Giải nhân quyền Sacharow được trao cho nhà phê bình chế độ Ilham Tohti
Vũ Ngọc Yên
25-10-2019
Nghị viện Âu châu công bố giải nhân quyền Sacharow 2019 được trao cho nhà phê bình chế độ Trung cộng Ilham Tohti. Tohti là một nhân sĩ nổi tiếng, đại biểu cho dân tộc thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) ở Trung Quốc. Cách đây 5 năm Tohti đã bị án chung thân vì dấn thân tranh đấu cho dân tộc của ông.
Từ năm 1988 giải nhân quyền Sacharow được Nghị viện Âu châu trao cho các tổ chức hay cá nhân có công tranh đấu cho nhân quyền và các quyền tự do căn bản. Gỉai mang tên của nhà vật lý bất đồng chính kiến Nga sô Andrej Sacharow và có giá trị 50.000 Euro.
Trong số những người được đề cử cho năm nay, ngoài ba người Ba Tây, chính trị gia Marielle Franco, nhà hoạt động môi trường Claudelice Silva dos Santos và Tù trưởng sắc dân Kayapo, Raoni Metektire chống nạn đốn cây đốt rừng Amazon, còn có dự án The Restorers, Kenia có công phổ biến thảm trạng hành hạ phụ nữ cũng như can thiệp nhanh chóng giúp đỡ nạn nhân.
Các ứng viên được các Nghị sĩ đề cử và các trưởng khối trong nghị viện Âu châu cuối cùng sẽ thoả thận về người trúng cử. Giải thưởng dự kiến được trao vào tháng 12, tại Stassbourg.
Năm ngoái, nhà làm phim Ukraie Oleh Senyow đã nhận được tin trúng giải trong lúc đang ở trong nhà tù Nga sô và đươc tự do vào ngày 7.9.2019 qua chương trình trao đổi tù nhân.
Trong số những người lãnh giải Sacharow đã có nhà báo Saudi Ả rập Raif Badawi, cựu Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela, cha đẻ mùa xuân Praha, Tiệp khắc, Alaxander Dubcek, cũng như nhà hoạt đông người Jesidis Nadia Murad và Bacc sĩ Công gô Denis Mukwege.
Iham Tohti là ai?
Giải thưởng cao quý cho Iham Tohti được công bố vào đúng một ngày trước sinh nhật 50 tuổi của ông.
Tohti sinh ngáy 25.10.1969 tại huyện Kiyilsu, tỉnh Tân Cương (Xinjiang). Sau khi tốt nghiệp Đại học sư phạm Changchun, Mãn Châu, Tohti lên Bắc Kinh và trở thành Giáo sư kinh tế tại Đai học của các dân tộc thiểu số.
Năm 2006, Tohti lập trang mạng UyghurOnline.com với chủ trương phát huy sự cảm thông Hán-Hồi. Nhưng đến năm 2008 trang này bị nhà cầm quyền Trung cộng cấm hoạt động.
Vào 3.2009, trong một cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh, Tohti chỉ trích chính sách của Bắc Kinh ở Tân Cương, đặc biệt chủ trương đưa dân Hán vào Tân Cương, dẫn đến hậu quả người Hồi bị thất nghiệp. Ngoài ra, Tohti phê phán Tỉnh trưởng Tân cương Nur Bekri, là người thiếu năng lực và đòi hỏi Bắc Kinh phải nghiêm chỉnh thi hành đạo luật tự trị địa phương.
Đầu tháng 7.2009, một cuộc nổi dậy của quần chúng ở Ưrưmqi, thủ phủ Tân cương làm 150 người bị chết. Tỉnh trưởng Bekri đổ trách nhiệm cho UyghurOnline.com và Tohti bị tống giam. Nhờ báo giới can thiệp, Tohti được trả tự do vào tháng 8.2009.
15.1.2014 Tohti và mẹ bị bắt ở Bắc Kinh. Ngày 23.09.2014 Toà án nhân dân Ưrưmqi kết án Tohti tù chung thân với cáo buộc kích động chia rẽ dân tộc.
Khoảng 2 triệu người Hồi bị ngược đãi trong các trại tập trung
Người Uyghur còn gọi là người Duy Ngô Nhĩ, là một sắc tộc Thổ Nhĩ Kỳ (Turkic ethnigroup) sống chủ yếu ở khu tự trị Tân Cương. Các cộng đồng tha hương Uyghur có mặt tại Siberi (Nga), Thổ Nhĩ Kỳ và quốc gia Trung Á như Pakistan, Kazakhstan, Kyrgyztan, Mông cổ, Uzbekistan.
Tân Cương là khu vực tự trị rộng lớn ở phía tây Trung Quốc, với dân số khoảng 22 triệu người, trong đó một nửa theo đạo Hồi.
Các tổ chức nhân quyền quốc tế cáo buộc Trung Quốc thực hiện chính sách bài trừ đạo Hồi ở Tân Cương, phá hủy nhà thờ Hồi giáo và giam khoảng hai triệu người trong các trại cải huấn chính trị. Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc này, nói rằng trại cải huấn thực chất là những trung tâm đào tạo nghề tự nguyện. Bắc Kinh gọi các trung tâm này là một phần quan trọng của chiến dịch chống phần tử Hồi giáo cực đoan.
Tháng 7, trong một lá thư gửi Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, nhóm 22 quốc gia (Canada, Úc, Nhật, New Zealand và các quốc gia EU) đòi hỏi Trung Quốc tuân thủ luật pháp và nghĩa vụ của họ với quốc tế và ngăn chặn việc giam giữ tùy tiện người Duy Ngô Nhĩ, cũng như người thuộc cộng đồng Hồi giáo, dân tộc thiểu số khác và tạo điều kiện tự do tôn giáo.
Hãng Reuters ngày 10.8 dẫn lời bà Gay McDougall, thành viên Ủy ban Chống phân biệt chủng tộc thuộc Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, trong phiên họp ở Geneve, rằng: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc trước nhiều báo cáo đáng tin cậy rằng dưới danh nghĩa chống lại chủ nghĩa cực đoan tôn giáo và gìn giữ ổn định xã hội, [Trung Quốc] đã biến khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ thành một thứ trại giam khổng lồ và bí mật“.
Bà McDougall trích các báo cáo, ước tính có đến 2 triệu người Duy Ngô Nhĩ và Hồi giáo thiểu số bị buộc phải vào “các trại giáo dưỡng chính trị” ở miền tây Tân Cương.
Ngày 11.9. Thượng viện Mỹ đã thông qua một dự luật về các vấn đề nhân quyền tại Tân Cương (Trung Quốc). Dự luật có tên là “Đạo luật Chính sách nhân quyền Duy Ngô Nhĩ 2019”, yêu cầu chính phủ Mỹ tích cực gây áp lực lên Liên Hiệp Quốc và các tòa án quốc tế khác phải hành động về vấn đề nhân quyền tại Tân Cương, và kêu gọi Bộ Thương mại Mỹ xem xét trừng phạt các quan chức chính quyền và các cá nhân chịu trách nhiệm thành lập và duy trì các “trung tâm đào tạo” ở vùng lãnh thổ cực tây của Trung Quốc.
Trung cộng công bố “sách trắng”
Văn phòng Thông tin Hội đồng Nhà nước Trung Quốc hôm 21.7 công bố Sách Trắng gồm 6.800 từ, mô tả Tân Cương là một cộng đồng đa dạng về tôn giáo, nơi một số tín ngưỡng đã tồn tại hàng thế kỷ, và chính quyền “tôn trọng quyền tự do của công dân trong việc tin hay không tin theo bất kỳ tôn giáo nào“.
Theo tài liệu này, đạo Hồi du nhập vào Tân Cương bằng vũ lực trong cuộc chiến tranh tôn giáo ở thế kỷ 10, sự kiện kết thúc nhiều thế kỷ thống trị của Phật giáo. “Việc chuyển đổi người Duy Ngô Nhĩ sang đạo Hồi không phải lựa chọn tự nguyện của người dân, mà là kết quả của chiến tranh tôn giáo và do giai cấp thống trị áp đặt”, tài liệu cho hay. “Đạo Hồi không phải tín ngưỡng bản xứ và cũng không phải hệ thống tín ngưỡng duy nhất của người Duy Ngô Nhĩ”.
Trung Quốc cũng bác bỏ quan điểm cho rằng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ. “Tân Cương từ lâu đã là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, chưa bao giờ nó được gọi là Đông Turkistan”, tờ báo nêu rõ.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét