Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Sáu, 25 tháng 10, 2019

Lại thêm một ngày mất tự do của một kiếp nô lệ cộng sản

Lại thêm một ngày mất tự do của một kiếp nô lệ cộng sản

Phạm Đình Trọng
25-10-2019
Sau một đêm mùa thu dịu dàng, trong sự thanh thản, phấn chấn muốn được làm việc, hoạt động cho một ngày mới được thể hiện mình, được xác nhận sự có mặt của mình trong cuộc đời, tôi xuống tầng hầm lấy xe máy đi sinh hoạt định kì câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng.
Vừa đụng đến chiếc xe máy, hai người trẻ quen mặt là an ninh nhà nước cộng sản xuất hiện, ngăn không cho tôi lấy xe đi. Đã nhiều năm nay nhà nước vẫn xưng xưng là nhà nước pháp quyền thường xuyên hành xử phi pháp, cho công cụ bạo lực nhà nước ngang ngược tước đoạt quyền tự do đi lại là quyền con người cơ bản của tôi.
Hai khuôn mặt trẻ, ngoài hai mươi tuổi, tuổi của cái đẹp, tuổi làm chủ kỉ nguyên văn minh tin học nhưng hai an ninh trẻ vẻ mặt cơng cơng thách thức, nói năng xấc xược của một tâm hồn không được đánh thức để hướng tới những giá trị thẩm mĩ. Ở hai an ninh trẻ chỉ thấy sự u mê, tăm tối, không thấy bóng dáng của giáo dục văn hóa, không thấy dấu ấn của sự hiểu biết mà văn minh tin học mang lại.
Anh sinh viên trẻ Lê Hiếu Đằng đã một thời lầm tưởng rằng những người cộng sản là yêu nước, lầm tưởng rằng cuộc nội chiến người Việt giết người Việt do những người cộng sản phát động là cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước vĩ đại. Sinh viên yêu nước Lê Hiếu Đằng đã tổ chức những cuộc xuống đường của tuổi trẻ Sài Gòn chống nhà nước hợp pháp Việt Nam Cộng Hòa. Tuổi trẻ Lê Hiếu Đằng đã rời bỏ học đường, rời bỏ trường đại học Luật Sài Gòn, vào rừng tham gia tổ chức cộng sản có tên Mặt trận Dân tộc Giải Phóng và Lê Hiếu Đằng đã phải nhận bản án tử hình vắng mặt của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa.
Chiến thắng trong cuộc nội chiến người Việt giết người Việt, những người cộng sản nắm quyền thống trị cả nước bằng một nhà nước độc tài, tước đoạt quyền làm chủ đất nước, quyền con người của người dân. Nhà nước cộng sản độc tài mặc sức tham nhũng quyền lực của dân cũng là nhà nước mặc sức tham nhũng của cải, tài sản của nước, đẩy đất nước vào trì trệ, lụn bại và yếu hèn, dìm người dân vào nghèo khổ vật chất và ngục tù tinh thần.
Thực tế đó đã thức tỉnh nhiều người lầm lạc trước đây. Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa, năm 1960 là thành viên sáng lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng, tổ chức cách mạng của những người cộng sản ở miền Nam và năm 1969 là bộ trưởng bộ y tế của Chính phủ cách mạng đó. Sau 30.4.1975, bà là Thứ trưởng bộ Y tế trong Chính phủ Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Là đảng viên cộng sản nhưng thực tế xã hội cộng sản đã thức tỉnh bác sĩ Dương Quỳnh Hoa. Bà cay đắng nói với Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng Nguyễn Hữu Thọ rằng: “Anh và tôi chỉ đóng vai trò bù nhìn và chỉ là món đồ trang sức rẻ tiền cho chế độ cộng sản. Chúng ta không thể phục vụ cho một chế độ thiếu dân chủ và không luật lệ. Vì vậy tôi thông báo cho anh biết là tôi sẽ trả lại thẻ đảng và không nhận bất cứ nhiệm vụ nào trong Chính phủ cả”
Bác sĩ Dương Quỳnh Hoa rời bỏ đảng cộng sản. Luật gia Lê Hiếu Đằng trả lại thẻ đảng viên cộng sản và một lần nữa Lê Hiếu Đằng ở tuổi gần 70 lại phải xuống đường về tư tưởng, đòi lại quyền làm chủ đất nước, quyền con người của người dân. Nhưng bệnh hiểm đã chặn đứng cuộc xuống đường về tư tưởng của Lê Hiếu Đằng.
Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng chỉ là nhóm bầu bạn ở Sài Gòn tiếp nối cuộc xuống đường về tư tưởng của Lê Hiếu Đằng. Chỉ bộc lộ nhận thức về tư tưởng, nói tiếng nói của những trái tim đau đáu với vận nước, câu lạc bộ Lê Hếu Đằng chỉ là một nhóm dân sự nhỏ bé vài chục người già đã tồn tại lặng lẽ hơn 5 năm để ôn hòa nói tiếng nói trách nhiệm công dân nay bỗng bị công cụ bạo lực nhà nước cộng sản ngăn chặn sinh hoạt.
Tôi trở lại phòng làm việc riêng tư của mình. Không còn nữa sự thanh thản, hào hứng của một ngày mới làm việc, đóng góp cho cuộc đời. Không còn nữa cả sự rực rỡ, lấp lánh của vạt nắng mới ngoài khung kính. Chỉ thấy bóng tối của nhà tù lớn, xã hội cộng sản, bao phủ bên ngoài khung cửa nhà tôi. Chỉ thấy cảm giác nặng nề của kiếp người mất tự do đè nặng trên ngực tôi.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét