Bài đăng nổi bật

Cờ trong tay Trần Cẩm Tú

  Cờ trong tay Trần Cẩm Tú.  Trước cáo buộc liên quan đến trợ lý nhận hối lộ hàng chục triệu usd, Vương Đình Huệ thẳng thừng chối không biết...

Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

Bản tin ngày 26-10-2019

Bản tin ngày 26-10-2019

Tin Biển Đông
Trong cuộc họp báo ngày 25/10/2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao xác nhận tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc rút khỏi vùng biển Việt Nam, VTC đưa tin. Khi được hỏi về thông tin nhóm tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc rút khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng trả lời:
“Mọi hoạt động trong vùng biển Việt Nam được xác định theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 không được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam đều là hành động xâm phạm quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam. Việt Nam yêu cầu các bên liên quan tôn trọng chủ quyền, các quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam và không tái diễn sự vi phạm”
Tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã về cảng nhà ở Quảng Châu, còn các tàu hộ tống Hải Dương 8 đã lần lượt về cảng Tam Á, Facebooker Phạm Thắng Nam đưa tin. Các tàu hộ tống Hải Dương 8 đã lần lượt về cảng Sanya (Tam Á) ở đảo Hải Nam, nghĩa là các tàu này ở vị trí sẵn sàng nhận lệnh điều động cho các chiến dịch thách thức chủ quyền của Việt Nam và các nước trong khu vực.
Các tàu hộ tống của tàu Hải Dương Địa Chất 8 đã về đến cảng Tam Á ở đảo Hải Nam. Nguồn: FB Phạm Thắng Nam
Phó tổng thống Mỹ lên án hành vi Trung Quốc ở Biển Đông, VnExpress đưa tin. Phát biểu tại một sự kiện do Trung tâm Wilson tổ chức ở Washington, Phó TT Mỹ Mike Pence nói: “Bắc Kinh đã tăng cường sử dụng các tàu ‘dân quân biển’ để thường xuyên hăm dọa thủy thủ và ngư dân Malaysia, Philippines. Hải cảnh Trung Quốc cũng tìm cách ngăn cản Việt Nam tiến hành hoạt động khai thác dầu mỏ và khí đốt ở vùng biển của Việt Nam”.
VTC đặt câu hỏi về nghi vấn sách in hình ‘đường lưỡi bò’ được bày bán trong hệ thống: Phương Nam nói gì? Ông Nguyễn Hữu Hoạt, TGĐ Công ty Cổ phần Văn hóa Phương Nam cho biết: “Chúng tôi cho kiểm tra tất cả các nhà sách tại TP.HCM cũng như cho giám đốc vùng đến từng nhà sách rà soát, tuy nhiên đến nay vẫn chưa phát hiện được quyển sách có mô tả như thông tin lan truyền trong hệ thống. Nếu có thông tin gì phát sinh, chúng tôi sẽ cung cấp”.
Lại rơi từ tầng cao, tử vong 
Báo Người Đưa Tin có bài: Phó phòng kế toán Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh rơi từ tầng 8 khách sạn xuống tử vong. Chiều 25/10/2019, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vinh, Nghệ An, xác nhận, ông Phạm Công Tho, phó trưởng phòng Kế toán của trường này đã tử vong sau khi rơi từ tầng cao của một khách sạn trên đường Trường Thi, TP Vinh. 
Từ khoảng 7h sáng cùng ngày, một số người dân đã phát hiện ông Tho nằm trên ban công tầng 4 của khách sạn này và đưa ông Tho đi cấp cứu tại BV Đa khoa TP Vinh nhưng không qua khỏi.
Ông Phạm Công Tho lúc được người dân phát hiện. Nguồn: NĐT
Theo điều tra ban đầu, cơ quan chức năng xác định, nạn nhân Tho rơi từ tầng 8 của khách sạn xuống ban công tầng 2. Chi tiết “tầng 8” trong vụ này khiến một số người nhớ lại vụ Thứ trưởng GD&ĐT Lê Hải An tử vong cũng rơi từ “tầng 8” tử vong, cách đây chưa đầy 1 tuần. Hóa ra ngành GD ở VN khá nguy hiểm, khiến người ta rất dễ “rơi”.
Khách sạn nơi xảy ra sự việc. Nguồn: NĐT
Thủ tướng muốn có thêm quyền?
Sáng 25/10/2019, Quốc hội xem xét đề xuất bổ sung quyền cho Thủ tướng, VnExpress đưa tin. Quốc hội thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Chính phủ và Luật tổ chức chính quyền địa phương, bao gồm việc bổ sung thẩm quyền cho Thủ tướng:
“Người đứng đầu Chính phủ có quyền chỉ đạo việc quản lý cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập; phân cấp hoặc ủy quyền thực hiện những nội dung thuộc thẩm quyền về quản lý công chức, viên chức”.
Không chỉ thế, dự Luật này còn đề xuất bổ sung cho Thủ tướng “thẩm quyền quyết định thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan hành chính nhà nước khác thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện; thành lập Hội đồng, Ủy ban hoặc Ban khi cần thiết để giúp lãnh đạo Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành”. Không lẽ có người dám tranh quyền với ông cụ đang nắm giữ hai chức lãnh đạo cao nhất đất nước?
Sai phạm xây dựng ở Thủ Đức
Báo Kiến Thức đặt câu hỏi: Phó Chủ tịch quận Thủ Đức chiêu trò gì xây tận 7 công trình sai phạm ở TP HCM? Về 7 công trình xây dựng không phép của ông Lê Hữu Thành, Phó Chủ tịch quận Thủ Đức, TP HCM và người thân, tồn tại từ năm 2012 đến nay khiến người dân địa phương bất bình, ông Đặng Minh Đạt, Chánh Thanh tra TP HCM cho biết, đây là vụ vi phạm đã bị phát hiện từ lâu, nhưng cơ quan hữu trách xử lý trách nhiệm không nghiêm, có quyết định cưỡng chế nhưng không thực hiện.  
Theo báo cáo của quận Thủ Đức, ông Lê Hữu Thành cùng người thân trong gia đình đã xây dựng không phép 7 công trình, gồm: nhà xe, xưởng gỗ, xưởng cơ khí… với tổng diện tích hơn 1.800m2. Ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành uỷ TP HCM yêu cầu, chậm nhất ngày 28/10, quận Thủ Đức phải có báo cáo UBND TP và Thành uỷ liên quan đến các công trình xây dựng trái phép nói trên.
Công trình vi phạm của gia đình Phó chủ tịch HĐND quận Thủ Đức. Ảnh: TP/KT
Chiều 25/10/2019, Sở Xây dựng trả lời về vụ xây không phép của cán bộ ở Thủ Đức, báo Pháp Luật TP HCM đưa tin. Ông Lê Hoà Bình, GĐ Sở Xây dựng TP HCM cho biết: “Không phải Sở xây dựng không phát hiện mà bảy công trình của gia đình ông Lê Hữu Thành, Phó chủ tịch Thường trực HĐND quận Thủ Đức thuộc thẩm quyền của UBND phường. UBND phường chịu trách nhiệm kiểm tra và giám sát. Vụ việc này đã được Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân kết luận và có kiểm tra, đánh giá”.
Nói như ông Bình, trong thành Hồ có công trình nào sai phạm thì phải truy trách nhiệm đến chính quyền quận/huyện nơi có công trình đó, còn Sở Xây dựng là “hữu danh vô thực”, mang tiếng “xây dựng” nhưng không quản được chuyện xây không phép. Còn ông Lý Thanh Long, Chánh thanh tra Sở Xây dựng TP HCM còn đẩy trách nhiệm đến chính quyền cấp phường: “Căn cứ vào quyết định 58 của UBND Thành phố, 7 công trình này thuộc thẩm quyền của UBND phường”.
Gian lận thi cử
Sáng 25/10/2019, TAND tỉnh Hà Giang tuyên án 5 bị cáo trong vụ gian lận nâng sửa điểm cho 107 thí sinh trong kỳ thi THPT 2018 ở tỉnh này. Chủ mưu gian lận thi Hà Giang lĩnh án 8 năm tù, báo Thanh Niên đưa tin. Bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, cựu Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang nhận án 8 năm tù, tính từ ngày 23/7/2018.
Còn bị cáo Vũ Trọng Lương, cựu cấp phó của Hoài nhận mức án 7 năm tù, tính từ ngày 20/7/2018. Bị cáo Triệu Thị Chính, cựu PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang và Lê Thị Dung, cựu Phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang cùng nhận mức án 2 năm tù. Bị cáo Phạm Văn Khuông, cựu PGĐ Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang nhận án 1 năm tù … treo, thời gian thử thách 2 năm.
Báo Giáo Dục VN có bài: Bị cáo Hoài, Lương nâng điểm là do nể nang, không chứng minh được nhận hối lộ“Quá trình điều tra, cơ quan công an khám xét nơi ở của Hoài và Lương và thu giữ nhiều tang vật, trích sao kê tài khoản ngân hàng nhưng không thu giữ được tiền, tài sản để chứng minh các bị cáo phạm tội đưa – nhận hối lộ”. Do đó, HĐXX chỉ xác định các bị cáo trong vụ này phạm tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Đảng ủy Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh Hà Giang đã kỷ luật vợ Chủ tịch tỉnh Hà Giang liên quan đến vụ gian lận điểm thi, theo báo Dân Trí. Bà Nguyễn Thị Tố Oanh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang cho biết: “Bà Nga là đảng viên thường nên không thuộc Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Giang quản lý. Đảng Đảng ủy Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh Hà Giang đã ra quyết định kỷ luật bà Nga bằng hình thức khiển trách”. Diễn biến này, cùng với quyết định nói trên của TAND tỉnh Hà Giang cho thấy, nhiều khả năng có “ai đó” đang muốn vụ này dừng lại ở đây, không xử ai cao hơn nữa.
Cơ quan ANĐT, Bộ Công an kiến nghị điều tra học sinh cá biệt mua ‘suất’ trường công an giá nửa tỷ, theo báo Tiền Phong. Cơ quan này đề nghị tiếp tục điều tra làm rõ những người liên quan có hành vi “đưa hối lộ”, các bị cáo có hành vi “nhận hối lộ” hay không, nhất là trường hợp 2 thí sinh Sùng Văn Đông và Nguyễn Khắc Đông tại điểm thi THPT Sí Mần. Trong kỳ thi năm 2017, hai thí sinh này là thí sinh cá biệt nhưng lại đạt điểm rất cao và trúng tuyển Học viện công an nhân dân.
Các bị cáo tại tòa sáng 25/10. Ảnh: Báo TP
Hai trường hợp này, cho dù không điều tra, mọi người cũng nhìn thấy rõ sự thật nằm ở đâu. Xem tình hình Hà Nội ô nhiễm như vậy mà vẫn có công an, an ninh hăng say đi bắt nhà hoạt động Thịnh Nguyễn chỉ vì anh đấu tranh vì môi trường. Qua đó có thể thấy, phần lớn công an, an ninh CSVN không khác gì 2 trường hợp “cá biệt” trên. Cho nên, có lôi 2 trường hợp trên ra “thí tốt” mà bỏ qua hàng ngàn, hàng vạn trường hợp tương tự khác, cũng không thể giải quyết vấn đề.
Tin giáo dục
Báo Tuổi Trẻ đưa tin: Một giáo viên thiếu nợ, cả trường bị ‘khủng bố’. Ông Thi Văn Trí, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lý Văn Lâm, TP Cà Mau, xác nhận, những ngày gần đây nhiều cô giáo trong trường bị “khủng bố” đòi nợ. Công ty TNHH Đại Hại đã đăng thông tin “cảnh giác lừa đảo, trốn nợ” trên mạng xã hội và dán trên cột điện với nội dung: 
“Bà L.T.T.L. và bốn người đồng lõa (nêu tên tuổi cụ thể của 4 thầy cô giáo của Trường THCS&THPT Lý Văn Lâm – PV) đang lợi dụng sự tín nhiệm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản”Do thông tin lan truyền, nhiều giáo viên bị “khủng bố” liên tục bằng hàng trăm cuộc gọi, tin nhắn yêu cầu trả nợ. Cho nên nhiều cô giáo phải tắt điện thoại để không bị làm phiền. Máy điện thoại bàn nhà trường phải rút dây cáp điện thoại nhằm tránh bị “khủng bố”. 
Tin môi trường
Tình hình vựa lúa số 1 Việt Nam: Nguy cơ bị chìm vì ‘đói’ phù sa, lún nặng, theo báo Người Đô Thị. TS Philip Minderhoud, từ ĐH Utrecht – Hà Lan cảnh báo, trong vòng 25 năm qua, đồng bằng sông Cửu Long từ vùng đất ổn định đã rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm tích, “đói” phù sa, gia tăng biên độ thủy triều, xâm nhập mặn, gây khan hiếm nguồn nước ngọt, sụt lún và xói lở đất nghiêm trọng. Đồng bằng này “hiện chỉ cao hơn 0,8m so với mực nước biển, thấp hơn gần 2m so với giả định trước đây”.
Đáng lo ngại hơn nữa, các chứng cứ khoa học do Đại sứ quán Hà Lan cung cấp ngày 24/10 “cũng chứng minh rằng so với mực nước biển dâng 3-5mm/năm do biến đổi khí hậu, nhiều khu vực ven biển tốc độ sụt lún sẽ lên 20-30 mm/năm do khai thác nước ngầm, tải trọng hạ tầng đô thị và sự thoát nước của tầng ngập nước”. Hậu quả rất rõ: Triều cường ở các tỉnh ĐBSCL mỗi năm lại lập một “kỷ lục” mới, sạt lở liên tiếp xảy ra ở nhiều tỉnh miền Tây, nhất là các khu vực giáp biển. 
Tình trạng sạt lở bờ sông Tiền tại tỉnh Đồng Tháp vẫn diễn biến phức tạp. Ảnh: TTXVN/Người Đô Thị
Còn ở miền Bắc: Khô hạn cực đoan, mực nước sông Đà thấp kỷ lục 30 năm, VTC đưa tin. Ông Nguyễn Văn Minh, GĐ Công ty thủy điện Hòa Bình thừa nhận: “Trong mùa lũ năm nay, lưu lượng nước về hồ Hòa Bình ở mức thấp nhất trong 30 năm qua kể từ khi đưa công trình vào vận hành đến nay đã ảnh hưởng đến kế hoạch phát điện của EVN nói chung và Công ty thủy điện Hòa Bình nói riêng”.
Tập đoàn Điện lực VN tính toán, “nếu tần suất nước về các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng tiếp tục duy trì như thời gian qua, cùng với việc các nhà máy thủy điện trên bậc thang phải duy trì dòng chảy tối thiểu theo quy định và tiếp tục thực hiện nhiệm vụ chính trị cấp nước cho nhà máy nước sông Đà thì dự kiến đến ngày 31/12/2019, tổng lượng nước tích được của các hồ chứa trên lưu vực thậm chí còn thấp hơn so với thời điểm hiện tại”.
***
***
***
***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét