Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2019

Lười và Hèn thì trưởng thành sao được

Lười và Hèn thì trưởng thành sao được

Sau buổi Hội thảo về Giáo dục Cánh Buồm tối 02/10/2019 tại L’Espace, một bạn trẻ gặp tôi, nói: Bây giờ cháu mới hiểu khái niệm Trưởng thành… Nhưng làm sao cho người trẻ sớm trưởng thành? Câu hỏi nêu lên vấn đề cốt lõi của GIÁO DỤC.
Luận điểm “Thế nào là giác ngộ”/ Khai sáng (die Aufklärung) của Immanuel Kant đã nói rõ, thế nào là TRƯỞNG THÀNH: “Giác ngộ là trạng thái ta thoát khỏi cảnh tự mình khư khư buộc mình trong tư thế kẻ chưa trưởng thành. Chưa trưởng thành là không có khả năng tự mình dùng hiểu biết của mình mà cứ phải có người dẫn dắt. Nguyên nhân của tình trạng đó không phải vì thiếu trí năng mà do thiếu quyết đoán, thiếu dũng cảm đem trí năng của mình ra dùng, bất cần đến kẻ khác phải chỉ bảo cho”… (Tr. 55. Hợp lưu các dòng Tâm lý học giáo dục, NXB Tri Thức, 2008).
TRƯỞNG THÀNH, tất nhiên phải xét cả các mặt Sinh học, Tâm lý, Xã hội, nhưng ở đây I. Kant muốn nhấn mạnh bản chất Tâm lý – Tinh thần của Con người, của Nhân cách. Muốn Trưởng thành con người phải có Tri thức, phải hiểu biết, có năng lực tư duy, gọi chung là TRÍ NĂNG và đủ DŨNG CẢM “đem trí năng của mình ra dùng, bất cần đến kẻ khác phải chỉ bảo cho”. Cho nên những người ít được học, nhất là LƯỜI tự học, lười suy nghĩ… “thiếu Trí năng” mà có Dũng cảm cũng dễ nói liều, làm liều, rất nguy hiểm! Còn người “Tri thức đầy mình”, có “Trí năng” nhưng HÈN, không dám nói đúng điều mình nghĩ, không dám làm việc đáng làm, không dám lên án, ngăn chặn việc biết là sai… cũng là “chưa trưởng thành”!
Tôi nghi là vào những năm 1930, Nhà thơ Tản Đà đã đọc luận điểm này của I. Kant nên ông mới viết: “Dân 25 triệu ai người lớn? Nước 4.000 năm vẫn trẻ con!”
Còn “LÀM SAO CHO NGƯỜI TRẺ SỚM TRƯỞNG THÀNH” là vấn đề rất CƠ BẢN và TO LỚN của cả THỂ CHẾ này, chứ không riêng gì nền Giáo dục.
Xét về mặt Tâm lý, Nhân cách, người thanh niên Hông Kong Hoàng Chi Phong hay Joshua Wong (tiếng Trung: 黃之鋒, sinh ngày 13 tháng 10 năm 1996) là một người Sớm -Trưởng- thành, lúc chưa đầy 20 tuổi đã đủ Trí năng và Dũng cảm, dám đem trí năng ra dùng vào cuộc đấu tranh vì Dân chủ của dân Hông Kong. Rồi anh trở thành một trong những thủ lĩnh của phong trào, đại diện cho Hồng Kong xông pha, nổi bật trên chính trường quốc tế…
Nhưng dưới con mắt của Thượng tá, nhà báo Nguyễn Văn Minh, người “còn Đảng, còn mình” thì viết: “KHÔNG NÊN GỌI TÊN NHÃI RANH MẶT DƠI MÕM CHUỘT HOÀNG CHI PHONG LÀ “NHÀ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI”… và khuyên thanh niên ta hãy ngoan ngoãn, chớ noi gương “xấu” Hoàng Chí Phong, muốn nói gì, làm gì đã có Đảng, Đoàn dẫn dẵt “chỉ bảo cho”!… Anh Thượng tá này nói rất thật lòng đấy; anh quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng đối với thanh niên ta như vậy đó. Nghĩa là muốn thanh niên đừng có Trưởng thành về mặt Tâm lý, Nhân cách, mà cứ to, khỏe, ngoan ngoãn, “Trên” bảo Nói gì, Làm gì, cứ thế mà Nói cho đúng, Làm theo cho khéo! Cấm không được KHÁC!
Chẳng nói Thanh, Thiếu niên làm gì, ngay những Trí thức hàng đầu đất nước như GS Nguyễn Mạnh Tường, GS Trần Đức Thảo… mà nói khác ý Đảng CS là quy cho tội “chống đảng”, cấm không cho nói, cho viết, cho làm cái gì công khai nữa!
Ngày nay “Đảng ta” mới có phát minh, gọi những người không nghĩ, không nói y như “ý Đảng” là “tự diễn biển”, “Tự chuyển hóa” trở thành “Suy thoái” “bất hảo”… (?), bị loại khỏi hàng ngũ “trí thức cách mạng”, có khi còn nói bóng gió, tung hỏa mù là “thế lực thù địch”, “phản động”(?)…
Cho nên những ai “thiếu Trí năng” mà “dũng cảm” rất được Đảng trọng dụng. Những ai có Trí năng nhưng đem ra dùng (nói và làm) phải đúng như Đảng dẫn dẵt “chỉ bảo cho” thì được tin dùng, còn khác đi là không được. Có nghĩa là cá nhân đừng có “Trưởng thành”; “Trưởng thành” là bị loại khỏi hàng ngũ!
Đến ngay Chủ tịch Quốc hội, Nguyễn Thị Kim Ngân, đại diện Cơ quan tối cao của Nhà nước cũng nói: “Luật về các Đặc Khu, Bộ Chính trị đã kết luận rồi, Quốc hội không thể không ra luật”. Các Đại biểu Quốc hội cứ theo “chỉ dẫn cho” mà ấn nút, như các cháu Mẫu giáo ấy! Thế là an toàn, hưởng lộc! Ai dại gì “Trưởng thành” cho khổ!
Vậy muốn thế hệ trẻ sớm Trưởng thành theo đúng nghĩa Tâm lý, Nhân cách, thì phải thay đổi căn bản nhiều thứ.
Giáo dục Cánh Buồm là một phương án về giáo dục có triển vọng, nếu được thực thi. Muốn con người sớm Trưởng thành (về mặt Tâm lý, Nhân cách) thì ngay từ Trẻ Mẫu giáo phải được TÔN TRỌNG, được TỰ DO SUY NGHĨ, TỰ DO BIỂU ĐẠT, TỰ DO LÀM những việc mình yêu thích trong môi trường văn hóa nhân văn. Nếu có gì “sai” thì cùng phân tích, tranh luận bình đẳng, có lý lẽ, chứng minh… để xác định đâu là “đúng hơn”, “hay hơn”…
Khi trẻ được hướng dẫn để tự do tìm hiểu, tự do khám phá để làm ra sản phẩm, rồi dùng lý lẽ để bảo vệ việc làm của mình, trẻ sẽ có NIỀM TIN vào bản thân. Có Tri thức, có Niềm tin vào việc mình làm, sẽ trở nên Dũng cảm… Và từ đó sẽ sớm biết Tự Định hướng hành động (biết mình muốn làm cái gì, làm thế nào và tại sao lại làm thế, chứ không làm khác), biết Tự thực hiện, Tự kiểm tra, Tự điều chỉnh hành động mà các em đã được huấn luyện trọng quá trình học tập. Tức là sớm Trưởng thành.
Nếu học sinh lớp Một học theo Sách giáo khoa và Phương pháp Cánh Buồm (trước hết là 2 môn Văn và Tiếng Việt), đến hết THCS phần lớn học sinh có thể Trưởng thành.
Nhưng nếu không đổi mới thể chế, thì các chàng thanh thiếu niên có Trí năng và Dũng cảm đem ra dùng này, liệu có được tiếp tục tự do phát triển để Trưởng thành hơn nữa không, hay lại bị thui chột?! Nên nhiều người cố cho con sang các nước Dân chủ để trẻ Trưởng thành trong môi trường tự do phát triển.
Trong bối cảnh như vậy, các bạn trẻ đừng chờ đợi, hãy tự GIÁC NGỘ bằng cách TỰ HỌC để có TRÍ NĂNG và DŨNG CẢM đem Trí năng ra dùng, không phải chờ đợi ai đó “chỉ bảo cho”! Đem Trí năng ra dùng, biết bảo vệ thành quả của mình, dù khó khăn, gian khổ, nhưng sẽ Trưởng thành hơn.
Một số hình ảnh:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét