Bàn về phát triển kinh tế
Nguyễn Đình Cống
Tác giả gửi BVN
Trước 1986, do Đảng Cộng sản phạm sai lầm về đường lối mà kinh tế Việt Nam lâm vào cảnh kiệt quệ. Đại hội 6 của Đảng đã kịp thời nhận ra, tiến hành cởi trói cho dân, mở cửa cho kinh tế tư nhân và nước ngoài để cứu nguy. Chỉ trong vài năm, nhờ sức lao động được giải phóng mà nền kinh tế khởi sắc, có gạo và dầu xuất khẩu, các nước đưa FDI vào, làm cho GDP tăng. Đảng CS dựa vào đó để tự hào về tài năng, sự sáng suốt của mình, ra sức khai thác để cầu danh và kiếm lợi. Đầu thế kỷ 21 nhiều người tiên đoán VN đang hóa hổ và chẳng bao lâu sẽ thành rồng. Đảng còn đặt kế hoạch ảo tưởng đến năm 2020 đưa VN trở thành nước công nghiệp, hiện đại.
Sự phát triển vội vàng về kinh tế làm cho một số người giàu lên, trở thành tư bản đỏ, một loại tư bản hoang dã, tàn bạo, làm cho đời sống vật chất của đại bộ phận nhân dân được cải thiện, xây dựng được nhiều công trình v.v… Nhưng rồi chính sự phát triển vội vàng ấy đã kéo theo, làm sản sinh ra không biết bao nhiêu tai họa. Vì sao vậy? Vì sự lãnh đạo và quản lý không theo kịp, để cho nó phát triển bừa bãi. Phải chăng đó là kết quả tất yếu của một sự độc quyền vừa tham vừa ngu.
Độc quyền và kiêu ngạo, không chịu lắng nghe những góp ý chân thành về cải cách thể chế chính trị cần tiến hành song song với phát triển kinh tế, để tạo ra nền dân chủ cần thiết, bảo đảm cho sự phát triển kinh tế đúng hướng, ngăn chặn sự tham nhũng quyền lực.
Tham danh và tham lợi. Tham được ca ngợi là tài giỏi, sáng suốt, đã đánh thắng trong chiến tranh thì việc gì cũng làm được, để bắt nhân dân chịu ơn, để mong thế giới khâm phục. Tham lợi cho cá nhân và phe nhóm, phải nhanh chóng vơ vét khi còn quyền lực.
Ngu là để cho cái lợi trước mắt làm mờ tâm trí, không thấy, không muốn nghe nói đến những cái hại kèm theo, hoặc có nghe, có nói tới nhưng không làm được gì có hiệu quả để ngăn ngừa. Rõ ráng nhất là việc “Phát triển bền vững”. Chính phủ thỉnh thoảng nói đến nhưng làm được rất ít, rất kém. Sự chụp giật, thu lợi trước mắt để hại về lâu dài, lợi cho số ít hại cho toàn dân, lợi một chút về kinh tế mà làm ô nhiễm nặng và phá nát môi trường, mà làm hủy hoại đạo đức, mà làm cho xã hội mất ổn định nhiều mặt.
Hỏi những người quản lý và toàn dân có thấy không những điều trên. Tôi tin là mọi người đều thấy cả. Thấy, nhưng tại sao không ngăn ngừa được, không khắc phục được một cách cơ bản các tác hại ? Phải chăng cũng chỉ tại độc quyền của tham và ngu.
Dự thảo báo cáo của đại hội Đảng 13, cũng như kế hoạch của Quốc hội, của Chính phủ đều đề cao việc phát triển kinh tế với tốc độ nhanh để tăng GDP, để theo kịp nước này nước nọ, được xếp ở vị trí cao. Người ta lập luận rằng phát triển nhanh nhưng phải bảo đảm bền vững, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Thực tế của VN chứng tỏ rằng “phát triển nhanh và bền vững” chỉ là câu khẩu hiệu suông, không thể nào thực hiện được.
Thử hỏi đại đa số dân Việt hiện nay đang cần gì nhất. Phải chăng họ cần nhà nước được trở thành ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ, họ cần VN xếp thứ hạng cao của thế giới về lĩnh vực nọ kia. Không, điều đó lãnh dạo cần, nhưng dân không cần. Dân cần tự do, hạnh phúc, tránh tai họa, tránh oan khuất, dân cần môi trường sống trong lành (môi trường vật chất cũng như môi trường đạo đức, tinh thần, văn hóa, chính trị xã hội)
Vì vội vàng phát triển kinh tế mà đã phá nát môi trường sống của nhân dân từ thành thị đến thôn quê, từ biển đảo, đồng bằng đến vùng núi. Nếu cứ tiếp tục phát triển kinh tế theo cách của tư bản hoang dã thì không thể khôi phục và bảo vệ môi trường. Có hô hào khản cổ thì cũng chỉ hô hào suông mà thôi.
Vậy phải chăng không cần phát triển kinh tế? Không, tôi không nói như thế. Phải phát triển kinh tế, nhưng theo cách khác. Thứ nhất là bỏ chủ trương “kinh tế quốc doanh là chủ đạo”, thứ nhì là bỏ “định hướng XHCN” trong kinh tế thị trường, thứ ba là để cho kinh tế tư nhân phát triển theo khả năng của họ, Nhà nước chỉ định hướng bằng thuế và một vài điều luật chứ không phải bằng chỉ tiêu, Nhà nước không cần tốn nhiều sức lực và tiền của để làm các kế hoạch, lập các chỉ tiêu mà phần lớn chẳng có giá trị gì trong thức tế..
Kế hoạch của Nhà nước cần tập trung vào những việc mà dân không thể làm chứ không phải quan tâm đến mọi công việc, mọi nhu cầu của dân. Quan trọng và cấp thiết trước mắt đối với Nhà nước là tinh giản, làm trong sạch và nâng cao chất lượng bộ máy chính quyền, từ đó tập trung xử lý các vấn đề về xã hội, về môi trường, là ngăn chặn các hành động cửa quyền và tham nhũng, triệt bỏ thủ đoạn trốn thuế và gian lận thương mại, ngăn ngừa sự lũng đoạn của gian thương nước ngoài và trong nước. Vấn đề sản xuất, buôn bán như thế nào, chỉ tiêu cụ thể, hãy để cho Phòng Thương mại và Công nghiệp cùng với các tập đoàn kinh tế lo liệu.
Quan trọng nhất của lãnh đạo kinh tế là hãy vì thực chất cuộc sống lâu dài của dân chứ đừng chạy theo danh tiếng hão chỉ nhằm mang lại danh và lợi cho số ít trước mắt mà để lại hậu họa cho đất nước, cho tương lai. Xin hãy suy nghĩ thật kỹ về phương hướng ưu tiên phát triển kinh tế khi chưa làm trong sạch được các loại môi trường, khi chưa trả được một phần đáng kể nợ công, khi chưa có được sự ổn định bền vững của xã hội.
Theo các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, xã hội Việt Nam đang rất ổn định. Tôi không tán thành nhận định đó. Sẽ xin có bàn luận trong bài viết gần đây.
N.Đ.C.Tác giả gửi BVN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét