Chuyện tử tế
Câu chuyện anh lái xe tìm người lái xe khác, đã gây ra tai nạn cho mình, để trả tiền sửa xe thừa, đã làm rung động bao nhiêu trái tim, không chỉ của giới lái xe.
Xin tóm tắt câu chuyện để những bạn chưa biết thông tin này hiểu thêm. Anh Lê Quang Khải, lái xe thuộc Công ty CP BMC Vĩnh Phúc, khi đang dừng chờ đèn đỏ, thì bị xe container mang biển số 15C-03105 đụng. Anh lái xe container nhận lỗi. Toyota Hải Dương thẩm định, tiền sửa hết 22 triệu.
Anh lái xe container xin anh Khải hỗ trợ 3 triệu, và đưa anh Khải 19 triệu để sửa. Tuy nhiên, khi xe được sửa tại Toyota Vĩnh Phúc, thì chỉ hết có 7 triệu. Và anh Khải nhờ mọi người tìm cách nhắn cho anh lái xe container, để anh ấy trả lại 12 triệu cho anh lái xe container.
Mọi người đã khen anh Khải khi anh tìm anh lái xe container để trả lại tiền chưa sử dụng hết. Cá nhân tôi, thì ngoài sự tử tế của anh Khải, tôi còn muốn khen cả Toyota Vĩnh Phúc, đã không cố tình xài hết số tiền mà anh Khải đang có.
Đây là sự kết hợp của nhiều câu chuyện đẹp, của những con người tử tế, điều khá hiếm hoi trong thời buổi bây giờ. Câu chuyện này làm tôi nhớ đến ba tôi.
Năm 1975, khi vào Sài gòn, ba tôi được giao cho một khối tài sản rất lớn, ngay cả so với thời bây giờ. Người chủ thật của khối tài sản này chuẩn bị phá sản thì cách mạng vô, ông không phải ra tòa. Khi đó ba tôi đã hiến một phần khá lớn cho nhà nước, giữ lại vài căn nhà cho người chủ, và con của họ ở. Một số bất động sản được nhà nước “mượn”, và họ mượn luôn.
Hồi ở Hà nội, ba tôi được phân cho ở tầng trệt của căn nhà 60 phố Quan Thánh. Trước năm 1954, căn nhà đó thuộc về một gia đình Hoa kiều. Ông bà chủ nhà được nhà nước “cho phép” ở tầng hai (lầu 1). Sau đó, đến lúc chiến tranh lan ra miền Bắc, nhà tôi sơ tán lên Phú Thọ.
Khi ba tôi bệnh nặng (mà sau này chúng tôi mới biết là do đói), ba tôi quyết định, gia đình tôi sẽ không về Hà nội nữa. Có rất nhiều người từ Hà nội lên Phú Thọ gặp ba tôi xin mua lại căn nhà phố Quan Thánh. Cho dù đang rất khó khăn, ba tôi dứt khoát không bán cho ai cả, để lại cho con trai ông chủ nhà khi lấy vợ có chỗ ở. Thật tiếc là khoảng năm 1978, 1979, căn nhà đó hình như bị nhà nước lấy sau vụ nạn Hoa kiều.
Và, cái người giao cho ba tôi khối tài sản lớn ở Sài gòn là anh hoặc em của ông chủ nhà ở phố Quan Thánh.
Tôi nhớ mãi về một khu đất, trị giá bây giờ có thể lên tới vài ngàn tỉ đồng. Trên đó có một chiếc xe Peugeot 404 đắp chiếu. Khu đất này được một công ty nhà nước “mượn” từ ba tôi, và họ cũng chưa bao giờ có ý định trả lại. Tôi rất thích chiếc xe, nhưng ba tôi kiên quyết không cho lấy. Rằng, đó không phải tài sản của mình, thì dứt khoát không lấy.
Người chủ thật của những tài sản này, cho đến khi chết, dứt khoát không nhận lại những tài sản, mà ông cho rằng nó đúng ra không còn là của ông nữa. Những người con của ông, người ở trong nước, người ở nước ngoài cũng như vậy. Họ nói đã giao cho ba tôi rồi, và ba tôi là chủ của những tài sản đó.
Sau đó, ngay cả khi gia đình tôi khó khăn, ngay cả khi phong trào đòi lại nhà cho nhà nước “mượn” trở nên rầm rộ, và, cho đến tận khi từ giã cõi đời, ba tôi vẫn luôn cho rằng, đó không phải cái của mình. Và, đã không phải của mình thì đừng tơ tưởng.
À, còn chuyện này nữa. Một căn nhà được ba tôi cùng với người con lớn của ông chủ cũ dùng làm tổ hợp sản xuất, sau này đưa vào tài sản Hợp tác xã cơ khí. Sau khi ba tôi nghỉ và qua đời, Ban chủ nhiệm mới của hợp tác xã quyết định giải thể, và chỗ đó mọc lên một chung cư.
Tôi không biết các xã viên khác, có được chia chác gì không. Nhưng tôi biết chắc gia đình tôi không nhận một đồng nào, ngay cả khi họ bán toàn bộ tài sản, mà chủ yếu là ba tôi làm ra trước khi đưa vào Hợp tác xã. Rồi họ lấy tiền đó để xây chung cư trên khu đất của Hợp tác xã, và bán.
Ngay cả số tiền Ban chủ nhiệm hợp tác xã tự hứa với gia đình tôi, là sẽ trả cho việc xây mộ cho ba tôi, cũng không hề có. Người tử tế nhiều khi phải chịu những thiệt thòi như vậy đấy.
_____
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét