
– Hồi hôm bà ngủ, thấy gì mà cười to thế?
– Tui nằm mơ thấy ông bị bắt vì chạy chức!
– Trời đất, vậy mà còn cười được à?
– Sao không! Vì cái thằng bắt ông chạy chức, nó cũng chạy chức; rồi mấy thằng xử ông chạy chức, tụi nó cũng chạy chức luôn… Thành ra đâu có xử được gì, mắc cười quá!
Để kết thúc có hậu bài viết này, tôi xin kể với độc giả câu chuyện cười trên, để bớt mệt mỏi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét