Từ Vinaconex đến Viwasupco: Hết cơn bỉ cực đến hồi “thới lai”
22-10-2019
Ngày 24/4/2004, Dự án nước sạch Sông Đà – Hà Nội được khởi công, là một dự án nhóm A do Thủ tướng phê duyệt, nhằm cung cấp nước sạch cho TP Hà Nội và các đô thị Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Miếu Môn… được ổn định, thường xuyên.
Tuy “sinh sau, đẻ muộn” sau các nhà máy nước ở Sài gòn cả thế kỷ (mà tiền thân là Compagnie des Eaux et d’Électricité de Saigon (viết tắt CEE- Công ty Điện nước Sài Gòn, còn bị các “ký giả ăn mày” mỉa mai CEE là “chảy êm êm”), và tuy mang tiếng là Dự án nước mặt sông Đà, nhưng không đặt họng lấy nước trực tiếp từ dòng chảy sông Đà, mà lấy từ hồ Đầm Bài, dẫn theo các kênh mương hở lộ thiên vào nhà máy nước Sông Đà. Vì vậy, mới có chuyện ô nhiễm chất dầu thải từ ngày 9 đến 15/10 vừa qua.
BQL Dự án nước sạch Sông Đà còn bị các nhà cung cấp vật tư Trung cộng dụ dỗ mua ống cấp nước sạch là ống cốt sợi thủy tinh, không có độ bền uốn (dẽo) như các các ống dự ứng lực, lại đem chôn giữa giải phân cách của Đại lộ Thăng Long.
Mà từ năm 2012-2016, đại lộ Thăng Long đang thi công, còn ống cốt sợi thủy tinh chôn ở nhiều khu vực có nền địa chất yếu, không ổn định với mật độ xe tải chở vật liệu xây dựng lưu thông ngày càng cao, nên đã xảy ra 21 lần rò rỉ và vỡ ống, trong khi Dự án chỉ có một đường ống độc đạo.
4 năm, 21 lần vỡ ống, Vinaconex phải cắt nước, đào lên lấp xuống, khiến dân tình ta thán, báo chí phê phán, nên Công an phải khởi tố vụ án. Trong khi, các dự án cấp nước ở Sài Gòn, như BOO Thủ Đức, BOT Bình An, Nhà máy nước Tâp Hiệp, Dự án nước Kinh Đông đều “lạy ba lạy, xá ba xá” ống cốt sợi thủy tinh của Trung cộng nên không phải “khai quật tử thi, giám định pháp y”.
Với tội sử dụng chất lượng vật liệu tồi và thi công ẩu như vậy, ông Hoàng Thế Trung, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà, cựu chủ tịch Viwasupco chỉ bị bị tuyên án 24 tháng tù. Nhẹ hều!
Tháng 3/2009, Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex được thành lập theo Quyết định của HĐQT tổng công ty. Tháng 9/2009, công ty chuyển đổi sang mô hình công ty cổ phần, đổi tên từ Công ty TNHH MTV Nước sạch Vinaconex thành Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex. Sau đó, được đổi tên thành Công ty CP nước sạch Sông Đà của tư nhân.
Năm 2017, Vinaconex thoái toàn bộ vốn tại Viwasupco. Sau một số giao dịch, Viwasupco có 2 cổ đông chính là Gelex Energy (hơn 60% cổ phần) và REE (36%). Hai đại gia Gelex Energy va Ree thuê người có khuôn mặt “trông không sạch” là Nguyễn Văn Tốn làm TGĐ Viwasupco.
Vì hồ Đầm Bài và các kênh mương dẫn về bể lọc Nhà máy nước có dòng chảy lờ đờ, nên nước có rất nhiều rong rêu (nếu lấy nước mặt sông thì không có), vì vậy Nhà máy phải có đội vớt rong rêu thường xuyên.
Lúc 9h ngày 9/10, đội vớt rong rêu phát hiện ở cửa kênh nhận nước vào khu xử lý của nhà máy xuất hiện váng dầu. Ông Tốn đã huy động cán bộ công nhân viên, cả văn thư, kế toán và thuê cả người dân ở ngoài, và dùng phao chuyên dụng quây không cho dầu lan ra mặt hồ. Sau đó công ty tiến hành vớt, dùng ống hút dầu chuyên dụng, một là cô lập dầu lại, hai là tránh ô nhiễm nguồn nước.
Vậy mà, ông Tốn quyết định không dừng cung cấp nước cho tới khi bị phát hiện vào ngày 15/10 (tức sau một tuần). Rất may, bọn đổ trộm chất thải dầu, chứ không phải cyanua như nhà báo Nguyễn Hồng Lam giả dụ viết trên trang cá nhân của anh.
Ông Tốn không ngộ ra sự may mắn cho sinh mạng 170.000 dân Hà Nội, nên nói tỉnh bơ “Tôi chỉ làm TGĐ thuê, nên tới đây tổng công ty sẽ họp rút kinh nghiệm, nếu sai sẽ chịu trách nhiệm”.
Bây giờ, Công an tỉnh Hòa Bình đã tìm ra người thuê đổ trộm dầu thải, thì TGĐ cứ yên chí lãnh lương thuê 80 triệu đồng/tháng.
Các báo chính thống đã có bài viết về mức lâi khủng của Công ty CP nước sạch Sông Đà vào lúc này khiến người dân bị đổ dầu thải vào lửa:
“Mảng kinh doanh của công ty cũng có biên lợi nhuận gộp lên tới 57,2% trong năm gần nhất (2018). Tỷ lệ này cao hơn nhiều so với các doanh nghiệp cung cấp nước sạch khác ở TP.HCM như nhà máy Thủ Đức, Nhà Bè, Gia Định với biên lãi gộp dưới 40%/năm.
Trong 4 năm gần nhất, mỗi năm Nước sạch Sông Đà đều đạt trên 400 tỷ đồng doanh thu và lợi nhuận ròng sau thuế xấp xỉ 150 tỷ đồng. Riêng năm 2018, công ty này ghi nhận 219 tỷ đồng lãi ròng, tăng 29% so với năm 2017. Đây cũng là năm thứ 7 liên tiếp lợi nhuận của công ty tăng trưởng kể từ khi hoạt động kinh doanh có lãi vào năm 2012.
Tính từ năm 2012 đến nay, doanh thu của công ty này đã tăng gần 1,7 lần và lợi nhuận sau thuế tăng gấp hàng trăm lần (năm 2012 công ty chỉ lãi 215 triệu đồng).
Nửa đầu năm nay, kết quả kinh doanh tiếp tục tăng so với cùng kỳ. Trong đó, công ty đạt 264 tỷ đồng doanh thu, tăng 23%. Hiệu quả kinh doanh cũng được nâng lên khi biên lãi gộp đạt 56,8%, cao hơn mức 54,9% của năm trước”.
Bộ Y tế quy định các chỉ tiêu thuốc trị bệnh và chỉ tiêu nước sạch, riêng chỉ tiêu thuốc trị bệnh có cả một hệ thống chuyên gia có bằng cấp và chứng chỉ hành nghề y dược là BS kê toa, DS bán thuốc.
Trong khi hệ thống các đơn vị cung cấp nước sạch ở từng tỉnh, thành (có thể gây chết người hoặc nhiễm độc tập thể) thì do UBND địa phương ra quyết định bổ nhiệm hoặc công nhận, chẳng có một tiêu chuẩn nào về bằng cấp và chứng chỉ hành nghề!
Ghê rợn quá!
P/S: Do lãi lớn, Viwasupco trả thù lao cao cho Chủ tịch HĐQT 80 triệu đồng/tháng (chưa kể lương), thù lao thành viên HĐQT chuyên trách là 60 triệu đồng/tháng và thành viên HĐQT thường là 30 triệu đồng/tháng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét