“Hỡi nhân loại, hãy cảnh giác!”
28-10-2019
Mấy hôm trước, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao thông báo tàu “Địa chất Hải Dương-8”(Hb) và các tàu hộ tống của Trung Quốc đã rút về nước sau gần 3 tháng hoạt động trái phép tại Tư Chính(Hc) và biển Phú Khánh(Hd) trong vùng thềm lục địa và đặc quyền kinh tế EEZ của Việt Nam(Ha). Cuộc phỏng vấn giữa nữ biên tập viên gạo cội và ông tư lệnh hải quân trên vô tuyến truyền hình bữa rồi cũng nói sau khi ta đấu tranh mạnh mẽ thì “Tàu Địa Chất Hải Dương-8 của… nước ngoài đã rút về nước!”.
Trước sự kiện trên có rất nhiều luồng dư luận. Người thì bảo dưới sức ép quan ngại, rất quan ngại mạnh mẽ của nước chủ nhà nên tàu nước lạ phải rút. Người thì bảo do cộng đồng quốc tế phản đối Trung Quốc, ủng hộ Việt Nam buộc họ phải rút. Kẻ thì bảo họ rút vì giàn khoan của Nhật Bản khoan cho Rosnhef ở lô 06-1 bể Nam Côn Sơn đã kết thúc và rời khỏi Việt Nam. Kẻ khác lại nói họ đã đạt được mục đích khảo sát địa chấn và đe dọa hoạt động dầu khí của Việt Nam nên rút về nước để chuẩn bị cho các bước tiếp theo..v.v…
Là người am tường về công tác dầu khí, bạn tôi, nhà địa chất dầu khí, nhà thơ Nguyễn Quyết Thắng hôm 25/10/2019 đã viết trên trang facebook của mình nói toạc ra rằng nó khảo sát địa chấn xong nó về vì đã vào mùa biển động. Sang năm đến mùa biển lặng, nó sẽ trở lại khảo sát tiếp nếu chương trình còn dở hoặc sẽ vác giàn khoan sang khoan thăm dò rất “đúng quy trình”, đồng thời kêu gọi cộng đồng phải hết sức cảnh giác, mong mỏi nhà nước có các biện pháp đề phòng, đấu tranh thích hợp để bảo vệ chủ quyền biển đảo của mình.
Để làm rõ thêm ý “đúng quy trình” mà bạn tôi đã nói, sau đây xin có đôi lời về trình tự tìm kiếm thăm dò khai thác dầu khí để mọi người hiểu thêm chứ không phải dễ dàng “ra biển múc dầu lên đem bán” như một số vị thối mồm đã chửi ngành dầu khí.
Dầu khí là các hợp chất Hydrocarbon có công thức hóa học là CnHn+2. Ở dạng lỏng thì gọi là Dầu Thô(Crude Oil) ở dạng khí thì gọi là Gas (H1,H2). Dầu khí hình thành từ các chất hữu cơ ở điều kiện nhiệt độ, áp suất nhất định trong trong vỏ trái đất rồi tích tụ vào các cấu trúc địa chất thuận lợi tạo mỏ(H3,H4). Cấu trúc này gồm Tầng Chứa(Reservoir) là cát kết, đá vôi, san hô ám tiêu hay đá granites dập vỡ nứt nẻ có Độ Rỗng(Porosity) và Độ Thấm(Permability) tốt trong một Bẫy(Trap)/Cấu Tạo(Structure) dạng vòm, uốn nếp bị đứt gẫy, vát nhọn địa tầng, các thấu kính hay địa hình móng bị chôn vùi có tầng Đá Chắn(Seal Rock) phủ lên trên.
Để đi tìm dầu khí trong lòng đất sâu từ vài cây số đến 4-5 cây số ngoài biển khơi mênh mông, bước đầu tiên là phải tiến hành khảo sát Địa Chấn 2D hoặc 3D (Seismic Aquisition)nhằm tìm ra các cấu tạo có khả năng chứa dầu(H5,H6). Tài liệu địa chấn thu được sau khảo sát sẽ đem đi Xử Lý (Processing) rồi Minh Giải(Interpretation) vẽ bản đồ nhằm tìm ra các cấu trúc tiềm năng(H7,H8). Như vậy, địa chấn giống như bác sỹ chụp X-Quang lòng đất đáy biển. Chi phí cho một chương trình khảo sát địa chấn biển tùy theo diện tích rộng hẹp cũng phải từ 4-5 triệu đến hàng chục triệu Dollar.
Sau khi phát hiện ra cấu tạo triển vọng thì phải Khoan Thăm Dò (Exploration Drilling) bằng Giàn Tự Nâng(Jack-up) ở vùng nước dưới 100m, Nửa Nổi Nửa Chìm (Semisubmersible) ở vùng nước sâu tới ngàn mét hoặc Tàu Khoan (Drillship). Nếu phát hiện dầu khí thì phải tiến hành Khoan Thẩm Lượng(Appraisal) để xem trữ lượng bao nhiều nhằm phát triển đưa mỏ vào khai thác (H9,H10). Chi phí cho một giếng khoan thăm dò sâu 3.500m ngoài khơi nước ta hồi những năm 1990 cỡ 10 triệu Dollar, hiện giờ khoảng 20 triệu Dollar.
Nếu khoan ở vùng biển sâu ngàn mét nước thì chi phí này khoảng 100 triệu Dollar/giếng. Xác suất thành công khoảng 15-20% tức là khoan 10 giếng thì có 1-2 giếng gặp dầu, chi phí tối thiểu 200 triệu Dollar. Phát triển đưa mỏ vào khai thác là chế tạo và lắp đặt Giàn Đầu Giếng (WHP), Giàn Khai Thác/Nhà ở (CPP/LQ ) hoặc Tàu Xử Lý Nổi (FPSO), Tàu Chứa Nổi (FSO), Phao Xuất Dầu (SBM), khoan và lắp đặt các Giếng Khai Thác( Producers)(H11).
Ở vùng biển sâu, các giếng khai thác nằm ngầm dưới đáy biển đưa dầu lên xử lý trên FPSO rồi chứa vào FSO(H12)… Chi phí cho phát triển đưa một mỏ vào khai thác cũng từ 400-500 triệu Dollar đến hàng tỷ Dollar tùy theo quy mô của mỏ cũng như chiều sâu nước biển. Sau khi khai thác hết dầu, phải làm công tác Dọn Mỏ(Decommission &Abandonment) trả lại hiện trạng ban đầu cho môi trường biển. Vậy đấy, tìm và khai thác dầu khí ngoài biển là một quy trình chặt chẽ, chi phí tốn kém, rủi ro cao nhưng sinh lời cũng lắm. Chả thế mà thập niên 90- 2010, Dầu Khí đóng góp đến 25% GDP cho cả nước.
Trở lại việc tàu “Địa Chất Hải Dương-8” sau 3 tháng khảo sát địa chấn khu vực Tư Chính và Phú Khánh thuộc thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế EEZ của ta ngày 24/10/2019 đã về nước, tôi thiên về hướng chúng đã làm xong việc. Tài liệu thu được chúng sẽ xử lý, minh giải, vẽ bản đồ, tìm ra cấu tạo triển vọng để thời gian tới đem giàn khoan vào khoan.
Ngày 21/10/2019 tại “Diễn Đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ IX”, bộ trường quốc phòng Trung Quốc Ngụy Phương Hòa vẫn cao giọng: ”Các đảo ở Biển Đông là một phần lãnh thổ không thể tách rời của Trung Quốc” ngay trước mặt bộ trưởng quốc phòng Việt Nam! Tham vọng bành trướng chiếm hữu biển đảo Việt Nam của họ là không đổi mà Tư Chính là mũi đột phá. Tư Chính là điểm xa nhất của đường lưỡi bò phi lý khốn nạn mà họ vẽ nên; Tư Chính có tiềm năng dầu khí và băng cháy Gas Hydrate rất lớn; Tư Chính cận kề ngay các khu vực khai thác dầu của Việt Nam…
Trung Quốc đã ép được Repsol không tiếp tục thăm dò ở Tư Chính, không phát triển mỏ Cá Rồng Đỏ ở Nam Côn Sơn và họ lại vừa khảo sát xong địa chấn nên việc họ đem giàn khoan tới chỉ là vấn đề thời gian. Hoạt động của họ không đơn thuần là một phép thử thái độ của Việt Nam, dọa dẫm Rosnhef và Idemitsu mà là họ làm thật, làm “đúng quy trình”. Nếu để mất Tư Chính, liệu chúng ta còn giữ được Trường Sa, giữ được các mỏ dầu ở Nam Côn Sơn, Phú Khánh, Sông Hồng, giữ được phần lãnh thổ thiêng liêng của mình ở Biển Đông?
Tình hình cực kỳ nghiêm trọng chứ không phải “Địa Chất Hải Dương-8” rút đi là êm chuyện. Có người phỏng đoán là trước Đại Hội XIII, Trung Quốc sẽ đem giàn vào khoan tại Tư Chính. Tôi không dám nghĩ đến tình huống đó và lạy trời đừng bao giờ để nó xẩy ra! Vậy nên phải hết sức cảnh giác. Tác giả “Viết dưới giá treo cổ” Julius Fucik đã cảnh báo loài người về họa Phát Xít bằng câu nói nổi tiếng: ”L’humanité, Soyez Alerte!”
Trước tình hình căng thẳng rất nguy hiểm do Trung Quốc gây ra tại Tư Chính và Biển Đông của Việt Nam hiện nay, tôi xin mượn lời của Julius Fucik: ’’Hỡi Nhân Loại, Hãy Cảnh Giác!”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét