Bài đăng nổi bật

Nhân sự chủ chốt cấp cao

  Nhân sự chủ chốt cấp cao. BCT đã có phương án chính thức về nhân sự chủ chốt trình trung ương đảng, dự kiến trung ương họp vào ngày 16-18 ...

Chủ Nhật, 6 tháng 10, 2019

Hải Dương 8 rất gần bờ biển Khánh Hòa và Phú Yên – Hội thảo Biển Đông đã được tổ chức ở Hà Nội

Hải Dương 8 rất gần bờ biển Khánh Hòa và Phú Yên – Hội thảo Biển Đông đã được tổ chức ở Hà Nội

BTV Tiếng Dân
7-10-2019
Facebooker Phạm Thắng Nam đưa tin: Tàu Hải Dương 8 đã bắt đầu thực hiện đường khảo sát thứ 5. Rạng sáng 6/10/2019, tàu “khảo sát” Hải Dương 8 đã quay đầu hướng lên phía Bắc và bắt đầu thực hiện đường khảo sát thứ 5, trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) Việt Nam, dọc theo bờ biển các tỉnh Nam Trung Bộ. “Đường khảo sát thứ 5 khá sát với đường khảo sát số 4, chỉ cách đường này 4,4 NM (khoảng 8,0 – 8,2 km). Các đường khảo sát 3, 4, 5 cũng khá sát nhau”.
Theo ông Nam, khoảng cách giữa đường khảo sát 5 với mũi đảo Hòn Lớn của huyện Vạn ninh, Khánh Hòa hoặc với mũi Đại Lãnh, xã Hòa Tâm, huyện Đông Hòa, Phú Yên là 90,5 hải lý, tức khoảng 166-167 km. Các đường khảo sát của Hải Dương 8 đều song song với các đường kinh tuyến. Mỗi lần Hải Dương 8 thực hiện một đường khảo sát mới là nhóm tàu này tiến sát hơn tới bờ biển Việt Nam. 
Bốn đường khảo sát những ngày vừa qua của tàu Hải Dương 8 ở vùng biển ngoài khơi TP Phan Rang, Ninh Thuận. Hải Dương 8 cũng bắt đầu đường khảo sát thứ 5. Nguồn: FB Phạm Thắng Nam
Về tình hình vùng biển Bãi Tư Chính, hiện vẫn bị các tàu hải cảnh Trung Quốc quấy phá. Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông đưa tin: Ngày thứ 112, tàu hải cảnh Trung Quốc chưa rời lô 06.1. Trong ngày 6/10/2019, các tàu hải cảnh 37111 và 31302 đã “giữ một khoảng cách nhất định tầm 4-5 hải lý và không có di chuyển chặn đường của tàu Crest Argus 5, mà chỉ nhởn nhơ đi loăng quăng như để khẳng định sự hiện diện của mình và chưa hề có ý định rút khỏi”.
Trang Dự án Đại Sự Ký Biển Đông có clip ghi lại diễn biến sự việc:
Ngày thứ 112, nghĩa là gần 4 tháng đã trôi qua, kể từ khi các tàu hải cảnh Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam ở khu vực Nam Biển Đông, ngoài khơi TP Vũng Tàu. Thông tin này khớp với mốc thời gian của mâu thuẫn Bãi Tư Chính do người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tuyên bố vào ngày 18/9. Dĩ nhiên, tuyên bố “chủ quyền” của Trung Quốc thì hoàn toàn vô giá trị. 
Các tàu hải cảnh Trung Quốc đã quấy phá EEZ của Việt Nam ở khu vực Nam Biển Đông được gần 4 tháng, trước cả khi Hải Dương 8 xuất hiện. Phía Việt Nam có cử tàu ra đối mặt nhưng chỉ dám phản ứng rất yếu ớt, hầu như để mặc Trung Quốc muốn làm gì thì làm. Cho nên, về mặt danh nghĩa thì khu vực này vẫn thuộc về Việt Nam, nhưng quyền kiểm soát thực tế đang chuyển dần vào tay Trung Quốc.
Báo Pháp Luật TP HCM đặt câu hỏi, từ đảo nhân tạo đến Địa chất hải dương 8: Trung Quốc muốn gì? Các hành vi mà tàu Trung Quốc đang thực hiện ngay trên lãnh hải các nước giáp Biển Đông, trong đó có Việt Nam, là: “Tuần tra biển, khảo sát trên biển, thăm dò và khai thác tài nguyên trên biển, đe dọa các lực lượng cảnh sát biển và ngư dân các nước. Hành vi sai trái của TQ được thực hiện ở những vùng là EEZ và thềm lục địa của các nước khác”.
Còn chuyện bồi đắp, vũ trang các đảo nhân tạo thì đã hầu như đã hoàn thành và chúng đã trở thành chuỗi căn cứ hậu cần quan trọng, phục vụ các hoạt động quấy phá, nhằm mục đích “khiến các nước chấp nhận sự hiện diện, khai thác kinh tế của họ tại vùng biển mà theo luật quốc tế họ không có chủ quyền, càng không có tranh chấp hay chồng lấn”.
***
Trước đó, chiều 5/10/2019, Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, thông báo, một tàu cá Việt Nam bị 3 tàu Trung Quốc truy đuổi trên biển Đông, báo Tiền Phong đưa tin. Khoảng 14h40 cùng ngày, “tại khu vực phía Nam Đông Nam tỉnh Khánh Hòa khoảng 112 hải lý, tàu cá BĐ 91386 TS của Bình Định bị 3 tàu Trung Quốc truy đuổi không cho đánh bắt. Thuyền trưởng tàu cá đã đề nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ”.
Hội thảo Biển Đông ở Hà Nội
Hội thảo khoa học về vùng biển bãi Tư Chính và luật pháp quốc tế, đã bị hoãn lại hôm 22/9/2019 cho qua quốc khánh Trung Cộng, cuối cùng cũng đã được tổ chức ở Hà Nội hôm qua 6/10/2019. TS. Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách PL và Phát triển, cho BBC biết, nhận thức của các đại biểu rằng: “Mất bãi Tư Chính là có thể dẫn đến mất Trường Sa và mất biển đảo sẽ dẫn đến mất nước“.
Hội thảo do Viện Nghiên cứu chính sách pháp luật và phát triển tổ chức, với sự tham dự của các chuyên gia và các nhân sĩ trí thức như: Hoàng Ngọc Giao, Chu Hảo, Lê Đăng Doanh, Phạm Chi Lan, Nguyễn Khắc Mai, Hoàng Quốc Hải, Phạm Huy Thông, Nguyễn Trung, Nguyên Bình, Nguyễn Đình Cống, Hoàng Việt, Đinh Hoàng Thắng, Vũ Hùng, Nguyễn Vi Khải, Nguyễn Văn Cương, Trần Thanh Vân, Nguyễn Quang Dy, Nguyễn Xuân Diện, Lê Mã Lương, Đào Tiến Thi, Phạm Viết Đào, Vũ Ngọc Hoàng, Thang Văn Phúc…
Nhà văn Hoàng Quốc Hải phát biểu: “Nhưng bây giờ thì dân và nhà nước như hai thế giới phân ly… Lòng dân lúc này như thời Hồ Quý Ly, nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ mất nước, mà cái tội này là cái tội ác không thể tha thứ, lịch sử không thể tha thứ cho bọn bán nước...”
TS Nguyễn Xuân Diện đưa tin, tướng Lê Mã Lương phát biểu: “Mất bãi Tư Chính là mất hết tất cả các đảo còn lại. Mất bãi Tư Chính trước hết là tội của Bộ Ngoại giao…”. Nhưng nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc không đồng ý. Ông Phúc viết: “Tôi không đồng ý với ý kiến của anh hùng Lê Mã Lương. Bộ Ngoại giao đã làm được rất nhiều việc nhưng một thằng làm, 10 thằng phá thì chịu đời sao thấu“.
Tướng Lê Mã Lương phát biểu tại hội thảo. Nguồn: Nguyễn Xuân Diện
Cũng theo TS Diện, Thiếu tướng Lê Văn Cương có trình bày tham luận tại hội thảo, mở đầu tham luận, tướng Cương lên án Tập Cận Bình và Mao Trạch Đông. Ông Cương nói: “Từng lỗ chân lông của Đặng Tiểu Bình thấm máu người Việt Nam“.
Dường như trong số các báo “lề đảng”, hiện chỉ có báo Pháp luật TPHCM đưa tin về hội thảo này: Chuyên gia đề xuất giải pháp ứng phó Trung Quốc ở biển Đông. Mặc dù báo “lề đảng” không đưa tin, người dân tìm cách đưa tin nhưng đã bị cản trở. RFA cho biết: An ninh tạm giữ các phóng viên độc lập đưa tin hội thảo Biển Đông.
Nhà hoạt động Lê Dũng cho biết: “Hơn chục người mặc thường phục đi trên hai xe bảy chỗ đã ập đến bắt giữ anh em chúng tôi đưa về trụ sở công an ở số 3 Nguyễn Gia Thiều… Họ tịch thu tất cả điện thoại, máy quay và các tài liệu ghi chép về hội thảo của chúng tôi”. Nhóm ông Lê Dũng bị các an ninh mặc thường phục bắt giữ khi họ đi ăn trưa sau hội thảo. Có một số tay an ninh cũng đã theo dõi và ghi hình buổi hội thảo này. 
_____

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét