Ai sẽ thay ông Nguyễn Phú Trọng làm Tổng bí thư? (Phần 1)
Hồng Hà
2-10-2019
Đại hội toàn quốc lần thứ 13 của Đảng cộng sản Việt Nam còn hơn một năm nữa mới diễn ra. Song, ngay bây giờ không khí đã nóng lên.
Theo lịch trình, ĐH đảng viên hoặc ĐH đại biểu đảng bộ cơ sở không quá 2 ngày; bắt đầu từ tháng 4/2020, hoàn thành trước ngày 30/6/2020. ĐH đại biểu đảng bộ cấp huyện và tương đương không quá 3 ngày; hoàn thành trước ngày 31/8/2020. ĐH đại biểu đảng bộ trực thuộc Trung ương không quá 4 ngày, hoàn thành trước ngày 31/10/2020.
ĐH đảng toàn quốc sẽ diễn ra trong quý I năm 2021.
Tháng 1/2016, đại hội 12 kết thúc, thắng lợi dành cho ông Nguyễn Phú Trọng; ông Nguyễn Tấn Dũng phải ngậm ngùi từ giã chính trường.
Trên hệ thống truyền thông và tuyên giáo của đảng, dẫn lời các lãnh đạo, rằng ĐH 12 đã bầu ra BCH mới, một tập thể vững mạnh, đoàn kết thống nhất chặt chẽ, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Rằng ĐH đã chọn lựa được những Uỷ viên Trung ương có tầm nhìn chiến lược, có trí tuệ, tư duy đổi mới, sáng tạo, ý chí chiến đấu cao, kỷ luật nghiêm minh, có tính đảng cao, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân; có uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong giai đoạn phát triển mới. Xem như đã chọn được “200 vì tinh tú”.
Hơn ba năm sau ĐH 12, kết quả như thế nào thì mọi người đã rõ. Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng, cùng 4 ủy viên Trung ương đương nhiệm bị kỷ luật: Nguyễn Xuân Anh, Trương Minh Tuấn, Trần Quốc Cường và Tất Thành Cang. Trong số đó, có 2 người bị bắt giam, 1 bị khai trừ.
Rồi thì hàng loạt sai phạm nghiêm trọng, bê bối liên quan đến nhiều lĩnh vực, tham nhũng, bảo kê tiếp tay tội phạm, lợi dụng chức vụ, quyền hạn đục khoét công quỹ, hư hỏng suy đồi về đại đức… Khốn nỗi, đối tượng vi phạm pháp luật lại là:
– Các cựu Uỷ viên Trung ương,
– Một số đại biểu Quốc hội,
– Tướng lĩnh cao cấp đương chức lẫn nghỉ hưu,
– Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý,
– Bí thư, Chủ tịch, Ban Thường vụ, lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố.
– Một số đại biểu Quốc hội,
– Tướng lĩnh cao cấp đương chức lẫn nghỉ hưu,
– Cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý,
– Bí thư, Chủ tịch, Ban Thường vụ, lãnh đạo Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố.
Đại hội 13 lần này được chuẩn bị khá sớm, khi ông Trọng ký hai văn bản:
– Quy định số 89-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
– Quy định số 90-QĐ/TW ngày 4/8/2017 của Bộ Chính trị về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
Vậy là chỉ hơn một năm sau ngày ĐH 12 bế mạc, lãnh đạo cấp cao đã “sắp quân cờ” cho ĐH 13.
Ngay trong phát biểu tại Kỳ họp thứ tư Hội đồng Lý luận Trung ương, nhiệm kỳ 2016 – 2021, sáng 23/12/2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu Hội đồng Lý luận Trung ương cần khởi động chuẩn bị cho việc xây dựng dự thảo Văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng. Ông Trọng cũng tiết lộ Hội nghị Trung ương 8 (tháng 10/2018) sẽ thành lập các tiểu ban chuẩn bị Đại hội 13 của Đảng. Hội nghị Trung ương 9 (tháng 5/2019) sẽ thảo luận Đề cương các văn kiện trình Đại hội 13.
Một loạt các văn bản ban hành trong đảng để chuẩn bị, giáo huấn, kiểm soát quyền lực và “răn đe” trước thềm đại hội 13. Nó cũng báo hiệu một kỳ đại hội không kém phần… sóng gió.
Quy định số 126-QĐ/TW, ngày 28/2/2018 của Bộ Chính trị: “Một số vấn đề về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng”.
Đây là văn bản đóng dấu “Mật”. Quy định 126-QĐ/TW gồm 06 chương, 25 điều, với các nội dung chính:
– Nêu rõ việc xem xét, kết nạp người vào Đảng; việc xem xét người vào cấp ủy, làm cán bộ chủ chốt và làm việc ở cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật;
– Kết nạp vào Đảng và bố trí sử dụng cán bộ, đảng viên có vấn đề về chính trị; việc ra nước ngoài, quan hệ với cá nhân, tổ chức nước ngoài…
– Quy định 126 của Bộ Chính trị áp dụng đối với cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị; người có nguyện vọng được xem xét kết nạp vào Đảng; cán bộ, đảng viên được đào tạo, quy hoạch, bổ nhiệm, giới thiệu để bầu vào cấp ủy, làm cán bộ chủ chốt, làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp và làm việc ở cơ quan, bộ phận, vị trí trọng yếu, cơ mật.
Ngày 30/5/2019, ông Trọng ký Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị ban hành, yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chuẩn bị và tiến hành đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, kèm 4 phụ lục về Tiêu chuẩn cấp uỷ, cơ cấu, độ tuổi và quy trình nhân sự.
Ngày 15/8/2019, ông Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư thay mặt Ban Bí thư đã ký Kết luận số 55-KL/TW của Ban Bí thư “Về việc tiếp tục chấn chỉnh công tác cán bộ để chuẩn bị tốt nhân sự đại hội đảng bộ các cấp và Đại hội XIII của Đảng”. Kết luận có nêu:
“Mỗi khi đến thời điểm chuẩn bị kết thúc nhiệm kỳ đại hội đảng bộ các cấp, công tác cán bộ lại xuất hiện biểu hiện ‘tư duy nhiệm kỳ’, ‘cục bộ’, ‘thân quen’, ‘lợi ích nhóm’, mất dân chủ, thiếu gương mẫu, ‘nể nang, dễ dãi’, ‘chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau’ trong quy hoạch, đề bạt, bổ nhiệm, thăng cấp bậc hàm, thực hiện chính sách đối với cán bộ… ”
Văn bản trên cũng chỉ rõ:
“Bên cạnh đó, có nơi, cấp uỷ viên, uỷ viên ban thường vụ, nhất là người đứng đầu cấp uỷ còn đủ điều kiện tái cử có hiện tượng giữ mình, né tránh, ngại va chạm, không chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ kế cận; thiếu tích cực triển khai các mặt công tác, nhất là những việc khó, nhạy cảm, phức tạp vì sợ “mất phiếu”, ảnh hưởng đến bản thân, gây ra sự trì trệ trong xử lý, giải quyết công việc chung. Cá biệt có nơi người đứng đầu đến tuổi nghỉ hưu, nhưng không chủ động chuẩn bị người thay thế; có cán bộ ý thức tổ chức kỷ luật kém, không chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền…
Kiên quyết không đề xuất, quyết định những nhân sự không bảo đảm tiêu chuẩn về độ tuổi, uy tín…; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mất đoàn kết, “cục bộ”, “lợi ích nhóm”; thiếu gương mẫu, không sẵn sàng chấp hành sự phân công, điều động của cấp có thẩm quyền; tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, gây thất thoát tiền bạc, tài sản của Nhà nước; phẩm chất, năng lực hạn chế, có biểu hiện “chạy chọt, vận động, tranh thủ lẫn nhau”; thiếu tích cực trong công tác, sợ trách nhiệm, “dĩ hoà vi quý”… và những biểu hiện khác được nêu trong Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị”.
Và như mọi người đã biết, ông Trọng là Trưởng Tiểu ban nhân sự, lẫn Tiểu ban Văn kiện ĐH đảng, cho ĐH 13. Và nếu ai còn mơ hồ về một tương lai “xoay trục”, “thoát Trung” sẽ hoàn toàn vỡ mộng, vì nó không tưởng, xa vời, gần như không thể xảy ra.
Ông Trọng và thượng tầng chính trị Việt Nam sẽ luôn kiên định:
– Về việc giới thiệu nhân sự, quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các chức danh lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước nhiệm kỳ 2021- 2026 ông Trọng chỉ đạo dựa trên nền tảng:
Giữ vững nguyên tắc, quy chế, quy định; phát huy dân chủ, trách nhiệm trong giới thiệu, chống các biểu hiện cơ hội, tham vọng quyền lực, “chạy chọt”, cục bộ, phe cánh…; cảnh giác với âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch phá hoại, gây rối nội bộ.
– Về chính trị và kinh tế, ông Trọng đã nhiều lần nói rõ quan điểm “đổi mới nhưng không đổi màu”, “phát triển nhưng không đi chệch hướng”.
Gần trưa 14/4/2019, khi phát biểu với cán bộ chủ chốt tỉnh Kiên Giang, ông Trọng nói: “Trước hết là nắm vững và xử lý tốt mối quan hệ giữa kiên định và đổi mới sáng tạo. Cụ thể là kiên định chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới, sự lãnh đạo của Đảng.
Kiên định không phải là bảo thủ, giáo điều, mà kiên định phải đi liền với đổi mới, sáng tạo. Kiên định mà không sáng tạo sẽ rơi vào bảo thủ, giáo điều; ngược lại, sáng tạo mà không trên cơ sở kiên định sẽ rơi vào chủ nghĩa xét lại, phiến diện, vô nguyên tắc“.
Không biết do tuổi già hay do lý luận rối mù, đầy mâu thuẫn như trên, mà ông choáng. Do bệnh nền cao huyết áp, hay ráp nắng trong ngày hôm trước, mà khi đang phát biểu, giọng ông bỗng lạc đi, líu lại và loạng choạng, đứng không vững.
Ông Trọng được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Kiên Giang tại số 46 đường Lê Lợi, phường Vĩnh Thanh Vân, Thành phố Rạch Giá gần đó, khoảng 15 phút bằng ô tô. Tại đây, ông được các bác sĩ hội chẩn xác định là đột quỵ. Chiều cùng ngày, ông Trọng được chuyển lên Bệnh viện Chợ Rẫy bằng trực thăng. Sau khi chụp MRI cắt lớp, kết luận đưa ra, ông Trọng bị đột quỵ thể “nhồi máu não” bán cầu phải. Tức là thiếu máu cục bộ (Ischemia) ở bán cầu não phải.
Có nghĩa ông không bị đột quỵ thể “xuất huyết não”. Một ngày sau, ông Trọng tỉnh táo nhưng liệt chi trái, méo miệng bên trái. Chiều 16/4/2019, ông Trọng được chuyển ra Hà Nội bằng chuyên cơ và nhập Quân y viện 108.
Sau một tháng được điều trị tích cực và vật lý trị liệu phục hồi chức năng, ông Trọng xuất hiện lần đầu trong cuộc họp với lãnh đạo chủ chốt của đảng và nhà nước vào 14/5/2019. Ông gầy đi, xanh xao, di chứng để lại tay trái yếu, chân trái đi cách hồi, không vững, dù miệng đỡ lệch hơn nhiều. Hôm ấy, ông phải ngồi trên ghế có đai giữ và trong cuộc họp Bộ Chính trị 21/6/2019, ông phải vịn tay ông Trần Quốc Vượng cho khỏi ngã.
Cho dù được báo chí lên gân tụng ca, được nhiều người đặt niềm tin, kỳ vọng, rằng tuổi tác không là vấn đề, họ chỉ mong muốn ông tái cử Tổng Bí thư khoá 13, nhưng tiếc thay, với tuổi già và bệnh tình hiện tại, ông Trọng đã lực bất tòng tâm. Ông Trọng hiểu rõ sức khoẻ mình, sẽ không muốn về với “thế giới” Lê Nin – Các Mác bằng cách gục xuống tại bàn làm việc như Trần Đại Quang, mà không kịp trăng trối một câu với vợ con.
Nhiều người còn hoài nghi, nhưng có đến 90% khả năng ông Trọng sẽ rút lui. Ông Trọng sẽ từ giã đỉnh cao quyền lực, về vui thú điền viên vào mùa xuân năm 2021. Vấn đề còn lại, ai sẽ là người thay ông, giữ chứ Tổng bí thư, Chủ tịch nước nhiệm kỳ 2021-2026?
(Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét